Bài viết của một học viên Việt Nam

[MINH HUỆ 08-05-2014]Trước khi tu luyện tôi là người “nghiện” các mạng xã hội. Kể cả khi bước vào tu luyện tôi vẫn không thể coi nhẹ và đoạn tuyệt với nó được. Một ngày nếu không vào vài lần thì có lẽ ngày đó cảm thấy không yên. Tuy rằng vẫn biết đó là một chấp trước rất không tốt nhưng không dứt ra được.

Gần đây trong lúc học Pháp, khi đọc đến đoạn Pháp này, tôi đã cảm thấy chấn động:

“…Chư vị nói rằng là sở thích bên ngoài. [Thế thì] tôi nghĩ chư vị tốt nhất thu cái tâm này lại! Tôi cần có trách nhiệm với chư vị, tu Phật là nghiêm túc. Cho nên chư vị tốt nhất dùng tinh lực của mình để nghiên cứu Pháp này, chư vị sẽ thu được lợi ích vô biên, bất kỳ học vấn nào cũng không thể so sánh với Pháp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996]).

Mặc dù trước đó tôi luôn ý thức được rằng việc tu luyện là nghiêm túc nhưng chỉ khi đọc xong đoạn Pháp này, tôi mới giật mình tỉnh ngộ. Điều đầu tiên tôi nghĩ tới lúc đó là: tôi đang phí thời gian và công sức một cách vô ích vào mạng xã hội. Lúc đó tôi đã quyết tâm buông bỏ chấp trước này. Tôi nên dành thời gian đó để làm tốt ba việc. Tôi sẽ nhận được những lợi ích to lớn vô biên nếu thực sự đặt tâm vào việc học Pháp.

Thật lạ sau đó khi tôi đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội của mình, nó đã không hoạt động, mặc dù tôi đã thử đi thử lại nhiều lần nhưng vẫn không thể đăng nhập được. Tôi nghĩ rằng đó không phải là việc ngẫu nhiên. Sư phụ đã điểm hóa cho tôi để tôi buông bỏ nó đi. Vậy là sau hôm đó tôi đã không đăng nhập vào đó nữa, cũng không còn cảm giác hứng thú với nó nữa.

Sau hôm đó tôi đã suy xét một cách trầm tĩnh mọi việc. Tại sao tôi lại chấp trước vào nó một thời gian dài như vậy mà không buông bỏ?

Thứ nhất, vì ban đầu tôi nghĩ rằng đây là một nơi có thể giao lưu, tiếp cận với một lượng lớn người dùng; có thể là môi trường tốt để tôi hồng Pháp và giảng chân tướng. Vì vậy tôi đã chủ động kết bạn với rất nhiều người. Chỉ trong một thời gian ngắn, danh sách bạn bè của tôi đã lên tới gần 1000 người. Ban đầu tôi kiên trì đăng những bài viết, bức ảnh, v.v… có liên quan đến Pháp Luân Công với hy vọng mọi người sẽ qua đó minh bạch chân tướng. Mọi việc đã diễn ra không như tôi nghĩ vì tôi có chấp trước truy cầu kết quả. Tôi đã không lý trí trong việc đó. Người thường cho rằng tôi bị mê muội khi thấy tôi suốt ngày đăng những tin như vậy. Có người thậm chí còn hủy kết bạn với tôi. Các bài viết mà tôi đăng gần như chẳng được ai quan tâm ngoài các học viên; thỉnh thoảng họ cũng nhấn nút “thích” bài đăng của tôi. Chính điều này đã khiến tôi kiên trì một cách vô ích và mù quáng.

Thứ hai, tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng mặc dù là người tu luyện,  tôi vẫn phù hợp tối đa với người thường; tôi cũng dùng mạng xã hội như tất cả mọi người. Thỉnh thoảng tôi cũng tán gẫu hay bình luận một cách thái quá với người thường. Tôi cũng hay chia sẻ những chuyện vui, buồn, chuyện công việc, gia đình…trên đó với hy vọng nhận được sự quan tâm của mọi người. Nếu không có ai bình luận hay quan tâm gì tôi thấy không vui; mỗi khi có ai bình luận tôi đều cảm thấy rất vui thích và rất sốt sắng để trả lời họ. Tâm trạng tôi lúc lên lúc xuống, luôn ở trạng thái thấp thỏm chờ đợi, mong muốn có ai đó quan tâm đến mình. Những lúc như thế tôi đã không nhận ra mình đang hướng ngoại mà cầu. Thay vì dành thời gian vô ích cho việc đó tại sao tôi không dành thời gian để học Pháp nhiều hơn? Người tu luyện lẽ nào lại còn ham hố với trò giải trí tầm thường như thế? Tôi có khác chi người thường đâu?

Nguyên nhân thứ ba khiến tôi chấp trước vào mạng xã hội đó là, hiện nay có khá nhiều học viên chúng ta lập ra các nhóm nhỏ để chia sẻ trên đó. Tôi cũng tham gia các nhóm đó với xuất phát điểm là sẽ giúp đỡ nhau đề cao nhanh hơn. Nhưng cho đến nay tôi nhận thấy hiệu quả không như mong đợi.

Trên bề mặt, tôi nghĩ rằng sẽ sử dụng mạng xã hội với một mục đích chân chính nhưng ẩn sâu trong đó là chấp trước muốn chứng thực bản thân, ham thích truy cầu những điều mới lạ, chấp trước an dật và lười biếng. Hướng nội sâu hơn, tôi cũng nhận ra rằng chấp trước vào mạng xã hội có thể làm tăng trưởng các tâm như hiển thị, tật đố, tranh đấu, sắc dục…lên rất mạnh. Tà ác sẽ lợi dụng chấp trước này để phóng đại các chấp trước kia lên, làm cho người tu luyện hoàn toàn bị mê lạc và mất phương hướng.

