[MINH HUỆ 07-10-2014] (Tiếp theo Phần 3)

12. Chiếc quạt lông của Khổng Minh

Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, đã chọn một người phụ nữ xấu làm vợ. Câu chuyện được lưu truyền qua nhiều thế hệ, và người ta vẫn thích nghe. Có nhiều truyền thuyết thú vị về Khổng Minh, và chiếc quạt lông của ông là một trong số đó.

Khi còn nhỏ, Khổng Minh được một cao nhân chỉ dạy ông về binh thư chiến pháp và biến hoá của trời đất. Khi đi tham quan trên những ngọn núi, ông thấy một túp lều. Đột nhiên, một cô gái vô cùng xinh đẹp bước ra cửa. Cô ta vẫy gọi Khổng Minh và mời ông dùng trà và chơi cờ.

Cô ta nói: “Từ giờ khi nào nhàn không bận gì, tiện qua chỗ tôi và chơi cờ nhé.” Khổng Minh đã đến túp lều mỗi ngày và thấy rất thoải mái vui vẻ. Tuy nhiên, ông không còn để tâm học hành và không thể nhớ những điều trong sách, thậm chí sau khi đọc một đoạn văn nhiều lần. Sư phụ của ông đã nhận ra điều này.

Sư phụ nói: “Phá cây thì dễ, nhưng trồng cây thì khó! Sắc đẹp của nó làm con mê muội và con đã bị cám dỗ. Con có biết rằng nó vốn là một con hạc tiên trên trời? Và nó thường hay đến thế gian để dụ dỗ con người?”

Khổng Minh rất hối hận và xấu hổ, liền hỏi sư phụ biện pháp. Sư phụ trao cho ông một cây gậy chống và nói: “Mỗi ngày nó đều đi tắm trong hồ trên núi. Đây là cơ hội để giấu quần áo của nó. Nó sẽ tìm con để lấy lại khi không tìm thấy quần áo. Sau đó hãy dùng cây gậy này để đánh nó!”

Khổng Minh liền làm theo lời sư phụ. Khi con hạc không thể tìm thấy quần áo, nó hiện nguyên hình và mổ vào mắt Khổng Minh. Ông tránh né, nắm lấy đuôi của nó và đánh mạnh bằng cây gậy.

Khi con hạc thấy tình hình bất lợi, nó đã vùng vẫy và bay đi. Nhưng Khổng Minh vẫn giữ lông đuôi của nó trong tay mình, nên nó không thể quay về trời. Để cảnh tỉnh về sự dại dột thời trẻ của mình, ông đã làm một chiếc quạt bằng lông đuôi như một lời nhắc nhở liên tục.

Người ta khen ông là “người mệnh danh trí tuyệt, lại càng đủ phẩm đức, tĩnh lặng đến thâm sâu, đạm bạc chí sáng suốt, lấy vợ tuyển người xấu, thật ra chọn vợ hiền, người đời sau kính ngưỡng, truyền thuyết có rất nhiều.”

13. Nguyễn Thị – một xú nữ

Mô Mẫu, vợ của Hoàng Đế; Chung Ly Xuân , vợ của Tề Tuyên Vương; Mạnh Quang, vợ của Lương Hồng; và Nguyễn Thị, vợ của Hứa Doãn, được xem là “tứ đại xú nữ,” nhưng họ cũng nổi tiếng bởi đức hạnh của mình.

Hứa Doãn rất nổi tiếng trong thời Tam Quốc. Hứa Doãn cưới con gái của Nguyễn Đức Úy. Trong đêm tân hôn, Hứa Doãn mới phát hiện con gái của Đức Úy quá xấu, liền vội vã chạy ra khỏi tân phòng, và từ đó không muốn vào nữa.

Về sau bạn của Hứa Doãn là Hoàn Phạm đếm tìm ông và nói: “Phải có lý do nên nhà Đức Úy mới gả người con gái xấu cho anh. Anh thử tìm hiểu cô ấy xem thế nào.”

Nghe lời Hoàn Phạm, Hứa Doãn quả thật bước vào tân phòng, nhưng vừa thấy dung mạo của cô dâu liền co chân muốn rời đi ngay, cô dâu túm lấy kéo ông ta lại. Hứa Doãn vừa giãy giụa vừa hỏi nàng: “Phụ nữ có ‘tứ đức’. Nàng thì phù hợp điều nào?”

Nàng đáp: “Trừ sắc đẹp ra, thiếp có cả ba cái còn lại. Quân tử có ‘bách hành’ (một trăm điều để theo). Ngài có thể thực hiện bao nhiêu điều?”

Hứa đáp: “Ta có thể thực hiện được cả một trăm điều.”

Cô dâu đáp: “Trong một trăm điều, đức là trên hết. Ngài hiếu sắc không hiếu đức. Làm sao có thể nói rằng bản thân mình đáp ứng tất cả được?”

Hứa Doãn á khẩu không nói được gì. Từ đó, hai người họ tương kính tương ái và sống với nhau hạnh phúc.

Có lời khen rằng: “Quân tử bách hành, lấy đức làm đầu, Nguyễn Thị vừa hỏi, Hứa Doãn á khẩu, vợ hiền giúp chồng, ân ái dài lâu, kẻ hiền khinh sắc, chẳng gì thấp hèn.”

14. Uất Trì Kính Đức

Uất Trì Cung, tự Kính Đức, là một danh tướng thời Đường. Ông là một trong 24 anh hùng được khắc chân dung ở Lăng Yên Các.

Tư trị thông giám có chép lại một cuộc nói chuyện giữa Đường Thái Tông và Uất Trì Cung. Thái Tông hỏi ông: “Ta muốn khanh cưới con gái ta. Khanh nghĩ sao?”

Uất Trì Cung khấu đầu cảm tạ và nói: “Vợ thần, dù là xuất thân khiêm tốn, nhưng đồng cam cộng khổ với thần trong nhiều năm. Thần mặc dù tài năng khiêm tốn và hiểu biết nông cạn, nhưng có nghe rằng: cổ nhân phú quý rồi, cũng không lấy vợ khác. Việc cưới công chúa không phải là bản nguyện của thần.”

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/10/8/298584.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/11/2/146650.html

Đăng ngày 05-05-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share