Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam

[MINH HUỆ 19-03-2014] Con xin kính chào Sư phụ từ bi!

1. Đắc Pháp

Tuy có duyên được biết Đại Pháp và đọc Chuyển Pháp Luân từ ba năm trước, nhưng đến tháng 12 năm ngoái, khi đọc lại lần thứ hai tôi mới chính thức ngộ đạo và bắt đầu con đường tu luyện của mình. Nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ cùng mọi người thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện bản thân, chứng thực Pháp và phối hợp cùng đồng tu cứu độ chúng sinh. Nếu có điều gì không phù hợp, mong đồng tu từ bi chỉ rõ.

Khi mới đắc Pháp và bắt đầu tu luyện, quan ải khó khăn nhất với tôi là phải loại bỏ tâm an nhàn và lười biếng (có lẽ vì tôi đã sống trong an nhàn quá lâu). Tôi thật sự đã không thể tưởng tượng được rằng một ngày của mình rồi sẽ bắt đầu từ hơn 04 giờ sáng và kết thúc lúc 01 giờ đêm, và duy trì ngày nào cũng như vậy. Tôi dường như quần quật suốt ngày với việc luyện công, học Pháp, phát chính niệm, chăm con nhỏ, làm việc nhà và việc công ty. Tuy nhiên, Sư phụ từ bi không bỏ rơi tôi, không để tôi phải vượt qua quan ải đầu tiên này một mình. Lúc thì đồng hồ báo thức đổ chuông, lúc thì điện thoại đổ chuông mặc dù tôi không hề cài đặt báo thức. Có lúc đang ngủ, tôi nghe thấy có một giọng nói nhắc tôi dậy đi, đến giờ phát chính niệm rồi. Hễ hôm nào lười biếng không muốn thức dậy thì tôi sẽ bị đau lưng kinh khủng, không thể ngủ tiếp. Chỉ cần tôi dậy, rửa mặt xong, ngồi xuống phát chính niệm thì cơn đau sẽ biến mất lập tức. Việc này  xảy ra một cách thường xuyên. Tôi mất khoảng ba tháng để quen với giờ giấc sinh hoạt và áp lực mới này.

2. Buông bỏ danh lợi để chứng thực Pháp

Hai vợ chồng tôi có một công ty kinh doanh riêng. Trước khi tu luyện, do lòng tham, tôi đã dùng dòng tiền về công ty để đầu tư bất động sản. Bất ngờ tình hình thị trường thay đổi, tôi không thể giải ngân các khoản đầu tư bất động sản của mình và công ty không có dòng tiền để trả nợ. Dạo trước, đối tác còn rất thông cảm và không hối thúc nhiều. Nhưng từ khi tôi tu luyện, họ không những đòi, mà mỗi lúc còn làm áp lực rất nặng. Mọi thứ như là ngẫu nhiên, nhưng tôi biết chúng đến là để tôi trừ bỏ nhân tâm nào đó.

Tôi hướng nội và phát hiện tôi có chấp trước rất nặng vào danh và lợi, chấp vào cuộc sống an nhàn, hưởng thụ, tiện nghi và vật chất. Tôi đã đầu tư rất nhiều tiền và thời gian vào việc xây nhà và trang trí. Những điều này cho thấy tôi chấp vào việc hưởng thụ cuộc sống tiện nghi vật chất nặng như thế nào. Nhận ra chấp trước rồi, nhưng tôi không biết phải bỏ nó như thế nào. Tôi học Pháp nhiều hơn và rao bán nhà để trả nợ. Lúc đầu, lòng tôi đau đớn lắm vì ‘cái nhà’ là mục tiêu phấn đấu của cả đời tôi. Nay vừa mới xây xong đã phải rao bán đi, tôi còn chưa kịp hưởng được niềm vui nào từ nó. Tôi đối xử với những người khách đầu tiên đến xem nhà rất kiêu kỳ, kiểu như mua thì mua, không mua thì thôi. Đó là chấp trước vào sĩ diện và thật tâm chưa muốn từ bỏ. Rồi đối tác lại làm áp lực mạnh hơn, đến thời điểm này, không bán là không được, mà còn phải làm sao bán thật nhanh để trả nợ.

