[MINH HUỆ 16-11-2015] Con xin kính chào Sư Phụ từ bi tôn kính!

Chào các bạn đồng tu!

Tôi xin chia sẻ cùng các bạn đồng tu những trải nghiệm trên con đường tu luyện của bản thân trong những năm qua. Còn rất nhiều hạn chế và thiếu sót, mong các đồng tu từ bi chỉ ra những điều chưa phù hợp, giúp tôi đề cao hơn trong tu luyện.

1. Bố tôi năm lần tai biến mạch máu não vẫn bình thường không để lại triệu chứng gì

Tôi tu luyện trong một thời gian dài nhưng chưa hồng Pháp được cho người trong gia đình. Trong gia đình, ngoài tôi ra thì bố tôi cũng là một người có duyên với Đại Pháp, nhưng mãi tới cuối năm 2014, sau khi tôi đã tu luyện hơn chín năm, bố tôi mới thực sự kết được duyên, trở thành đệ tử của Sư Phụ.

Trước khi đắc Pháp, bố tôi là một người tin theo thuyết vô Thần, ông luôn bám cứng cái lý: “thấy mới tin, không thấy không tin”, có những lúc ông thấy rồi nhưng vẫn không tin.

Khi tôi tu luyện được hơn một năm, có lần tôi đưa cho ông cuốn Cửu Bình để ông đọc. Vừa đọc thấy tiêu đề cuốn sách, ông nói ngay: “đây là nói xấu ĐCSTQ rồi còn gì”. Tôi liền nói với ông: “Những chuyện lịch sử con không trải qua con không biết, ba là người đã trải qua rồi, ba hãy giúp con xem trong cuốn sách này họ nói thật hay là không.” Khi đó ông mới chịu đọc hết cuốn cửu bình, khi đọc xong ông nói với tôi: “Những điều viết trong sách đều có thật.” Từ đó tôi đã biết rằng ông là người có cơ duyên.

Nhiều lần tôi cố gắng hồng Pháp cho ông, nhưng ông vẫn không phá khỏi cái khung vô Thần để bước vào Đại Pháp. Tôi thường để những tài liệu Đại Pháp, từ sách, kinh văn, cả tài liệu giảng chân tướng ở những nơi ông dễ nhìn thấy nhất. Và tôi thấy thỉnh thoảng ông cũng lấy đọc. Cuốn Chuyển Pháp Luân ông cũng đọc được ba lần, nhưng duyên của ông với Đại Pháp vẫn chưa kết được.

Cho đến năm 2013, ông bắt đầu gặp nhiều khổ nạn, tai nạn xe máy, bệnh tật, và nhất là ông bị tai biến mạch máu não, trượt ngã xuống. Khi ông ở trong bệnh viện, tôi vào chăm sóc ông và thường nói với ông niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”, đồng thời tôi cũng mở audio Chín bài giảng Pháp ở Quảng Châu cho ông nghe. Sau gần hai tuần điều trị ở bệnh viện trở về, cơ thể ông không có biểu hiện gì cho thấy ông từng bị tai biến. Tự trong tâm, tôi thầm cảm ơn Sư Phụ từ bi đã bảo hộ cho bố tôi vượt qua khổ nạn. Tôi chia sẻ với ông về sự từ bi của Sư Phụ, nhưng có thể cơ duyên của bố tôi chưa thực sự kết, cũng có thể cái khung vô Thần bao bọc bố tôi quá lớn nên ông chưa bước vào tu luyện được.

Giữa năm 2014, ông bị tai biến lần thứ hai sau một lần khi ông đang đi xe máy trên đường và trượt ngã xuống. Lần này sức khỏe của ông yếu hẳn đi, những ngày đầu vào điều trị tại bệnh viên, ông không đi lại được. Mọi người trong gia đình tôi đều lo lắng cho ông, vì rất ít trường hợp bị tai biến lần hai mà có thể thể đi lại được bình thường. Tôi lại là người thường xuyên vào bệnh viện để chăm sóc ông, tôi lại nói chuyện với ông về Đại Pháp, về Sư Phụ từ bi của chúng ta, tôi cũng khuyên ông luôn niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”. Ông bắt đầu niệm, và cũng nghe audio các bài giảng Pháp của Sư Phụ. Lần này thì ông chủ động nghe Sư Phụ giảng. Sau hơn một tuần điều trị, ông trở lại trạng thái bình thường và trở về nhà. Một lần nữa, ông lại được Sư Phụ từ bi bảo hộ vượt qua ma nạn.

