[MINH HUỆ 17-06-2015] Năm 2001 là năm đặc biệt khó khăn với ông Trương Chí Cường, người đã hai năm phải chịu án lao động cưỡng bức bởi cự tuyệt từ bỏ đức tin của mình với Pháp Luân Công. Tháng 5 năm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường đàn áp các học viên Pháp Luân Công, và bắt đầu một đợt tấn công mới nhằm vào các học viên đang bị giam cầm.
Ông Trương bị cấm ngủ, bị đánh đập, bị treo người lơ lửng bằng còng tay, và bị làm bỏng bằng nước sôi. Các vết sẹo bỏng của ông cho đến nay, sau 14 năm, vẫn còn nhìn rõ mồn một.
Ông Trương Chí Cường bị gây bỏng bằng nước sôi ở vị trí dưới hốc nách vào tháng 5 năm 2001. Các vết sẹo vẫn còn rõ rệt sau 14 năm, thời điểm chụp bức ảnh này là tháng 6 năm 2015
Ông Trương và vợ, bà Trần Khánh, đã khởi kiện hình sự Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công khiến họ phải gánh chịu thống khổ to lớn và khiến họ bị mất việc làm. Bà Trần bị bức hại tàn bạo đến mức có lúc thần trí đã không còn tỉnh táo. Cặp vợ chồng này cáo buộc Giang các tội danh như tội ác chống lại nhân loại, tội lạm dụng quyền lực, tội tra tấn, và tội diệt chủng.
Người chồng: Hai năm bị giam giữ trong trại lao động cưỡng bức và bị tra tấn tàn khốc
Khi ông Trương đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện vào tháng 9 năm 1999 – hai tháng sau khi cuộc bức hại bắt đầu – công an đã bắt ông tại Quảng trường Thiên An Môn. Ông bị giam giữ tại Trại tạm giam Kỳ Giang ở Trùng Khánh.
Trong thời gian bị giam giữ trong trại tạm giam, các nhân viên ở đó đã tống tiền gia đình ông hơn 2.000 nhân dân tệ và ép ông chủ nơi ông làm việc phải sa thải ông.
Ông Trương đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện một lần nữa vào tháng 11 năm 1999. Ông bị giam giữ và bị cưỡng bức lao động nặng nhọc. Mặc dù cha ông đã chi ra hàng nghìn nhân dân tệ để ông được thả ra, nhưng một tháng sau đó, các quan chức đã chuyển ông đến một trại lao động cưỡng bức bởi ông vẫn kiên định đức tin của mình.
Trong trại lao động cưỡng bức, ông bị đánh đập, bị biệt giam, và bị bức thực. Một năm sau, khi thời hạn giam giữ kết thúc, các quan chức lại gia hạn giam giữ ông thêm một năm nữa.
Trại lao động Tây Sơn Bình, nơi giam giữ ông Trương, đã tăng cường bức hại ông vào năm 2001. Một bộ phận đặc biệt được thành lập để ngược đãi các học viên Pháp Luân Công, và mỗi học viên sẽ bị từ hai đến bốn tù nhân giám sát 24/24.
Mặc dù ông Trương sống sót sau các cuộc tra tấn, nhưng đồng tu của ông là ông Lý Trạch Đào đã mất vào ngày 2 tháng 6 năm đó.
Người vợ: Năm lần bị bắt và cha mẹ bà cùng sớm qua đời
Bà Trần, một giáo viên, bị bắt giữ năm lần và nhà bà năm lần bị lục soát kể từ sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999.
Khi bà đến Bắc Kinh thỉnh nguyện lần thứ hai vào tháng 11 năm 2000, các quan chức đã giam giữ bà một năm trong trại lao động, tại đó bà bị nhục mạ và tra tấn, bị các tù nhân theo dõi 24/24. Một năm sau đó khi hết thời hạn giam giữ, Phòng 610 huyện đã giam bà ở một trung tâm tẩy não trong gần ba tuần.
Công an đã thông đồng với ông chủ của bà Trần và lại bắt giữ bà một lần nữa vào tháng 12 năm 2002. Các quan chức đã giam giữ bà trong hai tuần và mẹ của bà buộc phải quỳ xuống trước mặt họ, cầu xin họ thả bà Trần ra. Sau đó họ bắt bà Trần phải viết một bản cam kết rằng bà sẽ không bao giờ rời khỏi thị trấn hay liên hệ với những học viên khác.
Phòng 610 Đồng Nam cùng công an đã bắt bà Trần tại nơi làm việc vào tháng 12 năm 2003, và tống bà vào một trung tâm tẩy não. Người mẹ già cả của bà, đang bị ốm và gần như bị mù lòa bởi quá lo lắng cho bà trong lần giam giữ trước, đã đến thăm và bị ngất xỉu khi nhìn thấy bà Trần.
Một trong số các công an ở đó, Thái Cương, đã tàn nhẫn hét lên: “Không được chết ở đây, có chết thì chết ở trong bệnh viện ấy!”
Bà Trần đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Nhưng các nhân viên trung tâm đó vẫn tiếp tục ép buộc bà phải từ bỏ đức tin của mình bằng việc tra tấn, nhục mạ, và tống tiền bà. Hai tuần sau đó, bà đã trốn thoát, bà và ông Trương buộc phải bỏ nhà sống lang bạt.
Do tổn thương tâm lý và suy sụp trước những sự việc này, mẹ của bà Trần đã bị liệt vào đầu năm 2005 và qua đời vào tháng 10 năm 2006. Lo lắng cho sự an toàn của mình, bà Trần và chồng bà không dám trở về nhà để mai táng cho mẹ.
Sau bốn năm sống cơ cực, bà Trần bị mắc bệnh trầm cảm và ám ảnh. Bà cùng chồng không có sự lựa chọn nào khác là quay trở về nhà vào cuối năm 2007.
Tháng 1 năm 2003, cha bà Trần bị ngã trong một vụ tai nạn và bất tỉnh, một số người đứng xem đã gọi cứu thương. Theo lời kể của các nhân chứng, công an từ chối đưa ông ấy đi cấp cứu kịp thời.
Cha bà Trần đã qua đời trong ngày hôm đó. Tiếp đó, công an ra lệnh khám nghiệm tử thi mà không hề có có giấy báo tử cũng như sự đồng ý của gia đình.
Khi bà Trần biết những việc đã xảy ra với cha mình, bà đã đến đồn công an địa phương để hỏi về nguyên nhân cái chết của cha bà.
Tuy nhiên, câu trả lời bà nhận được là: “Không có nhân quyền cho Pháp Luân Công!”
Điều này cho bà thấy rõ ràng rằng cha bà bị công an ngược đãi chỉ đơn giản bởi bà là học viên Pháp Luân Công.
Bà Trần và chồng bà thấy rằng cuộc bức hại đã khiến họ phải chịu tổn thất về công việc, gia đình, và cuộc sống của họ. Giờ đây họ đang tìm kiếm công lý.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã bỏ ngoài tai ý kiến của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác và thi hành cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610,” vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và tòa án trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.
Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/6/17/310970.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/7/8/151454.html
Đăng ngày 31-07-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.