Tội ác của Thứ trưởng Bộ Công an Từ Đại Đồng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công
Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc
[MINH HUỆ 21-01-2025] Trong nhiệm kỳ 2 năm với cương vị Giám đốc Công an tỉnh Thiểm Tây, Từ Đại Đồng đã chỉ đạo hệ thống công an tỉnh Thiểm Tây bức hại các học viên Pháp Luân Công. Kết quả có ít nhất 119 học viên bị bắt giữ, 143 người bị sách nhiễu, 62 người bị lục soát nhà cửa, 1 người bị đưa đến Bệnh viện An Khang (bệnh viện tâm thần) và 1 người bị bức hại đến chết.
Lý lịch thủ phạm
Họ và tên: Từ Đại Đồng
Tên tiếng Trung: 徐大彤
Giới tính: Nam
Ngày tháng năm sinh: Tháng 2 năm 1970
Nguyên quán: Thiên Tân
Vị trí, chức vụ:
Tháng 1 năm 2021 – tháng 3 năm 2023: phó Tỉnh trưởng tỉnh Thiểm Tây, Giám đốc Công an, phó bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Thiểm Tây
Hiện tại: Ủy viên Đảng ủy Bộ Công an, Thứ trưởng, phó Chủ nhiệm Ủy ban Phòng chống Ma túy Quốc gia
Triển khai chiến dịch “Xóa sổ”, phỉ báng Pháp Luân Công
Dưới sự chỉ đạo của Từ, các đơn vị công an của tỉnh Thiểm Tây đã tiến hành chiến dịch “Xóa sổ” nhắm vào Pháp Luân Công. Cảnh sát tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công cho các đơn vị cơ sở và nhân viên cộng đồng để kích động lòng thù hận đối với các học viên, đồng thời lệnh cho các nhân viên phải tham gia bức hại.
Từ cũng yêu cầu các đồn công an tổ chức nhiều hoạt động phỉ báng Pháp Luân Công. Ví dụ, vào ngày 10 tháng 1 năm 2021, Phòng Công an Lâm Đồng ở huyện Đại Vương, thành phố Tây An, tổ chức cho nhân viên trưng bày áp phích, biểu ngữ và phát tờ rơi để phát tán thông tin sai lệch về Pháp Luân Công. Tổng cộng có 400 tờ rơi và 200 tập sách nhỏ đã được phát ra.
Nhiều đồn công an phối hợp với các cộng đồng dân cư và ủy ban thị trấn để dựng các bảng thông báo với thông tin phỉ báng Pháp Luân Công.
Một trường hợp bị bức hại đến chết
Trong nhiệm kỳ của Từ, một học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.
Bà Triệu Tú Lan ở thành phố Hán Trung từng bị bắt 5 lần: vào năm 2012, 2013, 2017 cùng 2 lần vào năm 2018. Ngày 26 tháng 4 năm 2021, khi vừa ra khỏi nhà, bà Triệu bị các cảnh sát đang theo dõi lôi vào xe của họ. Họ ép bà kiểm tra sức khỏe, bao gồm xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác. Sau đó, họ đưa bà đến Viện Kiểm sát huyện Miễn và cố gắng truy tố bà vì từng giảng chân tướng cho người dân về Pháp Luân Công 2 năm trước đó.
Cảnh sát sách nhiễu bà Triệu vào các ngày 9,10 và 16 tháng 6 năm 2021. Vì bà từ chối mở cửa, nên cảnh sát cố gắng thu thập thông tin của bà từ những người hàng xóm. Bà Triệu qua đời vào ngày 22 tháng 10 năm 2021, hưởng thọ 75 tuổi.
119 học viên bị bắt giữ, 24 người bị kết án
Trong nhiệm kỳ của Từ, 119 học viên ở tỉnh Thiểm Tây đã bị bắt. Trong số đó, có 24 người đã bị kết án, trong đó có 8 học viên ở độ tuổi 70 và 80.
Dưới đây là danh sách các học viên bị kết án, được sắp xếp theo thành phố:
Thành phố Tây An: Bà Lôi Tiểu Lợi, bà Kim Vinh, bà Lưu Thái Hiền, bà Tống Thu Hà, bà Lý Tuyết Tùng (72 tuổi), bà Khấu Cúc Anh (72 tuổi), bà Đổng Quế Kim và ông Miêu Trung Quân.
Thành phố Bảo Kê: Bà Triệu Thủy Tiên, bà Chi Dẫn Thuyên, bà Trâu Nhận Nga, bà Trương Kim Mãn và bà Vương Tống Hà (83 tuổi)
Thành phố Hàm Dương: Bà Cao Quế Vinh (73 tuổi), bà An Thái Phượng (73 tuổi), bà Trương Hỷ Duy, bà Lý Tịnh, bà Lý Hướng Hồng và ông Trương Đào
Thành phố Hán Trung: bà Trịnh Tố Trân (80 tuổi)
Thành phố Vị Nam: Ông Trương Quân Quyền
Thành phố An Khang: bà La Trường Vân (70 tuổi), bà Tào Bình (70 tuổi) và ông Trần Quân.
