[MINH HUỆ 25-08-2013]

Con xin kính chào Sư phụ, xin chào các bạn đồng tu!

Để phục vụ chương trình buổi biểu diễn Thần Vận năm 2013 ở Hà Lan, tôi điều phối việc phân phát tờ rơi đến từng nhà một, giống như công việc tôi đã làm vào những năm trước. Tôi tìm những khu dân cư khá giả, vẽ bản đồ và chia cho các học viên. Vào cuối tuần tôi dùng xe hơi của mình đưa các học viên tới những khu vực đó để phát tờ rơi. Khi họ hoàn thành công việc, họ sẽ gọi cho tôi tới đón và đưa họ đi nơi khác.

Một buổi sáng khi tôi đưa một tấm bản đồ mới cho một học viên, anh ấy đã nhận nó. Tôi chợt nhớ ra rằng anh ấy chưa hoàn thành khu vực của bản đồ mà tôi đưa lần trước. Sau đó tôi đề nghị anh ấy đi hoàn thành khu vực bản đồ cũ trước, nhưng anh ấy nói rằng anh đã không mang theo nó. Tôi nhìn xung quanh và hỏi một học viên khác. Anh ấy cũng để tấm bản đồ đó ở nhà và cũng chưa hoàn thành, vì vậy anh ấy cũng lấy một tấm bản đồ mới. Tôi bắt đầu phàn nàn: “Tại sao anh không nói cho tôi biết tấm bản đồ trước chưa hoàn thành trước khi lấy bản đồ mới? Nếu như không có ai báo lại, thì làm sao tôi có thể tổng kết được những gì đã làm hay chưa? Nó sẽ rất lộn xộn.”

Khi đến lúc phải phát chính niệm, tôi không thể buông bỏ niệm đầu tiêu cực về những học viên này. Tôi biết đây là một chấp trước. Tôi cố gắng phóng hạ, nhưng không thể loại bỏ nó hoàn toàn. Sau khi phát chính niệm, chúng tôi lên xe đi phát tờ rơi. Khi tôi rời bãi đậu xe, một chiếc xe khác đã đến và không thể đi tiếp, vì tôi chắn ở giữa đường. Tôi nhanh chóng quay đầu xe và đột nhiên nghe thấy một tiếng va chạm lớn. Tôi nhận ra mình đã va phải một vật ở phía sau. Khi tôi ra ngoài để xem xét thiệt hại, thật lạ lùng là không có thiệt hại gì mặc dù tiếng va chạm khá lớn. Với tôi đây là một cảnh báo nghiêm ngặt rằng tôi nên ngừng phàn nàn. Sau khi tôi ngộ ra điều đó, tất cả những niệm đầu bất hảo ngay lập tức biến mất.

Việc này gợi cho tôi nhớ đến một khổ nạn năm ngoái, nó đã cho tôi thấy tầm quan trọng của việc không phàn nàn. Trong mùa biểu diễn Thần Vận năm ngoái, một học viên khác điều phối hạng mục quảng bá Thần Vận ở trung tâm mua sắm yêu cầu tôi gửi cho anh ấy tất cả các bản đồ của những khu vực chúng tôi đã phát tờ rơi để anh ấy có thể chuẩn bị các chương trình quảng bá cho trung tâm mua sắm ở những khu vực tương tự. Hóa ra điều phối viên này in tất cả các bản đồ và đưa chúng cho một học viên khác mà không báo cho tôi biết. Khi tôi nói chuyện với anh ấy về việc này, tôi càng cảm thấy tức giận. Tôi bắt đầu phàn nàn trong tâm: “Tại sao anh không điều phối bộ phận của anh và để tôi điều phối bộ phận của mình.” Tôi hoàn toàn không hướng nội và không nhận ra những suy nghĩ phản diện của mình với anh ấy, bây giờ cựu thế lực đã có cớ để bức hại tôi.

Vào một buổi sáng khi thức dậy đi vào bếp, tôi đột nhiên cảm thấy chóng mặt và ngất đi. Sau một vài giờ tôi tỉnh dậy trên sàn lạnh. Khi tôi gắng sức đứng dậy, tôi đã bị sốc khi nhìn thấy máu lênh láng trên sàn nhà. Tôi bị ngã đập đầu xuống đất. Sau đó, tôi nhanh chóng nhận ra rằng tôi là một học viên và tất cả mọi việc đều ổn. Tôi chỉ đủ sức nằm trên giường cả ngày. Tôi nghe các bài giảng của Sư phụ và phát chính niệm. Trong những ngày này, nhiều tư tưởng xấu đã nổi lên trong đó có rất nhiều tư tưởng sắc dục. Nó giống như một cuộc đại chiến trong một không gian khác. Toàn bộ hạng mục phát tờ rơi đã bị trì hoãn vì tôi ở nhà và không thể cung cấp bản đồ mới cho các học viên. Thậm chí một học viên còn gọi cho tôi và tự hỏi khi nào tôi sẽ quay trở lại hạng mục. Tôi bắt đầu phàn nàn một lần nữa: “Tôi yếu đến nỗi không thể đi nổi mà anh ấy vẫn yêu cầu tôi phải đến sao!”

