Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 1-1-2016] Theo tin tức tổng hợp từ trang Minh Huệ, kể từ ngày 24 tháng 5 đến ngày 31 tháng 12, tại thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây, đã có 300 học viên Pháp Luân Công đệ đơn kiện Giang Trạch Dân.

Các học viên cáo buộc cựu lãnh đạo độc tài của Trung Quốc đã phát động cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công và yêu cầu ông ta phải chịu trách nhiệm cho những tổn thất to lớn mà cuộc bức hại này đã gây ra cho họ. Các đơn kiện này được gửi tới Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao qua đường bưu điện.

Nhiều học viên đã kể lại việc Pháp Luân Công đã giúp họ hồi phục sức khỏe và cho họ một thế giới quan mới về cuộc sống như thế nào. Tuy nhiên, mong ước được sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn của họ đã tan vỡ khi vào năm 1999, Giang Trạch Dân phát động một chiến dịch trên toàn quốc nhằm xóa bỏ môn tu luyện này.

Chỉ vì từ chối từ bỏ đức tin của mình, họ đã bị bắt, giam giữ, tra tấn, bị lục soát nhà, bị chính quyền tịch thu tài sản cá nhân. Người thân của họ cũng bị liên lụy, một số người thậm chí bị buộc phải trả một khoản tiền phạt khổng lồ.

Các học viên Pháp Luân Công ở Hán Trung thuộc mọi tầng lớp xã hội, gồm cả các thương nhân, kỹ sư, những người nông dân bị tàn tật, và những người già cả đã nghỉ hưu.

Sau đây, chúng tôi tóm lược tiểu sử của một vài người trong số họ.

Một phụ nữ bị kết án chín năm tù

Khi bà Dương Hoa (杨华) bị kết án lao động cưỡng bức một năm vào năm 2003, con gái bà khi đó chưa đầy 13 tuổi. Ban đầu trường cấp hai không cho cháu nhập học, với lý do mẹ cháu đang bị giam giữ. Mặc dù hiệu trưởng đã mủi lòng sau đó nhưng đã quá muộn để bé gái này đuổi kịp chương trình học. Cuối cùng cháu đã phải bỏ học.

Bà Dương bị bắt lần nữa vào ngày 9 tháng 5 năm 2008. Cánh sát đã lục soát nhà bà, bới tung mọi thứ và lấy đi mọi vật dụng có giá trị của bà. Bà bị kết án chín năm tù giam vào năm 2009. Chồng và con gái bà hiện đang sống một cuộc sống khó khăn và đếm từng ngày mong đến ngày bà được trả tự do.

Một thương nhân bị bắt giữ ba lần và bị tra tấn

Ông Kính Lợi Hoa (敬利华), một thương nhân, bị bắt ba lần, và năm 2000 bị giam giữ hơn 70 ngày và năm 2009 là hơn 90 ngày. Năm 2003, ông bị kết án lao động cưỡng bức một năm ba tháng. Ông bị tra tấn tàn bạo, gây tổn thương nội tạng và đầu. Ông không ăn được, bị khó thở, và có máu trong phân. Các xương sườn mạn phải của ông cũng bị gãy, còn mắt bị sưng húp lên. Ông cũng bị nhốt trong một xà lim nhỏ, bị cấm ngủ và bức thực. Vì bị liên tục bức hại nên ông Kính phải đóng cửa nhà máy sản xuất mỳ sợi đang phát đạt của mình và kiếm sống bằng làm những việc vặt.

Sức khỏe của những người lớn tuổi được phục hồi sau khi tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công

Trần Tiểu Xuân, 92 tuổi, bà Phùng Thanh Liên, 80 tuổi và bà Trần Anh đã trở nên khỏe mạnh nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Khi cuộc bức hại bắt đầu, họ bị bắt phải dừng tu luyện Pháp Luân Công, và họ lại ốm yếu trở lại. Sau này khi họ tu luyện Pháp Luân Công trở lại, sức khỏe của họ lại tốt lên. Họ đang kiện Giang Trạch Dân bởi ông ta đã xâm phạm quyền được công khai tu luyện Pháp Luân Công của họ.

Hai người kiện Giang vì thường xuyên bị cảnh sát sách nhiễu

Ông Trần Hán Minh (陈汉明) từng bị tàn tật và ông Thạch Hồng (石洪) đã khỏi nhiều căn bệnh khó chữa và đề cao đạo đức thông qua việc tu luyện Pháp Luân Công. Nhưng họ đã liên tục bị sách nhiễu và bức hại nên cũng đang đệ đơn kiện Giang.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2016/1/1/321646.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/1/9/154726.html

Đăng ngày 19-01-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share