Sau lần đó, ông đã bước vào tu luyện Đại Pháp và được Sư Phụ thanh lọc cơ thể qua nhiều phương diện. Có những trạng thái biểu hiện ra hàng tuần, vài tháng nhưng ông không chia sẻ với ai, mà tự bản thân đối diện. Vào buổi trưa một ngày gần Tết năm 2015, ông được Sư Phụ thanh lọc căn bệnh tai biến cho ông, đây là lần thứ ba. Ông đang đứng thì bỗng nhiên lảo đảo, trượt ngã xuống, biểu hiện ra như bị tai biến vậy, toàn thân co giật, miệng méo xệch đi, sùi bọt mép và thậm chí là không kiểm soát được tiểu tiện. Mẹ tôi thì rất lo lắng và sợ hãi. Tôi biết đây là Sư Phụ thanh lọc cho ông, nên tôi nói với mẹ tôi rằng sẽ không có việc gì với ông cả. Đồng thời tôi thầm niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”, tôi cũng nói thầm vào tai ông: “Nếu ba nghe được lời con nói, thì hãy niệm trong tâm Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo.” Tình trạng đó diễn ra gần một tiếng đồng hồ thì ông tỉnh lại, ông tự mình đứng dậy mặc dù rất khó khăn. Mẹ và anh trai tôi dìu ông đi, nhưng ông bảo ông không sao và tự mình có thể đi được. Sau đó ông đi vào giường và nằm nghỉ. Đến bữa cơm tối hôm đó ông đã dậy dùng cơm cùng với cả gia đình. Hai ngày sau ông đã có thể bổ củi để chuẩn bị cho nồi bánh chưng ngày tết.

Vào đầu năm 2015, ông được Sư Phụ thanh lọc thêm hai lần nữa. Biểu hiện của những lần thanh lọc đều giống như biểu hiện của người bị tai biến, chỉ có khác là nó xảy ra trong khoảng thời gian vài giờ đến một ngày, sau đó ông trở lại bình thường. Hiện nay ông rất tích cực trong tu luyện và mở một điểm học Pháp chung ở nhà chúng tôi. Đối với người trong gia đình tôi, mọi người đều nói rằng đây là một điều kỳ diệu, một người trải qua năm lần bị tai biến mà không có biểu hiện nào để lại, nhìn bố tôi bây giờ không ai nghĩ rằng ông đã từng bị tai biến. Riêng tôi và bố tôi thì hiểu rõ, ông chỉ bị hai lần nhưng đều được Sư Phụ từ bi bảo hộ, ba lần sau là được Sư Phụ thanh lọc khi ông đã bước vào tu luyện.

Con xin cảm tạ ơn từ bi khổ độ của Sư Phụ đã cho con trở thành đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp, sự bảo hộ của Sư Phụ đối với bố con và dẫn dắt bố con bước vào con đường tu luyện. Tự sâu thẳm trong tâm, con kính dâng lên Người lòng biết ơn vô hạn, nguyện hoàn thành lời thệ ước, trợ Sư Chính Pháp, cứu độ chúng sinh theo Sư Phụ trở về.

2. Phối hợp vô điều kiện khi tham gia các hạng mục Đại Pháp

Tôi tham gia nhiều hạng mục ở địa phương cũng như phối hợp các hạng mục lớn giữa các vùng miền. Trong quá trình phối hợp, tôi luôn giữ được tiêu chí: “phối hợp vô điều kiện” với khả năng mình có thể. Khi phối hợp, tôi luôn chia sẻ những thể ngộ của mình với các điều phối viên nếu tôi thấy những thể ngộ của mình có thể giúp cho hạng mục tốt hơn. Khi những chia sẻ của tôi không được tiếp nhận, thì tôi cũng không để trong tâm, và vẫn phối hợp một cách vô điều kiện. Khi có thể, tôi âm thầm bổ khuyết những điểm chưa được tốt để giúp hạng mục được hoàn thiện. Với tâm thái phối hợp như vậy, tôi đã hòa mình trong chỉnh thể, phối hợp các hạng mục cùng các đồng tu khác một cách thuận lợi và đạt hiệu quả nhất định, không có bất kỳ xung đột nào giữa tôi và các đồng tu tham gia hạng mục.

Ở địa phương, tôi là một phụ đạo viên và cũng là người tu luyện lâu năm, nên các đồng tu thường nhìn vào tôi và cũng thường lấy những chia sẻ của tôi như là những quyết định cho các việc. Trong khi phối hợp các hạng mục hoặc các sự kiện, các đồng tu ở địa phương xem quyết định của tôi như là quyết định cuối cùng. Theo thời gian, sự tình này đã gieo mầm trong tôi những chấp trước mà tôi không tự nhìn thấy. Nó trở thành như một thói quen, hễ khi thực hiện các hạng mục hay các sự kiện, chỉ cần tôi chia sẻ phương án là các đồng tu đều thuận theo để thực hiện. Từ đó, khi có sự kiện hay công việc gì, tôi đều tự quyết định mà ít chia sẻ với các đồng tu ở địa phương, tự đưa ra các phương án. Tôi bắt đầu không còn cân nhắc đến các vấn đề an toàn, bảo mật, và một số các phương diện khác như trước đây.

