Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 08-12-2014] “Pháp Luân Công dạy tôi phải trung thực, thiện lương, khoan dung nhẫn nhượng và trở thành một người tốt. Nếu đây là sai, vậy hãy cho tôi biết cái gì mới là đúng,” ông Mã Kiến Quân đã nói như vậy trong một phiên tòa xét xử ông cách đây chưa đầy hai tuần. Trong phòng xử án, tất cả mọi người đều im lặng, từ thẩm phán cho đến các nhân viên tòa án, các nhân viên Phòng 610, và khán giả.
Ông Mã là một học viên đến từ thành phố Hạc Bích, tỉnh Hà Nam, ông đã bị bắt tại nhà vào ngày 04 tháng 09 năm 2014. Sau khi bị giữ ba tháng ở trong Trại tạm giam Hạc Bích, ông đã bị xét xử tại Tòa án khu Kỳ Tân vào ngày 04 tháng 12. Mặc dù phiên tòa được thông báo là một “phiên xét xử công khai”, nhưng nửa tiếng trước khi khai mạc phiên tòa, có hai nhân viên Phòng 610 và hơn 20 sỹ quan cảnh sát đã canh gác bên ngoài phòng xử án. Hơn 10 thành viên trong gia đình ông Mã đã có mặt, nhưng chỉ có ba người con của ông được phép vào trong phòng xét xử.
Trong phòng xử án có 48 ghế, các nhân viên tòa án, nhân viên Phòng 610 và những quan chức khác được phép vào phòng xử án đã chiếm 15 ghế, thêm vào đó là ba người con của ông Mã. Những ghế còn lại đều bỏ trống.
Có đức tin không phải là có tội
Hàn Tú Hồng, công tố viên của Viện kiểm sát Kỳ Tân, đã trích dẫn Điều 300 của Bộ Luật Hình sự để cáo buộc ông Mã tội danh “sử dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật.”
Ông Vương Nhã Quân, một luật sư đến từ Bắc Kinh, đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng của thân chủ của ông bằng việc trích dẫn Điều 36 của Hiến pháp Trung Quốc: “Công dân của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được hưởng tự do tôn giáo tín ngưỡng.”
Luật sư chỉ ra: “Vì Hiến pháp bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, do vậy thân chủ của tôi có quyền tự do tín ngưỡng và có quyền nói cho người khác biết về tín ngưỡng của mình.” “Hơn nữa, ông ấy không hề ép buộc người khác phải tin theo.”
Ông Vương còn chỉ ra rằng không có bất kỳ luật nào ở Trung Quốc xác định Pháp Luân Công là tà giáo. Nói cách khác, “việc đàn áp một hệ thống tín ngưỡng [như Pháp Luân Công] ngay từ đầu đã là bất hợp pháp.” Ngoài ra, ông Mã không làm hại bất kỳ ai, và cũng không gây cản trở đến việc thực thi pháp luật, ông Vương lập luận.
Ông Mã giải thích rằng ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công để cải thiện sức khỏe của mình. Không chỉ cảm thấy khỏe hơn mà ông Mã còn nhận ra rằng, ông trở thành một người tốt hơn khi sống theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Ông nói: “Tôi không làm gì sai và cần phải được trả tự do.”
“Cả nhân chứng lẫn vật chứng đều không hợp lệ”
Công tố viên Hàn đã liệt kê ba loại tài liệu được tìm thấy trong nhà của ông Mã để làm bằng chứng chống lại ông. Luật sư Vương chỉ ra rằng Hiến pháp bảo vệ quyền công dân đối với tự do tín ngưỡng, ngôn luận và báo chí. Như vậy theo luật sư, việc thân chủ của ông sở hữu, phân phát tài liệu về Pháp Luân Công và tài liệu vạch trần cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc là không có gì sai.
Luật sư đã khẽ cười khi nghe tới bằng chứng thứ ba – các tờ rơi giáo dục mọi người về quyền Hiến pháp của họ. Ông nói: “Đó là thông tin về Hiến pháp và nó được phổ biến công khai. Vì thế, nó không thể được dùng để chống lại thân chủ của tôi.”
Sau đó ông Hàn “đưa ra” hai nhân chứng bằng việc mở một băng ghi âm cuộc đối thoại giữa một sỹ quan cảnh sát và hai chủ phương tiện.
Người sỹ quan hỏi: “Anh có thấy một tài liệu [Pháp Luân Công] được cài ở kính chắn gió trên xe của anh không?
Người tài xế trả lời: “Có, tôi đã bỏ nó đi mà không đọc.”
Người sỹ quan hỏi tiếp: “Anh có thấy những tài liệu này trên những chiếc xe khác không?
Người tài xế trả lời rằng: “Không, trời quá tối nên tôi không nhìn thấy gì”.
Người tài xế thứ hai nói rằng anh cũng nhìn thấy một tài liệu Pháp Luân Công trên xe của anh và đã bỏ nó đi.
Luật sư Vương nói rằng không ai trong hai tài xế có thể được xem là nhân chứng chống lại ông Mã. Thứ nhất, không ai trong số người họ nhìn thấy ông Mã phân phát tờ rơi. Thứ hai, ngay cả khi họ nhìn thấy, nó cũng không liên quan đến việc buộc tội ông Mã– người ta phân phát đủ loại tài liệu quảng cáo, nhưng không ai nghĩ rằng chuyện đó sẽ “phá hoại việc thực thi pháp luật và quản lý hành chính của Nhà nước”.
Dũng cảm nói lên sự thật
Luật sư Vương khẳng định lại rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một hệ thống tín ngưỡng, đơn giản là không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Ông nói: “Chúng ta không thể cho phép cuộc đàn áp này tồn tại lâu hơn nữa, vì nó làm hại đến người vô tội. Chúng ta cần phải hành động theo lương tâm của mình và lên tiếng cho các học viên Pháp Luân Công.”
Ông đã kết thúc phần biện hộ của mình bằng việc đọc một đoạn trích dẫn trong phần trả lời của vị mục sư nổi tiếng Martin Niemöller khi được hỏi về sự bành trướng của Đức quốc xã trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II:
“Đầu tiên họ đối phó với những người Cộng sản, tôi không nói vì tôi không phải một người Cộng sản.
Rồi họ đối phó với những người Do Thái, tôi không lên tiếng vì tôi không phải là người Do Thái.
Rồi họ đối phó với những người Thiên Chúa giáo, tôi không lên tiếng vì tôi là người Cơ Đốc giáo.
Rồi họ đối phó với những người thuộc phong trào Công nhân, tôi không lên tiếng vì tôi không phải là người thuộc phong trào Công nhân.
Rồi họ đối phó với tôi, và không còn ai đứng ra để lên tiếng cho tôi nữa.”
Phiên tòa chấp dứt sau một tiếng rưỡi, và một lần nữa luật sư Vương đã yêu cầu trả tự do cho ông Mã vô điều kiện.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/12/8/301236.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/12/17/147340.html
Đăng ngày 15-02-2015; Bài viết có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.