Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-11-2015] Có lẽ đây là một ước nguyện từ tiền sử, cho nên con đường tu luyện của tôi đã gắn liền với việc học các kỹ năng máy tính, vì thế mà tôi đã có thể thiết lập các điểm sản xuất tài liệu, học cách sử dụng một số hệ thống khác nhau, và hướng dẫn những kỹ thuật này cho các bạn đồng tu. Tôi xin được chia sẻ một số thể ngộ của tôi về việc “học” – những điều tôi đã đạt được trong quá trình hướng dẫn kỹ thuật cho mọi người.

1. Tu luyện tính chu đáo và nhẫn nại

Tháng 4 năm 2014, khi chúng tôi nâng cấp hệ điều hành của máy tính từ Windows XP lên Windows 7, nó đã tạo thêm một khối lượng công việc khổng lồ cho các đồng tu trong nhóm kỹ thuật. Chúng tôi chịu áp lực là phải hướng dẫn cho mọi người, nhằm phổ cập kỹ thuật cho tất cả các điểm sản xuất tư liệu ở trong vùng của chúng tôi.

Tôi đã tiên liệu trước về việc này từ nửa cuối năm 2013 và đã trao đổi với các đồng tu. Tuy nhiên, mỗi người đều có nhận thức và chấp trước khác nhau, dẫn đến việc chúng tôi không thể phối hợp hoạt động như một chỉnh thể. Đến thời điểm nâng cấp hệ thống vào năm 2014, các đồng tu trở nên rất lo lắng. Hoàn cảnh trở nên náo nhiệt khi các đồng tu đều muốn nâng cấp hệ thống và học cách sử dụng [hệ điều hành mới]. Mọi thứ nhanh chóng đi vào ổn định. Một số đồng tu đã học được cách nâng cấp hệ thống, và các kỹ năng hướng dẫn của tôi cũng đã thành thục hơn.

Tuy nhiên, khi cần phải học về các kỹ thuật chuyên sâu hơn, một số đồng tu dần dần mất hứng thú và không còn cố gắng nữa. Một số người khác thì đơn giản là từ bỏ và dứt khoát không đến học nữa. Lúc bấy giờ tôi ngập tràn trong thất vọng, buồn chán và kiệt sức.

Sư phụ giảng:

“Chư vị biết chăng? Chừng nào chư vị là một người tu luyện, bất kể là ở hoàn cảnh hoặc bất kể tình huống nào, thì tất cả những việc rắc rối và không vui gặp phải, thậm chí cả công tác vì Đại Pháp nữa, dẫu chư vị nhận thức rằng đó là việc tốt đến mấy, việc thần thánh đến mấy, tôi thảy đều lợi dụng để trừ bỏ tâm chấp trước của chư vị, bộc lộ ma tính của chư vị, và trừ bỏ nó đi. Bởi vì sự đề cao của chư vị mới là chủ yếu bậc nhất.” (Nhận thức tiếp nữa, Tinh tấn yếu chỉ)

Tôi cần phải hướng nội vô điều kiện. Tôi hiểu ra lý do mà các đồng tu không học nữa là bởi vì tôi quá sốt sắng muốn thành công nhanh chóng. Tôi muốn làm mọi thứ dễ dàng hơn cho bản thân mình, [nhưng lại] tạo thành áp lực tâm lý cho những đồng tu lớn tuổi vốn biết rất ít về kỹ thuật. Do vậy tôi đã quyết tâm tu bỏ tâm nóng vội, và tu xuất được tính chu đáo và kiên nhẫn.

Tôi bắt đầu hướng dẫn các đồng tu bằng những phương pháp phù hợp hơn với năng lực tiếp thu của họ cũng như trạng thái tu luyện của họ. Ngay khi ai đó muốn học là tôi sẽ nhất định dạy người đó bằng cả tâm huyết của mình, bao lâu cũng được, cho đến khi người đó cảm thấy yên tâm khi cài đặt hệ thống mới. Khi tôi kiên nhẫn với họ, các đồng tu cảm thấy thoải mái hơn, không còn áp lực tâm lý nữa, và họ tự tin hơn với các kỹ năng [đã học được] của mình.

Đây xác thực là một quá trình tu tâm tính đối với tôi. Một số đồng tu lúc đầu tỏ ra hào hứng, nhưng về sau lại không muốn học nữa. Tôi đến nhà họ để hướng dẫn họ với suy nghĩ: “Chừng nào mà bạn chưa mời tôi ra, thì tôi vẫn tiếp tục hướng dẫn cho bạn.”

