Bài viết của một đệ tử Đại Pháp phương Tây ở thành phố New York, đã được trình bày tại Pháp hội Quốc tế tại thủ đô Hoa Kỳ năm 2012
[MINH HUỆ 17-07-2012] Kính chào Sư phụ tôn kính. Xin chào quý đồng tu từ khắp nơi trên thế giới.
Tôi đã tu luyện được 09 năm. Trong suốt những năm tu luyện, tôi cảm thấy như thời gian trôi qua rất nhanh. Có những việc tôi vẫn chưa làm tốt, và có những điểm tôi vẫn cần phải cải thiện sau nhiều năm tu luyện. Nhưng tôi đã trưởng thành và trở nên chín chắn trong Đại Pháp. Tôi bắt đầu tu luyện khi còn là một cậu thanh niên 22 tuổi, và đã không ngừng tu luyện cho tới nay, khi tôi đã là một người đàn ông 31 tuổi. Ngay từ đầu tôi đã cố tìm cách để trở thành một người tu luyện tinh tấn. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng tìm ra câu trả lời, hoặc làm mọi thứ được hoàn hảo. Tôi nghĩ rằng tôi thậm chí vẫn còn ôm giữ một số chấp trước sau nhiều năm tu luyện. Bất kể tôi đã từng tu luyện như thế nào, tôi chưa bao giờ ngừng nỗ lực để tinh tấn và tinh tấn hơn nữa, suy nghĩ này chưa từng rời khỏi tâm trí tôi. Cho dù không phải lúc nào tôi cũng có thể đạt được điều đó, tôi chắc chắn không để nó rời khỏi tâm trí mình.
Sau nhiều năm sống ở New York, tôi bất ngờ có cơ hội đến thăm Đài Loan và học tiếng Hoa vào năm ngoái. Khi đến nơi, tôi đã háo hức đi tìm các điểm luyện công, các nhóm học Pháp, và gặp gỡ các học viên địa phương. Tôi đã tham gia nhóm học Pháp bằng tiếng Anh ở đó hàng tuần. Tại nhóm học Pháp cũng có các học viên phương Tây khác đến Đài Loan để học tiếng Hoa hay thăm viếng gia đình. Ngoài ra còn có các học viên Đài Loan nói tiếng Anh cùng tham gia. Ở đó còn có một nữ học viên mới, cô ấy đến từ Philippines và đã đắc Pháp từ ông chủ của mình ở Đài Loan. Có một số người nói tiếng Anh cũng tham gia học Pháp trực tuyến. Thật tuyệt vời khi được học Pháp cùng họ.
Tôi cũng tham gia các nhóm học Pháp bằng tiếng Hoa. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Mặc dù khi ấy tôi mới hiểu được một ít tiếng Hoa, nhưng chỉ cần tôi thật sự chú ý và tập trung, tôi có thể đoán được ý chính của những gì mà các học viên nói đến trong lúc chia sẻ. Trong khi học Pháp bằng tiếng Hoa, những phần mà tôi có thể hiểu được sẽ kích hoạt bộ não của tôi nhớ lại những đoạn tương tự trong các bài giảng bằng tiếng Anh mà tôi đã từng đọc, và tôi có thể nhớ lại những điểm rất chi tiết và cụ thể. Vì thế nên tôi không cảm thấy mình bị rớt lại đằng sau trong khi học Pháp mặc dù tôi không thông thạo tiếng Trung Quốc. Tôi cảm thấy Sư phụ đang chăm sóc cho tôi và đảm bảo rằng tôi có thể hiểu được những gì tôi cần phải hiểu trong khi học Pháp nhóm.
Tôi ở cùng nhà với một gia đình học viên rất tuyệt vời gần Đài Bắc. Họ thậm chí còn thân thiết hơn cả gia đình của tôi ở Mỹ, và họ đã tin tưởng tôi ngay từ lần gặp đầu tiên. Tôi bắt đầu cảm thấy rằng họ chính là gia đình thật sự của mình. Mặc dù ở Đài Loan nhưng tôi cảm thấy như mình đang được ở nhà.
Có rất nhiều nhóm du khách từ Trung Quốc Đại lục đến Đài Loan, và đây là một cơ hội tốt cho các học viên người Đài Loan giảng chân tướng. Việc này giống như đã được Thần an bài vậy. Điều thú vị là, tôi nhận thấy rằng khả năng nói và đọc tiếng Hoa của tôi chỉ được cải thiện sau khi tôi quyết định dành nhiều thời gian của mình để đi ra ngoài nói chuyện với những du khách đến từ Trung Quốc Đại lục.