Những thiếu sót đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hạng mục cũng như các sự kiện ở địa phương chúng tôi. Lần đó chúng tôi tổ chức một cuộc giao lưu lớn trong khu vực. Tôi đã không cân nhắc đến sự an toàn và bảo mật, cũng như không chia sẻ với các điều phối viên trong khu vực để lên phương án, mà tự mình quyết định mọi việc. Kết quả là đến gần buổi giao lưu, tà ác đã lợi dụng sơ hở và can nhiễu khiến chúng tôi không có địa điểm để tổ chức. Lần đó chúng tôi đã không tổ chức được sự kiện. Thiếu sót đó như một gậy cảnh tỉnh đối với tôi. Khi được nghe một đồng tu chia sẻ về tình huống của một đồng tu khác rằng, đồng tu ấy đã tự xem mình là số một, luôn không muốn nghe những chia sẻ của đồng tu khác và tạo nên nhiều tổn thất cho Đại Pháp. Tôi giật mình nhận thấy rằng mình cũng có những cái tâm đó mà bấy lâu nay không nhận ra. Tuy rằng tôi không tự nghĩ mình như đồng tu kia, nhưng việc các đồng tu ở địa phương luôn xem quyết định của tôi như là quyết định cuối cùng trong một thời gian dài đã hình thành nên những tâm đó trong tôi mà tôi không tự biết. Tôi bắt đầu quy chính lại bản thân mình từ việc đề cao trong tu luyện cá nhân đến phối hợp chỉnh thể trong các hạng mục Đại Pháp.

Sau này, khi chúng tôi phối hợp bất cứ hạng mục hay sự kiện gì, tôi đều luôn chia sẻ với các điều phối viên trong khu vực, cùng thảo luận để thực hiện được tốt hơn. Với những sự kiện mà tôi làm điều phối chính, tôi luôn lắng nghe những chia sẻ của các đồng tu, phân phối công việc một cách hợp lý, tránh tình huống tự mình quyết định một sự việc nào đó. Những điều chỉnh đó đã giúp chúng tôi thực hiện tốt rất nhiều sự kiện và hạng mục, và chỉnh thể cũng được đề cao lên qua quá trình phối hợp.

Chúng tôi đã tổ chức được một sự kiện cho các đồng tu ở nhiều tỉnh, thành phố trên diện rộng giao lưu chia sẻ tâm đắc thể hội trong tu luyện. Chúng tôi lập nhóm điều phối, đều là những đồng tu chưa có kinh nghiệm về tổ chức sự kiện, và cũng chưa biết từng bước thực hiện như thế nào. Chúng tôi đã phối hợp với nhau, chia sẻ để cùng đưa ra các phương án. Tôi được phân làm điều phối chính. Từ bài học lần trước, tôi đã lập kế hoạch cho sự kiện thành nhiều phân mục và giao trách nhiệm cho các đồng tu điều phối các phân mục đó. Chúng tôi từng bước, từng bước lên kế hoạch, phối hợp vô điều kiện với nhau, vai trò của tôi khi đó không còn là người quyết định chính nữa mà tôi đóng vai trò như là trợ lý cho các điều phối của các phân mục. Sự phối hợp đó đã giúp chúng tôi tổ chức thành công sự kiện.

Gần đây chúng tôi lại phối hợp với nhau trong một hạng mục giảng thanh chân tướng cho người Trung Quốc qua mạng Internet. Ban đầu cũng có những bất đồng trong nhóm điều phối. Chúng tôi thường xuyên chia sẻ với nhau, cùng học Pháp chung để giảm giãn cách giữa các điều phối viên trong nhóm, dần dần chúng tôi hiểu nhau hơn và phối hợp tốt hơn. Hiện giờ hạng mục chúng tôi đang thực hiện đạt hiệu quả cũng rất khả quan, những thành viên tham gia hạng mục đều có cảm giác như đang cùng nhau làm việc trong một gia đình. Chúng tôi đã cân bằng được giữa tu luyện, hạng mục, và công tác xã hội. Đạt được kết quả đó cũng là nhờ sự phối hợp vô điều kiện của các điều phối viên và các học viên tham gia hạng mục. Chúng tôi lấy trợ Sư chính Pháp, cứu độ chúng sinh làm căn bản để cùng nhau phối hợp, bỏ qua những vướng mắc cá nhân để đem cơ hội đến cho những chúng sinh đang chờ đợi được đắc cứu.

