Bài viết của một học viên tại Tây Ban Nha

[MINH HUỆ 23-08-2013] Con xin kính chào Sư phụ! Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi là một học viên đến từ Tây Ban Nha và đã đắc Pháp vào năm 2006.

Trong cuộc họp về hạng mục Thần Vận gần đây được tổ chức tại New York, Sư phụ đã nói rằng các học viên tại châu Âu rất thụ động. Trong nhiều năm tôi đã tự hỏi mình câu hỏi tương tự: Tại sao có quá nhiều học viên tham gia rất ít vào các hạng mục giảng chân tướng như vậy?

Hầu như lúc nào tôi cũng hướng ngoại để tìm câu trả lời mà hiếm khi tìm nó ở chính bên trong tôi. Lần đầu tiên tôi nhận ra điều này là sau khi học Giảng Pháp tại Pháp hội Quốc tế NewYork năm 2009, Sư phụ giảng:

“Người quản lý là có trách nhiệm, người phối hợp là có trách nhiệm, đều có trách nhiệm. Mọi người thử nghĩ xem, chúng ta đều bảo ‘người khác không phối hợp’, có người toàn nói ‘nhân viên quản lý có vấn đề’; đều là đang hướng bên ngoài mà tìm, hướng ngoại tu, đang nghĩ về người khác. Tại sao chúng ta không tự thử tự tìm chính mình; khi thật sự tu cho tốt rồi, chư vị thật sự thực hiện ngay chính rồi thì người khác nhìn nhận chư vị thế nào? Vậy người phụ trách sốt sắng làm việc, thì sao không thử nghĩ xem bản thân mình ở đâu còn chưa đủ tốt, khiến học viên không muốn nghe lời của chư vị? Do vậy nhất định phải suy nghĩ; đó là tu luyện, đó chính là tu luyện vậy!”

Rõ ràng là tôi phải hướng nội để tìm ra nguyên nhân của việc tại sao hầu hết học viên không tham gia vào hạng mục Đại Kỷ Nguyên. Đây là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng những suy nghĩ tiêu cực của tôi hướng đến những học viên khác đã ảnh hưởng trực tiếp đến hạng mục và đang góp phần tạo nên một rào cản trong những không gian khác vốn chia rẽ và ngăn cản chúng tôi làm việc cùng nhau.

Đây là lần đầu tiên tôi thêm một niệm là loại trừ hết thảy suy nghĩ tiêu cực hướng đến các đồng tu mỗi lần phát chính niệm. Và trong nhiều tháng tôi đã làm những gì có thể để kiềm chế bất cứ suy nghĩ tiêu cực nào khởi lên hướng đến đồng tu.

Tình hình đã nhanh chóng thay đổi và không lâu sau hai học viên gọi cho tôi để nói rằng họ đã hiểu ra rằng họ nên tham gia nhiều hơn vào hạng mục Đại Kỷ Nguyên và hỏi tôi họ có thể giúp được gì. Những học viên này đã trở thành hai trụ cột của tờ báo và vẫn giữ vị trí đó đến hôm nay.

Không lâu sau, ba chúng tôi đã sắp xếp một vài cuộc họp với các học viên đến từ những vùng khác nhau của Tây Ban Nha để trao đổi về hạng mục và để thu hút nhiều người tham gia hơn và kết quả là khoảng 40 học viên đã đến để tham gia ở chừng mực nào đó vào hạng mục.

Tuy nhiên, tôi không thể duy trì được lâu xu thế này và những suy nghĩ tiêu cực về các đồng tu lại xuất hiện. Và cũng nhanh như khi vài học viên tham gia vào hạng mục, chẳng mấy chốc nhiều học viên đã bỏ cuộc hay hạn chế tham gia.

Nhẫn hơn

Sư phụ giảng: “Xét chư vị tu cao được đến đâu, tất cả là dựa theo lực nhẫn nại và năng lực chịu khổ của chư vị.” (Chuyển Pháp Luân)

Bao nhiêu lần tôi đã đọc câu này? Nhưng để đồng hoá với điều này vẫn rất khó đối với tôi và gần đây tôi đã phát hiện ra lý do tại sao.

Lo lắng về tình hình kinh tế của tờ báo, tôi đã bảo một đồng tu tham gia thêm vào việc bán hàng. Phản ứng của anh ấy là anh ấy quá bận với các hạng mục khác và không thể làm được nhiều hơn những gì mà anh ấy đang làm. Việc này đã khiến tôi vô cùng chán nản và trong vài ngày tôi đã rơi vào trạng thái bất mãn và coi thường các đồng tu. Thậm chí tôi còn nói với họ một cách cay nghiệt. Tôi khó chịu đến mức phải mất vài ngày tôi mới nhận ra rằng mình nên hướng nội và tìm hiểu xem tại sao tôi lại hành xử theo cách đó.