Đoàn nhạc Tian Guo
Nhạc đoàn là một dự án luôn mang đến cho tôi cảm giác rất đặc biệt. Nó là một hạng mục tuyệt vời để tham gia! Trong khi biểu diễn, chúng tôi như đang đứng trên vũ đài thế giới. Đó là một cảm giác thật thú vị. Và khi đứng trước các khán giả, chúng tôi cần phải biểu diễn cho thật tốt, vì chúng tôi sẽ tác động đến tất cả những sinh mệnh ở trong phạm vi nghe thấy tiếng nhạc. Chúng tôi cần phải nỗ lực để truyền đến cho họ những âm thanh tốt đẹp.
Giờ đây tôi cẩn thận chú ý tới từng thời khắc mà tôi tham gia đoàn nhạc để cứu độ chúng sinh. Tôi luôn cố gắng giữ điều này trong tâm trí bất kể là khi chúng tôi chơi nhạc, khi chúng tôi tập luyện, hay thậm chí khi chúng tôi xếp hàng để chuẩn bị cho các cuộc diễu hành. Để làm quen với việc có được chính niệm là điều rất quan trọng – chính niệm là thứ có hiệu quả nhất để đạt được mục đích cứu độ chúng sinh. Nếu một người không chú tâm vào mục đích của mình thì sẽ rất dễ bị phân tâm bởi những chuyện nhỏ.
Trong quá khứ, tôi bị chấp vào việc nâng cao kỹ năng của mình trong đoàn nhạc, nhưng đó là bởi vì tôi có thể cảm nhận được Sư phụ đã cấp cho tôi bản sự, và tôi chỉ muốn xem xem mình có thể trở nên tài giỏi đến mức nào và có thể theo đuổi tài năng đó đến bao xa, và đoàn nhạc là một hạng mục mà tôi rất thích làm. Nhưng tất cả các hạng mục đều có một mục đích riêng của nó. Những cảm giác, sở thích và mục tiêu cá nhân không nên được trộn lẫn vào. Ban đầu, tôi tham gia đoàn nhạc vì sở thích cá nhân. Khi đó tôi đã không nghĩ đến việc cứu độ chúng sinh, mà chỉ nghĩ đến tiềm năng trở thành một nhạc công của mình.
Tất nhiên, nếu Sư phụ cấp cho chúng ta những kỹ năng nhất định, thì chúng cũng sẽ được dùng cho những mục đích nhất định. Chúng ta nhận và chỉ huy những công cụ cho những mục đích khác nhau, chứ không phải cho bản thân chúng ta hay cho những thoả mãn cá nhân. Nâng cao kỹ năng của chúng ta trong đoàn nhạc liên quan trực tiếp đến việc cứu độ được nhiều chúng sinh hơn. Đó là lý do tại sao có mục đích chính xác là rất quan trọng. Đoàn nhạc cung cấp cho chúng sinh một kênh để kết nối trực tiếp với Đại Pháp và các học viên Đại Pháp trong cộng đồng của họ, và để Đại Pháp và các học viên xuất hiện trước công chúng trong một hình ảnh ấn tượng và đường hoàng với tiếng kèn trumpet và tiếng trống vang dội, thanh lọc các nhân tố bất hảo và tạo ra một sự chấn động mạnh mẽ!
Trong suốt ba tháng ở Đài Loan, tôi đã dành hầu hết thời gian của mình để biểu diễn và tập luyện cùng với đoàn nhạc ở Đài Loan. Tôi rất ấn tượng với những gì tôi được nhìn thấy ở đó. Đoàn nhạc của họ rất lớn, và họ diễu hành trong một thời gian rất dài. Sau khi các nhóm khác trong lễ diễu hành đã dừng lại, các học viên Đài Loan sẽ tiếp tục diễu hành từ đầu phố này cho đến đầu phố khác và sau đó quay lại! Tất nhiên điều này đã để lại ấn tượng cho khán giả. Trong lúc nghỉ giải lao, tất cả họ đều chăm chú vào các nốt nhạc, để đảm bảo rằng họ sẽ chơi chúng một cách chuẩn xác. Tôi có thể thấy họ thật sự chú tâm vào những việc họ đang làm.
