Bài viết của Hà Vũ và Mục Văn Thanh, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 18-11-2014] “Vì để cứu một sinh mệnh, mà phải mất đi tám sinh mệnh.” Mỗi khi nói về cuộc điều tra thu hoạch tạng cưỡng bức tại Trung Quốc, ông David Kilgour không giấu được sự đau buồn trong giọng nói của mình. Ông Kilgour là đồng tác giả của cuốn Thu hoạch Đẫm máu (Bloody Harvest), cũng là cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Năm 2003, một người đàn ông 32 tuổi được ghép thận tại Bệnh viện Nhân dân số 1 ở Thượng Hải. Vì cơ thể bị phản ứng, anh ta đã được thay bốn quả thận trong tám ngày, song tất cả đều bị đào thải.

Ba tháng sau, người đàn ông này trở lại bệnh viện để được thay bốn quả thận nữa và cuối cùng đã nhận được quả thận không phản ứng với cơ thể. Bác sỹ phẫu thuật là ông Đàm Kiến Minh, hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phúc Châu thuộc Quân khu Nam Kinh, kiêm Trưởng khoa tiết niệu.

Ông Đàm đồng thời là Giám đốc Trung tâm Ghép tạng Quân đội Trung Quốc, Tổng Thư ký Hiệp hội Ghép mạch Trung Quốc, và là người đi đầu trong việc thiết lập Khoa Ghép tạng Lâm sàng Quốc gia Trung Quốc.

Ông Đàm đã thực hiện hơn 4.200 ca ghép thận nói riêng và đạt giải “Bác sỹ vật lý trị liệu” xếp thứ chín vào năm 2014.

2014-11-11-minghui-fuzhou-organ-harvesting--ss.jpg

Bức hình bên trên trích từ một bài báo trong tờ Tin nhanh Đông Nam ra ngày 06 tháng 03 năm 2014, ca ngợi Bệnh viện Đa khoa Phúc Châu của Quân khu Nam Kinh về “kỳ tích” của bệnh viện này với một nhóm bác sỹ phẫu thuật hoàn thành năm ca ghép gan trong vòng 17 giờ đồng hồ trong ngày 18 tháng 02 năm 2014.

Theo ông Giang Nghệ, bác sỹ trưởng ca phẫu thuật, đồng thời là Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, năm bệnh nhân đã tìm được gan phù hợp đang chờ họ ở bệnh viện. Năm “người hiến gan” “chết” cùng ngày, và cả năm lá gan được ghép thành công trong vòng 17 giờ.

Tốc độ tìm được gan phù hợp như thế này là chưa từng có ở phương Tây, nơi có một hệ thống hiến tạng toàn diện. Trung Quốc không có được hệ thống hiến tạng lớn là vì người dân ở đất nước này vốn có phong tục bảo toàn thi thể sau khi chết. Tuy nhiên, số ca ghép tạng lại tăng theo cấp số mũ tại các bệnh viện quân đội, bệnh viện cảnh sát vũ trang và bệnh viện dân sự.

Báo cáo “Các bệnh viện quân đội, bệnh viện cảnh sát vũ trang của Trung Cộng tham gia thu hoạch tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công còn sống tại Trung Quốc” do Tổ chức Thế giới Điều tra Bức hại Pháp Luân Công (www.upholdjustice.org) công bố ngày 28 tháng 10 năm 2014 đã cung cấp nhiều chi tiết hơn về sự liên đới của Bệnh viện Đa khoa Phúc Châu thuộc Quân khu Nam Kinh.

Bệnh viện này đã thực hiện 808 ca ghép thận từ năm 1979 đến 1998, trung bình là 40 ca mỗi năm. Con số các ca ghép thận trung bình năm tăng đột biến lên 177 ca từ cuối năm 2000 đến 2004, tổng cộng là 887 ca trong vòng chưa đầy năm năm. Tỷ lệ tăng hàng năm trong những năm bức hại Pháp Luân Công là 4,5 lần so với giai đoạn trước đó. Vì các ca ghép tạng không có tỷ lệ thành công tuyệt đối nên số lượng thận bị thu hoạch trên thực tế còn cao hơn con số trong báo cáo.