3. Lấy điểm học Pháp, luyện công chung làm cơ sở trong chứng thực Pháp và loại trừ can nhiễu

Từ năm 2008, ở địa phương chúng tôi bắt đầu có những điểm học Pháp, luyện công chung. Vì là khu vực nông thôn nên không có điểm luyện công ở ngoài trời, nên chúng tôi tổ chức điểm luyện công ở nhà các đồng tu. Từ những triển hiện trong cải biến về sức khỏe cũng như tinh thần mà Đại Pháp mang đến cho các học viên, số người bước vào tu luyện Đại Pháp ở địa phương chúng tôi ngày một tăng lên, và chúng tôi đã mở nhiều điểm học Pháp chung, luyện công chung. Chúng tôi thường có những buổi giao lưu, chia sẻ qua lại giữa các điểm học Pháp, luyện công với nhau.

Năm 2014, địa phương chúng tôi xảy ra can nhiễu khiến các điểm học Pháp, luyện công chung không duy trì được. Dưới sự tuyên truyền vu khống, lừa dối của tà ác, người dân trong địa phương có những hiểu lầm đối với những người tu luyện Đại Pháp. Các tâm chấp trước của học viên trong địa phương, ngay cả những học viên tu lâu cũng biểu hiện khá nổi cộm, tạo sơ hở cho tà ác dùi vào can nhiễu khiến các điểm học Pháp, luyện công chung không được duy trì. Phần lớn các học viên đều học Pháp, luyện công ở nhà, không còn đến điểm học Pháp chung, có những điểm học Pháp chung người phụ trách vì nhân tâm biểu hiện ra nên rơi vào tình trạng bế tắc… Ở địa phương chúng tôi lúc đó số học viên kiên định tinh tấn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chúng tôi đã ngồi lại với nhau, chia sẻ để tìm giải pháp nhằm duy trì các điểm học Pháp chung. Một mặt chúng tôi thực hiện các việc để giảng chân tướng cho chính quyền và người dân ở địa phương, mặt khác chúng tôi đi chia sẻ với các đồng tu ở địa phương để giúp các đồng tu lấy lại chính niệm, kiên định giữ vững điểm học Pháp chung. Tuy nhiên, việc giảng chân tướng cho người dân gặp những khó khăn, vì họ đã bị những lời tuyên truyền lừa dối, vu khống làm mê mờ, nên không dễ tiếp nhận thông tin từ các học viên. Chúng tôi đã chia sẻ với nhau và quyết định lấy điểm học Pháp chung, luyện công chung làm cơ sở trong chức thực Pháp và loại trừ can nhiễu.

Nhóm chúng tôi khi đó gồm có năm người, chúng tôi kiên định giữ vững một điểm học Pháp chung. Chúng tôi đã tăng lên học mỗi tuần hai buổi thay cho một buổi như trước đây. Sau đó chúng tôi mở thêm các điểm học Pháp chung, mặc dù cũng chỉ năm người, nhưng chúng tôi mở ba điểm học Pháp chung luân phiên ở nhà của ba đồng tu. Các điểm học Pháp chung này được mở ở nhà các đồng tu gặp can nhiễu nhiều nhất, với mục đích để phủ nhận sự can nhiễu và chứng thực cho người dân hiểu những tuyên truyền của tà ác đều là lừa dối và vu khống. Năm người chúng tôi duy trì bốn buổi học Pháp chung ở ba điểm hàng tuần. Buổi học nào, ở đâu cũng chỉ có năm người chúng tôi.

Sau một thời gian ngắn, các học viên trong địa khu bắt đầu lấy lại được chính niệm và bắt đầu bước ra tham gia học Pháp chung, khi đó chúng tôi mở thêm điểm luyện công, và học Pháp. Đến hiện nay, ở địa phương chúng tôi ngày nào trong tuần cũng có học Pháp nhóm, hoặc luyện công chung với nhau. Hầu hết các điểm học Pháp trước đây đều được khôi phục lại. Các điểm học Pháp không phân thành nhóm này nhóm kia như trước đây nữa, mà chúng tôi chỉ gọi là điểm học Pháp, luyện công. Bất cứ học viên nào cũng có thể tham gia vào bất kỳ điểm học Pháp, luyện công ở địa phương.