Chứng kiến sự nhiệt tình của tôi, các đồng tu không nỡ từ chối nữa và tiếp tục học với sự nỗ lực kiên trì của họ. Một số đồng tu không dụng tâm lắm nên họ đã làm mất các tờ ghi chú mà họ đã ghi lại trong quá trình học kỹ thuật. Tôi đã giúp họ tìm lại các tờ giấy đó và tiếp tục hướng dẫn họ.

Có một đồng tu từ nhỏ đã không được đi học, anh ấy không nghĩ rằng anh ấy có thể học cài đặt phần mềm máy tính. Tôi đã khuyến khích anh ấy cố gắng học, và cuối cùng anh ấy đã làm được.

Tôi thấy rằng hướng dẫn kỹ thuật cho các đồng tu thật là khó. Chẳng bao lâu, thân thể tôi xuất hiện triệu chứng của nghiệp bệnh. Có nhiều khi tôi cũng xuất hiện tâm oán trách, tuy nhiên tôi không ngừng nói với chính mình: bất kể có bao nhiêu đồng tu có thể kiên trì học đến cùng, tôi vẫn sẽ quyết tâm tiếp tục làm những gì cần phải làm.

Sư phụ giảng:

“…thì một tâm không động, có thể [ức] chế vạn động.” (Tống khứ chấp trước cuối cùng, Tinh tấn yếu chỉ II)

3. Học cách bình tĩnh và từ chối

Sau một thời gian, một số đồng tu xuất hiện trạng thái ỷ lại vào tôi quá nhiều, thậm chí là khi họ chỉ cần suy nghĩ và cố gắng một chút là có thể xử lý được vấn đề. Giải quyết việc này quả là rất khó khăn đối với tôi. Tôi e rằng nếu tôi không giúp đỡ thì họ có thể sẽ né tránh khó khăn và sẽ từ bỏ. Ngược lại, nếu tôi cứ giúp họ theo cách này thì họ có thể sẽ bị phụ thuộc quá mức vào tôi và không thể tự bước đi con đường của chính mình, điều này không phù hợp với Pháp. Với lại thân thể tôi đã bị can nhiễu nghiêm trọng, đã đến cực hạn rồi. Tôi phải thay đổi.

Tôi dự định sẽ giúp đỡ một nhóm [đồng tu] giải quyết một số vấn đề của họ vào hôm thứ Ba. Tuy nhiên, đêm trước đó tôi đột nhiên bị chóng mặt và bị nôn. Tôi đã phủ định hình thức bức hại này và đã phát chính niệm để thanh trừ các can nhiễu.

Ngày hôm sau, tôi cảm thấy khá hơn và đi đến gặp nhóm đồng tu. Nhìn thấy trạng thái không bình thường của tôi, họ hỏi tôi đã xảy ra chuyện gì và chia sẻ thể ngộ của họ với tôi. Một người nói: “Có lẽ đã đến lúc bạn phải xả bỏ các thứ. Các đồng tu kỹ thuật đã quá bận trong một thời gian dài rồi. Điều cần nhất là xả bỏ những việc đang làm và tĩnh tâm học Pháp.”

Tôi tự hỏi làm sao mà tôi có thể xả bỏ những việc mình đang làm được. Các đồng tu này đang đợi tôi giúp đỡ [kia mà]. Trước kia, khi giao lưu với các bạn đồng tu, chúng tôi cũng đã thấy rằng trước hết phải tu tâm tính, sau đó mới giải quyết các vấn đề về máy tính. Tôi đã không coi trọng việc này trong tu luyện cá nhân của tôi. Những lời lẽ sâu sắc mà đồng tu đó nói về “xả bỏ” đã cảnh báo tôi phải nhìn lại chính mình.

Tôi đã giúp đỡ thành lập một điểm sản xuất tài liệu từ khi nó mới bắt đầu. Bất cứ khi nào xuất hiện vấn đề gì, tôi đều đến đó để giúp đỡ. Tôi đã duy trì hoạt động như vậy được ba năm rồi.