Nhờ học Pháp nhiều hơn, tôi đã dần dần buông bỏ lối sống hưởng thụ, vật chất, và trở nên thanh thản hơn, tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà trong Chuyển Pháp Luân, Sư phụ nhiều lần đề cập đến ví dụ về ‘cái nhà’, hẳn chấp trước vào ‘cái nhà’ là một chấp trước rất nặng và rất phổ biến của những người tu luyện tại gia. Nó không chỉ đơn thuần là chấp trước vào một món đồ nào đó, mà ẩn đằng sau, là chấp trước về một cuộc sống ổn định, êm đềm, nhàn hạ của người thường, là chấp trước về sĩ diện, về cái tình đối với người thân trong gia đình. Nói thẳng ra, ‘cái nhà’ là chấp trước bám víu vào phần ‘con người’ trong mỗi chúng ta. Tôi cũng ngộ ra rằng, mục đích tu luyện của mình là cứu độ chúng sinh, hoàn thành lời thệ ước tiền sử  và trở về ‘nhà thật’ của mình, vậy thì sao cứ ngu muội bám cứng lấy những thứ ‘dơ bẩn’ ở thế gian này. Tôi cần phải buông bỏ, phải buông thật nhanh và phải học Pháp nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ: Đã vậy thì trong khảo nghiệm này, tôi cần phải làm tốt hơn chỉ một việc là buông bỏ chấp trước.

Tôi ngộ ra rằng, tất cả những người đến xem nhà không phải là ngẫu nhiên, họ hẳn là được Sư phụ an bài tới đây để biết về Pháp. Thế là tôi hồng Pháp cho tất cả những người tới xem nhà, những người môi giới, hàng xóm xung quanh và khách uống nước ở tiệm bán đậu nành đầu ngõ. Gia đình tôi, gia đình chồng, họ hàng, bạn bè, đối tác, nhân viên ngân hàng, hễ những ai có dịp tiếp xúc là tôi sẽ hồng Pháp cho họ.

Lúc đầu tôi lo lắng rằng, mọi người nhìn vào hoàn cảnh hiện tại của tôi và nói, tu luyện rồi là sẽ như vậy ư, vậy thì ai còn dám tu luyện nữa, như vậy làm sao tôi có thể chứng thực Pháp là tốt với mọi người. Nhưng sau này tôi nhận ra đó là một suy nghĩ không đúng. Nhờ Sư phụ chỉ đường, trong mỗi trường hợp hồng Pháp mà đối phương nói với tôi câu đó, tôi bảo họ rằng: “Nếu là tôi của trước khi tu luyện, thì có lẽ tôi không chịu đựng nổi áp lực lớn như vậy đâu. Nhưng giờ, tôi thấy nó thật nhẹ, thậm chí tôi không thấy mình có chút áp lực nào. Trái lại, tôi trừ bỏ được rất nhiều những tính xấu. Nếu không tu luyện, tôi sẽ không bao giờ có thể đạt được trạng thái tĩnh tại như thế.” Thông thường, mọi người đều đồng ý với tôi, vì họ thấy được sự thay đổi quá lớn ở tôi trong thời gian quá ngắn. Khi tâm tôi không còn lo lắng nữa, môi trường xung quanh tôi cũng thế, và những người ở trong trường của tôi rất nhanh chóng cảm thấy đó là chuyện bình thường và không còn quá lo lắng về chuyện nợ nần của chúng tôi nữa.

3. Phóng hạ tự ngã, viên dung chỉnh thể

Mặc dù khó khăn của chúng tôi trong một năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhưng chúng tôi ngộ ra rằng, đó là bởi vì chúng tôi còn quá nhiều nhân tâm cần trừ bỏ. Vì vậy, mặc dù vẫn phải giải quyết các việc đời thường, nợ nần, nhưng chúng tôi không còn quá đặt nặng hay lo lắng về chúng. Quan điểm của vợ chồng tôi bây giờ là đặt Đại Pháp lên trên hết mọi thứ. Chuyện tu luyện, chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh là việc quan trọng nhất trong thứ tự ưu tiên của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi tận dụng tất cả tài nguyên và trí huệ mình có được từ Pháp để làm việc Đại Pháp. Chúng tôi nhận thấy mình có cơ hội tiếp xúc nhiều với giới quan chức và dòng chủ lưu, trí thức. Và chúng tôi cần phải làm gì đó để hồng Pháp và cứu độ họ. Chúng tôi tham gia vào một số dự án phối hợp cùng các đồng tu khác.