Làm việc tại Đài truyền hình
Trong những năm tu luyện của mình, tôi đã làm việc cho Đài truyền hình hơn 08 năm. Tôi thậm chí đã bắt đầu làm việc cho Đài truyền hình một năm trước khi tôi tu luyện. Tôi bắt đầu công việc với một vài kỹ năng cơ bản liên quan đến viết bài, âm thanh, video, nhưng cho đến nay tôi đã phát triển được thêm nhiều kỹ năng mới. Tôi cảm thấy bất cứ khi nào tôi cần đến một kỹ năng mới để làm một việc gì đó thì sẽ không mất nhiều thời gian để phát triển nó. Cho dù đó là viết kịch bản, lời dẫn, quay phim, dựng phim hoặc sử dụng các công nghệ Internet, chúng không khó để làm quen khi cần. Tôi biết rằng đây là điều mà Sư phụ đã cấp cho chúng ta để chúng ta có thể thực hiện được công việc của mình cho thật tốt.
Nhưng cũng giống như bất cứ khả năng nào, nếu như không cẩn thận thì có thể sẽ dẫn chúng ta đến chấp trước. Nó có thể dẫn chúng ta đến việc kiêu ngạo về khả năng của mình, sau đó có thể dẫn đến xích mích và tranh đấu với người khác.
Đã có những lúc tôi cảm thấy tự hào khi những người khác trông cậy vào tôi và nhận ra khả năng của tôi trong một vài lĩnh vực nhất định nào đó, và cảm thấy thất vọng khi người khác được chọn để làm những công việc mà tôi cảm thấy mình thành thạo hơn. Tuy nhiên làm việc trong đài truyền hình không phải là để chứng thực khả năng của bản thân. Tất nhiên tất cả chúng ta đều có khả năng, nhưng liệu chúng ta có thể sử dụng những khả năng ấy của mình để đạt được mục đích là giúp cho đài truyền hình tồn tại và thật sự làm nó trở nên thành công? Đôi khi chúng ta phải bỏ những khả năng và kỹ năng của mình sang một bên để có thể phối hợp với nhau.
Theo tôi thấy, phối hợp là kỹ năng mà hiện tại chúng ta cần phát triển thêm. Khi chúng ta tập trung vào việc đấu tranh để chứng minh những kỹ năng và khả năng của mình trong biên tập, tường thuật, quay phim, hoặc viết, chúng ta sẽ mất đi một khả năng mạnh hơn mà chúng ta hiện đang rất cần, và đó là khả năng phối hợp cùng nhau.
Gần đây tôi có một trải nghiệm rất tích cực và cảm thấy mình đang thật sự phối hợp với một học viên khác trong khi làm dự án. Người học viên này nhờ tôi giúp cô ấy trong một dự án tại đài truyền hình. Cô ấy kể với tôi về việc cô đã từng có những trải nghiệm không hay khi hợp tác làm dự án với những học viên khác như thế nào và đang tìm kiếm một người có thể hoàn thành một vai trò trong dự án làm phim của cô ấy. Cô ấy gặp khó khăn trong việc xúc tiến dự án. Tôi đã đề nghị cô ấy nói cho tôi biết khó khăn mà cô đã gặp phải. Tôi đã lắng nghe một cách cẩn thận để tìm ra vấn đề cơ bản là gì.
