Bài viết của Mặc Văn Thanh – phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 01-09-2014] Nạn mổ cướp tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc hiện đang nhận được sự chú ý không ngừng của cộng đồng quốc tế. Hồi tháng 07, Tạp chí ghép tạng Mỹ, tạp chí hàng đầu về lĩnh vực ghép tạng, đã công bố bài báo “Thu hoạch cơ quan tạng từ các tử tù ở Trung Quốc” chỉ ra rằng “Hoạt động này vẫn tiếp tục mà không hề giảm trong năm 2014.”

Bài báo đàm luận về ba nghịch lý của ngành ghép tạng ở Trung Quốc. Câu hỏi thứ nhất liên quan tới sự sai lệch giữa số lượng người hiến tạng và số lượng tạng. Câu hỏi thứ hai là về sự tồn tại của các nguồn tạng của các tù nhân bị tạm giam. Và câu hỏi thứ ba là tại sao thời gian chờ đợi tạng để ghép ở Trung Quốc thường chỉ trong vài tuần.

Nhờ phân tích các dữ liệu ở các nguồn tạng từ các tử tù và thị trường buôn bán nội tạng ở Trung Quốc, các tác giả đã trả lời được các câu hỏi và đi đến kết luận rằng các tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công, là “nguồn tạng không được ghi nhận và kiểm tra.”

Theo bài báo này, năm 2005, Thứ trưởng bộ Y tế thời đương nhiệm, ông Hoàng Khiết Phu, đã thừa nhận rằng hơn 90% nội tạng là từ các tù nhân bị tử hình. Tuy nhiên, như các tác giả đã chỉ ra, số lượng nội tạng từ tù nhân bị tử hình không thể lý giải một cách hợp lý cho số lượng các ca cấy ghép tạng khổng lồ ở Trung Quốc, vốn được xếp hạng thứ hai trên thế giới, đứng sau Mỹ.

Theo các số liệu do các quan chức Trung Quốc đưa ra thì có “gần 10.000 ca ghép tạng được thực hiện hàng năm tại Trung Quốc.” Tuy nhiên, tỷ lệ người hiến tạng của Trung Quốc thường là thấp – “từ năm 2003 đến 2009 chỉ có 130 người tình nguyện hiến tạng ở Trung Quốc trên tổng dân số 1,3 tỷ người.”

Do vậy, các tác giả chỉ ra rằng “nếu áp dụng cho các nhóm tù nhân, thì với tỷ lệ hiến tạng bình quân của người dân Trung Quốc, sẽ phải có hàng triệu cuộc hành quyết mỗi năm mới đảm bảo đủ số lượng hiến tạng phù hợp cho 10.000 ca cấy ghép được tiến hành thường niên.”

Thêm nữa, ngay cả nếu tất cả các tù nhân bị hành quyết (số lượng nằm trong khoảng từ 3.000 đến 5.000 hàng năm) đều tự nguyện hiến tạng, các tác giả đặt ra câu hỏi: “Số lượng tạng còn lại là từ nguồn nào để đạt được số lượng ca cấy ghép hàng năm cao như vậy?”

Tiến thêm bước nữa, bài báo chỉ ra rằng “cũng có vẻ không hợp lý khi mà mỗi tù nhân đều đủ khoẻ mạnh để hiến tạng có khả năng ghép, lại ngẫu nhiên được lên lịch hành quyết trùng hợp chính xác với ngày nhận tạng ghép.”

Theo các tác giả, câu hỏi này là một quan ngại lớn nhất bởi vì mối lo lắng đặt ra là “liệu phải chăng án tử hình nhằm đáp ứng nhu cầu về nội tạng được thu hoạch từ nguồn các tù nhân tạm giam.”