Đột nhiên ngày hôm sau, mẹ tôi đến thăm. Bà đã bị sốc khi nhìn thấy tôi. “Điều gì đã xảy đến với con vậy, con giống như người sắp chết,” bà nói. Tôi đã không nói với bà về vụ tai nạn và chỉ cho biết tôi bị ốm, và sẽ khỏi trong một vài ngày. Mẹ tôi khăng khăng bảo tôi nên đến gặp bác sĩ, nhưng tôi từ chối.

Nếu không vì Sư phụ từ bi cứu độ, tôi đã nằm ở đó mà không dậy. Sau một tuần, tôi đã hồi phục. Tôi nghiêm túc tự yêu cầu bản thân mình không được phàn nàn cho dù có chuyện gì. Đây là một bài học nghiêm túc đối với tôi.

Tôi đã cố gắng hết sức để đưa các học viên đi phát tờ rơi bất cứ nơi nào họ cần đến. Thỉnh thoảng họ gọi tôi đến đón và đưa họ đến một nhà ga gần đó để họ có thể về nhà. Một ý niệm lóe lên trong tâm và tôi muốn phàn nàn: “Nếu anh tự mình đến nhà ga, nó sẽ rất nhanh. Bây giờ tôi đang ở phía bên kia của thành phố, tôi phải mất gấp đôi thời gian và công sức đến đón anh.” Tôi chính lại những niệm đầu của mình ngay lập tức và nhắc nhở bản thân rằng tôi phải nghĩ đến người khác trước. Tôi vẫn đi đón họ và đưa họ đến bất cứ nơi nào họ cần. Họ rất vui khi nhìn thấy tôi và tôi có thể cảm nhận được niềm vui từ nội tâm khi làm người khác hạnh phúc. Chúng tôi đã hòa hợp như một đại gia đình.

Vì chúng tôi không có sẵn nhiều xe ô tô trong mùa biểu diễn Thần Vận, điều phối viên trung tâm mua sắm cũng yêu cầu tôi giúp chuyển tài liệu cho các trung tâm. Thỉnh thoảng dường như thật khó khi đã đến lúc quay lại lấy tài liệu ở trung tâm mua sắm trong khi các học viên vẫn bận rộn phân phát tờ rơi và có thể gọi tôi bất cứ lúc nào. Thật kỳ lạ khi việc này sắp diễn ra, các học viên đã gọi tôi và nói rằng họ sẽ tự về hoặc không cần đến tôi. Như vậy, tôi có thể kịp thời quay lại để nhận tài liệu tại trung tâm mua sắm. Sư phụ đã thực sự an bài mọi việc thật là hoàn hảo.

Mỗi ngày chúng tôi thường tổ chức ba hoặc bốn sự kiện tại trung tâm mua sắm. Các cửa hàng đóng cửa lúc 5 giờ, tôi đã phải đi lấy hai bộ tài liệu khác nhau của trung tâm mua sắm cùng một lúc. Một số trung tâm mua sắm ở bên ngoài và rất lạnh. Tôi đã cố gắng thực hiện mọi việc một cách nhanh nhất để các học viên không phải chờ tôi quá lâu trong tiết trời lạnh giá. Khi tôi còn ở trung tâm mua sắm thứ nhất, một học viên đóng gói rất chậm. Có lẽ ông ấy không nhận ra rằng còn nhiều trung tâm mua sắm đang chờ tôi. Tôi càng muốn đóng gói nhanh bao nhiêu, ông ấy càng chậm bấy nhiêu. Tôi bắt đầu khó chịu, phàn nàn rằng ông nên nhanh hơn. Tôi ngộ ra rằng đây cũng là một chấp trước, tôi không thể ép buộc bất cứ ai làm việc gì và chỉ có thể làm hết mình với tâm thanh tịnh. Sau khi hoàn thành việc này, tôi đến trung tâm mua sắm kia trễ hơn một giờ. Tôi nghĩ rằng họ sẽ phàn nàn, nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi, họ rất vui khi thấy tôi và chào đón tôi giống như một người bạn cũ lâu ngày không gặp. Một lần nữa tôi đắm mình trong trường hòa ái này, Pháp Luân Đại Pháp thực sự là một miền đất tịnh độ.