Ngay từ đầu, thay vì cố gắng làm mọi việc theo cách của mình, tôi để cô ấy biết trước rằng tôi tin tưởng và tôn trọng mọi quyết định của cô ấy. Tôi khuyến khích cô chỉ ra ngay khi tôi làm sai bất cứ điều gì trong công việc. Tôi cho cô ấy biết rằng tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào cô ấy và liên tục hỏi ý kiến của cô xem liệu cô có cảm thấy dự án đang tiến triển tốt hay không. Có vẻ như cô ấy không còn lo sợ nhiều nữa và đang thực hiện vai trò của mình như một giám đốc. Tôi đã hoàn toàn loại bỏ mọi quan điểm cá nhân của mình. Tôi chỉ muốn cô cảm thấy hài lòng và chỉ ủng hộ ý kiến của cô ấy. Tôi đã để cô ấy trình bày ý tưởng của cô ấy một cách rõ ràng để tôi có thể giúp cô thực hiện nó. Chúng tôi đã phối hợp rất tốt với nhau. Tôi thường cảm thấy những giọt lệ trên khoé mắt của mình khi thực hiện dự án này. Đó là bởi vì tôi có thể nhìn thấy rằng một khi điều này được hoàn thành, nó sẽ là một phương tiện mạnh mẽ trong giảng chân tướng. Tôi đã không có tâm ích kỷ. Tôi không quan tâm liệu tôi có tài năng hay không. Tôi để cô ấy quyết định phần đúng sai trong công việc của tôi, và nếu không đúng, tôi sẽ lập tức sửa đổi. Dự án đã thành công nhờ vào sự cộng tác của chúng tôi. Tôi biết rằng nếu tôi chấp trước vào cách làm của mình trong khi làm mọi việc hoặc có mâu thuẫn với cô, hoặc muốn hiển thị bản thân, nó có thể dẫn đến một kết quả khác. Ngay từ đầu tôi đã cung cấp một môi trường nơi mà người học viên này được tự do nói với tôi và chỉ trích tôi trong công việc của tôi như cô ấy mong muốn. Thực sự, tôi chỉ muốn cô ấy thành công trong ý tưởng giảng chân tướng của mình và làm nó viên mãn.
Tu bỏ tâm tật đố, tâm tranh đấu và tâm oán hận
Có nhiều lần tôi đã bị mất tự chủ bởi tâm tật đố, biểu hiện qua việc cạnh tranh với những người khác trong tu luyện, cạnh tranh với những người khác trong công việc, hoặc cảm thấy người khác coi thường mình và cảm thấy mình bị đối xử bất công. Chỉ mới gần đây tôi mới nhận ra rằng những trải nghiệm này có mục đích đẩy tâm tật đố của tôi ra ngoài để tôi có thể nhìn thấy và chú ý đến nó và tu bỏ nó đi.
Nhìn lại, có vẻ như tôi có rất nhiều vấn đề về tâm tật đố. Điều này thể hiện rõ trong một công việc gần đây nhất mà tôi đã làm. Tôi làm việc cho một công ty lớn, nhưng dường như những người ở đó không bao giờ hài lòng với công việc của tôi. Tôi luôn cảm thấy mình không được đánh giá tốt, nên sinh ra cảm giác chán nản và mất phương hướng. Có vẻ như tôi không thể làm loại công việc đó được tốt. Đáng ra tôi nên thành thực khi nhận ra điều này và ra ngoài để tìm một công việc phù hợp hơn. Đơn giản vậy thôi.
Một ngày nọ khi tôi đến văn phòng, một đồng nghiệp nói với tôi rằng vị sếp đang định sa thải tôi. Vào lúc đó, tôi nên chấp nhận điều này. Tôi biết rằng công việc này không phù hợp với tôi chút nào. Tôi chỉ nên nói “không sao”, bước đi và chấp nhận bị sa thải như một quý ông. Có những công việc khác ở ngoài kia mà tôi có thể tìm được, và có thể nó sẽ phù hợp với tôi hơn. Nhưng vì những chấp trước của mình mà khi tôi nghe được những tin đồn, trong lòng tôi nổi lên cảm giác giận giữ. Tôi cảm thấy bị tổn thương, thất vọng, không được đánh giá đúng, và đã bị đánh giá không công bằng. Tôi bắt đầu cãi lý và la mắng một người rằng chính cô ấy đã tung tin đồn. Tôi cảm thấy mình bị phản bội và không thể tin tưởng bất kỳ ai trong công việc.
Vào thời điểm đó, tôi đã quyết định sẽ không bỏ việc nữa. Tôi muốn ở lại và làm việc, với mục đích chứng tỏ giá trị của mình, chứng tỏ rằng tôi có khả năng, và không để cho vị sếp đuổi việc tôi trước khi tôi có cơ hội để tự nghỉ việc. Có vẻ như các chấp trước của tôi đã phình to lên. Tôi không chịu được việc bị mất mặt, mặc dù tôi không có lý do nào khác để ở lại vì công việc đó. Có vẻ như tôi càng làm nhiều, thì một số nhân viên quản lý ở đó càng khó chịu với tôi, và tôi càng cảm thấy mình bị đối xử không công bằng. Cuối cùng tôi đã rời bỏ công việc đó một cách vô trách nhiệm.
