Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Sơn Đông
[MINH HUỆ 15-08-2013] Khi chính quyền Trung Cộng phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, tôi mới đắc Pháp được một năm. Tuy nhiên, vì tôi đã nhận được rất nhiều lợi ích từ Đại Pháp, tôi biết rằng mình phải lên tiếng đòi công lý cho môn tu luyện tuyệt vời này. Vì vậy vào tháng 09 năm 1999 và tháng 12 năm 2000 tôi đã tới Bắc Kinh hai lần để kháng nghị cuộc đàn áp vô lý.
Thay vì lắng nghe chúng tôi, các nhân viên ở Văn phòng Kháng cáo đã gọi cảnh sát bắt chúng tôi. Hầu hết cảnh sát ban đầu tiếp xúc với tôi và các đồng tu đều lạnh lùng và tàn nhẫn. Họ đối xử với chúng tôi như tội phạm và đánh đập thô bạo. Dù đối mặt với tàn bạo, chúng tôi vẫn giữ thiện lương và thuần tịnh, luôn giảng chân tướng cho họ một cách ôn hòa. Chúng tôi kiên nhẫn giải thích cho họ biết chính quyền đã thêu dệt những lời buộc tội sai lệch đối với Pháp Luân Công như thế nào và những người cảnh sát đang bị sử dụng như những công cụ để thực thi những chính sách sai trái ra sao.
Hết người này tới người khác, những viên cảnh sát đã thay đổi từ lạnh lùng như người máy chỉ biết thi hành các mệnh lệnh đến trở thành một con người thật sự có cảm xúc và cảm thông với các học viên Pháp Luân Công.
Những sự cải biến này là bằng chứng cho thấy pháp lực từ bi vô biên của Đại Pháp. Ở đây tôi xin chia sẻ với tất cả mọi người một vài kinh nghiệm đối diện với cảnh sát của tôi.
Cảnh sát trưởng: “Khi nào quay lại Bắc Kinh chị phải đến thăm tôi nhé.”
Khi tôi tới Bắc Kinh vào tháng 09 năm 1999, có nhiều học viên từ khắp nơi trên toàn quốc cũng đến đó kháng nghị. Để tiết kiệm tiền bạc, chúng tôi ở chung thành các nhóm và ngủ ngoài công viên.
Một đêm, nhóm học viên của chúng tôi bị cảnh sát tuần tra phát hiện. Một viên cảnh sát trẻ đã kéo tôi ra một chiếc bàn để tra khảo. Anh ta hỏi tôi có tập luyện Pháp Luân Công không, và hỏi tôi đến từ đâu. Tôi đã không trả lời anh ta, thay vào đó tôi nói với anh ta rằng tôi đến Bắc Kinh để nói cho chính phủ biết tình huống chân thực của Pháp Luân Công và những lợi ích của môn tập luyện này.
Phản ứng của anh ta đã khiến tôi ngạc nhiên: “Chị đã biết rằng trong lịch sử triều đại nào cũng đều có gian thần. Tôi biết Pháp Luân Công rất tốt, nhưng ngày nay nhiều quan chức khăng khăng nói rằng nó là xấu. Sớm muộn gì Pháp Luân Công sẽ được minh oan. Đừng tới Bắc Kinh để kháng nghị nữa. Không có kết quả gì đâu và chị sẽ bị bắt đấy.”
Ngay sau đó, bảy hoặc tám nhân viên Phòng An ninh Nội địa hộ tống hơn một chục học viên khác đi về phía chúng tôi.
Chúng tôi bị gom lại và đưa về Đồn cảnh sát Ngọc Uyên Đàm. Ở đó cảnh sát thay nhau tra hỏi và lục soát mỗi người chúng tôi ngay giữa sân. Sau khi biết quê quán của một học viên nào đó, cảnh sát liền gọi cho Văn phòng Liên lạc của vùng đó ở Bắc Kinh để cảnh sát địa phương tới đưa người đó đi.
Tôi có một cuốn Chuyển Pháp Luân trong ba lô và tôi nghĩ rằng mình cần phải tìm mọi cách để bảo vệ cuốn sách quý này nên tôi đã giữ chặt ba lô trước ngực mình.
Đến lượt tôi, cảnh sát trưởng ra lệnh cho tôi giao nộp ba lô. Tôi thẳng thừng từ chối nên ông ta rất tức giận. Thấy vậy tôi cũng không động tâm mà chỉ giữ ba lô chặt hơn. Ông ta xắn tay áo lên và tìm cách giật ba lô của tôi. Tôi đã nói với ông ấy một cách chân thành rằng: “Tôi không hề sợ hãi hay oán ghét ông cho dù ông có đối xử với tôi thế nào đi nữa. Nhưng tôi không thể đưa cho ông sách Chuyển Pháp Luân của tôi được.”