Vào mùa biểu diễn Thần Vận, chúng tôi nhận ra tầm quan trọng phải có nhóm học Pháp thường xuyên. Vì vậy, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hà Lan đã sắp xếp một nhóm học Pháp vào sáng Chủ nhật. Lúc trước chúng tôi đã cố gắng học vào tối thứ Bảy, nhưng hầu hết các học viên không có xe hơi, và sẽ quá muộn để về nhà bằng phương tiện giao thông công cộng. Có hai nhóm có ý kiến ​​khác nhau về vấn đề học Pháp vào sáng Chủ nhật. Nhóm thứ nhất cho rằng thời gian rất trân quý, họ chỉ đến lấy tài liệu rồi ra ngoài làm các hoạt động quảng bá Thần Vận và sẽ không tham gia nhóm học Pháp. Các học viên khác trong cùng một nhóm sẽ tham gia học Pháp hết một bài giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân rồi vội vàng ra sau. Họ không muốn ở lại thêm chút nào để thảo luận và chia sẻ. Nhóm thứ hai cho rằng học Pháp nhóm thực sự quan trọng và sẽ ở lại cả ngày Chủ nhật để học Pháp và chia sẻ, không ra ngoài làm việc. Tôi thuộc nhóm thứ hai, nghĩ rằng nếu chúng ta không học Pháp nhóm thật tốt, những việc mà chúng ta làm sẽ không được tốt như vậy. Ngay sau đó tôi ngộ ra việc này cũng không chính, vì tôi chỉ có thời gian vào cuối tuần để ra ngoài làm việc cho Thần Vận. Ở nhà cả Chủ nhật có nghĩa là một nửa thời gian cuối tuần của tôi đã trôi đi, và có rất nhiều công việc thiết thực cần phải làm.

Nhóm thứ nhất đề xuất rằng chúng tôi nên tổ chức học Pháp sớm hơn, nhờ vậy họ sẽ có nhiều thời gian hơn để ở lại chia sẻ. Nhóm thứ hai không đồng ý. Một số người đến từ rất xa và họ sẽ bị trễ giờ học Pháp, trong khi các học viên khác còn phải chăm sóc gia đình, dẫn đến việc đến quá sớm trở nên bất tiện. Cả hai nhóm đều phàn nàn về nhau mà không giải quyết được vấn đề trong một thời gian.

Tôi thường đến nhà bố mẹ mình dùng bữa tối và họ thường tranh cãi với nhau. Họ luôn áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác và cho rằng mình đúng. Họ phàn nàn về nhau và cố gắng thuyết phục tôi đứng về phía họ để họ có thể minh chứng rằng họ đúng. Vì tôi là một học viên, tôi cố gắng để họ nhận thức được các Pháp lý mà tôi đã học. Tôi nói với họ: “Nếu cả bố và mẹ đều cho rằng mình đúng, vậy thì ai đúng đây? Nếu không ai chịu nhường ai, bố mẹ sẽ không bao giờ có thể giải quyết được mâu thuẫn này.”

Sáng hôm sau khi tôi luyện bài Pháp Luân Trang Pháp, đột nhiên việc cha mẹ tôi cãi vã và vấn đề với nhóm học Pháp của tôi chợt lóe lên trong tâm. Tôi bắt đầu so sánh hai vấn đề. Chẳng phải đây là cùng một vấn đề? Tại sao chúng ta, là những học viên, lại hành xử giống như người thường như cha mẹ mình, tranh đấu về việc ai đúng ai sai? Nước mắt lăn dài trên má gần một giờ và tôi thật sự rất khổ tâm về việc những học viên chúng tôi không thể vượt qua một vấn đề rất nhỏ. Tôi quyết định gửi email cho một số học viên và chia sẻ về thể ngộ của mình. Sau đó, buổi học nhóm Pháp đã diễn ra sớm hơn.