Từ việc duy trì, và phát triển điểm luyện công một cách đều đặn, dần dần người dân ở địa phương chúng tôi cũng minh bạch dần, và có cái nhìn khác hơn đối với Đại Pháp cũng như đối với các học viên. Có nhiều người bắt đầu ủng hộ các học viên, và nhận các tài liệu giảng chân tướng từ các học viên để tìm hiểu sự thật. Vượt qua can nhiễu lại có thêm người có duyên bước vào Đại Pháp.

Tôi cũng đi qua một số địa phương khác và chia sẻ với các đồng tu ở đó về những trải nghiệm của bản thân trong việc duy trì, phát triển điểm học Pháp luyện công chung. Có một số địa phương gặp những vấn đề khó khăn sau khi có nhiều điểm luyện công học Pháp. Phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa các đồng tu với nhau. Sau khi nghe chia sẻ, tôi nhận thấy trong ý niệm của các đồng tu khi mở điểm học Pháp có vấn đề. Một số địa phương ban đầu chỉ có một điểm học Pháp, luyện công chung. Sau khi số lượng học viên tăng lên, các học viên liền chia sẻ là nhóm hiện nay số lượng đông rồi, nên phân thành hai nhóm học Pháp. Sau đó các đồng tu tách thành hai nhóm và cử người điều phối cho các nhóm. Sau khi có hai nhóm học Pháp, thì bắt đầu có những mâu thuẫn giữa các học viên với nhau, những tin đồn về các điều phối của nhóm bắt đầu xuất hiện trong các học viên các nhóm. Khi được nghe chia sẻ, tôi nhận thấy rằng, ý niệm chia tách nhóm chính là sơ hở để tà ác dùi vào tạo nên những can nhiễu, những mâu thuẫn đó. Tôi chia sẻ với các đồng tu ở đó rằng, tất cả các đệ tử Đại Pháp đều trong cùng một chỉnh thể, chúng ta không nên có ý niệm chia tách, mà chúng ta nên hướng đến sự phát triển của Đại Pháp. Chúng ta nên có ý niệm mở thêm điểm học Pháp, luyện công để có thêm môi trường, thêm không gian cho các đồng tu có thêm nhiều cơ hội giao lưu, chia sẻ với nhau. Sau đó chúng tôi đã có buổi chia sẻ giữa các nhóm và cùng chính lại những ý niệm lúc ban đầu khi chia tách nhóm. Khi trường tà ác bị giải thể, các đồng tu ở địa phương lại trở lại gắn kết như trước đây. Một thời gian sau, tôi có dịp trở lại địa phương đó, tôi có cảm giác tất cả các đồng tu ở đó như trong một ngôi nhà nhỏ bé, họ phối hợp gắn kết với nhau thật nồng ấm, không có sự giãn cách giữa các điểm học Pháp, luyện công chung nữa.

4. Dùng trí huệ, từ bi và nhẫn trong phản bức hại, loại trừ can nhiễu

Trong quá trình tu luyện, mỗi một đệ tử Đại Pháp, mỗi khu vực đều trải qua những ma nạn, những can nhiễu từ nhiều phương diện. Vượt qua những chặng đường đi qua, quay trở lại nhìn, hướng nội để tìm ra những thiếu sót của cá nhân, cũng như sự phối hợp chỉnh thể, mới nhận ra rằng, tất cả những ma nạn, can nhiễu đều xuất phát từ những chấp trước của chúng ta, từ sự phối hợp không tốt giữa các đồng tu với nhau.

Ở địa phương chúng tôi, số lượng học viên so với các địa phương trong khu vực tương đối nhiều, số học viên lâu năm cũng không ít, nhưng tu luyện một thời gian dài cũng chưa buông bỏ được những chấp trước căn bản, danh lợi tình của người thường còn rất nặng nề. Từ đó tạo ra khá nhiều sơ hở để cựu thế lực tà ác dùi vào, gây can nhiễu trên diện rộng, ảnh hưởng khá lớn đến môi trường tu luyện cũng như cơ hội của chúng sinh tiếp cận chân tướng.

Vào giữa năm 2014, địa phương chúng tôi trải qua một ma nạn, các học viên ra mở điểm luyện công gặp can nhiễu lớn, một số học viên có quyết định khám nhà của UBND huyện và bị thu giữ một số máy tính cá nhân. Môi trường tu luyện không còn như thuở trước, các điểm học Pháp luyện công chung không duy trì được. Số học viên giữ được sự kiên định, tín tâm tu luyện chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Rất nhiều học viên không giữ được chính niệm, sợ hãi không đến các điểm học Pháp luyện công, cũng như tham gia các buổi chia sẻ ở địa phương.

