Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh
[MINH HUỆ 24-01-2015] Các luật sư nhân quyền ở Trung Quốc đã chứng kiến những sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi họ đại diện cho các học viên Pháp Luân Công, và một nhóm luật sư ở vùng đông bắc Trung Quốc đã lên tiếng vì việc này.
Đầu tháng 01, 15 luật sư đại diện cho các học viên ở Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh đã đăng các tuyên bố trên Minh Huệ Net nhằm phơi bày sự hủ bại trong nội bộ Tòa án khu Minh Sơn, nơi mà các thẩm phán thường xuyên đe dọa các học viên Pháp Luân Công và gia đình của họ nhằm buộc họ ngừng thuê luật sư nếu không muốn thời hạn tù bị kéo dài thêm.
“Tôi cảm thấy rất đau lòng về sự bất công đang diễn ra. Sự quan tâm và ủng hộ của người dân sẽ giúp chấm dứt cuộc bức hại này, luật sư Đường Thiên Hạo nói, “Mọi người, xin hãy giúp đỡ các học viên Pháp Luân Công, những người đã và đang bị bức hại trong 15 năm qua ở Trung Quốc.”
Các tòa án ở Bản Khê đã kết án tù bất hợp pháp hơn 30 học viên Pháp Luân Công trong hơn hai năm qua. Các học viên này bị buộc tội vì giữ sách Pháp Luân Công trong nhà của họ.
Ông Đường là luật sư biện hộ cho học viên Tôn Ngọc Hà, người đã bị kết án ba năm tù vì giữ sách Pháp Luân Công trong nhà của bà. Thẩm phán Quý Uẩn Cần cùng với Tòa án khu Minh Sơn đã gây áp lực để buộc bà sa thải luật sư của mình trước khi phiên xét xử diễn ra.
Ông Đường chia sẻ: “Mỗi lần tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công tôi đều được truyền cảm hứng,” và nói thêm rằng: “Họ vẫn giữ được thái độ tích cực trong khi đối mặt với bức hại mà không hề oán hận ngay cả với các thẩm phán đã thực thi các chính sách bức hại và kết án tù họ. Những người lương thiện ấy lại là đối tượng thường xuyên bị bức hại ở Trung Quốc.”
Phần lớn các học viên bị bắt giữ trong các chiến dịch của cảnh sát Bản Khê vào các thời điểm nhạy cảm. Hơn 20 học viên đã bị cảnh sát Bản Khê bắt giữ trong hai năm 2013 và 2014 vào khoảng thời gian trước và sau ngày 20 tháng 07, và 17 học viên đã bị bắt vào các ngày trước và sau ngày 25 tháng 04 năm ngoái.
Vào ngày 25 tháng 04 năm 1999, các học viên Pháp Luân Công đã đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện lên chính quyền về những báo cáo phỉ báng [Pháp Luân Công] trên các phương tiện truyền thông nhà nước, và đề nghị nhà chức trách thả hàng chục học viên đang bị giam giữ bất hợp pháp. Ngày 20 tháng 07 là thời gian đánh dấu cuộc bức hại trên toàn quốc chính thức bắt đầu.
Các quan chức tòa án phá hoại mối quan hệ khách hàng
Lý Trọng Vĩ là luật sư biện hộ của học viên Tôn Ngọc Hà trong quá trình bà kháng cáo. Ông cũng là luật sư bào chữa cho học viên Tôn Thục Du, nhưng thẩm phán Chu Tư Hiểu ở Tòa án khu Minh Sơn đã làm những việc phi pháp để ngăn cản ông xuất hiện trước tòa.
“Các tòa án ở Bản Khê xem luật sư như kẻ thù của họ,” ông Lý nói. “Họ hoàn toàn phớt lờ ‘quyền được thuê luật sư của các bị cáo và dùng mọi thủ đoạn gây áp lực lên gia đình của các bị cáo’ nhằm khiến họ phải hủy hợp đồng với chúng tôi. Các thẩm phán có ý thức pháp luật rất thấp.
“Hệ thống tư pháp Bản Khê đã sử dụng các cách thức đe dọa, hối lộ, và lừa dối để phá hoại mối quan hệ giữa các bị cáo và luật sư. Tôi yêu cầu những quy trình tư pháp bất hợp pháp và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Bản Khê phải được điều tra,” ông Lý nói.