Gần đây, điểm sản xuất tài liệu này bắt đầu có rất nhiều vấn đề về kỹ thuật. Như thường lệ, đồng tu phụ trách điểm tư liệu sẽ nhờ tôi tới giúp đỡ, tôi liền đặt các việc tôi đang làm qua một bên và đi tới đó ngay. Tuy nhiên, dường như là tôi càng hỗ trợ thì lại càng có thêm nhiều vấn đề phát sinh.

Các đồng tu ở điểm sản xuất tài liệu đó và tôi đã cùng phát chính niệm thời gian dài để giải thể can nhiễu. Thế nhưng trong lúc phát chính niệm tôi đã vô tình phát hiện ra rằng các đồng tu ở điểm tư liệu đó chỉ phát chính niệm theo hình thức chứ không dụng tâm. Lúc đó tôi đã hết sức nóng giận và quát lên với người phụ trách: “Tôi đã dành hết thời gian của tôi ở đây để giúp đỡ các bạn, vậy mà các bạn lại không dụng tâm như thế này. Các bạn muốn làm gì thì làm. Tôi phải nghỉ ngơi một chút đã.”

Điều này cũng là dịp để đồng tu phụ trách điểm tư liệu hướng nội tìm. Anh ấy cũng đã chia sẻ với cả nhóm về việc hướng nội như thế nào. Mặc dù vậy họ vẫn cần hỗ trợ về kỹ thuật để giải quyết một số vấn đề. Họ đã đề cao tâm tính lên rất nhiều, đặc biệt là họ đã có những nhận thức nhất định đối với tâm ỷ lại vào người khác. Sự việc này cũng khiến tôi phải nhìn lại bản thân hơn nữa.

Trương là một thanh niên trẻ đã từng học cài đặt hệ thống, nhưng sau đó anh ấy ngừng học. Một đồng tu khác là Lý, anh ấy chưa bao giờ học về cài đặt hệ thống. Khi Minh Huệ thông báo về việc nâng cấp trình duyệt Firefox lên phiên bản 37, Lý đã làm theo hướng dẫn và đã nâng cấp Firefox thành công.

Ngược lại, Trương không thể cài đặt phiên bản mới dù anh ấy đã cố gắng như thế nào. Anh tìm đến tôi và tôi đã giúp anh nâng cấp hệ thống. Trong lúc giao lưu chia sẻ, tôi đã hỏi anh ấy: “Khi bạn không giải quyết được các vấn đề về kỹ thuật, bạn nghĩ đến Sư phụ trước hay nghĩ đến tôi trước?”

“Tôi nghĩ đến anh,” anh ấy nói.

Tôi bắt đầu suy nghĩ lại về chính mình. Đây là vấn đề kỹ thuật hay là vấn đề trong tu luyện của tôi? Có thật là họ không thể xử lý các vấn đề kỹ thuật mà không có tôi? Tôi có thể làm gì nếu không có Sư phụ gia trì?

Tôi bình tĩnh lại, tĩnh tâm học Pháp, và tự hỏi điều gì đã khiến tôi quá bận rộn đến nỗi thậm chí tôi không còn thời gian học Pháp và luyện công. Có phải là bởi vì tôi tham gia vào hạng mục kỹ thuật?

Tôi dần dần nhận ra rằng tôi có chấp trước vào “tự ngã”. Lúc đầu tôi đã làm đúng khi hướng dẫn các đồng tu một cách kiên nhẫn. Sau khi họ đã nắm được các thao tác và hiểu được tầm quan trọng của việc học các kỹ năng kỹ thuật cơ bản, tôi nên khuyến khích họ tự bước đi trên con đường của mình thay vì tìm đến tôi bất cứ khi nào họ gặp phải vấn đề. Nhận thức hạn chế của tôi đã tạo thành chướng ngại cho các đồng tu trên con đường tu luyện của họ, và cũng làm cho tôi sức cùng lực kiệt.

Hướng nội sâu hơn nữa, tôi thấy rằng tôi có tâm lo lắng, tôi sợ các đồng tu không thực hiện được và không kiên trì. Kỳ thực, vấn đề căn bản của tôi chính là tín Sư tín Pháp và tin tưởng vào khả năng của các đồng tu.

Sư phụ đã an bài con đường tu luyện cho tất cả chúng ta. Trong quá trình này, tôi chỉ cần tu luyện chính mình thật tốt và viên dung chỉnh thể. Bất cứ nhân tâm, tự ngã nào không phù hợp với Pháp thì đều can nhiễu đến các đồng tu khác và can nhiễu đến quá trình Chính Pháp của Sư phụ.