Câu trả lời được đưa ra trong bài báo này là “Các nhóm thiểu số nhất định ở Trung Quốc bị bức hại để tạo điều kiện cho ngành cấy ghép tạng. Các điều tra toàn diện nhất về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các nhóm thiểu số vốn có cáo buộc từ trước tập trung vào các học viên Pháp Luân Công. Các điều tra này đều kết luận rằng số lượng lớn tù nhân lương tâm là học viên Pháp Luân Công bị đẩy đến chỗ chết dựa trên những ‘hành vi phạm tội không thể kiểm chứng’.”

Ngoài các học viên Pháp Luân Công, các nhóm thiểu số khác ở Trung Quốc như người Ngô Duy Nhĩ, người dân Tây Tạng và các tín đồ Cơ Đốc cũng là nạn nhân [của nạn mổ cướp tạng].

Các phân tích về hệ thống trại lao động của Trung Quốc trong bài báo cũng trả lời cho câu hỏi liên quan đến thời gian đợi tạng cấy ghép quá ngắn tại Trung Quốc. Hệ thống này chào hàng “nguồn cung tạng có thể lấy được ngay để đáp ứng nhu cầu.”

Các tác giả chỉ ra rằng các quan chức ở Trung Quốc đã đưa ra các tuyên bố mâu thuẫn về sự cải cách ngành ghép tạng, nêu lên rằng các tù nhân vẫn là nguồn nội tạng trong năm 2014.

Theo bài báo, Nghị quyết Hàng Châu được thông qua tại Hội nghị Ghép tạng Trung Quốc 2013 tuyên bố sẽ dần dần loại bỏ sự phụ thuộc vào nội tạng từ tử từ trong khoảng tháng 06 năm 2014.

Tuy nhiên, các tác giả chỉ ra rằng “những diễn tiến gần đây đã phá huỷ mọi hy vọng về sự thay đổi tích cực, trong một cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Khiết Phu, ông ta vẫn đề xuất các nội tạng được thu hoạch từ các tử tù sẽ tiếp tục là hợp pháp nhờ được phân loại dưới dạng ‘hiến tặng tình nguyện’ như mọi công dân khác.”

Ngoài ra, ông Vương Hải Ba, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Đáp ứng Cấy ghép tạng Trung Quốc thuộc Bộ Y tế, “cũng vừa xác nhận việc không có bất kỳ lộ trình nào nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nội tạng từ tử tù trong một cuộc phỏng vấn với báo chí.”

Dựa trên những phát hiện này, các tác giả kết luận rằng “các khởi xướng được tuyên bố mới đây từ Trung Quốc (ví dụ, các hệ thống mạng máy tính phân phối tạng) là […] cơ chế để tiếp tục phòng bị, chấp thuận và cho phép phân phối hiệu quả hơn nữa các  nội tạng được thu hoạch bất hợp pháp. Như [kết luận] đã đưa ra, đơn giản là hệ thống mới này trở thành một dạng tinh vi và rộng lớn trong việc “rửa tạng” nhằm sử dụng tạng từ các tù nhân để cung cấp cho nhu cầu ngày càng tăng ở trong nước và quốc tế.”

Các tác giả đề xuất các phương án nhằm chấm dứt nạn thu hoạch tạng cưỡng bức, và kêu gọi cộng đồng quốc tế “áp dụng cách tiếp cận thích hợp đối với hoạt động thu hoạch tạng cưỡng bức kinh khủng này và yêu cầu hành động này phải chấm dứt hoàn toàn và ngay lập tức.”

Bài báo được công bố bởi các tác giả A. Sharif từ Bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth tại Anh, M. Fiatarone Singh từ Trường Y khoa Sydney tại Đại học Sydney, T. Trey từ Tổ chức Các bác sỹ chống Mổ cướp tạng (DAFOH) tại Washington, DC, và J. Lavee từ Trung tâm Y tế Sheba và Khoa Y Sackler, Đại học Tel Aviv. Các tác giả thứ nhất, thứ hai và thứ tư cũng ở trong Hội đồng tư vấn của Tổ chức các bác sỹ chống mổ cướp tạng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/9/1/美医学杂志刊文-质疑中共器官移植现状-296768.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/9/22/3388.html

Đăng ngày 19-10-2014. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share