Ban đầu tôi nhận ra tôi đã không làm tốt ba việc. Cũng giống như những tình huống trước đây, tôi đã không nhận ra rằng mình đã rơi vào trạng thái coi việc làm ba việc quan trọng hơn việc tu luyện bản thân. Tôi không học Pháp tốt, tâm trí tôi không ngừng nghĩ vẩn vơ và tôi không có ý thức cố gắng tập trung. Tôi hiếm khi phát chính niệm và phát chính niệm không tốt, tâm trí tôi đặt vào những việc khác và tôi bị ma ngủ can nhiễu. Tôi chỉ luyện công một hoặc hai lần một tuần, viện cớ là thiếu thời gian. Tôi cảm thấy rất nặng nề, cứ như thể đang mang một gánh nặng mà đang dần nhấn sâu tôi xuống đất.

Như vậy, rõ ràng, trước hết tôi phải làm tốt ba việc và đặt việc tu luyện của mình làm ưu tiên. Bởi việc này rất khó nên từng chút từng chút một, tôi bắt đầu học Pháp tốt hơn, bắt đầu tập trung hơn khi phát chính niệm và bắt đầu luyện công thường xuyên hơn. Và tất cả những việc này đã đưa tôi thoát khỏi trạng thái lúc trước của mình.

Sau đó, một buổi sáng, tôi ngộ ra rằng việc chấp nhận khó khăn mà vẫn mang tâm Nhẫn là quan trọng đến thế nào và khi làm được như vậy, khó khăn đã được giải quyết một cách nhanh chóng còn tâm tính của tôi được nâng lên như thế nào.

Sư phụ giảng:

“‘Tâm tính’ là gì? Tâm tính bao gồm có đức (‘đức’ là một chủng vật chất), gồm có Nhẫn, gồm có ngộ, gồm có xả, xả bỏ các loại dục vọng và các loại tâm chấp trước trong người thường; còn cả khả năng chịu khổ v.v., gồm các thứ của rất nhiều phương diện. Cần phải đề cao [tất cả] các phương diện tâm tính con người; như vậy chư vị mới có thể thật sự đề cao lên; đó là nguyên nhân then chốt bậc nhất để đề cao công lực.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi đã lĩnh hội được hơn bao giờ hết những lời mà Sư phụ giảng: “Chúng ta nói rằng khi gặp mâu thuẫn trước mặt, lùi một bước biển rộng trời trong, đảm bảo sẽ là một cảnh tượng khác.” (Chuyển Pháp Luân).

Kể từ đó, tôi cố gắng ghi nhớ điều đó trong tâm và bất cứ khi nào phát sinh khó khăn, tôi cố gắng không lo lắng, cố gắng hướng nội và tìm hướng giải quyết. Không phải lúc nào tôi cũng làm được điều đó nhưng tôi cố gắng, và có ý thức cố gắng hơn trước.

Tôi đã thấy được sự cải thiện nho nhỏ này đã tác động trực tiếp đến mối quan hệ của tôi với các đồng tu như thế nào và mọi việc tự nhiên trở nên êm xuôi hơn như thế nào khi tôi trở nên khoan dung hơn. Ngay cả như vậy, tôi vẫn cần phải tu nhẫn nhiều hơn và hy vọng rằng từ nay trở đi sẽ làm tốt hơn nữa trên phương diện này.

Thiện hơn

Trong tâm tôi rất hay khó chịu với người khác nhưng tôi thường không thể hiện thành lời. Tôi đòi hỏi họ phải tu luyện tốt hơn, làm nhiều việc hơn cho Đại Pháp, buông bỏ những chấp trước của họ, v.v… Thay vì nhìn thấy những điểm tốt, tôi chỉ thấy những điểm xấu ở họ, tôi phán xét và buộc tội họ. Tôi coi những chấp trước của họ cứ như thể chúng chính là bản thân họ, thay vì hiểu rằng chúng là thứ gì đó mà họ đã tích lũy nhưng chưa thể loại bỏ được. Thay vì nghĩ đến việc tôi có thể giúp họ loại bỏ chúng như thế nào, tôi nghĩ họ chính là chấp trước: anh ấy ích kỷ, anh ấy lười biếng, cô ấy sợ hãi. Làm sao tôi có thể giúp họ loại bỏ được những chấp trước của mình nếu chính bản thân tôi đang ấn định những chấp trước này, giống như coi chúng là thứ cố hữu vậy?