Sư phụ giảng:

“[Tôi] nói rõ cho chư vị một chân lý: toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người.” (Chuyển Pháp Luân)

“Làm người tu luyện, thì không có khuôn mẫu; con đường mỗi cá nhân đi theo đều khác nhau; bởi vì cơ sở mỗi cá nhân là khác nhau, sự to nhỏ của các chủng tâm chấp trước là khác nhau, đặc điểm sinh mệnh là khác nhau, công tác nơi người thường là khác nhau, hoàn cảnh gia đình là khác nhau, v.v; các nhân tố [như thế] đã quyết định con đường tu luyện của mỗi cá nhân là khác nhau, trạng thái vứt bỏ tâm chấp trước, sự lớn nhỏ khi vượt quan là khác nhau; do đó trên biểu hiện [ta] rất khó [có thể] tìm ra con đường tốt mà người khác đã đắp, lại càng không có khả năng lên xe ở đó. Nếu như thật sự có con đường đã đắp tốt và xe chạy thuận chiều gió, thì quyết không phải là tu luyện.” (Lộ, Tinh tấn yếu chỉ II)

Dần dần tôi đã loại bỏ được quan niệm rằng nếu không có tôi thì các vấn đề không thể được giải quyết, và tôi cũng đã khuyến khích các đồng tu tự xử lý các vấn đề của họ.

Một lần nọ tôi đến nhà một đồng tu, đồng tu đó nói: “Tự chúng tôi đã học được cách vào trang Thiên Địa Hành (Tiandixing.org). Tôi nhất định sẽ học thêm về các vấn đề kỹ thuật.” Tôi nói từ đáy lòng của mình: “Cảm ơn bạn! Tôi xúc động vô cùng!”

Trong làn sóng khởi kiện Giang Trạch Dân, một đồng tu lớn tuổi đã nhờ tôi giúp ông ấy đưa ra một quyết định. Chúng tôi chia sẻ các thể ngộ của mình về ý nghĩa của việc khởi kiện Giang. Cuối cùng tôi nói với ông ấy: “Mọi người phải tự mình đối diện với các sự việc, nhất định phải tự mình quyết định.”

Khi một người bà con nhờ tôi giúp cô ấy viết đơn kiện, tôi cũng nói rất rõ ràng với cô ấy: “Không ai thay thế được cô trong tu luyện. Cô cần phải tự mình bình tĩnh suy nghĩ về vấn đề của cô.”

Giờ đây tôi không còn ôm đồm nhiều việc nữa, mà đã biết bình tĩnh suy xét mọi việc. Tôi xem xét sự việc dựa trên Pháp rồi mới quyết định nên giúp đỡ hay là từ chối. Tôi không còn làm việc theo cảm tính nữa.

3. Học tính khiêm tốn và vô vi

Trong quá trình hướng dẫn cho các đồng tu, tôi đã vô tình tiến nhập vào trạng thái “dạy học” – vấn đề này thì làm thế này, vấn đề kia thì giải quyết như thế kia. Còn các đồng tu cũng dần dần tiến nhập vào trạng thái “nghe”. Ý kiến của tôi luôn luôn được coi trọng, và tôi cũng cảm thấy như thế là đương nhiên.

Khi tôi thẳng thắn chỉ ra thiếu sót của đồng tu thì không có sai. Nhưng nếu tôi làm như vậy với tâm thái cho rằng mình quan trọng hơn người khác, phàn nàn và chỉ trích người khác thì đó là một chấp trước nghiêm trọng. Không ngộ ra điều này, tôi trở nên kiêu ngạo, và mối quan hệ giữa tôi với các đồng tu trở thành cái gì đó giống như “dạy học” và “nghe theo hướng dẫn”.

Chính bởi các chấp trước này mà thói quen phàn nàn về người khác của tôi trở nên trầm trọng hơn. Thân thể tôi cũng bị can nhiễu rất nghiêm trọng. Khi một đồng tu muốn học Pháp với tôi, tôi đã từ chối và nói: “Tôi không cần ai học Pháp với tôi cả. Các bạn không ỷ lại tôi thì chính là đang giúp tôi rồi. Tôi không muốn các bạn nhờ tôi giúp đỡ nữa.”

Một đồng tu khác nói rằng anh ta rất bội phục tôi. Tôi liền trả lời: “Có rất nhiều người bội phục tôi.”