Đây cũng là lúc những nhân tâm khác của tôi trỗi dậy mạnh mẽ. Khi ý kiến của mình không được xem trọng, khi việc mình làm ra bị bác bỏ, khi công sức đóng góp của mình không được công nhận, khi bị phê bình, chỉ trích, bị hiểu lầm, v.v. Lòng tôi lại đau đớn và cảm xúc dâng trào lên. Tôi đã quen với việc được phục tùng, quen với việc là trung tâm của mọi chuyện, quen được nuông chiều. Giờ khi lòng mình liên tục bị xát muối, có lúc tôi cảm thấy dường như không chịu đựng nổi và đã có suy nghĩ tiêu cực rằng: “Người tu luyện gì mà kỳ vậy, không bằng cả người thường?” Tôi cảm thấy chán nản khi nhìn thấy quá nhiều mâu thuẫn, quá nhiều nhân tâm của đồng tu. Tôi tự hỏi mình: “Đây là miền đất tịnh độ mà Sư phụ nói đến hay sao?” Lúc này tôi biết rằng, chỉ có học Pháp, chỉ có Pháp mới phá tan sự u mê tăm tối trong tôi lúc bấy giờ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy khao khát học Pháp và sống trong Pháp như vậy.

Cùng với đó, tôi đăng ký tham gia thêm một hạng mục mới để có cơ hội tiếp xúc sâu hơn với các bài chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của các học viên. Nhờ đó, một ngày nọ bỗng dưng tôi ngộ ra rất nhiều, chúng liên tục, ào ào đổ tràn xuống đầu não của tôi, khiến tôi không kịp suy nghĩ gì hết. Tôi nhận thấy mình có thể bao dung với người thường, nhưng lại không thể bao dung với lỗi lầm và nhân tâm của đồng tu. Vì tôi mãi chấp trước vào chuyện họ là người tu luyện tại sao lại hành xử như vậy mà quên mất rằng họ cũng là người đang trên con đường tu luyện. Và rằng sở dĩ cho tôi thấy nhân tâm đó ở họ, là bởi vì tôi cũng có nhân tâm đó, rất mạnh mẽ, nhưng lại được che giấu quá sâu. Tôi nhớ trong Chuyển Pháp Luân, Sư phụ có giảng: “Người tu luyện là trân quý nhất.” Các vị Đại Giác Giả còn thấy được rằng người tu luyện là trân quý, vậy tôi vì sao không trân quý họ.

Tôi điểm lại một năm tu luyện của mình đã trôi qua gian khổ như thế nào. Từ trong khổ nạn, phải vượt lên, tu luyện tốt bản thân và làm việc Đại Pháp không ngừng để cứu độ chúng sinh. Người chân tu nào mà không bước đi trên con đường như thế. Nếu còn nhân tâm, còn bị dùi vào sơ hở thì còn gặp nhiều khổ nạn hơn. Tôi khổ, họ cũng khổ, sao tôi không trân quý họ, sao không nhìn vào những gì mà họ đã phó xuất cho Đại Pháp, mà lại chỉ chăm chăm vào nhân tâm của họ. Tôi cảm thấy thật xấu hổ, và tôi đã bật khóc. Tôi thấy mình có lỗi với các đồng tu, với Sư phụ từ bi rất nhiều. Tôi cũng nhận ra rằng, tôi có tâm tranh đấu, tâm tật đố và tâm chứng thực bản thân rất mạnh. Và rằng phân tích, đánh giá hay nhận xét đồng tu cũng là một thói quen rất xấu ở tôi cần phải được loại bỏ ngay lập tức.

