Viết bởi Anh Tử, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 09-04-2009] Vào ngày thứ Hai, 06-04-2009, các học viên Pháp Luân Công tại Canada đã tổ chức một cuộc họp báo với ông Stockwell Day, Bộ Trưởng Thương Mại Quốc Tế, trong đó tập trung vào vấn đề cuộc bức hại Pháp Luân Công khi ông viếng thăm Trung Quốc vào ngày 07 tháng Tư.

2009-4-7-canadapress--ss.jpg
Cuộc họp báo: (Từ trái sang phải) Chu Lập Mẫn, phát ngôn viên Pháp Luân Đại Pháp Học Hội, Trần Quế Chi, một học viên vừa bị tra tấn tại Trung Quốc, Diêu Liên, David Kilgour và Lý Tấn, chủ tịch Pháp Luân Đại Pháp Học Hội.

Ông Lý Tấn, chủ tịch Pháp Luân Đại Pháp Học Hội, đã phát biểu tại cuộc họp báo: “Người dân Canada tôn trọng quyền con người cũng như các giá trị đạo đức, và họ vận dụng những điều đó vào xã hội và trong kinh doanh. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục đe dọa Canada bằng mậu dịch và áp lực để buộc các quan chức Canada làm ngơ trước sự chà đạp nhân quyền của chúng. Những cố gắng của ĐCSTQ nhằm hủy hoại những nguyên tắc của Canada là không thể chấp nhận được.”

Thân nhân của những công dân Canada đang bị tra tấn và làm nô lệ sản xuất hàng xuất khẩu

Ông Lý đã giải thích rằng hiện tại có hơn 120 công dân Canada có các thành viên trong gia đình tại Trung Quốc đang bị bức hại chỉ vì họ tập Pháp Luân Công. Có 44 người trong số những thành viên trong gia đình này đã hoặc đang bị cầm tù.

Bà Trần Quế Chi, 62 tuổi, người vừa tới Canada vào ngày 18-02-2009, đã kể về kinh nghiệm bị tra tấn của bà tại Trung Quốc. Bà Trần đã hai lần bị tống vào trại lao động cưỡng bức, vào năm 2002 và 2006, chỉ vì bà đã phân phát tờ rơi về Pháp Luân Công tại nơi công cộng. “Lần đầu tiên tôi bị gửi tới trại lao động cưỡng bức, có khoảng 700 người ở đó và một nửa trong số họ là các học viên Pháp Luân Công. Lần thứ hai, tôi bị đưa tới Trại Cưỡng bức Lao động Nữ Hô Hòa Hạo tại Nội Mông Cổ. Có khoảng 300 người tại đó và một nửa trong số họ là các học viên Pháp Luân Công”, bà Trần nói. Trong quãng thời gian bị bỏ tù, bà Trần bị bắt làm việc nặng nhọc 14 giờ mỗi ngày để sản xuất đồ thủ công và hàng hóa dân dụng; hầu hết trong số đó là để xuất khẩu.

Bà Trần tiếp tục: “Từ tháng Tư năm 2007, tôi bị buộc phải tháo những dải băng dùng để cố định các linh kiện điện tử trên bảng vi mạch, để chúng có thể được tái chế. Tôi phải làm gần 2.400 chiếc bảng như vậy mỗi ngày, bắt đầu từ 6h 30ph sáng cho đến tận 9h đêm. Vào một số ngày tôi phải lau chùi hơn 4.200 chiếc trong số đó và phải làm việc tới tận 11h đêm. Những ngón tay tôi bị biến dạng vì phải lao động quá nặng nhọc, xương sống của tôi cong oằn đi và bộ phận thính giác của tôi đã bị thoái hóa.”

Cô Diêu Liên là một người dân sống tại Montreal. Chồng của cô, anh Mã Kiếm, đã bị bắt ở văn phòng Công ty PCM tại Bắc Kinh vào ngày 28-02-2007, và anh bị kết án bất hợp pháp hai năm rưỡi trong trại lao động cưỡng bức. Anh Mã đã bị bắt phải lao động rất nặng nhọc.

Liên Hiệp Quốc thúc giục điều tra về mổ cắp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công

Vào tháng Sáu năm 2006, ông David Matas, một luật sư nhân quyền người Canada, cùng với ông David Kilgour, cựu thư ký bang (Châu Á Thái Bình Dương) và thành viên quốc hội, đã xuất bản một bản báo cáo điều tra độc lập, trong đó kết luận về việc một số lớn học viên Pháp Luân Công đã bị giết chết bất hợp pháp và mổ cắp lấy nội tạng đem bán. Tại cuộc họp báo, ông Kilgour nói: “Mậu dịch tuân thủ pháp luật có thể giúp những người lao động có một cuộc sống tốt hơn. Chúng ta chống lại mậu dịch bất bình đẳng, lạm dụng, và xuất khẩu hàng hóa được sản xuất trong các trại lao động cưỡng bức. Những gì chúng ta được biết hôm nay là từ năm 1999, hàng chục nghìn học viên Pháp Luân Công và tù nhân lương tâm đã trở thành nô lệ trong các trại lao động cưỡng bức, và điều này đã gây ra sự mất việc làm của những người lao động sản xuất tại các quốc gia khác, trong đó có Canada.”

Bức thư của một học viên Pháp Luân Đại Pháp viết cho Bộ Trưởng Thương Mại Quốc Tế của Canada có đoạn: “Từ tháng Tám năm 2006, Giáo Sư Manfred Nowak, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về vấn đề tra tấn, và Tiến Sĩ Asma Jahangir, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về vấn đề tự do tôn giáo và tín ngưỡng, đã nhiều lần cung cấp bằng chứng về việc mổ cắp nội tạng sống bất hợp pháp từ các học viên Pháp Luân Công. Họ yêu cầu chế độ Trung Cộng phải giải trình và chịu trách nhiệm về vấn đề này. Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra được lời giải đáp thỏa đáng nào.”

Khủng bố nhân danh Thế Vận Hội Bắc Kinh

Bắc Kinh đã hứa hẹn sẽ cải thiện tình trạng nhân quyền khi Trung Quốc chính thức đăng cai tổ chức Thế Vận Hội. “Nó {ĐCSTQ} đã không giữ lời hứa,” ông Lý Tấn nói. “Với danh nghĩa [chuẩn bị] Thế Vận Hội, ĐCSTQ đã bắt giữ, tra tấn và giết hại các học viên Pháp Luân Công. Thế Vận Hội đã qua lâu rồi, nhưng vẫn còn một số lớn các học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị giam giữ sau khi bị bắt trong kỳ Thế Vận Hội.”

Vào tháng Tám năm 2008, tờ ‘The Globe and Mail’ đã xuất bản một bài báo có tựa đề: “Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ” trong đó tường thuật về sự bức hại các học viên Pháp Luân Công trong các trại lao động cưỡng bức tại Trung Quốc. Bài báo đưa tin rằng hơn 150 học viên Pháp Luân Công đã chết từ tháng 01 đến tháng 09 năm 2008, và 10.000 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó.

Tại cuộc họp báo, ông Lý Tấn đã thỉnh cầu Bộ Trưởng Thương Mại Quốc Tế kêu gọi giải thoát các học viên Pháp Luân Công đang bị cầm tù tại Trung Quốc, cũng như yêu cầu thả luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh, người bị bắt giam chỉ vì ông đã đứng ra bảo vệ cho các học viên Pháp Luân Công.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/4/7/198552.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2009/4/9/106351.html

Đăng ngày 15-04-2009; bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share