Tôi không hề nhận ra điều gì bất ổn đối với cái bản ngã đã phình to của mình cho đến một ngày tôi tới nhà một đồng tu, và biết rằng anh ấy đang dùng một công nghệ khác chứ không phải cái mà tôi đã hướng dẫn cho anh ấy. Tôi hỏi anh ấy tại sao lại dùng công nghệ kia. Anh ấy đã giải thích cho tôi các ưu điểm của nó. Sau này tôi đã thử dùng nó và quả thực là nó rất tốt. Tôi cũng phát hiện ra rằng anh ấy biết rất nhiều các kỹ thuật mà tôi không biết. Khi anh ấy giải thích cho tôi về các kỹ thuật đó, tôi không hề cảm thấy rằng anh ấy đang “dạy” tôi, mà chỉ là nói với tôi những điều anh ấy biết.

Trước đó khi tôi hướng dẫn anh ấy, anh ấy cũng không có biểu hiện “truy cầu” việc “học”, mà chỉ là học những điều mà anh ấy chưa biết. Tôi dần dần đã nhận thức được rằng đó mới chính là giao lưu, mới chính là quan hệ chính thường giữa các đồng tu.

Tôi bắt đầu lĩnh hội được “học” có nghĩa là gì, và khiêm tốn là như thế nào. Một lần nọ tôi đi giảng chân tướng cùng với các đồng tu, bởi vì tôi rất muốn học cách mà họ giảng chân tướng. Tôi đã lắng nghe rất cẩn thận, và chú ý tới khẩu khí ôn hòa của họ, cũng như tấm lòng chân thành của họ khi nói chuyện với mọi người.

Trong khi quan sát họ, tôi cũng xem xét lại ngôn ngữ và hành vi của tôi lúc bình thường. Trên đường trở về, tôi đã giảng chân tướng cho một người đàn ông ngồi cạnh tôi trên xe buýt, nhưng tôi nói không tốt lắm. Khi đó, một đồng tu trẻ nhẹ nhàng đẩy tôi sang một bên và bắt đầu nói chuyện với ông ấy. Đồng tu trẻ đó không hề chỉ trích hay phàn nàn về tôi, anh ta chỉ tiếp tục giảng chân tướng một cách bình tĩnh. Tôi cảm nhận được sự bình hòa của anh ta, đồng thời cũng cảm thấy sự thiếu khiêm tốn của tôi.

Một ngày nọ tôi tới thăm một đồng tu mà đã lâu rồi tôi không gặp. Anh ấy đã buông lơi tu luyện trong nhiều năm rồi. Lần này, tôi không còn nói thao thao bất tuyệt với khẩu khí chỉ đạo nữa, thay vào đó tôi chỉ chân thành lắng nghe anh ấy chia sẻ về thể hội trong tu luyện của anh ấy, tôi cũng khích lệ đối với những điểm dù là nhỏ mà anh ấy đã đề cao lên.

Anh ấy nói: “Con dâu tôi phàn nàn rằng tôi không giữ nhà cửa sạch sẽ, tôi liền đi ra ngoài làm việc cho người ta, và học cách lau chùi nhà cửa. Khi tôi có thiếu sót, bất kể là ai chỉ ra cho tôi, tôi cũng sẽ thay đổi.”

Tôi cảm thấy những lời của anh ấy rất thật thà chất phác. Trong quá khứ, có lẽ tôi đã nói với anh ấy về hình thế của Chính Pháp thay vì chân thành lắng nghe anh ấy nói về thể ngộ tu luyện của anh ấy.

Trong lúc nói chuyện, anh ấy để ý thấy tôi ngồi song bàn, anh ấy đã nói một cách nghiêm túc: “Tôi đã không ngồi đả tọa trong nhiều năm rồi. Thấy anh ngồi như thế này, tôi lại muốn luyện công trở lại.”

Ngày hôm đó, mặc dù tôi không nói nhiều, nhưng anh ấy lại muốn luyện công trở lại. Đối với tính khiêm tốn, dường như tôi đã có được một chút lĩnh hội mới.

Tôi mở một tệp dữ liệu mà tôi đã tạo và lưu trữ ở trên màn hình máy tính, trong đó viết: “Luôn luôn đặt bản thân ở vị trí thấp hơn.” Tôi đã lưu dòng này lại như là một lời nhắc nhở bản thân, nhưng vì có nhiều chấp trước mà tôi đã không đọc nó từ lâu lắm rồi. Tôi cảm thấy thực sự hổ thẹn.

