Bài viết của Lương Tri (hóa danh)
[MINH HUỆ 15-04-2013] “Bao giáp” là từ dùng để chỉ các phạm nhân được lính canh phân công giám sát các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công. Dưới đây là lời thú nhận trực tiếp của một “bao giáp”, người đã bị ép buộc tham gia vào cuộc đàn áp trái với mong muốn của cô.
Tôi không ngờ lại được gặp các học viên Pháp Luân Công tại Trung tâm giam giữ quận Hải Điến ở Bắc Kinh. Chúng tôi tôn trọng gọi các học viên là “Dì”. Không giống với miêu tả trên các chương trình truyền hình, họ rất tử tế, điềm tĩnh, và dạy chúng tôi những bài thơ Hồng Ngâm và các bài hát Pháp Luân Đại Pháp để khích lệ tinh thần. Họ không những không coi thường chúng tôi, mà còn động viên chúng tôi làm người tốt bằng cách tuân theo những nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Tất cả các lính canh ở đây đều rất tàn ác. Họ ép cung các tù nhân bằng nhiều biện pháp tra tấn như sốc điện vào ngực và bộ phận sinh dục của họ, lột quần ra và giật lông mu của họ, v.v. Họ nói rằng họ đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đang mặc cảnh phục.
Những lính canh ở Đội 04 của Trại lao động cưỡng bức nữ ở Thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu các học viên trần truồng khi họ điền đơn và khai báo. Thậm chí những phụ nữ cao tuổi 60, 70 tuổi cũng không được tha.
Không lâu sau khi đến nơi, tôi được phân công trực đêm. Một đêm nọ sau nửa đêm, các học viên hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo” ngoài hành lang. Lính canh trực đêm hôm đó tên là Tối, cô ấy chỉ mới hơn hai mươi tuổi, và là lính canh trẻ nhất của Đội 04. Cô ấy rất tàn bạo, và cô ấy còn đánh các học viên đáng tuổi mẹ cô. Đích thân tôi đã chứng kiến cảnh “các Dì” không đánh hay la hét lại với cô ấy. Cảnh ngược đãi này xảy ra thường xuyên và tôi không thể chịu đựng được khi nhìn thấy chúng, nhưng tôi cũng không thể làm gì hơn. Vì vậy tôi xin được miễn công việc này và trở về đội.
Sau khi về đội, tôi được phân công làm “bao giáp”. Một ngày nọ vào buổi trưa, mọi người đang ngủ trưa. Tôi nghe có tiếng động yếu ớt ở phía ngoài cửa sổ. Khi nhìn qua cửa, tôi đã rất sửng sốt. Tôi thấy một người bị trói chặt quỳ trên mặt đất. Tay của cô bị trói ra sau lưng, mồm cô bị nhét thứ gì đó, và bốn lính canh đang giẫm lên người cô. Tất cả họ đều đang cầm dùi cui cảnh sát. Những lính canh thậm chí còn giẫm lên đầu cô. Mặt cô bị dí sát xuống mặt đất và đầu cô bị vẹo đi khi họ giẫm lên cô. Cô la lên với một giọng yếu ớt: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”
Rồi bác sĩ Đường từ phòng y tế xuất hiện với chiếc ống tiêm trong tay. Ông vẫy những lính canh để ra hiệu cho họ. Sau đó, những lính canh đã kéo lê học viên này trên mặt đất để đến phòng y tế.
Các “bao giáp” thường đem thức ăn đến cho các học viên bị giam trong những buồng giam biệt lập. Tôi đem thức ăn cho học viên Tố Thập và Thuyết Thập, cả hai người đều từ chối từ bỏ tín ngưỡng của họ, và không chịu bị “chuyển hóa”. Một ngày nọ khi tôi đem thức ăn cho họ, tôi nhìn thấy lính canh Dương Khiết vừa mới bỏ gói thuốc bột vào thức ăn của họ. Cô ta lấy một gói giấy nhỏ chứa thuốc trong túi cô ta ra, rồi đổ bột lên cạnh đĩa và vào thức ăn bằng tay phải. Sau đó học viên Tố Thập được chuyển đi. Cô ấy vừa đi vừa hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Cuối cùng học viên Thuyết Thập không thể bước đi nữa do tác dụng của thuốc và tra tấn.
