Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Thiên Tân

[MINH HUỆ 24-9-2015] Tôi là một cô gái may mắn sinh ra trong một gia đình hạnh phúc. Cha mẹ tôi có học thức, và đời sống tinh thần của gia đình tôi rất phong phú. Tôi rất lanh lợi, vui vẻ và ngoan ngoãn. Tôi luôn được điểm cao ở trường. Mọi người thích nụ cười chân thật và tính vô tư của tôi.

Nhưng một điều đã ám ảnh tôi trong 16 năm qua như một cơn ác mộng tái diễn: cuộc bức hại Pháp Luân Công do cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân phát động vào năm 1999.

Mẹ tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công khi tôi lên ba tuổi. Môn tu luyện đã khiến bà có một sức khỏe tốt và tinh thần tốt. Bà để tôi ngồi bên cạnh khi đang đọc sách của Pháp Luân Công. Trong một thời gian ngắn, tôi có thể học thuộc nhiều đoạn trong sách, và tôi học được rất nhiều từ những lời dạy này.

Tôi cũng được hưởng lợi từ môn tu luyện. Sức khỏe của tôi luôn tốt và chưa bao giờ cần đến thuốc. Tu luyện Pháp Luân Công cũng giúp tôi trở nên xuất sắc trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Ở nhà trẻ, tôi giành giải thưởng múa hàng đầu của thành phố Thiên Tân. Khi vào lớp một, tôi được bầu làm lớp trưởng.

Thế giới tươi đẹp của tôi trở nên đen tối

Tôi nghĩ cuộc đời mình sẽ được hạnh phúc và thảnh thơi mãi mãi. Nhưng tất cả đã thay đổi vào đêm ngày 19 tháng 7 năm 1999, khi công an bắt mẹ tôi và đưa đến một hắc lao trong khách sạn. Không ai cho tôi biết vì sao bà bị bắt hay khi nào bà trở về. Khi ấy tôi mới bảy tuổi.

Hai ngày sau, các kênh truyền hình bắt đầu phát đi những chương trình công kích Pháp Luân Công. Sau đó, mẹ tôi nói rằng những chương trình này hoàn toàn là bịa đặt. Lập trường kiên định của bà đã khiến nhiều quan chức địa phương giận dữ. Đồng nghiệp tại sở làm đã hết sức cố gắng thuyết phục bà từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Một ngày kia, cậu tôi đã đưa tôi đi thăm mẹ đang ở trong một hắc lao. Cậu bảo tôi van xin mẹ từ bỏ niềm tin, bởi vì nếu bà không từ bỏ, công an sẽ đưa bà đi và bà sẽ không bao giờ trở về nữa.

Tôi rất sợ và không hiểu lý do đằng sau những lời nói của cậu. Nhưng dù cho khách sạn rất hỗn loạn và ồn ào, mẹ tôi vẫn rất bình tĩnh. Bà bảo tôi đừng sợ, vì không có gì sai khi làm một người tốt và tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Bà nói chúng tôi sẽ không từ bỏ, vì chúng tôi cần cho chính phủ biết sự thật và làm sáng tỏ những hiểu lầm.

Mặc dù khi đó tôi còn nhỏ, nhưng sự bình tĩnh và quả quyết của mẹ đã thuyết phục tôi. Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao đột nhiên Pháp Luân Công từ chỗ phổ biến và tốt đẹp lại trở thành phi pháp chỉ sau một đêm – đặc biệt là Pháp Luân Công hướng con người làm điều tốt. Tôi quyết định tin vào Pháp Luân Công và ủng hộ mẹ vô điều kiện.

Mẹ tôi đã có quyết định đúng đắn nhưng rất khó khăn. Bà đã bị mất việc, công việc mà bà yêu thích, và gia đình tôi liên tục bị công an sách nhiễu. Nhà chúng tôi bị nhiều người lạ dưới quyền công an địa phương lục soát. Mẹ tôi đã quyết định Thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương, do đó bà đã đến Bắc Kinh. Gia đình tôi không còn được bình an nữa. Mẹ tôi đã bị giam giữ nhiều lần. Nỗi sợ hãi ám ảnh tôi suốt ngày, và nỗi sợ đó càng tăng khi tôi ngày một lớn lên.