Sư phụ giảng:

“Hiện nay ở lớp này có những người cảm thấy tự mình khá lắm, thái độ nói chuyện khác [thường]. Bản thân mình vốn là gì, thì ngay tại Phật giáo cũng là điều rất kỵ huý [không nói đến].” (Chuyển Pháp Luân)

Tu luyện là vô cùng nghiêm túc. Tính khiêm tốn tựa như minh châu chiếu sáng góc tối trong tâm tôi, tựa như thanh gươm sắc bén xuyên thấu tâm hiển thị, tâm tranh đấu, tâm tật đố và chấp trước vào tự ngã của tôi. Khiêm tốn là một chủng năng lực có thể khiến tâm con người từ động trở nên tĩnh, từ tĩnh trở nên uy lực, có thể khai mở trí tuệ của con người, cho phép chúng ta nhìn thấy thực chất của sự việc ở một tầng thâm sâu hơn. Khiêm tốn là một tâm thái và phẩm cách nên có của một người tu luyện.

Tôi thường tiếp xúc với một đồng tu, tôi nhận thấy anh ấy thường làm mọi việc mà không truy cầu kết quả, chỉ làm những gì cần làm thôi. Nếu anh ấy ngã thì anh ấy sẽ đứng dậy và tiếp tục làm. Ngược lại, tôi nhìn thấy rất nhiều chấp trước của mình. Tôi luyện công bởi vì tôi muốn thân thể thông suốt, tôi đả tọa bởi vì tôi muốn chân tôi khỏe hơn. Tôi học Pháp và phát chính niệm thường là bởi vì tôi muốn giải quyết một việc nào đó. Tôi hữu ý an bài mọi thứ cho bản thân mình và làm mọi thứ là có mục đích. Tất cả những điều này đã hạn chế sự triển hiện như ý của Pháp.

Tôi dần dần ngộ được rằng tôi phải tu luyện chính mình trong quá trình hướng dẫn kỹ thuật cho mọi người. Tôi cần phải minh bạch điều gì cần xả bỏ, và chỉ làm những gì cần làm mà không truy cầu vào kết quả.

Hiện tại, các đồng tu mà đã kiên trì học kỹ thuật đã đạt được rất nhiều kinh nghiệm và thể ngộ của chính họ, mỗi người đều có nhận thức của chính mình. Một số người còn cho rằng họ cần phải dạy thêm nhiều đồng tu nữa cách cài đặt hệ thống.

Sư phụ giảng:

“Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ.” (Chuyển Pháp Luân)

Sự cải biến của các đệ tử là do năng lực của Pháp. Tôi đã ngộ ra thêm được một chút về ý nghĩa của vô vi.

“Hướng nội tìm” không phải là một lời nói suông. “Đặt bản thân ở trong chỉnh thể, chứ không phải đặt bản thân ở trên chỉnh thể” cũng không phải là một khẩu hiệu. Chỉ có chân chính quy chính bản thân thì mới có thể phủ định bức hại.

Trong phối hợp chỉnh thể, chúng ta phải phóng hạ tự ngã, chỉ có như vậy thì mới có thể hình thành được một chỉnh thể kiên cố không thể phá. Đây là điều mà Sư phụ yêu cầu.

Tôi nhớ một đồng tu đã từng nói: “Chỉ khi hòa vào đại dương thì một giọt nước mới trở thành một phần của hồng thế triều dâng sóng dậy. Chỉ khi tan biến vào không khí thì một giọt nước mới trở thành một phần của mây trắng tráng lệ trên trời xanh.” Chỉ khi phóng hạ tự ngã thì mới có thể thể hiện được sức mạnh của chỉnh thể.

Tôi xin cảm ơn các bạn đồng tu vì sự bao dung, thấu hiểu và phối hợp của họ. Đồng thời tôi cũng xin lỗi tất cả các bạn đồng tu mà tôi đã chỉ trích và oán trách trong quá khứ.

Con xin cảm tạ Sư tôn vì sự gia trì, từ bi và sự bảo hộ của Ngài. Con nhất định sẽ tinh tấn hơn trên con đường tu luyện của mình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/11/3/318466.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/11/11/153624.html

Đăng ngày 07-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share