Bài viết của Minh Đức

[MINH HUỆ 14-12-2014] Ông Địch Huy, một học viên ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt giữ vào tháng 04 năm 2012. Do bị ngược đãi trong thời gian dài, ông trở nên hốc hác và không thể ăn hay đi lại được. Các lính canh đã đưa ông đến tòa án để xét xử hồi tháng 12 năm 2012.

Con gái ông đang học trung học hết sức hoang mang khi biết rằng cha cô bị buộc tội “tiết lộ bí mật quốc gia”, chỉ vì ông cài đặt một chảo vệ tinh.

“Làm sao mà người bình thường như chúng tôi lại ‘tiết lộ bí mật quốc gia’ bằng cách cài đặt và xem truyền hình vệ tinh chứ?” cô hỏi. “Hơn nữa, chảo vệ tinh được phép làm ở Trung Quốc, và người dân khắp thế giới có thể xem truyền hình vệ tinh, tại sao điều đó lại là phạm tội chứ?”

Tra tấn, giết người và cưỡng hiếp được xem là “Bí mật quốc gia”

Cô con gái không phải là người sửng sốt duy nhất. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã huy động tổng lực đến mức đáng kinh ngạc nhằm che đậy cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công suốt hơn 15 năm qua, bao gồm phỉ báng môn tu luyện trên mọi phương tiện truyền thông của nó, thậm chí cả trong sách giáo khoa.

Bất kỳ ai phơi bày sự thật về cuộc bức hại đều bị trừng phạt nặng nề, đặc biệt trong trường hợp họ bị phát hiện là có phơi bày với truyền thông hải ngoại.

Một ví dụ là bài báo trên tờ Wall Street Journal đăng tải về việc về bà Trần Tử Tú, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Duy Phường tỉnh Sơn Đông đã bị tra tấn đến chết. Ian Johnson, tác giả bài báo, đã nhận được giải thưởng Pulitzer vào năm 2001.

Nhưng ba ngày sau khi bài viết được đăng, con gái bà Trần đã bị bắt giữ vì kể cho ông Johnson trải nghiệm của mẹ cô, và cô bị buộc tội “tiết lộ bí mật quốc gia”. Cô đã bị giam một năm trong một trại giam, sau đó là ba năm trong một trại lao động cưỡng bức.

Cô Ngụy Tinh Diễm, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Trùng Khánh, đã bị một công an cưỡng hiếp trước mặt hai nữ tù nhân tại Trại giam Bạch Hạc Lâm hồi tháng 03 năm 2003. Sau khi việc này được báo cáo ra hải ngoại, Phòng 610 Trùng Khánh đã tiến hành mọi biện pháp hòng che đậy vụ việc này.

Hậu quả là hơn 40 người đã bị bắt giữ, và ít nhất 10 người bị kết án từ 5 đến 14 năm tù giam. Tất cả đều bị buộc tội “tiết lộ bí mật quốc gia”.

Thậm chí những người viết bài cũng bị ĐCSTQ bức hại. Nhiều học viên (Triệu Hổ, Thôi Hải, Trầm Học Võ, Trần Cương), những người là giáo sư đại học hay quản lý doanh nghiệp cao cấp, đã bị bắt giữ tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hà Bắc vào cuối năm 2012.

Vì viết ra những sự thật về mặt trái của chính quyền, họ đã bị buộc tội “tiết lộ bí mật quốc gia” và “âm mưu lật đổ chính quyền,” bị kết án tù từ 3 đến 5 năm.

Giết người vô tội, tra tấn và cưỡng hiếp là tội ác hiển nhiên. Nhưng ĐCSTQ lại xem chúng là “bí mật quốc gia” và che giấu công chúng.

Lợi dụng hệ thống pháp luật

Sự tàn bạo của ĐCSTQ không dừng lại ở đây. Vì những trường hợp “tiết lộ bí mật quốc gia” thường được xem là trường hợp kín, ĐCSTQ đã lợi dụng điều này và hệ thống pháp luật để ngược đãi các học viên nhiều hơn.

Sau khi ông Thôi Hải bị bắt, đến tận hai tháng sau khi xảy ra vụ việc, các quan chức mới thông báo cho gia đình ông. Thậm chí họ không cho biết nơi ông bị giam, và cấm gia đình đi thăm.

Trong thời gian đó, ông Thôi bị chuyển qua lại giữa trại giam, trung tâm tẩy não, và bệnh viện tâm thần. Ông thường ở trong tình trạng nguy kịch, nhưng gia đình không hề được thông báo.

Khi nhiều học viên ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, bị bắt giữ vào năm 2013, vì chụp hình miêu tả những phương thức tra tấn đối với các học viên Pháp Luân Công, các quan chức đã từ chối cho gia đình họ thăm hỏi hay tham vấn luật sư.

Khi gia đình khẳng định rằng những yêu cầu trên phải được chấp thuận bởi tội danh chỉ là “phá hoại thực thi pháp luật,” các quan chức đã đổi thành tội “tiết lộ bí mật quốc gia” và “lật đổ chính quyền.”

Ngăn cản luật sư gặp thân chủ là các học viên bằng cách buộc tội “tiết lộ bí mật quốc gia” là một thủ đoạn thường được các quan chức trên khắp Trung Quốc sử dụng. Điều này cho phép họ tra tấn, vu khống và kết án các học viên trong khi che giấu công chúng.

Một vài trường hợp khác

Anh Trương Hoa, người đạt giải vàng Cuộc thi Ẩm thực Trung Hoa Quốc tế Tân Đường Nhân lần 2 năm 2009, nói rằng anh đã cố gắng tham dự cuộc thi trước đó một năm, nhưng đã bị từ chối vì “bất chấp lợi ích quốc gia” và “tiết lộ bí mật quốc gia.”

Anh Trương nói: “Tôi không biết rằng tài nấu ăn của mình lại là ‘tiết lộ bí mật quốc gia’, nhưng tôi luôn tuân theo nguyên tắc ‘nấu ăn chất lượng và là một người tốt.’”

Một học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ vì hô to “Pháp Luân Đại Pháp hảo” tại Quảng trường Thiên An Môn, và bị kết án bảy năm tù. Khi luật sư của anh chất vấn tại tòa, thẩm phán nói rằng anh đã phạm tội “tiết lộ bí mật quốc gia”, vì “Pháp Luân Đại Pháp hảo” là một bí mật quốc gia.

Một số công an nói riêng rằng họ đã nhận được các chỉ thị buộc tội các học viên phân phát tài liệu Pháp Luân Công là “tiết lộ bí mật quốc gia.”

Nhiều trường hợp như vậy đã được báo cáo. Chẳng hạn, một đôi vợ chồng thuộc Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp đã bị kết án hơn 10 năm trong một trại giam, nhưng bản án chưa từng được công bố. Nhiều trường hợp tra tấn tàn bạo cũng bị gán nhãn là “tiết lộ bí mật quốc gia” và không bao giờ được tiết lộ.

Những trường hợp này giúp chúng ta hiểu được bản chất thật sự của ĐCSTQ, và rất đúng với miêu tả trong loạt Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản: “Quá trình ra quyết định trong đảng hoạt động như một hộp đen và các cuộc đấu tranh trong nội bộ đảng phải được giữ bí mật tuyệt đối. Tất cả các tài liệu của đảng đều là bí mật. Sợ bị nhân dân phát hiện ra các hành động tội ác của mình, ĐCSTQ thường xuyên xử lý những người bất đồng chính kiến bằng cách gán cho họ tội ‘tiết lộ bí mật quốc gia’.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/12/14/301484.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/1/6/147864.html

Đăng ngày 22-04-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share