Tôi không biết mẹ bị giam ở đâu hay khi nào mẹ có thể trở về. Mỗi ngày sau giờ học chỉ có ngôi nhà trống trải chờ đợi tôi. Cha tôi về nhà sau giờ làm việc và nấu cho tôi một bữa ăn đơn giản. Sau khi tôi đi ngủ, ông sẽ quay trở lại văn phòng để tiếp tục công việc.

Tôi liên tục bị ác mộng làm thức giấc, nhưng không ai ở nhà để an ủi tôi. Tôi không ngừng gọi vào máy nhắn tin của cha, nhưng ông không trở về. Tôi thường xuyên khóc tới lúc kiệt sức rồi cứ thế ngủ thiếp đi.

Dần dần tôi đã học cách tự chải đầu, và quen với việc ở nhà một mình.

Cha tôi trở nên gầy đi và mắc bệnh lo lắng. Ông bà tôi dường như già đi mười tuổi trong thời gian ngắn, dù vậy tôi tự nhủ với bản thân rằng mình phải mạnh mẽ lên. Tôi quyết tâm giữ vững gia đình mình như thể mẹ tôi vẫn còn ở đây.

Tôi không dám nói về mẹ với bất cứ người bạn nào. Tôi học hành chăm chỉ vì tôi tin rằng mẹ sẽ trở về nhà sau khi thỉnh nguyện lên chính phủ. Tôi phải cho mẹ thấy rằng tôi là một cô gái ngoan và mẹ không cần phải lo lắng cho tôi.

Khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi

Trước ngày Tết Nguyên đán Trung Quốc năm 2000, mẹ tôi đã trở về nhà, nhưng bà đã bỏ lỡ sinh nhật lần thứ tám của tôi. Dĩ nhiên là chúng tôi cũng tổ chức sinh nhật trong hoàn cảnh như vậy.

Tôi nghe nói mẹ đã bị giam trong một trại tạm giam lạnh giá. Tôi không muốn chấp nhận việc người mẹ yêu quý của mình bị giam. Cơ thể bà rất yếu, nhưng niềm tin vẫn rất mạnh mẽ. Tôi chọn cách giữ im lặng. Tuy nhiên, tôi cầu xin rằng mẹ sẽ không rời xa tôi lần nữa.

Tôi tám tuổi, nhưng tôi có ý thức về an toàn hơn một đứa trẻ ngây thơ.

Tôi nghe nói rằng mẹ đã bị đánh đập vì cố gắng bảo vệ những người khác. Tôi nghe nói rằng các cô và các chú mà chúng tôi từng thân thiết cũng bị giam và sau đó bị kết án lao động cưỡng bức. Có người bị sốc bằng dùi cui điện, hay bị đánh bằng dùi cui. Một số người được đưa đến bệnh viện sau khi bị đánh đập tàn bạo. Một số đã chết.

Khi nghe những tin khủng khiếp ấy, mẹ tôi vẫn bình tĩnh và nói rằng làm người tốt là không sai, và chúng ta phải giải thích về sự tốt đẹp của Pháp Luân Đại Pháp cho chính quyền để những vị lãnh đạo biết về sự tàn bạo của cuộc bức hại.

Khi bà tôi không còn trông chừng mẹ nữa, mẹ đã rời khỏi nhà sau vài tháng vào ngày 26 tháng 6 năm 2000 và đi xe lửa đến Bắc Kinh.

Mất mẹ một lần nữa

Cuộc sống “yên bình” mới tái diễn đã lại tiêu tan. Tôi thu mình vào một góc và nghe từng lời mà người lớn nói.

Tôi nghe nói mẹ đã bị ngăn lại ở bên ngoài Văn phòng thỉnh nguyện tại Bắc Kinh và bị công an đưa trở về thành phố của chúng tôi. “Nhà tù, lao động cưỡng bức hay từ bỏ [niềm tin],” một trong những người lớn nói. Những lời này đã xới tung cuộc đời tôi. Mẹ tôi đã bị kết án một năm rưỡi lao động cưỡng bức.