Giáo sư Arthur Caplan, cựu Giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh học, Trường Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) nói rằng, thật đúng là “sự sỉ nhục của nhân loại” khi “việc giết người theo nhu cầu” để thu hoạch nội tạng đã xảy ra thường xuyên tại Trung Quốc và kéo dài đến hơn một thập kỷ.

Ông Ethan Gutmann, nhà cựu nghiên cứu chiến lược cao cấp của Hoa Kỳ, tác giả cuốn sách “Tàn sát” (The Slaughter) cho hay cuốn sách này không tập trung bàn về tính xác thực của việc giết hại các học viên Pháp Luân Công mà tập trung vào quy mô giết người lớn đến thế nào, bao nhiêu người đã bị giết và hiện tượng này còn tiếp diễn hay không.

Lệnh chỉ huy trực tiếp từ cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân

Ông Bạch Thư Trung, cựu Cục trưởng Cục Quân y trực thuộc Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, trả lời trong một cuộc điện thoại rằng lệnh giết các học viên Pháp Luân Công và thu hoạch nội tạng là từ Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Bạch nói: “Khi đó là lệnh của Chủ tịch Giang. Theo mệnh lệnh của ông, nhiều người trong chúng tôi đã làm rất nhiều việc để triệt tiêu Pháp Luân Công. Đúng ra, việc ghép thận không chỉ giới hạn ở các (bệnh viện) quân đội.” Băng ghi âm cuộc điện thoại được Tổ chức Thế giới Điều tra Bức hại Pháp Luân Công công bố vào tháng 09 năm 2014.

Một người giấu tên tại Trung Quốc cũng cung cấp một cuộc đối thoại được ghi âm giữa cựu Bộ trưởng Bộ Thương Mại Bạc Hy Lai và một viên chức tại Đại sứ quan Trung Quốc tại Đức cho truyền thông nước ngoài vào tháng 08 năm 2013.

Băng ghi âm được thu khi Bạc Hy Lai sang thăm Đức với tư cách Bộ trưởng Bộ Thương mại và xác nhận rằng Giang Trạch Dân đã hạ lệnh thu hoạch cưỡng bức tạng của các học viên Pháp Luân Công.

Tháng 07 năm 1999, Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, phát động cuộc bức hại tàn khốc đối với Pháp Luân Công. Khẩu hiệu của cuộc bức hại mà Giang đưa ra là: “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể”, “Những người bị đánh đến chết được coi là tự sát”, và [khi họ chết], không cần xác minh danh tính mà lập tức hỏa thiêu.”

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ông Ngô Mạnh Siêu, một nhà nghiên cứu hàng đầu về kháng miễn dịch trong ghép gan kiêm Giám đốc Bệnh viện Phẫu thuật Gan mật Đông y thuộc Đại học Quân y số 2, đã tìm ra cách phòng ngừa khả năng cơ thể phản ứng với lá gan được ghép. Chỉ riêng nhà nghiên cứu này đã tiến hành 4.000 ca ghép gan vào cuối năm 2010. Giang Trạch Dân gặp Ngô Mạnh Siêu bốn lần để phong tặng danh hiệu “Chuyên gia Y khoa điển hình” và một huy chương anh hùng hạng nhất.

Quân đội Trung Quốc công nghiệp hóa và quân sự hóa ngành thu hoạch và cấy ghép tạng

Nạn thu hoạch tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công còn sống là một “sáng kiến” tội lỗi của Bạc Hy Lai khi ông này còn đương quyền tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Nạn thu hoạch tạng cưỡng bức này đã được công nghiệp hóa và thương mại hóa khi được các lãnh đạo cao nhất của quân đội và lực lượng an ninh Trung Quốc đẩy mạnh.