Có một học viên nói với tôi rằng, khi tham gia các nhóm chia sẻ trên mạng xã hội sẽ làm chúng ta đề cao nhanh hơn; vì ở đó chúng ta sẽ có cơ hội để chia sẻ với rất nhiều người với các tâm thái khác nhau; đó là một môi trường tu luyện tốt. Nhưng tôi lại nghĩ, chính việc đó đã tạo ra một môi trường tu luyện bất thuần. Vì tôi nhận thấy hầu hết thành viên của các nhóm này đều không biết mặt nhau; đều là “ảo”. Vì vậy không loại trừ khả năng có đặc vụ hay những kẻ lợi dụng trà trộn vào và nói những lời phỉ báng Đại Pháp, kích động cũng như chia rẽ chỉnh thể học viên. Tôi đã từng chứng kiến nhiều việc như vậy.

Tâm tính những người tham gia nhóm là khác nhau. Có những người ngôn từ rất bất hảo, trích Pháp của Sư phụ một cách tùy tiện, đoạn chương thủ nghĩa…dẫn đến tình trạng loạn Pháp nghiêm trọng. Có người thậm chí chấp trước quá vào nó mà không tham gia học Pháp nhóm.

Tệ hơn nữa, có nhiều người còn tùy tiện sử dụng ảnh Sư phụ, đồ hình Pháp Luân, sách Chuyển Pháp Luân… làm ảnh đại diện của mình. Có một học viên lấy ba từ “Chân – Thiện – Nhẫn” để làm tên của mình. Tôi đã góp ý với học viên này nhưng không nhận được câu trả lời. Có thể mục đích ban đầu của những cá nhân này là tốt, muốn gửi gắm đến cho mọi người một thông điệp tốt đẹp. Nhưng chúng ta không thử nghĩ sâu xa xem việc đó liệu có phù hợp? Việc sử dụng ảnh Sư phụ, ảnh Pháp Luân hoặc bất cứ thứ gì thuộc về Đại Pháp một cách tùy tiện đều là loạn Pháp. Hơn nữa lại dùng làm ảnh đại diện cho mình lại là hành động vô cùng bất kính. Không ai có thể đại diện cho Sư phụ và Đại Pháp được. Có học viên còn ghi trong phần hồ sơ cá nhân của mình là đang làm việc tại Pháp Luân Đại Pháp, coi Đại Pháp như thể là một công tác nào đó ngoài xã hội. Điều này không khỏi dẫn đến hiểu lầm từ người thường. Và cũng giống như nguyên nhân thứ hai tôi nêu ở trên. Những ai tham gia vào những nhóm chia sẻ như thế này tâm trạng lúc nào cũng không yên, lúc nào cũng ôm giữ một hy vọng rằng có ai đó quan tâm đến chia sẻ của bản thân mình. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc học Pháp; không thể tĩnh tâm khi học Pháp, dẫn tới việc học Pháp kém hiệu quả. Tôi đã thấy có người vừa học Pháp online vừa dùng mạng xã hội. Đó là một hành vi khinh nhờn đối với Thần và bất kính đối với Pháp.

Ngoài ra mạng xã hội là một nơi rất không bảo mật. Thông tin người dùng rất dễ bị trộm và bị theo dõi. Đây cũng là nơi giúp tà ác tuyên truyền những thông tin sai lệch.

Học viên A đã đăng một bức ảnh một nhóm học Pháp, luyện công lên mạng xã hội của mình mà không được sự đồng ý của nhóm học viên kia. Bức ảnh này đã nhanh chóng được phát tán trên mạng. Sau đó những người có mặt trong bức ảnh đó đã bị chính quyền can nhiễu nghiêm trọng.

Học viên B rất không lý trí trong việc bảo mật khi vô tư hỏi các học viên khác cách in tài liệu như thế nào, ở đâu và xin số liên hệ của từng người. Nhiều người đã hùa theo một cách mù quáng.

Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó. Có học viên nói với tôi rằng, thông qua mạng xã hội họ đã giúp được rất nhiều người minh bạch chân tướng, có người thậm chí còn đắc Pháp và trở thành một đệ tử Đại Pháp chân chính. Nhưng so với tác dụng phản diện từ mạng xã hội đem lại thì con số đó quả là quá nhỏ. Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn đến những việc lớn một cách đường đường chính chính, nên thu cái tâm đó lại.

Chính Pháp đang tiến tới rất mau lẹ. Những điều chúng ta đang chờ đợi đã và đang triển hiện ở thế gian. Tôi thấy rất nhiều các đồng tu của chúng ta không quản gian khổ, nắng mưa, thức khuya dậy sớm để đi tìm người Trung Quốc phân phát các tài liệu và giúp họ thoái Đảng. Nỗ lực và chính niệm của họ khiến Thần cũng bội phục.

Các đồng tu, những ai còn đang chấp trước và mạng xã hội, mọi người hãy trầm tĩnh suy nghĩ lại xem, việc đó có đáng để chúng ta tốn thời gian hay không?

Đến đây tôi chợt nhớ đến đoạn Pháp mà Sư phụ giảng:

“Phật gia không giảng uống rượu, chư vị thấy ông Phật nào mang theo bình rượu không? Không.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi bỗng có một liên tưởng thế này: “Nghiện” mạng xã hội cũng giống như nghiện rượu vậy. Đó là một thứ dục vọng chà xát khiến con người khó dứt ra được. Chúng ta cũng không thấy ông Phật nào suốt ngày ôm máy tính và lướt web cả.

Trên đây chỉ là thể ngộ cá nhân của tôi ở tầng thứ sở tại của mình. Rất mong các đồng tu chỉ ra những điều chưa phù hợp.

Share