Kỳ nghỉ hè của tôi bắt đầu vào một thời gian ngắn sau đó. Cha tôi đã gửi tôi cho bà và gia đình người bác vì công việc của ông quá bận. Tôi nỗ lực làm mọi việc để được đối xử tốt hơn, và tôi học cách hành xử sao cho lời nói và hành động của mình không gây ảnh hưởng xấu đến người khác.

Một học kỳ mới bắt đầu. Tôi cẩn thận giữ bí mật về mẹ với bạn cùng lớp. Tôi giả vờ như không có gì xảy ra.

Cha không muốn cho tôi gặp mẹ trong những lần đi thăm hàng tháng. Ông lo rằng trái tim nhỏ bé của tôi sẽ không thể chịu nổi. Tôi cũng sợ khi yêu cầu đi thăm mẹ. Tôi chỉ có thể khóc khi không có ai xung quanh.

Sau đó tôi đã bí mật tìm được địa chỉ của trại lao động cưỡng bức nơi mẹ tôi bị giam, và tôi bắt đầu viết thư cho bà. Tôi nói rằng tôi vẫn được chăm sóc tốt, nên mẹ không cần lo lắng cho tôi. Tôi đã viết các bức thư và vẽ tranh gửi cho mẹ.

Cuối cùng, bà tôi kiên quyết và họ đã đưa tôi đi gặp mẹ. Người nữ công an giám sát cuộc gặp nói rằng cô ấy đã biết tôi. Cô nói rằng tôi là một cô gái ngoan ngoãn, xinh xắn và tuyệt vời. Cô nói rằng những bức thư và tranh vẽ mà tôi gửi cho mẹ đã làm cô cảm động đến rơi nước mắt.

Mẹ đã ôm chặt lấy tôi, và nước mắt tôi tuôn trào.

Trở lại “bình thường”

Mẹ tôi được thả sau 11 tháng lao động cưỡng bức. Thậm chí sau khi trở về nhà, bà cũng không hoàn toàn vui vẻ. Bà không còn công việc và vị trí mà nhiều người mong muốn. Và truyền thông vẫn tràn đầy những tuyên truyền chống lại chúng tôi. Mẹ tôi nản lòng và thất vọng đối với cuộc bức hại Pháp Luân Công của chính quyền.

Tôi cũng phát sinh ngờ vực đối với Pháp Luân Công khi xem những tuyên truyền. Mẹ tôi đã giải thích thấu đáo rằng vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn là được dàn dựng để vu khống cho Pháp Luân Công. Mẹ đã nhắc lại cho tôi về 10 năm đau khổ mà người Trung Quốc chịu đựng dưới thời Cách mạng Văn hóa, vụ thảm sát Thiên An Môn đối với sinh viên đòi quyền tự do dân chủ vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, và nhiều chiến dịch chính trị khác nhắm vào những nhóm người Trung Quốc khác nhau. Bà nói rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công là [biểu hiện của việc] Đảng Cộng sản áp dụng lại những thủ đoạn cũ.

Mỗi lần nói chuyện cùng nhau, mẹ luôn bảo tôi phải duy trì thiện tâm và sự từ bi, cũng như phải có lựa chọn đúng sai của bản thân.

Do có kỹ năng và kinh nghiệm làm việc, mẹ đã mau chóng kiếm được một công việc mới. Nhìn từ bề mặt, gia đình chúng tôi đã trở lại như bình thường.

Tôi luôn lo lắng rằng mẹ sẽ không trở về vào khoảng 6 giờ chiều, rằng bà sẽ bị những kẻ xấu bắt đi khi đang trên đường đi làm. Mỗi tối khi mặt trời lặn, sự lo lắng xuất hiện trong tâm tôi. Tôi không thể tiếp tục tập trung vào bài tập ở nhà. Tôi nhìn ra ngoài ban công, hướng về góc đường cho đến khi hình dáng thân quen xuất hiện. Sau đó tôi sẽ tiếp tục làm bài tập.