Việc lên tiếng về những bất công ở Tòa án khu Minh Sơn có thể khiến các luật sư trở thành mục tiêu của bức hại, và họ biết rõ điều này. Mặc dù vậy, mùa đông năm ngoái bốn luật sư đã tổ chức một cuộc kháng nghị dưới trời tuyết bên ngoài một trung tâm tẩy não để kêu gọi trả tự do cho các học viên đang bị giam giữ bất hợp pháp.
Luật sư Triệu Vĩnh Lâm (thứ hai bên phải) cùng với các luật sư khác yêu cầu thả các học viên ở bên ngoài trung tâm giam giữ Thanh Long Sơn khét tiếng thường được biết đến với cái tên trung tâm đào tạo pháp lý Kiến Tam Giang , vào ngày 05 tháng 12 năm 2013. Từ trái qua phải: Giang Thiên Dũng, Đường Cát Điền, Triệu Vĩnh Lâm, và Vương Thành.
Luật sư Triệu Vĩnh Lâm là luật sư biện hộ của ông Cao Cương. Ông Cao, một học viên ngoài 40 tuổi, đã bị bắt vào ngày 25 tháng 04 năm 2013, và bị kết án ba năm rưỡi tù giam vì lưu giữ các sách của Pháp Luân Công trong nhà.
Thẩm phán Quý Uẩn Cần đã đe dọa người mẹ 80 tuổi của ông Cao và gây áp lực để bà hủy hợp đồng với luật sư đại diện của ông. Thẩm phán đã bảo với bà rằng: “Các bị cáo thuê luật sư sẽ bị kết án nhiều năm hơn.”
“Thẩm phán đã đe dọa mẹ của bị cáo để bà từ bỏ việc thuê luật sư,” luật sư Triệu nói. “Thẩm phán đã vi phạm pháp luật và phá hoại mối quan hệ giữa bị cáo và luật sư. Tôi nghi ngờ năng lực của thẩm phán và rất buồn khi hoạt động tư pháp lại tha hóa đến vậy.”
“Xã hội của chúng ta cần những người tốt”
Luật sư Vương Quang Tề là luật sư biện hộ của học viên Quách Diễm Lệ, người đã bị bắt trong tháng 01 năm 2014 vì lưu giữ các tài liệu Pháp Luân Công trong nhà.
“Ở Trung Quốc ngày nay, các quan chức thực thi luật pháp lại lạm dụng pháp luật để bức hại những người tốt. Vi phạm nhân quyền diễn ra tràn lan. Những điều người ta nói và tin theo lại có thể được dùng để kết tội họ. Đó là một thảm họa cho hệ thống tư pháp của Trung Quốc và gây ra sự đau khổ cho người dân Trung Quốc.
“Chúng tôi mong rằng tất cả các quan chức tư pháp liên quan đến những vụ án Pháp Luân Công hãy làm theo lương tâm của họ, tôn trọng tự do, và giữ vững công lý. Xã hội của chúng ta cần những người tốt,” ông Vương bày tỏ.
Luật sư Trần Kiến Cương đến từ Bắc Kinh bắt đầu làm việc với những vụ án Pháp Luân Công cách đây vài năm. Ông nói rằng không nên kết án tù bất kỳ học viên nào.
“Hiến pháp của Trung Quốc bảo vệ tự do tín ngưỡng. Việc gán nhãn tội phạm cho các học viên Pháp Luân Công là không có cơ sở pháp lý. Cuộc bức hại Pháp Luân Công xuất phát từ mục đích chính trị và đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng,” ông Trần nói như vậy trong tuyên bố của mình.
Ông Trần là luật sư biện hộ của bà Vương Tú Liên. Bà Vương đang ở độ tuổi ngũ tuần và bị tàn tật bởi một tai nạn ở nơi làm việc. Bà bị bắt vào ngày 25 tháng 04 năm 2013 và bị kết án hai năm tù vào tháng 10 năm 2014 vì tu luyện Pháp Luân Công. Thẩm phán phiên tòa khi đó là Quý Uẩn Cần ở Tòa án khu Minh Sơn .
“Chính vì sự thờ ơ của người dân với các vụ án Pháp Luân Công mà các thế lực tà ác càng trở nên lộng hành. Giờ đây cuộc bức hại tín ngưỡng đã mở rộng tới những người Cơ Đốc và các nhóm tín ngưỡng khác. Nếu chúng ta đầu hàng nỗi sợ hãi và vẫn từ chối đứng lên vì người khác, cuối cùng tất cả chúng ta có thể bị bức hại.
