Bài viết của học viên Hám Thần Châu
[MINH HUỆ 21-01-2015] Bốn học viên Pháp Luân Công từ Vị Nam, Thiểm Tây đã bị Tòa án quận Bồ Thành xét xử vì phát các tài liệu vạch trần cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 17 tháng 04 năm 2013.
“Bằng chứng” đưa ra là các vật dụng thu giữ từ nhà của họ, bao gồm các sách Pháp Luân Công, một máy đọc sách điện tử, máy nghe nhạc MP3 và thậm chí cả những mẩu giấy có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” do cháu của họ viết trong quá trình tập viết thư pháp.
Khi luật sư biện hộ chỉ ra rằng không có cơ sở pháp lý nào cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công và thân chủ có quyền hiến pháp đối với việc sở hữu những vật dụng nêu trên, chủ tọa Trương Hàm Lộ và công tố viên Thường Thế Bình không biết nói gì.
Thẩm phán Trương nói: “Điều này không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Chúng tôi phải thảo luận quyết định của chúng tôi với ủy ban hội thẩm.” Sau đó, ông ta hoãn phiên xét xử.
Sáu tháng sau, bà Dương Liên Anh, 73 tuổi, bị kết án năm năm tù. Ba học viên còn lại đã rời nhà trước khi phán quyết được công bố, họ phải sống xa nhà để tránh bị bức hại.
Trường hợp trên không phải là duy nhất. Khi càng có nhiều luật sư đứng lên biện hộ vô tội cho các học viên Pháp Luân Công, thẩm phán và các công tố viên thường phải vật lộn để biện minh cho những cáo buộc của họ.
Tuy nhiên, thay vì tha bổng cho các học viên, các thẩm phán lại tìm những lý do khác nhau để hoãn việc công bố các bản án quy tội cho các học viên mà chính quyền đã định trước, đặc biệt là Phòng 610 – một cơ quan ngoài vòng pháp luật có quyền lực vượt trên toàn bộ hệ thống pháp luật.
Không giống như các hệ thống tư pháp ở Mỹ hoặc Anh, bồi thẩm đoàn bao gồm các công dân, ủy ban phúc thẩm tại Trung Quốc thường gồm ba đến bảy thẩm phán có chức năng giống nhau.
Tuy nhiên ủy ban phúc thẩm không mang lại sự công bằng cho các phán quyết như luật pháp Trung Quốc yêu cầu. Giống như trường hợp đề cập trước đó, các học viên bị buộc tội sai chỉ đơn giản được thông báo về bản án của họ sau vài tuần hoặc vài tháng sau phiên xét xử của họ, mà không có giải thích gì thêm.
Trong phiên xét xử ba học viên Pháp Luân Công: Trương Bồi Huấn, Bao Vĩnh Thắng và Lật Tùng Phú vào ngày 01 tháng 06 năm 2009 do Tòa án Kim Sơn Truân tổ chức, các luật sư của học viên phát hiện không có văn bản vụ án nào gửi cho họ là nguyên gốc và đều không có chữ ký từ các thân chủ hay những người thẩm vấn.
Một hồ sơ thậm chí còn có ý chỉ ra cùng một người bị thẩm vấn tại hai địa điểm khác nhau cùng lúc. Khi được hỏi về điều này, công tố viên Thân Tương Phúc đã không có câu trả lời.
Thẩm phán đã sớm hoãn phiên xét xử sau khi đồng ý với yêu cầu của các luật sư thả các thân chủ.
Nhưng khi gia đình của các học viên đến đón họ sau phiên xét xử, thẩm phán lại từ chối để họ đi. Ông ta nói: “Chúng tôi cần thảo luận bản án với các thành viên của ủy ban phúc thẩm.”
Hai tuần sau, ba học viên mỗi người phải chịu bản án lần lượt là tám, chín và 11 năm.
Trong một vụ kết án bất hợp pháp khác, một gia đình hạnh phúc đã bị chia rẽ vì một vài tờ rơi.
Tôn Yến Tử, 16 tuổi, để lại một vài tờ rơi mang thông tin về Pháp Luân Công ở trường trung học của cô, với hy vọng nâng cao nhận thức của các giáo viên và bạn học trong lớp về cuộc đàn áp. Tuy nhiên, cô đã bị hiệu trưởng báo cảnh sát. Cảnh sát lục soát nhà và sau đó bắt giữ cha mẹ cô, cũng là các học viên Pháp Luân Công.
Cô đã được thả sau một tháng bị giam giữ tại Trung tâm tẩy não Lâm Nghi, nhưng cha mẹ cô đã bị cảnh sát mang ra xét xử. Họ bị Tòa án Đàm Thành xét xử vào mùa hè năm 2009.
Một lần nữa, thẩm phán lại sử dụng thủ đoạn “thảo luận với ủy ban phúc thẩm” để đuổi những người thân của họ và hoãn phiên xét xử. Cuối cùng, mẹ của cô, bà Trương Bỉnh Lan, bị kết án tám năm tù, cha của cô, ông Tôn Đức Kiến, bị kết án ba năm tù, cùng năm năm tù treo.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/1/21/303448.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/1/29/148156.html
Đăng ngày 15-04-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.