Sau đó, với sự giúp đỡ của các đồng tu trong nhóm học Pháp và chia sẻ, tôi đã nhận ra được chấp trước đằng sau chuyện này là tâm tật đố. Tôi đã tật đố với mối quan hệ của vị sếp và các nhân viên quản lý đối với các nhân viên khác và cảm thấy mình bị họ phớt lờ và đánh giá không đúng. Hành vi và suy nghĩ của tôi lúc đó đã không còn có thể kiểm soát được nữa. Tôi không nên quan tâm quá nhiều đến việc mọi người nghĩ gì về mình.
Việc học Pháp và luyện công của tôi lúc đó cũng không được tốt vì công việc chiếm quá nhiều thời gian, và tôi lại đang ở trong tình trạng không được tốt và thanh tịnh. Tôi ước gì mình có thể xử lý tình huống được tốt hơn, nhưng dù sao, tôi vui mừng vì cuối cùng tôi cũng đã tìm ra được những chấp trước của mình và có cơ hội để tu luyện bản thân trong quá trình này.
Bây giờ tôi nhận ra rằng việc những người khác giỏi hơn mình ở một vài lĩnh vực nào đó, thực hiện một công việc tốt hơn tôi, hoặc nhận được nhiều ưu ái từ sếp, hoặc thậm chí có một cuộc sống tốt hơn cũng không sao cả, vì tất cả chúng ta có số lượng đức và nghiệp khác nhau và đường đời cũng được sắp đặt khác nhau dựa trên hai thứ này. Tôi đã bị đối xử bất công quá lâu rồi. Cũng có thể là do tôi có một tuổi thơ bất công nên nó đã khiến tôi nghĩ rằng thế giới này là một nơi không công bằng. Tôi đã mang những quan niệm người thường này theo mình trong mọi việc mà tôi đã làm.
Sư phụ giảng trong : “Đối thoại với Thời gian” – Tinh Tấn Yến Chỉ:
“Người như thế cũng có trong các học viên tu lâu, ngoài ra một biểu hiện nổi cộm nhất là: họ cứ mãi tự so sánh với con người, so sánh với bản thân họ trong quá khứ, chứ không thể theo yêu cầu của Pháp ở các tầng thứ mà đo lường bản thân mình”.
Tôi chỉ cần hướng nội, đi con đường của bản thân, và dùng Pháp để đánh giá tất cả mọi việc. Tôi phải luôn kiên định với sứ mệnh của mình khi đến thế giới này và không để cho bản thân bị phân tâm hay quá mê trong thế tục.
Mặc dù thực tế có vẻ như là tôi đã có được điều tốt đẹp nhất – Pháp – trong nhiều năm, tôi vẫn tập trung vào các tình huống mà tôi bị thua thiệt, bị tổn thương, hoặc cảm thấy mọi người không biết điều. Bây giờ tôi đã nhận ra rằng những tình huống này đều không quan trọng đối với một đệ tử Đại Pháp trong tiến trình chính Pháp.
Tôi muốn chia sẻ một bài thơ của Sư phụ trích từ Tinh Tấn Yếu Chỉ để minh hoạ cho các chấp trước mà tôi cần phải bỏ:
“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công. Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui. Bậc Giác Giả không có tâm chấp trước, tĩnh nhìn thế nhân đang lấy điều huyễn hoặc làm cõi mê.” (Cảnh giới)
Sư phụ, con sẽ bỏ đi những suy nghĩ người thường mà luôn cho là mình bị đối xử bất công. Con sẽ không tập trung vào những thứ này dựa trên ích kỷ, ghen ghét, hay oán hận. Và con xin hứa với Sư phụ rằng từ bây giờ trở đi, con sẽ trân trọng tất cả những gì Ngài đã ban cho con. Ngài đã đặt nó ở trước cửa nhà của con, đã tin tưởng và giao phó cho con sứ mệnh của một đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp. Đó thật sự là một vinh dự lớn lao. Con nhất định sẽ phải xứng đáng với danh hiệu đó.
Cảm ơn mọi người đã lắng nghe những trải nghiệm tu luyện của tôi. Tất cả những gì tôi chia sẻ chỉ là những kinh nghiệm và thể ngộ của riêng tôi. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì chưa phù hợp.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/7/17/纽约西人大法弟子-精進再精進-260329.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/7/6/140887.html
Đăng ngày 21-08-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.