“Để bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhân quyền, và phẩm giá, chúng ta phải phản kháng. Nếu không, các thế hệ tương lai của chúng ta sẽ bị bức hại giống như vậy,” ông Trần viết.
Các học viên là Mã Ngọc Hương và Vương Tú Diễm lần lượt bị kết án bảy và tám năm tù bởi họ đã lưu giữ sách Pháp Luân Công ở trong nhà của mình.
Trung Quốc ẩn sau “pháp quyền”
Các luật sư là ông Trần Diệc Hiên và ông Lưu Khê là những luật sư biện hộ của ông Lý Thuần Chính, ông đã bị bắt vào ngày 25 tháng 04 năm 2013 vì giữ sách Pháp Luân Công trong nhà. Ông Lý đang ở tuổi tứ tuần và rất khỏe mạnh vào thời điểm ông bị bắt.
Chỉ bốn tháng sau, ông đã chết do bị tra tấn vào ngày 31 tháng 08 năm 2014, ở tuổi 47.
Ông Trần nói: “Một người bị tù giam vì kiên định với tín ngưỡng của mình và cố gắng để trở thành một người tốt hơn. Trại giam Bản Khê thoái thác trách nhiệm cho cái chết của ông Lý, và bệnh viện công an cũng từ chối tiết lộ các tài liệu y tế của ông. Người nhà của ông Lý nhận được thông báo đưa ông về nhà năm tiếng trước khi ông chết.
“Ẩn sau nền ‘pháp quyền’ ở Trung Quốc là một Trung Quốc đẫm máu,” ông Trần nói, ám chỉ “nền pháp quyền” mà các quan chức tòa án ở Trung Quốc vẫn thường tuyên bố ngày nay.
Luật sư Trương Khoa Khoa là luật sư biện hộ cho bà Lý Nham. Bà Lý ở tuổi tứ tuần bị bắt vào ngày 25 tháng 04 năm 2013, và sau đó bị kết án ba năm rưỡi tù giam vì giữ sách Pháp Luân Công trong nhà. Thẩm phán phiên tòa là Quý Uẩn Cần ở Tòa án khu Minh Sơn .
“Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, các học viên bị cáo buộc vô căn cứ và bị kết án tùy tiện,” luật sư Trương nói. “Chúng ta phải nhận ra rằng, để thực hiện ‘pháp quyền,’ mọi người cần phải kiên trì và có ý thức pháp luật. Nếu tất cả chúng ta có thể chống lại những hành vi lạm dụng pháp luật, chúng sẽ không thể tồn tại được nữa.”
Bức hại Pháp Luân Công là một cuộc bức hại lên chính tín
Luật sư Đổng Tiền Dũng là luật sư biện hộ của học viên Vương Tú Diễm. Bà Vương bị bắt vào ngày 25 tháng 04 năm 2013 và bị thẩm phán Quý Uẩn Cần ở Tòa án khu Minh Sơn kết án tám năm tù.
“Tự do tín ngưỡng là một điều kiện tiên quyết cho tự do ngôn luận,” ông Đổng viết trong một tuyên bố. “Bức hại Pháp Luân Công là một cuộc bức hại lên chính tín. Từ cuộc bức hại những người Cơ Đốc cách đây 2.000 năm đã dẫn đến sự sụp đổ của Đế chế La Mã hùng mạnh, chúng ta có thể thấy được hậu quả mà một cuộc bức hại như vậy đưa đến. Cuộc bức hại này là bất hợp pháp.
“Tòa án khu Minh Sơn đã vi phạm pháp luật. Các thẩm phán đã yêu cầu các chấp hành viên lạm dụng và gây khó khăn cho các luật sư đồng thời đe dọa bị cáo để họ ngừng thuê luật sư. Một công dân bị kết án tám năm tù chỉ vì giữ sách Pháp Luân Công ở trong nhà. Đây là một cuộc bức hại công khai mang tính chính trị và là một sự vi phạm nhân quyền.”
Các luật sư là Vương Toàn Chương, Lan Chí Học, Lý Xuân Phú, Lý Trường Minh, Lận Kỳ Lỗi, Lưu Liên Hạ, và Phó Vĩnh Cương cũng bày tỏ những quan ngại sâu sắc về sự thiếu pháp quyền mà họ gặp phải khi làm đại diện cho các học viên Pháp Luân Công.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/1/24/303543.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/1/27/148130.html
Đăng ngày 22-04-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.