Bài viết của Đường Tú Minh, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 21-10-2013] Vào ngày 20 tháng 10 năm 2013, hơn 3.000 học viên Pháp Luân Công đã tham dự cuộc biểu tình tại Công viên Marina Green ở Long Beach, California với thông điệp “Chấm dứt cuộc đàn áp, mang các tội phạm ra trước công lý”. Với tư cách là những nhân chứng sống của cuộc đàn áp, hơn 100 học viên Pháp Luân Công từng bị tra tấn vì niềm tin của họ ở Trung Quốc đã đứng bên cạnh sân khấu. Nhiều nạn nhân của cuộc đàn áp cũng đứng trong đám đông.

Hơn mười người trong số họ đã mô tả ngắn gọn những trải nghiệm cá nhân của mình. Họ cũng cho thấy những vết sẹo, những chiếc răng bị đánh gẫy, và những dấu tích chấn thương khác từ việc tra tấn.

Khán giả và các diễn giả khách mời cảm thấy vô cùng xúc động vì sự dũng cảm của các học viên Pháp Luân Công. Nghị sỹ Dana Rohrabacher là một trong số họ. Mặc dù ông chỉ dự định phát biểu một lần, nhưng sau đó ông đã cầm micro lên nói hai lần, và đã khóc khi chia sẻ câu chuyện của mình với khán giả.

Vào ngày 20 tháng 10 năm 2013, hơn 2.000 học viên Pháp Luân Công đã tập hợp tại một cuộc biểu tình ở Long Beach thuộc khu vực Los Angeles để vạch trần tội ác của chế độ cộng sản Trung Quốc. Các học viên Pháp Luân Công đã nhận được nhiều giấy chứng nhận của địa phương.

Những tường thuật cá nhân về cuộc đàn áp cho thấy bức tranh toàn cảnh

Khi chủ toạ của buổi lễ đề nghị những người từng bị bắt ít nhất ba lần giơ tay lên, có khoảng 80/100 người đã giơ tay. Khi hỏi: “Ai đã bị mất việc hoặc trợ cấp hưu trí vì cuộc đàn áp?” –  một lần nữa, khoảng 80 người đã giơ tay lên. “Bao nhiêu người bị tra tấn trong khi đang mang thai?” – khoảng tám phụ nữ đã giơ tay lên.

“Bao nhiêu người từng bị lấy máu và thử máu?” – Hơn phân nửa số người giơ tay. Bây giờ chúng ta đã biết rằng việc này được làm để lập hồ sơ cho hoạt động cưỡng bức mổ cướp nội tạng.

Cuộc biểu tình cho thấy một bức tranh toàn cảnh về cuộc đàn áp Pháp Luân Công với tường thuật của từng cá nhân về cuộc đàn áp.

Một người còn sống sót sau đàn áp cho mọi người xem những chiếc răng mà anh bị gẫy trong khi bị tra tấn. (Ảnh do tuần báo Đại Kỷ Nguyên cung cấp)

Cô Lý Cổ Nạp từ Bắc Kinh:

“Vì kiên định niềm tin vào Pháp Luân Công, tôi đã bị bắt ba lần và bị đưa đến bệnh viện tâm thần một lần. Hai nữ cảnh sát từ Trại cưỡng bức lao động Bắc Kinh đã sử dụng dùi cui điện để sốc điện vào lưng, cổ, và hai cánh tay của tôi. Lưng và hai cánh tay của tôi bị đốt cháy đen, tôi trông giống như miếng thịt quay. Trong khi bị tra tấn ở bệnh viện tâm thần, tôi đã bị mất một phần trí nhớ trong nhiều năm.”

Ông Vương Vi Ngọc:

“Tôi đã bị trục xuất khỏi Trường đại học Thanh Hoa hai lần chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó tôi bị tống giam 8 năm rưỡi. Tôi bị buộc phải ngồi liên tục trong một khoảng thời gian là sáu tháng. Một lần nọ, tôi bị sốc điện bằng dùi cui trong hơn 10 tiếng.”

Ông Lý Túc Thận:

“Tôi là một nhà văn và hoạ sỹ. Tôi bị bỏ tù hơn 6 năm. Tôi bị tra tấn và đánh đập tàn bạo, gồm cả bị sốc điện. Tôi đã bị thương nặng.”