Trong một cuộc họp với các “bao giáp”, Dương Khiết đã ra lệnh cho chúng tôi: “Án của các cô có thể được giảm nếu các cô có những đóng góp đặc biệt, chẳng hạn tìm cách để “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công, hoặc khi các cô kịp thời báo cáo về những tình hình xảy ra trong lúc giám sát các học viên Pháp Luân Công v.v.” Khi tôi chỉ vừa mới tham gia đội, lính canh Tôn Thụ Ngân đã nói: “Các cô phải báo cáo tình hình khi giám sát các học viên Pháp Luân Công một cách kịp thời. Các học viên có mối quan hệ rất khăng khít, vì vậy các cô nên cẩn thận, không được quá thân thiện với họ.”
Những cuộc lục soát thường được thực hiện để “kiểm tra an ninh” trong trại lao động. Việc này bao gồm lục soát ngẫu nhiên đồ đạc cá nhân của các học viên. Nếu một học viên bị phát hiện có mảnh giấy nào đáng ngờ, cô ấy có thể bị trừng trị và bị ép phải viết giấy tự phê bình. Ngay cả các học viên bị giam trong những phòng giam biệt lập cũng bị lục soát. Họ phải cởi quần áo và xoay vòng tròn trước khi được phép mặc lại đồ. Vải trải giường cùng với quần áo của họ cũng bị lục tung để kiểm tra. Thỉnh thoảng họ còn bị lột trần để lục soát vài lần một tháng.
Cuộc sống của một “bao giáp” không dễ dàng. “Bao giáp” phải theo sát học viên khi họ ngồi úp mặt vào tường 18 tiếng mỗi ngày. Đó là người đầu tiên thức dậy vào buổi sáng và là người cuối cùng đi ngủ vào ban đêm. Nếu học viên không chịu “chuyển hóa” sau một thời gian dài, các lính canh sẽ mắng “bao giáp”, và đôi khi họ bị ép viết tự phê bình và đứng phạt dưới ánh nắng mặt trời. “Bao giáp” hiếm khi có thời gian rảnh rỗi vì mỗi ngày họ phải theo dõi và báo cáo về học viên mà họ được phân công, kể cả khi học viên đi vệ sinh.
Người phụ nữ trung niên mà tôi được phân công theo dõi khuyên tôi không nên ghét các lính canh. Bà nói rằng các lính canh là đáng thương nhất, vì họ đã bị lừa dối bởi ĐCSTQ, và họ mới chính là những người bị bức hại. Bà nói: “Những lính canh cũng là con người và nên biết được sự thật và được cứu. Đó là vì chúng tôi đã không làm tốt nên họ mới không tỉnh ngộ và vẫn tiếp tục làm việc xấu mà không biết. Họ không chỉ đánh mất tương lại, mà còn gây ảnh hưởng cho chính gia đình của họ.” Nước mắt tôi đột nhiên trào ra. Sau đó tôi bắt đầu chuyển những bài viết của Pháp Luân Công cho các học viên.
Mỗi một học viên bị giam trong trại lao động cưỡng bức đều có những trải nghiệm phi thường. Sau khi tôi nghe những câu chuyện của họ, tôi có cảm giác như được xem một bộ phim tuyệt vời. Đôi lúc tôi là một trong số khán giả, đôi lúc tôi là một nhân vật phụ, và đôi lúc tôi thấy mình giống như đang mơ. Có mội vài ký ức đã phai nhạt và có một vài ký ức mà tôi cố gắng quên. Tuy nhiên, lịch sử nhân loại sẽ không bao giờ quên những điều này. Các vị Thần đang theo dõi từng ý niệm của con người. Tôi biết rằng đây là việc nghiêm túc, và rằng tôi nên ủng hộ chính nghĩa.
Cuối cùng thì những ngày ác mộng đó cũng qua. Tôi được trở về quê nhà và nói với những người thân về kinh nghiệm của mình ở Bắc Kinh. Tôi cũng sẽ nói với người dân trên toàn thế giới rằng: “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân – Thiện – Nhẫn hảo.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/4/15/一个“包夹”的自述-272062.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/6/21/140598.html
Đăng ngày 09-08-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.