Bài viết của Như Nhất, một học viên ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 13-08-2012] Năm 2009, cha tôi đã hiểu được bản chất thật sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông đã chứng kiến một học viên bị các viên chức ĐCSTQ giam giữ ba lần vì thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công ở Bắc Kinh. Hai lần đầu tiên, Cục công an không thể kết án anh ấy vì thiếu bằng chứng. Sau khi bị giam lần thứ ba, họ đã ra lệnh cho những người khác ngụy tạo chứng cớ và dựa vào đó để kết án anh hai năm tù giam. Cha tôi rất thất vọng sau khi chứng kiến những hành động của các viên chức ĐCSTQ. Ông hiểu rằng ĐCSTQ không phải là vị cứu tinh vĩ đại của mọi người như nó thường xuyên tuyên truyền. Thay vì vậy nó mang đến tai họa cho nhân dân.
Khi Đài truyền hình Tân Đường Nhân bắt đầu phát sóng, tôi đề nghị ông xem các chương trình của đài. Nhưng ông từ chối lắp đặt, nói rằng: “Nó chỉ cung cấp một kênh nên không thú vị.” Tôi biết rõ rằng lý do thật sự là ông sợ và không dám lắp đặt nó.
Năm 2009, khi tôi bị giam trong tù, một đồng tu khác đã giúp gia đình tôi lắp đặt Đài truyền hình Tân Đường Nhân. Cha tôi rất ủng hộ. Ông xem kênh của Tân Đường Nhân và của ĐCSTQ xen kẽ nhau. Mỗi khi vào thăm tôi trong tù, ông luôn kể với tôi tin tức mà Tân Đường Nhân phát sóng. Năm 2010, tôi được thả ra. Tôi phát hiện rằng cha tôi thích so sánh tin tức nghe được từ Tân Đường Nhân với một kênh khác của ĐCSTQ. Ông phát hiện tin tức được báo cáo ở hai kênh là trái ngược nhau. Một ngày nọ ông nói với tôi: “Cha đã xem Cửu Bình nhiều lần trên Tân Đường Nhân. Những gì trong đó là sự thật. Cha thật sự thích kênh này.” Bây giờ, ông chỉ xem Đài truyền hình Tân Đường Nhân. Ông rất vui vẻ và thoải mái.
Sau khi bắt đầu xem Đài truyền hình Tân Đường Nhân, ông đã thay đổi đáng kể. Ông nói với những người khác rằng “Pháp Luân Đại Pháp tốt” và ĐCSTQ là tà ác. Ông kể với họ tin tức nghe được từ Đài truyền hình Tân Đường Nhân và khuyên người dân thoái khỏi các tổ chức của ĐCSTQ. Ông cũng giới thiệu Pháp Luân Công với mọi người. Có lúc ông khuyến khích mọi người khi gặp khó khăn hãy niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân – Thiện – Nhẫn hảo.” Quan trọng nhất, ông không còn sợ ĐCSTQ nữa. Ông đã viết một bản thanh minh đăng lên trang web Minh Huệ rằng: “Tất cả những lời tôi đã nói trước đây để phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp và Sư phụ Lý Hồng Chí là không tính.”
Một lần tôi cùng với ông đến nhà tù để thăm một người thân cũng là học viên. Bên ngoài phòng họp, một người phụ nữ đang la mắng em gái của cô ấy: “Em không chịu nghe theo ĐCSTQ. Pháp Luân Công bị cấm. Nhưng em vẫn kiên trì tập. Lương của em do ĐCSTQ trả, vậy mà em vẫn tập sao?” Cha tôi đã hỏi cô ấy: “Tiền của ĐCSTQ đến từ đâu?” Cô không trả lời. Thay vào đó cô nói về tham nhũng. Cô ấy hỏi: “Bây giờ có quốc gia nào mà không tham nhũng?” Ông hỏi lại: “Có quốc gia nào tham nhũng bằng ĐCSTQ không? Càng tuyên bố chống tham nhũng thì họ càng trở nên tham nhũng hơn.” Cô ấy không trả lời. Trước sự có mặt của cảnh sát trại giam, cha tôi đã giảng rõ sự thật về Pháp Luân Công cho cô ấy. Ông nói: “Vì con tôi tu luyện Pháp Luân Công, vợ chồng tôi đã không bị bệnh trong nhiều năm. Chúng tôi cũng được hưởng lợi từ nó.” Cuối cùng, cảnh sát trại giam nói: “Nếu ông nghĩ nó là tốt, ông có thể tập tại nhà.”
Sự thay đổi của cha tôi cũng mang đến cho ông sự may mắn bất ngờ. Gia đình chúng tôi rất hòa hợp. Sự nghiệp của ông rất thành công và ông được bầu làm viên chức của làng.
Trong cuộc bầu cử viên chức làng, những người khác không thể được bầu nếu họ không tiêu tốn hơn 100.000 nhân dân tệ. Cha tôi được chọn sau khi viết một bài viết ứng cử kêu gọi giúp đỡ dân làng. Ông không tốn xu nào. Những viên chức khác nói: “Ông viết rất hay. Chúng tôi không thể viết hay như thế.” Thực ra, cha tôi chỉ mới tốt nghiệp trung học. Niềm tin của ông vào Đại Pháp và việc ông thoái khỏi các tổ chức của ĐCSTQ đã mang đến cho ông sự may mắn.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/8/13/父亲的转变-261291.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/9/19/135499.html
Đăng ngày 15-10-2012; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.