Công an sách nhiễu khiến tôi hoảng sợ

Cuộc sống yên bình của chúng tôi chỉ là trên bề mặt. Thực tế là chính quyền không bao giờ ngừng sách nhiễu. Trong “những ngày nhạy cảm”, khi chính phủ nghĩ rằng một số kẻ chống đối sẽ hành động, chính quyền địa phương sẽ đến kiểm tra chúng tôi.

Tối ngày 14 tháng 6 năm 2008, trước khi Thế Vận hội Bắc Kinh bắt đầu, một số người đã gõ cửa nhà tôi để kiểm tra đồng hồ nước, khi đó cha mẹ tôi đang chuẩn bị bữa tối.

Cha tôi mở cửa và thấy nhiều công an thường phục của đồn công an địa phương cùng với một người đàn ông thuộc ủy ban dân phố của chúng tôi. Họ muốn đưa mẹ tôi đi mà không đưa ra một lý do nào. Họ cũng không có lệnh.

Nỗi sợ hãi và lo lắng ẩn sâu trong tâm tôi trào lên như một ngọn núi lửa. Tôi cuốn mình vào một góc và run rẩy. Nhưng tôi không thể khóc hay gây ra một tiếng động nào. Tôi tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ và không thể hiện sự yếu đuối khiến cha mẹ lo lắng.

Có thể là chỉ trong vài phút, nhưng thời gian bị đóng băng lại. Nỗi sợ hãi vùi lấp tôi. Tất cả những ký ức vui buồn quá khứ trong cuộc đời chúng tôi hiện lên trong tâm trí tôi như một bộ phim.

Cha tôi ngăn họ tại cửa, trong khi mẹ tôi đứng sau lưng ông và kiên nhẫn giải thích với họ. Họ rất kiên quyết. Cuối cùng, cha tôi mất kiên nhẫn và nhốt họ ở ngoài.

Đó là lần đầu tiên tôi nghe tiếng hét của cha. Trong ký ức của tôi, cha là một người rất lịch sự và trước đây không bao giờ to tiếng với bất kỳ ai.

Thể hiện lòng can đảm

Cuối cùng, tôi cũng trở nên mạnh mẽ và lý trí hơn. Tôi đã nhận ra tầm quan trọng của chính tín. Mẹ tôi là một tấm gương tốt. Suốt một thập kỷ bị bức hại, mẹ đã không khuất phục dưới áp lực. Thay vào đó, mẹ vẫn tiếp tục tu luyện. Bà trông ngày càng trẻ hơn và hạnh phúc hơn. Bà còn quan tâm đến người khác nhiều hơn.

Tôi thi đỗ một trường đại học danh tiếng ở Bắc Kinh vào năm 2010 và tốt nghiệp tại đó bốn năm sau.

Rời xa mẹ và gia đình, tôi dựa vào nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công, vốn đã cắm rễ sâu trong tim để chỉ đạo bản thân nhiều hơn. Mẹ thường gọi điện thoại cho tôi. Bà khuyến khích tôi mạnh mẽ và bảo trì tâm thuần khiết.

Bản chất độc ác của tà đảng không bao giờ thay đổi. Một ngày vào mùa hè năm ngoái, mẹ dự định đi thăm cha khi ông đang làm trong một dự án ở một tỉnh khác. Chính quyền đã biết được chuyến đi của bà và đã bắt giữ bà trước đó.

Công an đã lục soát nhà chúng tôi và lấy đi các sách Pháp Luân Công, máy tính và chứng minh thư của mẹ. Họ đưa ra một lý do giả mạo để lục soát và cho rằng một người danh tính không rõ ràng đã đến thăm nhà chúng tôi vào một thời điểm mơ hồ.

Cha đã gọi cho tôi để thông báo về vụ việc. Dì tôi đã gửi cho tôi một văn bản chi tiết hơn. Tôi đã quyết định về nhà và đối diện với sự việc.