Khi nhận ra mình ông không thể kéo tay tôi ra được, ông đã gọi những người khác tới giúp.
Tất cả nhân viên ở trong đồn đều đều chạy ra để xem cảnh hai viên cảnh sát trưởng và cảnh sát phó, một cao một lùn, một mập một gầy cùng giành giật với tôi, một người phụ nữ bé nhỏ.
Có lúc họ đẩy tôi vào tường và có lúc quăng tôi xuống đất. Họ trở nên đuối sức, những viên cảnh sát khác thấy vậy đều phá lên cười.
Trong khi mọi người đang chăm chú theo dõi, các đồng tu của tôi yên lặng bước ra cửa. Thậm chí không một nhân viên nào chú ý đến việc họ trốn thoát.
Cuối cùng, tay áo và dây ba lô của tôi đều bị xé rách. Họ lấy ba lô của tôi đi. Tâm tôi đau như bị dao cắt, nước mắt chảy dài trên mặt. Tôi nghĩ: “Sư phụ, ngay cả sách của Đại Pháp con cũng không thể bảo vệ được. Con thật sự xin lỗi!”
Hai viên cảnh sát như trút được gánh nặng, quay trở về văn phòng. Lúc đó họ mới nhận ra tất cả các học viên đều đã chạy thoát. Không còn ai quan tâm tới việc giam giữ tôi nữa nhưng tôi vẫn quyết định đòi lại quyển sách của mình. Khi tôi theo họ để đòi lại sách, một cảnh sát trẻ tuổi mỉm cười với tôi và nói: “Đừng theo chúng tôi làm gì. Chị hãy đi theo người đã giật quyển sách của chị đó.”
Cuối cùng tôi cũng tìm được phòng cảnh sát trưởng, ông ta đang ngồi trên bàn. Tôi nói một cách ôn hòa và kiên định: “Làm ơn hãy trả tôi quyển sách; nếu không tôi sẽ đi theo ông đến cùng.”
Ông ta cười lớn: “Sao chị lại cứng đầu vậy? Hãy kể cho tôi xem Pháp Luân Công tốt thế nào. Chị có thể đọc thuộc một đoạn của quyển sách không?”
Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta và đọc Luận ngữ một cách trôi chảy. Tiếp đó tôi chia sẻ với ông ta nhận thức của tôi về lợi ích và sự phi thường của Đại Pháp. Tôi thậm chí không biết mình đã nói bao lâu, nhưng tôi biết mình đã nói ra những lời từ tận đáy lòng. Cuối cùng tôi khuyên ông ấy nên đọc Chuyển Pháp Luân để có thể thu được lợi ích cho bản thân.
Trong lúc im lặng lắng nghe, đột nhiên ông đứng dậy và vỗ vào vai tôi rồi nói: “Chị đã đạt tiêu chuẩn rồi đó! Chị thậm chí còn tốt hơn những người đã tu luyện lâu năm hơn chị. Chị có biết rằng người của Ban Chính trị và Pháp luật vừa lấy cuốn sách đi rồi không? Như vậy đi. Tôi có một quyển khác và sẽ lấy đưa cho chị ngay bây giờ.”
Ông ta thực sự đã quay lại với một gói đồ bọc bằng giấy báo. Một vài viên cảnh sát khác nhìn thấy đã nói với tôi rằng: “Đừng tin ông ấy. Làm sao ông ấy có sách được? Ông ấy lừa chị thôi.”
Ông ấy đóng cửa lại và đưa túi đồ cho tôi. Khi tôi mở nó ra, trong đó có một quyển sách Chuyển Pháp Luân với miếng đánh dấu trang đẹp đẽ bên trong. Ông cầm quyển sách lên và mỉm cười nói với tôi: “Quyển sách này thuộc về một học viên khác và tôi đã giữ lại để đọc. Hãy cầm lấy. Chị phải trân trọng nó vì nó tuyệt diệu hơn tất cả những quyển sách khác gộp lại.”
Tôi ngạc nhiên nhìn ông ấy đút cuốn sách vào ba lô của tôi và đưa trả lại cho tôi.
Sau đó một vài nhân viên bước vào báo cáo rằng Văn phòng Liên lạc của địa phương của tôi không có mặt ở Bắc Kinh nữa. Sau đó tôi mới biết Văn phòng Liên lạc đó vẫn tồn tại, và họ chỉ nói vậy để có thể thả tôi ra.