Một học viên Pháp Luân Công tái hiện lại cảnh tra tấn mà chính cô đã từng trải qua. (Ảnh do Tuần báo Đại Kỷ Nguyên cung cấp)

Theo ông Trần Thế Trung, chủ tọa buổi lễ và là người tổ chức cuộc biểu tình: “Đối với mỗi học viên Pháp Luân Công đã có thể trốn thoát khỏi cuộc đàn áp và lên tiếng trong ngày hôm nay, chúng tôi biết rằng có 10.000 hoặc thậm chí 100.000 người không thể rời khỏi Trung Quốc. Điều này cho thấy cuộc đàn áp có quy mô đến như thế nào!”

Một cô gái trẻ nhớ lại những trải nghiệm của mình về cuộc đàn áp khi cô còn ở Trung Quốc. (Ảnh do Tuần báo Đại Kỷ Nguyên cung cấp)

Khi nhớ lại những cảnh tra tấn mà họ từng phải chịu đựng, rất nhiều người sống sót đã nghẹn ngào, trong đó có cả cô gái trẻ này:

“Khi tôi bốn tuổi, tôi đang luyện các bài công pháp và đả toạ cùng với mẹ mình trong một công viên ở Trung Quốc. Sau đó cảnh sát đã đẩy chúng tôi lên xe cảnh sát và đem chúng tôi đến trung tâm tẩy não và các trại giam. Tôi còn nhớ có đôi lần cảnh sát đột nhập vào nhà chúng tôi. Họ đã bắt mẹ tôi đi …”

Ông Trần Kim từ thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến:

“Khi tôi ở trong tù, tôi bị đè xuống sàn. Tôi bị ép phải ký giấy chứng tử để cái chết của tôi được tính như là không có gì.”

Cô Vương Xuân Anh:

“Tôi bị đàn áp 5 năm trong trại cưỡng bức lao động Mã Tam Gia. Mục tiêu của các lính canh đơn giản là ép buộc tôi từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công. Vì tôi từ chối, nên họ đã tra tấn tôi. Tôi bị kéo giữa hai cái giường trong suốt 6 tiếng. Tôi cũng bị cấm không cho ngủ trong suốt 6 ngày đêm”.

Nghị sỹ Dana Rohrabacher kéo dài phần phát biểu của ông hai lần

Nghị sỹ California Dana Rohrabacher là một nhà lập pháp cấp cao trong Uỷ ban Ngoại giao. Ông tham gia cuộc biểu tình sau khi đến nhà thờ vào ngày Chủ Nhật hôm đó.

Ông cho biết: “Những người Mỹ chúng ta mắc nợ những người còn đang phải chịu đựng. Nếu chúng ta hạnh phúc vì tự do của chính mình, thì hãy thể hiện tình đoàn kết với những người đau khổ đang còn phải chịu đựng dưới chế độ độc tài.”

Ông chỉ ra lý do cơ bản của cuộc đàn áp: “Chúng tôi biết rằng ở Trung Quốc, Pháp Luân Công là mục tiêu, thậm chí còn vượt xa một số tôn giáo khác… Đặc biệt các nhà lãnh đạo cộng sản và những băng nhóm xã hội đen đang điều hành đất nước đó cho rằng Pháp Luân Công làm bẽ mặt chúng vì tôn giáo của các bạn là đến từ linh hồn của Trung Quốc. Và họ không muốn thừa nhận rằng đó là một mối đe doạ đối với họ!”

Nghị sỹ Dana Rohrabacher chụp ảnh với những nạn nhân của cuộc đàn áp. (Ảnh do Tuần báo Đại Kỷ Nguyên cung cấp)

Khi ông bước xuống sân khấu, tham mưu trưởng của ông đã giới thiệu những nạn nhân còn sống sót của cuộc đàn áp với ông. Ông đã dừng lại để chụp ảnh với cả nhóm, và bắt tay họ. Nhiều người trong số họ đã khóc và bày tỏ sự cảm kích và lòng kính trọng của mình.

Nghị sỹ Dana Rohrabacher và các học viên Pháp Luân Công. (Ảnh do Tuần báo Đại Kỷ Nguyên cung cấp)

Nghị sỹ Rohrabacher cảm thấy rất xúc động. Ông đã hỏi chủ toạ của buổi lễ xem liệu ông có thể nói thêm vài lời. Ông đã bắt đầu bằng câu nói: “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ nói một điều gì khác với các bạn”. Ông nghẹn ngào và dừng lại một lúc. Khán giả đã vỗ tay nhiệt liệt và cổ vũ cho ông.

