Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 3-12-2015] Cô Trần Quân Kiệt từng bị bắt giữ bảy lần và bị cầm tù hơn ba năm ở Nhà tù nữ Bắc Kinh vì tu luyện Pháp Luân Công. Cô từng bị ép xét nghiệm máu và kiểm tra y tế, và cô lo sợ rằng việc này có liên quan đến việc thu hoạch tạng từ các tù nhân lương tâm của chính quyền Trung Quốc.

Chồng cô Trần và cậu con trai đang tuổi niên thiếu, những người không tu luyện Pháp Luân Công, cũng bị bắt và giam giữ vì có quan hệ với cô Trần. Cậu con trai của cô bị giam giữ hơn một tháng, trong khi người chồng bị chuyển đến trại lao động cưỡng bức hai năm.

Cô Trần phải sống lang bạt kể từ tháng 4 năm 2015 để tránh bị bức hại thêm nữa.

Vào tháng 8 năm 2015, cô Trần gửi đơn kiện cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân, kẻ đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công kể từ tháng 7 năm 1999.

Cô Trần phải rời xa nhà vì liên tục bị bắt và giam giữ

Trước đây, cô Trần phải phụ thuộc vào thuốc giảm đau bởi bệnh viêm khớp khiến cột sống và các khớp xương của cô đau nhức, và cô còn bị bệnh tim. Tuy vậy, sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995, sức khỏe của cô đã được phục hồi hoàn toàn nên suốt 19 năm qua, cô không cần dùng đến một viên thuốc nào nữa.

Nhờ có môn tập này mà cô Trần phục hồi được sức khỏe, cô Trần rất tích cực lên tiếng cho Pháp Luân Công khi chính quyền Cộng sản phát động chiến dịch đàn áp pháp môn vào năm 1999. Cô thỉnh nguyện tại Văn phòng Kháng cáo Trung ương vào ngày 21 tháng 7 năm 1999, bị bắt và giam giữ trong một ngày. Ngày hôm sau, cô quay trở lại văn phòng kháng cáo một lần nữa và lại bị bắt và giam giữ thêm một ngày nữa.

Sau đó hơn nửa năm, vào tháng 9 năm 2000, cô Trần bị bắt giữ lần thứ ba khi đang kháng nghị cuộc bức hại Pháp Luân Công trên Quảng trường Thiên An Môn. Cô bị giam giữ một ngày, nhưng sáu tháng sau, cảnh sát địa phương đến gặp và đe dọa sẽ tống cô vào một trung tâm tẩy não.

Cô Trần phải rời khỏi nhà và di chuyển hết nơi này đến nơi khác, nhưng đến tháng 4 năm 2002, công an bắt và giam giữ cô tại một trại tạm giam trong 45 ngày. Sau đó công an chuyển cô đến trung tâm tẩy não, chín ngày sau đó cô đã trốn thoát. Tại thời điểm đó, cô đã tuyệt thực được 50 ngày và bị bức thực.

Trong khi cô Trần sống xa nhà, công an đã bắt cô vào ngày 27 tháng 9 năm 2003, dùng một chiếc “ghế đẩu nhỏ” để tra tấn cô, và nhốt cô phòng biệt giam hòng ép cô từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Sau đó cô Trần bị kết án ba năm tù giam, phần lớn thời gian thụ án của cô là ở Nhà tù nữ Bắc Kinh.

Ngày 21 tháng 7 năm 2010, bốn năm sau khi cô Trần được trả tự do, công an đã đột nhập vào nhà cô và bắt cô lần nữa. Họ giam giữ cô năm tháng trong các trại tạm giam, sau đó chuyển cô đến các trại lao động cưỡng bức trong hai năm rưỡi. Tuy nhiên, không trại lao động nào muốn nhận cô Trần bởi lúc đó sức khỏe của cô quá yếu. Do vậy, cô đã được thả ra để điều trị. Mấy tháng sau, vào ngày 29 tháng 6 năm 2011, công an lại bắt cô tại nhà và giam cô thêm 55 ngày nữa.

Ngày 21 tháng 4 năm 2015, công an lại tìm cách bắt cô Trần nhưng bất thành, bởi khi đó cô không ở nhà. Kể từ đó, cô buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.

Xét nghiệm máu ở Nhà tù nữ Bắc Kinh

Vào tháng 4 năm 2005, sau khi cô Trần bị kết án ba năm tù giam, cô bị đưa đến một đồn công an. Ở đó, tất cả các học viên Pháp Luân Công đều bị ép kiểm tra y tế, trong đó có xét nghiệm máu và điện tâm đồ, trước khi công an chuyển họ vào các phòng giam.

Cô Trần phải trải qua những kỳ kiểm tra y tế kỹ lưỡng hơn nữa tại Nhà tù Nữ Bắc Kinh. Ngoài việc xét nghiệm máu và điện tâm đồ, cô Trần phải chụp x-quang vùng ngực và khám phụ khoa. Họ chưa từng thông báo với cô kết quả xét nghiệm.

Những đợt kiểm tra sức khỏe như vậy được cưỡng chế tiến hành với mỗi học viên Pháp Luân Công bị giam tù. Nhưng không hề có một ai nhận được kết quả.

Trong khi đó, nhà tù tra tấn các học viên và bắt họ phải lao động chân tay nặng nhọc. Cô Trần phải đan áo len, và đóng gói đũa dùng một lần, và làm các hộp quà.

Chồng và con trai bị giam giữ

Năm 2002, khi cô Trần sống xa nhà để tránh bị công an sách nhiễu, chồng cô đã từ chối tiết lộ về nơi ở của cô với các nhà chức trách. Sau khi cô bị bắt năm 2003, chồng cô và cậu con trai đang ở tuổi đi học cũng bị bắt giữ. Con trai cô bị giam giữ hơn một tháng, và chồng cô bị kết án hai năm “cải tạo” lao động cưỡng bức.

Công an ép chồng và con trai cô Trần phải gây áp lực để cô phải từ bỏ Pháp Luân Công. Công an hành hung chồng và con trai cô, bắt họ phải mặc quần áo mỏng manh trong thời tiết lạnh giá. Chồng cô không thể chịu nổi tra tấn và đã nhiều lần đập đầu vào tường để cố gắng tự tử, khiến đầu của anh bị chấn thương.

Nơi làm việc của chồng cô Trần đã sa thải anh sau khi anh được thả ra khỏi trại lao động. Anh tìm một công việc khác để lo cho cuộc sống của mình và cậu con trai. Tuy nhiên, công an sách nhiễu ở nơi làm việc mới của anh trước thềm Olympics Bắc Kinh năm 2008, khiến anh lại bị sa thải một lần nữa.

Khi công an bắt giữ cô Trần tại nhà vào tháng 7 năm 2010, họ cũng bắt luôn cả chồng cùng con trai cô và giam giữ họ trong một ngày.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/12/3/319526.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/12/15/154100.html

Đăng ngày 26-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share