Vị cảnh sát trưởng bắt tay và chào tạm biệt tôi: “Khi nào quay lại Bắc Kinh chị phải ghé thăm tôi nhé. Nếu chị cần thêm sách, tôi cũng có thể giúp.”
Ông ra lệnh cho phó đồn cảnh sát dẫn tôi ra khỏi đó. Thật thú vị, viên phó đồn cảnh sát lúc nãy giành giật quyển sách với tôi giờ đã thay đổi. Thay vào đó, ông ta đã mỉm cười và nói chuyện với tôi như một người bạn cũ. Ông đã hỏi nhiều câu hỏi về Pháp Luân Công và tôi kiên nhẫn trả lời từng câu một. Khi tôi đề nghị ông hãy thử tập luyện, ông ta đã hỏi một cách bối rối: “Chị có nghĩ rằng Sư phụ của chị sẽ nhận một người như tôi?” Tôi khẳng định với ông ấy rằng chỉ cần có quyết tâm trở thành người tốt, Sư phụ của chúng tôi chắc chắn sẽ nhận ông ấy.
Sau khi chia tay, ông ấy nắm chặt tay tôi và nói rằng: “Chị thật sự là một người tốt.” Ông cũng cảnh báo tôi nhiều lần rằng phải chú ý an toàn và khuyên tôi cách để tránh bị bắt.
Cảnh sát: “Xin hãy làm nhân chứng cho tôi.”
Một buổi sáng cuối năm 2000, khoảng 10 học viên chúng tôi từ tỉnh Sơn Đông đến Quảng trường Thiên an môn để phát tờ rơi và giơ tấm băng rôn với dòng chữ: “Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Lúc đó cũng có nhiều học viên ở đó. Chúng tôi hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo,” và tiếng hô của chúng tôi vang khắp quảng trường.
Một số xe cảnh sát xông đến và nhiều cảnh sát mặc thường phục bao vây chúng tôi. Chúng tôi đã bị bắt đến một nơi có chiếc xe buýt lớn đỗ sẵn. Chúng tôi biết rằng ngày hôm đó có hơn một trăm xe buýt đã được điều động để chuyển các học viên tới các trại giam giữ khác nhau.
Khi lên xe, tôi thấy nhiều cảnh sát xô đẩy và đánh đập các học viên. Sau khi xe chạy tôi để ý một học viên nam đến từ cùng thành phố với tôi đã bị đánh đập dã man. Một mảng da đầu của anh bị rách và máu chảy dài trên khuôn mặt. Dù bị một viên cảnh sát giữ chặt, anh vẫn tiếp tục hô: “Pháp Luân Đại Pháp hảo” với giọng nói yếu ớt.
Tôi cảm động rơi nước mắt và la lớn với viên cảnh sát đó rằng: “Không được đánh đập! Pháp Luân Đại Pháp là tốt!” Tôi còn chưa kịp nói xong, một bóng đen lao tới và đấm tới tấp vào mặt tôi. Dù không thể nói gì nhưng tôi cảm giác một chữ sợ hãi cuối cùng trong tôi cũng bị đánh bật ra hết. Tôi nghĩ đến lời giảng của Sư phụ và biết rằng mình phải giữ tâm bất động. Sau khi định thần lại, tôi thấy một viên cảnh sát rất cao lớn nhìn tôi một cách hằn học.
Anh ta nói: “Còn dám la lối nữa không!” Tôi cảm thấy tiếc cho anh ấy và tiếp tục la lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Anh ta tát tôi và nhìn vào mắt tôi hét lớn: “Mày còn dám hét nữa không!”
Tôi quên đi cảm giác bỏng rát trên mặt và đầu mình và không thể kìm được khóc thương cho anh ấy. Tôi cảm thấy tim tôi tràn đầy từ bi. Tôi nói với anh ấy với giọng nói run rẩy: “Bất kể anh cư xử với tôi thế nào, tôi cũng sẽ không thù ghét gì anh cả. Tôi biết anh đã bị lừa dối nên tôi phải nói ra sự thật với anh rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Đừng bức hại các học viên Đại Pháp nữa.”
Trong lúc nói, tôi không hề giận dữ, chỉ cảm thấy thật lòng quan tâm và thông cảm cho anh ấy. Anh ta nhìn chằm chằm vào tôi như thể tìm kiếm xem tôi có bất kỳ mảy may oán hận nào không. Khi thấy trong ánh mắt của tôi chỉ có thiện tâm, ánh mắt của anh ta bỗng nhiên thay đổi. Tay anh đang ở tư thế sẵn sàng tát tôi từ từ hạ xuống và anh ấy trở nên im lặng ngồi xuống cạnh tôi.