Sau đó Nghị sỹ Rohrabacher đã chia sẻ một câu chuyện về cha của ông, một nông dân nghèo sống ở phía Bắc Dakota và đã phục vụ trong Thuỷ Quân lục chiến trong chiến tranh thế giới lần thứ II.

Khi còn là người viết bài phát biểu cho Ronald Reagan, nghị sỹ Rohrabacher đã mời cha mẹ của ông đến dùng bữa sáng tại Nhà Trắng nhân dịp Reagan nhậm chức lần thứ hai.

Họ đã kết thúc bằng việc ngồi cạnh Elaine Chao và cha mẹ của cô, người sau này trở thành Bộ trưởng Lao động. Khi cha của nghị sỹ Rohrabacher biết được rằng họ xuất thân từ Thượng Hải, ông đã giải thích rằng ông là người đầu tiên đáp máy bay của mình xuống Thượng Hải.

Cha mẹ của cô Chao nói rằng: “Ồ vâng, chúng tôi vẫn còn nhớ những ngày này. Chúng thật là những ngày tháng khủng khiếp. Quân đội đã nổi loạn, và nhiều người đã bị thiệt mạng và bị giết, và hỗn loạn đã nổ ra. Nhưng khi người Mỹ đến, [Nghị sỹ lại ngập ngừng một lần nữa] chúng tôi biết rằng tình hình sẽ được cải thiện và chúng tôi sẽ sống sót vì người Mỹ đã ở đó”. [vỗ tay nồng nhiệt]

Vì cha của Nghị sỹ từng sống ở Thượng Hải trong một năm và từng nói chuyện với những người Trung Quốc biết chút ít hoặc không biết tiếng Anh, ông đã nói với cha của cô Chao theo cách tương tự, nói chuyện một cách chậm rãi và rõ ràng về chiếc đồng hồ điện tử mới của ông và chỉ vào nó, như thể ông nói tiếng Anh không được giỏi lắm.

Khi biết được rằng cha của cô Chao là một doanh nhân giàu có và nói thông thạo tiếng Anh, nghị sỹ không thể che giấu sự bối rối về hành vi của cha mình.

Tuy nhiên, khi họ ra về, ông bà Chao đã nắm lấy cánh tay của nghị sỹ và nói rằng: “Chúng tôi nhìn thấy anh đã bối rối về cha của anh. Đừng bao giờ cảm thấy bối rối về cha của anh! Ông ấy là người đã đến để cứu chúng tôi!”

Nghị sỹ Rohrabacher kết thúc thông điệp của mình tại cuộc biểu tình: “Hiện tất cả chúng ta đều là người Mỹ, thuộc mọi chủng tộc và mọi tôn giáo. Chúng ta có nhiệm vụ đến với người dân Trung Quốc để cứu họ khỏi chế độ độc tài khủng khiếp này. Không phải kết hợp để tạo ra lợi nhuận, mà là để tạo ra một thế giới tự do, hoà bình và thịnh vượng hơn. Cám ơn các bạn rất nhiều. Chúa phù hộ cho các bạn”.

Thay mặt cho những người còn sống sót, vị chủ toạ của buổi lễ đã tặng ba bông sen giấy cho ba người con của nghị sỹ để cảm ơn ông vì đã dành ngày Chủ nhật của mình để tham gia cuộc biểu tình ủng hộ cho Pháp Luân Công.

Ngoài nghị sỹ Congressman Rohrabacher, còn có nhiều khách mời đã phát biểu tại cuộc biểu tình, bao gồm Tiến sỹ Robert Garcia, Phó thị trưởng thành phố Long Beach; Nghị viên thành phố Long Beach Tiến sỹ Suja Lowenthal; bà Denise Fernandez,  đại diện cho Nghị sỹ Loretta Sanchez; Tiến sỹ Torsten Trey, Chủ tịch Hiệp hội các Bác sỹ chống Cưỡng bức Mổ cướp Nội tạng (DAFOH); và ông Greg Autry, doanh nhân nổi tiếng, nhà văn, và nhà giáo dục và đại diện từ Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Tiến sỹ Robert Garcia (trái), Phó thị trưởng thành phố Long Beach, và Nghị viên thành phố Long Beach Tiến sỹ Suja Lowenthal (phải) đã tham dự cuộc biểu tình với bài phát biểu dành cho các học viên Pháp Luân Công.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/10/21/洛杉矶集会制止迫害-政要支持-281530.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/10/24/142884.html

Đăng ngày 05-11-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share