Trong tình huống đó, chúng tôi đã chia sẻ và tổ chức cho các học viên ở địa phương chúng tôi đi giao lưu với các học viên ở các địa phương khác, cũng có những buổi đi xa hàng trăm km để giao lưu với các đồng tu ở tỉnh bạn. Qua giao lưu, chia sẻ, các học viên mới lấy lại được chính niệm, bình tâm để suy xét. Sau đó chúng tôi đã có những buổi chia sẻ ở địa phương, cùng hướng nội tìm thiếu sót ở mỗi cá nhân, cũng như thiếu sót trong phối hợp chỉnh thể.

Qua chia sẻ của các đồng tu ở các địa phương khác, chúng tôi nhận ra các học viên trong địa phương chúng tôi có khá nhiều thiếu sót, nhiều tâm chấp trước ẩn dấu lâu ngày mà chưa buông bỏ được. Chấp trước căn bản, cầu chữa bệnh khỏe người, tâm sợ hãi, tâm danh lợi, tâm nhìn vào người khác, nơi khác để tu luyện mà chưa tự đi con đường của mình, còn cả tâm ganh ghét, oán hờn đối với những người đang bị cựu thế lực lợi dụng, thao túng để can nhiễu đến học viên,… Các học viên cũng chỉ mới tu luyện cá nhân, mà chưa bước ra để làm việc thứ ba, chưa thực hiện thệ ước của người đệ tử Đại Pháp.

Sau khi chúng tôi có được sự bình ổn trong tâm, lấy lại được chính niệm của người tu luyện, chúng tôi bắt đầu việc giảng chân tướng cho người dân, và các cấp chính quyền.

Sư phụ giảng trong phần Phụ lục IV cuốn sách Đại Viên Mãn Pháp:

“Hễ là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thì phải nghiêm khắc tuân thủ pháp luật quốc gia của mình;”

Theo thể ngộ cá nhân, tôi thấy rằng việc tuân thủ pháp luật quốc gia có hai phương diện: quyền và nghĩa vụ. Khi thực hiện quyền của người công dân dựa trên cơ sở pháp luật cũng là tuân thủ pháp luật quốc gia. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện quyền khiếu nại của người công dân làm hình thức giảng chân tướng cho các cấp chính quyền và phản bức hại, loại trừ can nhiễu.

Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ về một số điều luật, về các thủ tục hành chính trong việc làm đơn. Chúng tôi cũng chia sẻ cho các đồng tu ở trong địa phương những điều luật cần thiết để giúp các đồng tu kiên định, lấy lại được chính niệm. Chúng tôi cũng nhận thức được rằng, luật pháp cũng chỉ là một công cụ của chính quyền, là người tu luyện thì không lấy nó làm cơ sở chủ yếu để chấm dứt can nhiễu, phản bức hại, mà phải dùng tâm từ bi, thiện, nhẫn để cứu độ chúng sinh, thể hiện được phong thái hòa ái, trầm tĩnh của người tu luyện Đại Pháp.

Lần đầu tiên các đơn khiếu nại của chúng tôi được các cấp chính quyền thụ lý để giải quyết. Theo hiểu biết cá nhân, thì trong những năm qua, nhiều địa phương cũng dùng hình thức làm đơn khiếu nại nhưng chưa có địa phương nào được giải quyết theo các qui định của pháp luật. Trong quá trình đối thoại với họ, các đồng tu ở địa phương chúng tôi cũng thể hiện ra rất nhiều tâm thái và kết quả dẫn đến cũng khác nhau.

Có đồng tu biểu hiện ra còn nhiều tâm chấp trước, tâm tranh đấu, tâm oán ghét đối với họ,… nên đi chưa được nửa chặng đường thì dừng lại. Có đồng tu biểu hiện ra như là vì để chứng thực bản thân, thanh minh những việc mình làm là theo qui định của luật pháp mà phản can nhiễu, chứ chưa vì chứng thực Pháp, cứu độ chúng sinh mà thực hiện. Nên cũng chỉ đi được nửa chặng đường rồi dừng lại. Tôi và một đồng tu khác tuy cũng biểu hiện ra khá nhiều tâm thái, nhưng qua mỗi chặng đường, chúng tôi lại nhận ra những thiếu sót của mình, buông bỏ chấp trước và từng bước đề cao. Chúng tôi luôn đi sớm hơn giờ hẹn, giữ được tâm thái hòa ái, trầm tĩnh trong những buổi tiếp xúc với họ. Chúng tôi tìm mọi cơ hội để giảng chân tướng cho họ, giúp họ có thêm cơ hội tìm hiểu về Đại Pháp, tìm hiểu về những người tu luyện Đại Pháp là như thế nào. Có những buổi tiếp xúc từ sáng sớm cho đến chiều tối, chúng tôi đều kiên nhẫn trả lời những vấn đề mà họ muốn tìm hiểu, đối với những điều không nên nói thì chúng tôi luôn xin phép từ chối trả lời. Khi đồng tu kia không ký vào biên bản làm việc, họ nói rằng: “Từ trước đến giờ tôi thấy trường hợp của anh là lạ kỳ nhất, hỏi gì cũng trả lời, hỏi tài liệu có phải của anh hay không anh cũng nhận,.. nhưng đến khi bảo ký biên bản thì không chịu ký”. Đồng tu kia ôn hòa trả lời rằng: “Chúng tôi không ký biên bản là để giúp các anh có thêm cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về Đại Pháp, về những người tu luyện như chúng tôi.” Họ rất ngạc nhiên và không nói được gì.