Sau đó tôi thấy các viên cảnh sát khác vẫn tiếp tục đánh đập các học viên nên tôi đã nói lớn rằng: “Pháp Luân Công đã bị Giang Trạch Dân vu khống. Các anh có biết rằng Giang Trạch Dân là con cóc đầu thai thành? Đừng bao giờ trở thành nạn nhân của hắn.”
Những tràng cười lớn vang lên khắp xe và không khí trở nên nhẹ nhàng hơn. Một viên cảnh sát thậm chí còn rút một điếu thuốc ra hút. Các cảnh sát khác ngừng đánh đập chúng tôi và bắt đầu bàn tán về tai tiếng của Giang Trạch Dân.
Xe buýt dừng lại ở trại tạm giam, nơi có nhiều nhân viên cảnh sát từ các đồn khác nhau được yêu cầu đến để đưa các học viên về đồn của họ. Hoá ra có quá nhiều học viên bị bắt giam nên các đồn cảnh sát khác bị điều động đến để đưa các học viên đi.
Tôi cùng với ba học viên khác bị đưa đến đồn cảnh sát, đó cũng chính là đồn của người đàn ông cao lớn đã đánh tôi và viên cảnh sát đã hút thuốc trên xe buýt.
Sau khi tới đồn, viên cảnh sát triệu tập tôi đến để nói chuyện. Khi anh ta hỏi tôi lợi ích của Pháp Luân Công là gì, tôi đã chia sẻ thể ngộ của mình và khuyên anh ấy hãy ngừng hút thuốc.
Anh ta thẳng thắn thừa nhận với tôi rằng Pháp Luân Công đã bị oan uổng. Anh ta nói: “Chị có biết rằng tôi đã thả khoảng 500 học viên không. Khi các thủ phạm bị truy tố, xin chị hãy làm nhân chứng cho tôi…”
Trước sự ngạc nhiên của tôi, anh ta đột nhiên bước ra khỏi văn phòng trước khi kịp nói hết câu.
Tôi nhanh chóng nhận ra đây là cơ hội để chạy thoát vì văn phòng này gần với lối ra của đồn cảnh sát và ở đây không có nhân viên canh gác nào.
Tuy nhiên, tôi vẫn do dự và cuối cùng ở lại văn phòng.
Sau một khoảng thời gian dài, viên cảnh sát trở lại. Anh ta thở dài: “Chị vẫn còn ở đây sao!” Vì anh ấy không thể nói một điều gì rõ ràng với tôi nên anh ta lại bỏ đi lần nữa. Bấy giờ tôi mới nghĩ lại và biết rằng anh ta đã cho tôi một cơ hội để trốn thoát.
Nhân viên ở đồn cảnh sát: “Hãy đến gặp tôi nếu chị cần một công việc ở Bắc Kinh.”
Mặc dù tôi đã lỡ mất cơ hội chạy thoát, tôi tiếp tục nói với tất cả nhân viên tôi gặp chân tướng về Pháp Luân Công. Từ trưởng đồn cho đến các nhân viên, tôi không bỏ sót một ai trong thời gian bị tạm giam ở đồn cảnh sát tối hôm đó.
Ngày hôm sau trại tạm giam đã yêu cầu tất cả đồn cảnh sát gửi trả lại các học viên bị giam giữ của họ. Một nhân viên trẻ trong đồn cảnh sát đã nói với tôi: “Hãy đến gặp tôi nếu chị cần một công việc ở Bắc Kinh.”
Vị trưởng đồn và phó đồn đã lái xe đưa tôi tới trại tạm giam để làm các thủ tục. Nhưng thật bất ngờ họ đã không để tôi ở lại đó mà lại đưa tôi tới ga xe lửa. Họ chỉ cho tôi xem quyết định bắt giam và xé nó ra thành nhiều mảnh ngay trước mặt tôi. Họ nói rằng: “Hãy về nhà. Chúng tôi chúc chị có một chuyến đi trở về an toàn.”
Khi các đồng tu thấy tôi trở về, tất cả đều rất kinh ngạc. Được khích lệ bởi những chia sẻ của tôi, nhiều người trong số họ đã bước ra để kháng nghị cho Đại Pháp ở Bắc Kinh.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/8/15/“恶”警怎么改变的–278168.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/9/5/141837.html
Đăng ngày 07-10-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.