Quân đội và lực lượng vũ trang Trung Quốc đã mở rộng và xây dựng các trại tập trung lớn, nhà tù và trại cưỡng bức lao động trong các căn cứ quân sự nhằm che giấu tội ác này trước công chúng.

Một bác sỹ quân y công tác tại Cục Hậu cần thuộc Quân khu Thẩm Dương phát biểu trước truyền thông nước ngoài rằng có ít nhất 36 cơ sở hay trại giam tương tự, thậm chí còn lớn hơn trại Tô Gia Đồn, thành phố Thẩm Dương. Tô Gia Đồn là nơi đầu tiên mà tội ác thu hoạch tạng bị phát hiện vào tháng 03 năm 2006 bởi một nhà báo và vợ của một cựu bác sỹ phẫu thuật chuyên thu hoạch giác mạc tại Bệnh viện Tô Gia Đồn.

“Trại số 6721S ở Tỉnh Cát Lâm đã giam giữ 120.000 học viên Pháp Luân Công và người phản kháng khác. Một trại tập trung tại Cửu Đài, thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm có 14.000 tù nhân.” Ông viết tiếp: “Những tù nhân này được liệt vào nhóm ‘kẻ thù của nhà nước’. Các học viên Pháp Luân Công không được đối xử như con người mà như nguồn nguyên liệu thô và hàng hóa cho ngành công nghiệp thu hoạch và ghép tạng.”

Tổng cục Hậu cần thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thiết lập một cơ sở dữ liệu tập trung như một ngân hàng nội tạng sống. Cơ sở dữ liệu này có danh tính của các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ và thông tin cần thiết khác như nhóm máu.

Tổng cục Hậu cần chịu trách nhiệm về an ninh cho các trại giam bí mật, quản lý nguồn tạng cho các bệnh viện cũng như chuyên trở, hạch toán và bảo mật nội tạng. Các bệnh viện quân đội và bệnh viện an ninh là những thủ phạm chính trong ngành công nghiệp thu hoạch tạng. Họ bán tạng cho các bệnh viện dân sự để thu hút bệnh nhân nước ngoài tới ghép tạng để kiếm một khoản lợi nhuận nhỏ.

Vị bác sỹ quân y này không muốn tiết lộ danh tính thú nhận rằng ông đã được lệnh phải làm giả 60.000 đơn hiến tạng tình nguyện, và rằng “con số tạng thực có tại Trung Quốc ít nhất là gấp ba lần con số công bố trên truyền thông nhà nước. Nếu chính phủ nói có 30.000 ca/năm thì con số thực tế là 110.000 ca/năm”. Ông cũng nói rằng Trung Quốc là trung tâm của một mạng lưới buôn bán nội tạng toàn cầu và đã cung cấp hơn 85% tổng số tạng cho các ca cấy ghép trên khắp thế giới kể từ năm 2000.

Ông còn cho biết một số bác sỹ còn được thăng hàm tướng trong quân đội vì thành tích ghép tạng.

Lợi nhuận phi pháp khổng lồ

Kể từ năm 2000 khi Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu cung cấp tạng sống theo nhu cầu, hàng trăm bệnh viện cả quân sự lẫn dân sự của Trung Quốc đã tham gia vào ngành kinh doanh ghép tạng kiếm lời; thậm chí một số bệnh viện nhỏ hay bệnh viện chuyên khoa cũng bắt đầu tiến hành ghép tạng.

Trang web của Tổ chức Thế giới Điều tra Bức hại Pháp Luân Công vào tháng 09 năm 2014 đã xác định có 231 bệnh viện và 2.007 bác sỹ vật lý trị liệu ở Trung Quốc đại lục tham gia thu hoạch tạng cưỡng bức.

Sau khi nghiên cứu thêm và dựa trên số liệu chưa đầy đủ từ các nghiên cứu và các bài báo y khoa đã xuất bản, số liệu được công bố trên các trang web của các bệnh viện, tổ chức này ước tính có hơn 800 bệnh viện tại Trung Quốc có cơ sở ghép tạng và đã hoàn thành 160.000 ca ghép thận, 36.000 ca ghép gan và 120.000 ca ghép giác mạc.