Một lần, mâu thuẫn của tôi với chồng, cũng là đồng tu, được đẩy lên đỉnh điểm. Tôi biết mình sai, nhưng không cách nào phóng hạ tự ngã được. Tôi thấy thật bất công, bất bình khi mình bị đối xử thế này thế kia. Sư phụ từ bi thấy tôi loay hoay mãi vẫn không thoát ra được bèn cho một gậy cảnh tỉnh. Tôi mơ thấy mình bị rớt trong khảo nghiệm sắc dục. Trước đó, tôi thấy một người phụ nữ nhân lúc tôi đang bực bội chồng mình, đã an ủi ngon ngọt thông cảm và rồi dẫn dắt tôi vào mê hồn trận lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, tôi ngộ ra điều Sư phụ muốn nhắn nhủ với mình rằng: nếu tôi chỉ thích những lời dễ nghe, ngon ngọt, xu nịnh, v.v. Thì rồi tôi sẽ trượt ngã. Thuốc đắng dã tật, những lời khó nghe, chỉ trích, phê bình trái lại chính là phân bón cho mảnh đất tâm tính của tôi thăng hoa. Vợ chồng đồng tu cũng là một chỉnh thể nhỏ, nếu chúng tôi không phối hợp tốt, ma quỷ sẽ nhân cơ hội này để lọt vào nhà và phá hoại chuyện tu luyện cá nhân và công tác cứu độ chúng sinh mà chúng tôi đang phụ trách.

Tổng kết lại kinh nghiệm phối hợp cùng đồng tu, tôi tự đặt ra cho mình những yêu cầu sau:

1. Mỗi khi định phân tích về đồng tu nào đó, tôi luôn nhắc nhở mình rằng: “Người tu luyện là trân quý nhất… Khổ đến như thế mà vị ấy vẫn chưa rơi mất bản tính của mình, vị ấy vẫn còn muốn tu luyện quay trở về.” (Chuyển Pháp Luân) Như vậy tôi sẽ thôi, không còn khó chịu vì nhân tâm của đồng tu nữa.

2. Mỗi khi thảo luận về một việc làm nào đó, tôi sẽ mở đầu bằng: “Việc này nên làm thế này, tôi nên làm thế này…” thay vì nói rằng “Anh/chị nên làm thế này thế kia…”

3. Trong mọi tình huống đều đặt lợi ích của Đại Pháp lên trên hết. Ý kiến của ai tốt nhất cho Đại Pháp thì làm theo như vậy, xếp cái tôi của bản thân mình nhỏ lại. Nếu gặp phải một ý kiến bất đồng, nếu bản thân cảm thấy ý kiến của mình tốt cho Đại Pháp hơn thì nhớ tới lời dạy của Sư phụ trong“Tinh tấn hơn nữa“:

“Thực ra, làm đệ tử Đại Pháp, lúc ấy nếu niệm ngay chính, điều nghĩ đến là tu luyện, là có trách nhiệm, là nên làm thật tốt, thì chư vị nên âm thầm khiến cho chỗ mà chư vị cảm thấy chưa hoàn thiện làm nó thực thi cho tốt, đó mới là điều đệ tử Đại Pháp nên làm. Nếu các đệ tử Đại Pháp đều có thể thực hiện như thế, thì việc gì cũng nhất định sẽ làm được hết sức tốt đẹp.”

4. Nếu gặp phải mâu thuẫn trong khi phối hợp cùng đồng tu, nếu bản thân cảm thấy bất bình, bất công, tôi sẽ đọc nhẩm bài “Cảnh giới”.

5. Khi bị chỉ trích, phê bình, điều đầu tiên cần làm là giữ im lặng, hướng nội và tự hỏi: “mình có điều đó không?” Nếu có thì phải bỏ chứ không phản bác, không giải thích, cũng không được nhìn vào chấp trước của đồng tu trong lúc phê bình mình, không phẫn uất với suy nghĩ rằng: “Tại sao đồng tu không thể từ bi hơn khi chỉ ra chấp trước của tôi.”

6. Khi cảm thấy khổ quá, nhiều việc quá, mệt quá, v.v.  thì đọc nhẩm bài “Chân tu” trong “Tinh tấn yếu chỉ”.

Hiện tại, tôi còn những nhân tâm vẫn chưa từ bỏ được, có những nhân tâm vẫn còn chưa bỏ được triệt để khiến cho công tác Đại Pháp ít nhiều bị ảnh hưởng, cảm thấy thật hổ thẹn, chỉ biết nỗ lực nhiều hơn nữa, tu luyện tốt bản thân, cứu độ nhiều nhất có thể để hoàn thành lời thệ ước tiền sử và theo Sư tôn trở về nhà thật sự của mình.

Con xin cảm tạ Sư phụ, cảm ơn các đồng tu!

Share