Ngày tôi trở về, trời rất tối. Tôi một mình nhìn vào căn nhà ngổn ngang bị lục soát. Lúc đó tôi không sợ nữa. Một sức mạnh, một niềm tin mạnh mẽ tràn ngập trong tôi. Tôi bình tĩnh và thanh thản hơn bao giờ hết. Tôi đã quyết định đối diện với mọi thử thách, dù cho có bị chia cắt với mẹ một lần nữa hay bị người khác hiểu lầm. Tôi sẽ can đảm và ủng hộ mẹ.

Mẹ tôi được thả sau 30 ngày. Tôi rất buồn khi thấy mẹ rất ốm, nhưng nỗi sợ hãi của tôi đã không còn.

Quyết tâm tìm kiếm công lý

Cuộc đời tôi đã bước sang một chương mới vào năm nay

Chuyến bay của tôi từ Vancouver về Bắc Kinh trùng với một buổi diễu hành quân đội trên diện lớn. Như kế hoạch, mẹ sẽ đón tôi tại Sân bay Quốc tế Bắc Kinh.

Khi bà đưa chứng minh thư để mua vé xe lửa, một tín hiệu cảnh báo bật lên trong hệ thống, và công an đã ngăn bà lại. Họ nói với bà rằng các học viên Pháp Luân Công không được phép đến Bắc Kinh trong ngày diễu hành quân đội.

Khi máy bay của tôi đáp xuống, tôi bật điện thoại lên và thấy một tin nhắn của cha thông báo rằng mẹ không thể đến. Khi tôi suy nghĩ về việc làm sao có thể một mình mang hết hành lý, thì mẹ gọi cho tôi: “Hai công an đang đưa mẹ đến Bắc Kinh để đón con. Họ cũng sẽ đưa chúng ta về nhà. Hãy lịch sự với họ.”

Chúng tôi là những hành khách cuối cùng trên chuyến xe buýt của sân bay, và hai công an đã giúp tôi mang và chất hành lý.

Chuyến đi trở về Thiên Tân này là lần đầu tiên tôi tiếp xúc trực diện với nhóm người đã từng sách nhiễu chúng tôi trong rất nhiều năm qua.

Khi họ nói chuyện, mẹ tôi đã nói với họ rằng một công an từng đánh đập các học viên trong trại tạm giam đã chết rất trẻ vì bệnh ung thư giai đoạn cuối. Bà nói rằng đó là vì quả báo. Bà nói với hai người công an trẻ đừng tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công vì tương lai tốt đẹp của họ.

Tôi thấy rằng thái độ của họ đã thay đổi. Thay vì chửi rủa và hăm dọa, họ trở nên lý trí và giải thích nhiều lần rằng đó là vì công việc, và rằng chúng tôi cần hiểu cho người khác.

Điều này đã khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về cuộc bức hại:

Tại sao Trời lại cho cuộc bức hại này tiếp diễn?

Tại sao có rất nhiều học viên lại bất chấp nguy cơ bị giam cầm hoặc tra tấn để nói với mọi người về Pháp Luân Công?

Tại sao có rất nhiều trẻ em không thể đoàn tụ cùng cha mẹ?

Tại sao người trong hệ thống công an và luật pháp vẫn bức hại Pháp Luân Công?

Tại sao rất nhiều trường hợp quả báo lại không thể cảnh tỉnh một số kẻ bức hại?

Tôi nghĩ rằng tất cả câu trả lời chính là Giang Trạch Dân, kẻ đã phát động cuộc đàn áp, nhưng chưa bị trừng phạt. Trung Quốc sẽ có tự do tín ngưỡng chỉ sau khi Giang bị đưa ra công lý và những người biết sự thật sẽ không bị ép buộc tham gia vào cuộc bức hại. Trẻ em ở Trung Quốc cũng sẽ có thể lớn lên trong hạnh phúc ở một xã hội có đạo đức.

Tôi đã đi đến một quyết định: Tôi cũng sẽ kiện Giang Trạch Dân. Mục đích của tôi là để nhiều hơn những người vô tội biết sự thật về Pháp Luân Đại Pháp và để Trung Quốc tiến vào một kỷ nguyên mới không còn dối trá và bạo lực.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/9/24/316219.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/10/1/153035.html

Đăng ngày 09-11-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share