Phần lớn các ca ghép tạng được thực hiện tại các bệnh viện quân y, bao gồm bệnh viện đa khoa thuộc Ủy ban Quân đội Trung ương, 12 bệnh viện đa khoa thuộc 7 quân khu, bệnh viện đa khoa các cấp trong quân đội, bệnh viện của các đại học quân y, bệnh viện quân y đánh số và bệnh viện an ninh vũ trang cấp tỉnh.

100 bệnh viện quân y đã thực hiện ít nhất 60.000 ca ghép thận và 11.300 ca ghép gan.

Đơn cử như Bệnh viện Trường Chinh Thượng Hải của Học viện Quân y 2 báo cáo đã thực hiện 4.230 ca ghép thận tính đến cuối năm 2013.

Bệnh viện Số 281 thuộc Quân Giải phóng Nhân dân tại thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, một bệnh viện tuyến hai tự tuyên bố là “thiếu nhân sự và thiết bị, quy mô phòng mổ không đủ” vì phải thực hiện cùng lúc sáu tới chín ca ghép thận, nhiều hơn 28 lần so với giai đoạn trước tháng 04 năm 2007.

Bác sỹ phẫu thuật kiêm Trưởng khoa Tiết niệu Bệnh viện Tổng quân khu Tế Nam, ông Lý Hương Thiết, đã giúp khoa ghi kỷ lục hoàn thành 16 ca ghép thận trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Bệnh viện Trường Chinh Thượng Hải, cùng với Bệnh viện quân y 2, tuyên bố rằng từ năm 2003 đến 2006, bệnh viện này đã tiến hành 120 ca ghép gan cho bệnh nhân viêm gan nặng. Bác sỹ này còn cho biết thời gian nhanh nhất tìm được lá gan phù hợp là chỉ mất bốn giờ sau khi bệnh nhân nhập viện.

Báo cáo này mới chỉ nêu ra phần nổi của tảng băng thu hoạch tạng cưỡng bức tại Trung Quốc. Bệnh viện Đại học Y Trung Quốc chào giá ghép thận trên trang mạng ghép tạng quốc tế của mình là 60.000 Đô la Mỹ. Trang web này còn ghi giá ghép gan là 100.000 Đô la Mỹ; giá ghép phổi và tim là 150.000 Đô la Mỹ.

Việc kiếm lời của các bệnh viện tham gia ghép tạng quả thực đã nhuốm đầy máu.

Với cái tên “Trung tâm Ghép tạng Quân đội” do Tổng cục Hậu cần, Bộ Y tế đặt cho, Bệnh viện Số 309 cho biết, trung tâm ghép tạng của bệnh viện này đã tăng doanh thu từ 30 triệu Nhân dân tệ vào năm 2006 lên 230 triệu Nhân dân tệ vào năm 2010.

Bệnh viện Đại Bình, cùng với Bệnh viện Quân y 3 đã tăng doanh thu ghép tạng lên 25 lần trong vòng 10 năm, từ 36 triệu Nhân dân tệ vào năm 1999 lên đến 900 triệu Nhân dân tệ vào năm 2009.

Ngày 12 tháng 12 năm 2012, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết khẩn kêu gọi chế độ Trung Cộng “lập tức chấm dứt tội ác thu hoạch tạng từ các tù nhân lương tâm, các nhóm tín ngưỡng và dân tộc thiểu số”.

Ông Leonidas Donskis, ủy viên Nghị viện Châu Âu nói: “Chúng ta không thể phớt lờ sự thực rằng mạng sống của con người bị đem ra dùng là nguyên liệu cho các ca cấy ghép hay thu hoạch nội tạng ở thế kỷ 21 này. Việc này là chưa từng có kể từ Thế chiến thứ II và thời Đức quốc xã. Chúng ta tuyệt đối không dung thứ cho tội ác này.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/11/13/300192.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/11/18/146915.html

Đăng ngày 22-11-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share