Khi nhận quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, trong các quyết định thay đổi quyết định xử phạt hành chính thì tất cả chúng tôi đều không còn hình thức xử phạt bằng tiền nữa, tuy nhiên họ vẫn cho rằng chúng tôi vi phạm vào điều này, điều kia, và đưa ra một số biện pháp xử lý là trả lại tài sản, máy tính trước khi đã tiêu hủy hoặc xóa bỏ các tài liệu trong máy tính cá nhân của chúng tôi.

Chúng tôi thấy rằng, việc giảng chân tướng của chúng tôi chưa đạt được đích cuối cùng. Chúng tôi không thừa nhận quyết định đó, và đã làm đơn khiếu nại lần hai gửi lên cấp cao hơn để yêu cầu họ xem xét giải quyết. Nhiều học viên ở địa phương chúng tôi vì còn những tâm sợ hãi, ngại tiếp xúc với họ nên đã chia sẻ là không nên đi tiếp nữa, và dừng ở đó, vì họ đã thấy được sự thiếu sót của họ và đã không còn xử phạt mình nữa. Nhưng tôi và học viên kia thì không nghĩ như thế, chúng tôi thấy rằng họ vẫn chưa hiểu chân tướng một cách toàn diện, vẫn còn xem các tài liệu chúng ta sử dụng là vi phạm pháp luật. Vì thế chúng tôi đã quyết định tiếp tục việc giảng chân tướng, phản bức hại của mình.

Khi chúng tôi khiếu nại lần hai lên cơ quan cấp tỉnh, họ trở nên lúng túng và đã có nhiều buổi tiếp xúc cá nhân đối với chúng tôi. Lúc thì họ trực tiếp đến nhà riêng như thăm hỏi, lúc thì như nhân tiện công tác ngang qua rủ đi uống nước. Chúng tôi tiếp xúc với họ với tâm thái như những người bạn hay người anh em với nhau, nói chuyện cởi mở với nhau. Cuối cùng họ nói rằng, sau khi chúng tôi gửi khiếu lại nên cấp trên, các lãnh đạo đã phải xem xét và điều chỉnh lại những việc làm của mình, và mong muốn chúng tôi rút đơn khiếu nại lại. Họ cũng đồng ý trả lại tài sản và máy tính cho chúng tôi mà không áp dụng bất kỳ biện pháp xử lý nào.

Chúng tôi chia sẻ với các đồng tu trong địa phương, nhiều đồng tu cho rằng nên tiếp tục khiếu nại và phân định rõ ràng sự việc để cho các đồng tu trong địa phương yên tâm tu luyện. Chúng tôi nhận thấy trong đó còn khá nhiều tâm tranh đấu, tâm oán giận, tâm an dật cũng như tâm mong cầu giải quyết được sự việc để được tu luyện trong thoải mái…

Trong những buổi tiếp xúc sau đó, chúng tôi thấy được sự khó khăn của họ, một mặt họ bị áp lực từ cấp trên đẩy xuống, mặt khác là từ phía chúng tôi, họ hầu như không còn biết nên xử lý thế nào. Họ nói với chúng tôi rằng: “Các anh thực sự là người tu luyện chân chính, nếu các anh dừng sự việc lại ở đây thì các cấp lãnh đạo sẽ phải tự xem xét và điều chỉnh lại những việc làm của mình, đồng thời họ cũng nhìn các anh với con mắt khác trước”. Tôi và đồng tu kia đã chia sẻ với nhau, và chúng tôi nhận thấy rằng, mục đích của chúng tôi là giảng chân tướng cho họ, khi họ hiểu được sự việc thì chúng ta dừng lại. Nếu đẩy họ tới chỗ không lùi được thì có thể khiến họ mất đi cơ hội, cũng khiến họ mang tâm oán giận đối với những người tu luyện. Vì thế chúng tôi đã dừng sự việc lại tại đó.

