[MINH HUỆ 10-02-2015] “Lính canh Lỗ cố gắng cạy mở miệng tôi bằng một cây tre sắc nhọn, và tôi nghiến chặt răng hết sức mình. Chẳng bao lâu người tôi ướt đẫm mồ hôi, và máu bắt đầu rỉ ra từ miệng tôi. Ngay cả những tù nhân đang giữ chặt tôi để bức thực cũng quay đầu đi để tránh nhìn thấy khuôn mặt tôi.

“Trong cuộc vật lộn, một dòng máu đột ngột phun ra từ miệng tôi, vì ba chiếc răng hàm dưới của tôi đã bị bật ra. Tôi vô tình nuốt một cái, còn hai cái kia rơi xuống quần áo tôi.

Các tù nhân kinh hoàng và theo bản năng họ buông tôi ra. Giây phút đó dường như thời gian ngừng trôi.”

Trên đây là những gì đã xảy ra với cô Vương Phúc Hoa ở trại lao động cưỡng bức Bạch Mã Long thuộc thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, vì cô cự tuyệt từ bỏ niềm tin của mình vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện bị Đảng cộng sản Trung Quốc bức hại.

Cũng như bao gia đình khác đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán năm 2002, gia đình cô Vương nhận được một lá thư của cô, trong đó kể chi tiết những gì mà cô đã trải qua dưới bàn tay các lính canh và các tù nhân của trại lao động. Hơn 10 thành viên trong gia đình đã lập tức lao tới trại lao động trên một chiếc xe tải đi thuê để kiểm tra tình trạng của cô.

Trại lao động đổ cho đó chỉ là một tai nạn và hứa sẽ làm răng giả cho cô. Họ từ chối yêu cầu của gia đình được đón cô về nhà, và không lâu sau khi những người thân của cô ra về, họ lại khiến cô phải chịu nhiều trận tra tấn hơn.

Thử thách của cô Vương trong trại lao động diễn ra sau việc ly dị của cô và cô bị bắt vào ngày sinh nhật lần thứ 30 khoảng một năm trước đó. Trước đó, cô đã bị bắt bốn lần từ 1999 đến 2000 và phải chịu một hình thức tra tấn được đặt tên là “đeo một thanh kiếm” ở Bắc Kinh.

Ly hôn và bị bắt trong lần sinh nhật tròn 30 tuổi

Cô Vương, một giáo viên tiểu học ở thành phố Sâm Châu, đã nhận được hai món quà không mong muốn trong lần sinh nhật thứ 30 của mình vào tháng 11 năm 2000.

Chồng cô cuối cùng đã quyết định ly hôn cô vào ngày hôm đó. Anh không thể chịu đựng nổi những sách nhiễu liên miên của cảnh sát đối với gia đình họ.

Khi cô đang thu xếp đồ đạc rời đi và mẹ chồng, nay đã trở thành mẹ chồng cũ của cô, đang nấu bữa tối nhân dịp sinh nhật cô thì cảnh sát đã xông vào bắt cô và lục soát nhà cửa.

Mẹ chồng cô đã xin cảnh sát: “Xin hãy để cho nó ít nhất được ăn bữa tối sinh nhật của mình trước khi bị đưa đi.”

Nhưng cảnh sát đã phớt lờ lời cầu xin và đưa cô Vương đi. Họ đã thẩm vấn cô tại sở cảnh sát và đánh cô khi không có được những câu trả lời như mong muốn.

Bị bức thực tại Trại tạm giam

Cảnh sát đã đưa cô Vương tới trại tạm giam số 2 thành phố Sâm Châu vào ngày hôm sau.

Cô và 11 nữ học viên khác đã tuyệt thực vào ngày 29 tháng 12 năm đó sau khi bản yêu cầu thả vô điều kiện của họ đã không nhận được câu trả lời của Viện kiểm sát Sâm Châu. Đổi lại, các lính canh đã bức thực họ vài ngày sau đó.

Hàng chục người từ các văn phòng chính phủ và văn phòng đảng cộng sản khác nhau đã tới để chỉ đạo và xem việc bức thực vào ngày 02 tháng 01 năm 2001.

Tám tù nhân nam kéo lê cô Vương ra khỏi buồng giam và ghì chặt cô xuống. Họ cậy miệng cô ra bằng một thanh tre, và đổ cháo vào thông qua một cái ống thông vào họng cô. Cô bị nghẹt thở nhiều lần trong suốt quá trình đó.

Các lính canh đã bức thực thêm hai học viên nữa trước khi cô Vương cản họ lại. Cô khóa cửa buồng giam, trong khi những tù nhân không phải là học viên tham gia cùng cô phản đối bạo lực của các lính canh.

Răng bị đánh bật ra tại trại lao động

Cô Vương phải chịu thêm nhiều tra tấn nữa sau khi cô bị đưa tới trại lao động Bạch Long Mã. Một lần nữa, cô lại tuyệt thực để phản đối.

Trong một tuần cô tuyệt thức, các lính canh đã ra lệnh cho các tù nhân mang cô tới trạm y tế để tiêm I.V. Cô đã cố gắng ngăn cản việc tiêm cưỡng bức này.

Mười ngày sau, các lính canh quyết định bức thực cô tại trạm y tế. Cảnh tượng kinh hoàng được mô tả trong đoạn đầu của bài viết, và khi được mang trở lại buồng giam, người cô tái nhợt và kiệt sức. Ngoài ba cái răng hàm dưới của cô đã bị gãy, hai cái răng khác cũng lung lay mạnh.

Vì trại lao động kiểm duyệt mọi lá thư do các học viên đang bị giam cầm viết, cô Vương đã cố gắng thuyết phục được một tù nhân không phải là học viên mang thư của cô tới cho gia đình cô một tháng sau đó.

Tết nguyên đán năm 2002 đã cận kề vào thời điểm đó, nhưng gia đình cô lại đang lo lắng cho tình trạng của cô trong trại lao động. Họ bức xúc với việc trại lao động sử dụng bạo lực đối với cô, nhưng họ cảm thấy bất lực khi yêu cầu thả cô bị từ chối.

Cô Vương đã phải ở trong trại lao động trong một năm rưỡi trước khi cuối cùng được thả ra.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2015/2/1/303894.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/2/10/148302.html

Đăng ngày 10-04-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share