Những suy nghĩ tiêu cực đó đã hình thành nên chủng vật chất dơ bẩn trong một không gian khác ngăn trở chúng ta đồng hoá với Chân, Thiện, Nhẫn. Đó là một chủng nghiệp lực mà khi nó tăng lên nó khiến chúng ta tu luyện khó khăn hơn, cách ly chúng ta khỏi đặc tính của vũ trụ. Trên bề mặt một người có thể làm tốt cả ba việc nhưng nếu người đó không cố gắng loại bỏ loại vật chất này và tiếp tục tăng cường nó, tôi nghĩ chủng nghiệp lực này có thể trở thành nghiệp bệnh nghiêm trọng. Vì vậy tôi nghĩ vấn đề này vô cùng quan trọng và chúng ta rất nên chú ý đến nó.

Gần đây tôi phát hiện ra rằng nhờ khoan dung hơn, tôi có thể trở nên từ bi hơn. Tôi có thể thấy chấp trước ấy như một thứ ngoại lai đối với học viên đó và tôi có thể hết lòng giúp anh ấy/cô ấy loại bỏ nó. Tôi có thể biến những đòi hỏi trong tâm mình thành sự thấu hiểu và lòng nhân từ vốn có đầy đủ uy lực để giúp giải thể bất kể nhân tố tà ác nào có thể lợi dụng sơ hở do bất kể chấp trước nào tạo nên chỉ trong giây lát và học viên đó đã phản ứng một cách tích cực. Sự từ bi này xuất ra một cách tự nhiên từ tâm và truyền thẳng đến tâm của người khác, người ta vốn không cần phải nỗ lực để trở nên từ bi.

Một tuần trước, lần đầu tiên, tôi quyết định gọi cho từng học viên tham gia hạng mục Đại Kỷ Nguyên và mời họ đến một buổi gặp mặt để học Pháp và chia sẻ. Tôi thường triệu mời họp qua thư điện tử, nghĩ rằng như vậy là đủ nhưng một lần tại buổi gặp mặt tôi thấy rằng chỉ có ít người tham dự, tôi đã tức giận và trong tâm tôi nuôi dưỡng đủ loại tư tưởng tiêu cực đối với những người không đến. Tuy nhiên, lần này tôi quyết định bỏ những tư tưởng tiêu cực của mình sang một bên và gọi cả cho những người mà tôi đã ôm giữ tâm oán hận từ rất lâu rồi, như thể là chưa có điều gì xấu đã từng xảy đến giữa chúng tôi.

Kết quả là thêm nhiều học viên đã đến buổi gặp mặt. Trong suốt buổi chia sẻ, một vài học viên rất cảm kích việc tôi đã đích thân gọi điện cho họ. Lời lẽ của tôi vẫn giống như trước đây nhưng tâm tôi đã thay đổi.

Trong khi đang viết phần chia sẻ trên, một trong những học viên mà cám ơn tôi vì đã gọi điện thoại cho cô ấy đã đến để nói rằng cô ấy muốn làm thêm một ngày phần việc phân phát báo của tôi để tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc bán hàng. Ngày hôm sau, trước khi bắt đầu phân phát, một học viên khác cũng đến chỗ tôi và nói rằng cô ấy sẵn sàng thực hiện phần việc phân phát của tôi để tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc bán hàng. Mặc dù vài tháng trước tôi đã xin hỗ trợ trong việc phân phát để dành nhiều thời gian hơn cho việc bán hàng nhưng cho đến tận buổi gặp gỡ này, ngay khi mà tâm tôi thay đổi, tôi mới nhận được sự hỗ trợ.

Nhưng tôi vẫn cần phải tu thiện hơn nữa và tôi thấy rằng một trong những nguyên nhân chính là tôi đã quá coi trọng bản thân mình.

Khiêm nhường hơn

Thủa đầu tu luyện, tôi thấy mình có chấp trước mạnh mẽ vào danh, muốn được công nhận và hiển thị.

Kể từ đó tôi luôn nghiêm khắc với bản thân về khía cạnh này nhưng những chấp trước này có rất nhiều tầng lớp và khi tôi đo lường bản thân với Pháp, tôi nhận ra rằng chúng vẫn tồn tại và đôi khi còn tạo nên ảnh hưởng tiêu cực lên các đồng tu.

Tôi thường quên mất rằng những kỹ năng mà tôi có được là do Đại Pháp ban cho để trợ Sư Chính Pháp. Tôi coi chúng như của riêng mình và tôi rất tự hào về điều đó. Tôi cảm thấy mình rất có năng lực và điều này khiến tôi nghĩ rằng ý kiến của mình là đúng nhất và rằng những hiểu biết của mình là cao nhất. Suy nghĩ này dẫn đến việc đôi lúc tôi đã nhanh chóng phủ nhận ý kiến của những người khác mà không cân nhắc nhiều đến chúng và cuối cùng khiến các đồng tu nản chí, và dần dần bắt đầu cảm thấy ngày càng tách ra khỏi dự án.