Nhiều đồng tu không đồng tình với cách làm của chúng tôi. Nhưng chúng tôi thể ngộ rằng, cứu độ chúng sinh khác hẳn với cách làm của người thường. Không chỉ để thỏa mãn mục đích vì những chấp trước của chúng ta mà đẩy một hoặc nhiều cá nhân mất đi cơ hội hiểu rõ chân tướng, cũng không nên lấy họ làm mục tiêu để đạt một mục đích nào đó, mà cần đối đãi với họ như những chúng sinh đang cần được giảng chân tướng. Khi họ đã hiểu được chân tướng thì xem như mục đích của chúng ta đã đạt, cho dù sự việc xảy ra có được giải quyết hay không. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, nếu chúng tôi tiếp tục đi đến cuối cùng của sự việc, thì đó đang là chứng thực bản thân, chứ chưa phải là chứng thực Pháp. Thể ngộ cá nhân tôi, chứng thực Pháp là phải thể hiện được tâm thái của người tu luyện Đại Pháp trong khi giải quyết mâu thuẫn, giải quyết sự việc, chứ không hẳn ở việc giải quyết đúng sai.

Trải qua ma nạn, môi trường ở địa phương chúng tôi bắt đầu cải thiện trở lại, số lượng người có cơ duyên bước vào tu luyện ngày một nhiều hơn, các điểm học Pháp mở ra ở khắp nơi. Trước đây học viên chỉ tập trung ở một vài huyện, hiện nay hầu hết các huyện, thị đều có nhóm học Pháp và nhiều câu chuyện nhiệm màu được triển hiện ra… Chúng tôi đã tổ chức thành công nhiều khóa học chín ngày, và các sự kiện như kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới hay như các buổi giao lưu chia sẻ trong toàn tỉnh.

Nhìn lại chặng đường đi qua, chúng tôi nhận ra rằng, những ma nạn đó đều từ những sơ hở của học viên, từ những chấp trước, từ sự chưa phối hợp được trong chỉnh thể… Bề mặt thì họ đang can nhiễu đến môi trường tu luyện, can nhiễu đến các học viên, nhưng hướng nội nhìn thật sâu thì do bởi chúng ta chưa hoàn thành được sứ mệnh của người tu luyện Đại Pháp. Ma nạn đó cũng là một bài học cho chúng tôi trên con đường tu luyện. Nhiều đồng tu cũng trưởng thành hơn, tinh tấn hơn và tích cực làm tốt 3 việc mà người đệ tử Đại Pháp nên làm. Nhưng cũng còn nhiều học viên vẫn chưa buông bỏ được nên can nhiễu vẫn còn. Cho dù môi trường tu luyện đã được cải thiện, những đồng tu tinh tấn lại vững bước kiên định, những đồng tu chưa tinh tấn vẫn còn những can nhiễu từ phương diện này, phương diện kia. Có nhiều khi còn quay lại đổ lỗi tại chúng tôi không giải quyết triệt để sự việc nên họ vẫn can nhiễu đến các đồng tu đó.

Lời kết

Sư Phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân:

“Do vậy sau này khi luyện công, chư vị sẽ gặp các dạng các loại ma nạn. Không có những ma nạn ấy hỏi chư vị tu ra sao? Mọi người ai với ai cũng tốt, không có xung đột về lợi ích, không có can nhiễu nhân tâm, chư vị ngồi nơi kia [hỏi] tâm tính đề lên cao là sao? Như thế không thể được. Con người phải qua thực tế mà thật sự ‘ma luyện’ bản thân mới có thể đề cao lên.”

Tu luyện giữa xã hội người thường là phải đối diện với các mâu thuẫn, đối diện với dạng các loại ma nạn để thành tựu bản thân. Hơn nữa tu luyện trong thời kỳ Chính Pháp thì mức độ khó càng khó hơn, bởi liên quan đến vô lượng vô số chúng sinh ở phía sau. Ma nạn đến cũng là cơ hội đề cao, nhưng cũng do bởi những chấp trước chưa buông bỏ được, hay những thiếu sót trong phối hợp chỉnh thể, gián cách giữa các đồng tu.

Con đường đi qua, có những điều tôi làm được, nhưng cũng còn nhiều điều còn thiếu sót và hạn chế. Trên đây chỉ là những trải nghiệm trong quá trình tu luyện, mong các đồng tu từ bi chỉ ra những gì chưa phù hợp.

Chúc các quý đồng tu dũng mãnh tinh tấn, hoàn thành thệ ước trợ Sư Chính Pháp, cứu độ chúng sinh, cùng Sư phụ đi đến bước cuối cùng, trở về cố hương.

Con xin cảm tạ Sư phụ, cảm ơn các bạn đồng tu!

Hợp thập!

Share