Sư phụ đã giảng:

“Tôi còn muốn bảo chư vị, bản tính thực chất từ trước của chư vị được kiến lập trên cơ sở vị ngã vị tư68, từ nay trở đi chư vị làm các việc thì trước hết phải nghĩ đến người khác, tu thành bậc Chính Giác69 vô tư vô ngã70, tiên tha hậu ngã71. ” (“Phật tính vô lậu”, Tinh tấn yếu chỉ)

Một số học viên Hà Lan, bao gồm cả tôi, cũng tham gia trong Đoàn nhạc Tian Guo Châu Âu. Khi một cuộc diễu hành sắp diễn ra, chúng tôi cần phải đăng ký trước trên mạng Internet để các điều phối viên của đoàn nhạc biết bao nhiêu người sẽ cần khách sạn, ăn ở, v.v.. Vì một số học viên lớn tuổi không biết làm thế nào để đăng ký trên Internet, họ thường nhờ tôi làm việc đó cho họ. Họ rất khó liên lạc qua điện thoại, và đôi khi tôi phải gọi đi gọi lại để hỏi thêm chi tiết. Hầu như lúc nào tôi cảm thấy không thoải mái khi họ nhờ tôi làm cho họ. Những việc này làm rất đơn giản và tôi nghĩ rằng con cái của họ cũng có thể giúp, vậy tại sao họ luôn nhờ tôi? Họ không nên lúc nào cũng phụ thuộc vào các học viên khác.

Sư phụ giảng:

“Có người cảm thấy gặp phải việc không vui bèn không vui, thế chư vị chẳng phải là con người rồi? Có gì khác đâu? Khi gặp việc không vui, chính là lúc chư vị tu luyện bản thân mình, lúc tu tâm.” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp – Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washington DC 2011)

Tôi biết mình đã không vui và cần phải quan tâm tới những người khác, vì vậy dù gì đi chăng nữa tôi đã cố gắng giúp họ. Một lần điều phối viên của ban nhạc diễu hành thông báo rằng tất cả chúng tôi cần phải đặt mua những chiếc mũ mới. Lúc đầu, tôi e ngại với việc đề nghị những học viên lớn tuổi, vì tôi biết họ cũng nhận được thông báo qua email nên họ có thể tự thu xếp. Nhưng trong quá khứ, vì lý do nào đó họ đã không đọc email hoặc không hiểu và thường dựa vào các học viên khác làm giúp. Tôi nghĩ mình không nên ích kỷ và nên cho họ biết, nếu không thì họ sẽ bị lỡ mất đợt đặt hàng, họ vẫn sẽ đội mũ cũ và việc này có thể mang lại tổn thất cho Đại Pháp. Sau khi tôi hỏi họ và giải thích về các kích cỡ của mũ, họ nhờ tôi đặt hàng cho họ. Ngay tối hôm đó tôi đã đặt hàng cho họ.

Ngày hôm sau, họ gọi cho tôi, nói rằng họ muốn thay đổi kích thước của mũ vì họ vừa đọc email và đã hiểu theo một cách khác. Tôi trở nên khó chịu nhưng đã cố kiềm chế và nói với họ rằng sẽ gửi một email khác để thay đổi đơn đặt hàng cho họ. Tất cả những ý niệm phàn nàn của tôi xuất khởi: “Tại sao các bác luôn luôn gây phiền toái cho người khác? Nếu các bác đọc email trước, các bác đã có thể tự thu xếp cho mình. Bây giờ tôi phải thay đổi đơn đặt hàng, mang lại rất nhiều phiền toái cho các điều phối viên đảm trách việc này.” Tôi ngộ ra rằng mình có vấn đề và bắt đầu hướng nội. Tôi buông bỏ hết thảy những suy nghĩ tiêu cực về họ và chỉ nghĩ từ quan điểm của họ. Nước mắt lăn dài trên má và toàn bộ những niệm đầu bất hảo biến mất. Tôi trở nên rất vui và thực sự muốn giúp họ từ nội tâm.

Sư phụ giảng:

“Chúng tôi yêu cầu chư vị hoàn toàn là một người siêu thường, hoàn toàn là buông bỏ lợi ích cá nhân, hoàn toàn là vì người khác. Đại Giác Giả kia, họ là vì gì? Họ hoàn toàn là vì người khác.”  (“Giải Pháp cho phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Trường Xuân”, trong Pháp Luân Đại Pháp nghĩa giải) (tạm dịch)

Thông thường trên bề mặt, chúng ta dường như đúng. Nhưng khi chúng ta hướng nội sâu hơn, chúng ta thấy rằng chúng ta vẫn vì mình chứ không phải vì người khác. Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể giải quyết mâu thuẫn giữa chúng ta với các đồng tu, vì có các đồng tu ở xung quanh chúng ta là việc thật sự đáng trân quý. Tất cả chúng ta là đệ tử của Sư phụ.

Cảm ơn tất cả các bạn.

(Bài chia sẻ kinh nghiệm ở Pháp hội Châu Âu 2013 tại Copenhagen)


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2013/8/6/学会为他人着想-277628.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2013/8/25/141686.html

Đăng ngày 24-09-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share