Thêm vào đó, tôi không cố gắng tìm hiểu xem Sư phụ đã ban cho các đồng tu những kỹ năng gì và vì vậy trong tâm mình, tôi đã giới hạn năng lực của họ và không tin tưởng vào khả năng của họ, quên mất rằng mỗi học viên là tương đương với 100 hay 1000 người bình thường.

Nếu tôi có thể khoan dung và từ bi hơn, tôi có thể nhớ rằng mỗi đệ tử Đại Pháp đều phi thường và rằng công việc của tôi với vai trò của một điều phối viên chính là cố gắng hết sức khích lệ mỗi học viên để anh ấy/cô ấy có thể cống hiến hết sức mình trong việc cứu độ chúng sinh.

Nhẫn hơn, từ bi hơn và ít đề cao bản thân là những đặc điểm nổi bật mà tôi quan sát thấy ở những điều phối viên có khả năng huy động được một lượng lớn các học viên tham gia vào hạng mục.

Qua việc quan sát lối hành xử thuần tịnh của họ, những điều phối viên này đã khiến tôi cảm động rơi nước mắt và tôi nhanh chóng hiểu ra làm thế nào họ lại có thể gắn kết tất cả các học viên và cuối cùng đưa hạng mục đến thành công.

Vô tình họ đã giúp tôi thay đổi cách nhìn nhận của mình đối với một vài học viên mà tôi tin rằng khó có thể làm việc cùng. Họ hoàn toàn Nhẫn hơn và Thiện hơn tôi đối với những học viên này và do vậy mà có thể phát huy hết khả năng của họ, đem lại thành công lớn cho hạng mục. Nhờ có họ mà tôi đã hiểu được rằng tôi không nên đặt giới hạn cho tâm Thiện hay Nhẫn của mình. Tôi không nên hạn chế khả năng của những người khác. Tôi cần phải trở nên khiêm tốn hơn.

Tôi nghĩ rằng mình khiêm tốn nhưng lại đo lường bản thân với những tiêu chuẩn của người thường chứ không phải tiêu chuẩn của Pháp. Sau khi nhìn những điều phối viên này tôi thấy rằng mình vẫn còn rất xa mới khiêm tốn được như họ và rằng tôi cần phải có ý thức cố gắng để đạt đến phương diện này.

Tinh tấn như thủa đầu tu luyện

Để khiêm nhường hơn, điều đầu tiên tôi cần phải làm là tinh tấn hơn và làm cả ba việc. Tôi phải học Pháp tốt hơn, phải phát chính niệm tốt hơn đồng thời tôi phải giảng chân tướng và luyện công hàng ngày bởi vì nó sẽ giúp tôi có đủ năng lượng để làm tất cả mọi việc mà tôi cần làm một cách suôn sẻ hơn.

Sư phụ giảng trong “Giảng Pháp tại hội nghị Đại Kỷ Nguyên”

“Công việc làm Đại Kỷ Nguyên này cũng như thế; vô luận chư vị đảm nhận công tác nào ở đây, đều không đại biểu cho chư vị tu luyện được cao hay thấp; chỉ xét chư vị tinh tấn hay không. Tu luyện mà, Thần Phật chỉ nhìn vào nhân tâm, chỉ nhìn chư vị đối với tu luyện của mình có tinh tấn hay không.”

Sư phụ cũng nhắc nhở chúng ta trong “Giảng Pháp tại vùng đô thị NewYork năm 2013”:

“Có người vẫn hay nói với Sư phụ: ‘Nguyên lúc đầu khi con đọc Pháp, tầng thứ đề cao lên rất nhanh, khi đọc sách thì những điều nhận thức được không ngừng thể hiện ra, tại sao bây giờ không còn loại cảm giác đó nữa?’ Vậy mọi người hãy tự nghĩ xem, chư vị có “tu luyện như thuở đầu” chăng?”

Tôi muốn nhân cơ hội này để xin lỗi các đồng tu của tôi vì sự thiếu khiêm nhường của mình. Kể từ giờ trở đi tôi sẽ cố gắng hết sức để ưu tiên cho việc tu luyện của mình và hướng nội khi gặp phải những khó khăn, thử thách. Tôi sẽ khoan dung và từ bi hơn đối với các đồng tu của mình và tôi sẽ làm mọi việc có thể để chúng ta có thể trợ Sư cứu độ chúng sinh. Tôi sẽ không để Sư phụ thất vọng, tôi sẽ hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và trở về với Thiên giới của mình.

Con xin cảm tạ Sư phụ! Xin cám ơn các đồng tu!

(Được trình bày tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm Pháp Luân Đại Pháp Châu Âu tại Copenhagen năm 2013)


Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2013/8/23/141658.html

Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2013/8/6/做协调人谦卑很重要-277707.html

Đăng ngày 27-09-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share