Dưới đây là tóm tắt ngắn gọn về các vụ bắt giữ:
Cảnh sát xông vào nhà để bắt giữ các học viên
Cảnh sát đã đột nhập và lục soát nhà của 74 trong số 119 học viên bị bắt giữ.
Ngày 24 tháng 3 năm 2021, Trương, trưởng Đồn Công an Thái Hồng ở thành phố Hàm Dương và hàng chục cảnh sát từ quận Tần Đô bắt giữ 10 học viên đang cùng nhau đọc sách Pháp Luân Công. Nhà của những học viên này cũng bị lục soát. Học viên trẻ nhất ở độ tuổi 60, và người lớn tuổi nhất ở độ tuổi 80. Cảnh sát đã ghi lại số chứng minh nhân dân và tên con cái của họ. Sách Pháp Luân Công và các tài liệu thông tin của họ đã bị tịch thu.
Trong một vụ việc khác, vào ngày 26 tháng 3 năm 2021, bà Cao Quế Vinh và bà An Thái Phượng bị cảnh sát của Đồn Công an Thái Hồng bắt giữ và lục soát nhà cửa. Máy tính xách tay, máy in, đĩa DVD, tiền mặt, tờ rơi và ổ cứng của các học viên bị tịch thu. Những vật phẩm này sau đó được sử dụng làm bằng chứng để kết án họ.
Ngày 11 tháng 11 năm 2021, cảnh sát từ Đồn Công an thị trấn Cao Gia ở quận Vị Tân bắt giữ bà Dương Tiểu Hồng. Hôm đó, bà Dương bị bí thư làng nhận ra khi đi ngang qua trụ sở ủy ban làng để về nhà. Ông ta tố giác bà Dương vì muốn ép bà phải từ bỏ đức tin của mình.
Khoảng 8 giờ tối ngày 15 tháng 10 năm 2022, nhân viên của Phòng An ninh Nội địa quận Hóa Châu đột nhập và lục soát nhà bà Lận Á Linh. Họ tịch thu sách Pháp Luân Công, tài liệu in, ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công cùng 10.000 Nhân dân tệ tiền mặt, trang sức vàng bạc và vàng thỏi. Những đồ cá nhân này sau đó được dùng để làm bằng chứng truy tố bà Lận trước tòa.
Bạo lực và đe dọa trong các vụ bắt giữ
Cảnh sát đã sử dụng bạo lực trong các vụ bắt giữ, và thường đe dọa sẽ làm liên lụy đến gia đình các học viên.
Ngày 6 tháng 5 năm 2021, nhiều nhân viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật huyện Ninh Cường, thành phố Hán Trung, phối hợp cùng hàng chục cảnh sát và dân phòng, đột nhập vào nhà bà Trịnh Quân, một nhân viên về hưu của Bưu điện huyện Ninh Cường. Họ tịch thu từ nhà bà Trịnh nhiều sách Pháp Luân Công và ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công.
Vì bà Trịnh từ chối đi cùng họ nên cảnh sát gọi hỗ trợ và còng tay bà, làm cho cổ tay của bà bầm tím. Cảnh sát không cho bà thay bộ đồ ngủ mà bắt bà đi ngay. Họ cũng bắt giữ chồng và con trai bà, đồng thời đe dọa đuổi việc và khấu trừ lương của họ. Gia đình bà buộc phải hợp tác với chính quyền để ép bà Trịnh ký vào các văn bản tuyên bố từ bỏ đức tin của mình.
Ngày 18 tháng 6, khi bà Trương Tuấn Tú đang làm việc vặt gần huyện Thành Cố thì người của Đội An ninh Nội địa Huyện Thành Cố mặc thường phục đã theo dõi và bắt giữ bà. Họ còng tay bà mà không cho bà xem thẻ ngành nên bà đã kháng cự. Sau đó họ đánh đập bà tàn bạo đến nỗi bà bị gãy bảy xương sườn, sáu cái bên phải và một cái bên trái. Cảnh sát lục soát người bà Trương và tịch thu tài sản cá nhân của bà, gồm 600 Nhân dân tệ tiền mặt, một máy mp3, một chìa khoá xe máy điện, một thẻ mua quà giá 100 Nhân dân tệ và một cây dù.
Tối ngày 14 tháng 8 năm 2021, 4 cảnh sát ở quận Hán Đài đột nhập vào nhà của bà Chu Lệ Cần và ông Trương Minh Tân. Cảnh sát lục soát nhà của họ và tịch thu nhiều tài liệu Pháp Luân Công và điện thoại di động. Cảnh sát cũng còng tay bà Chu cùng chồng bà, sau đó bắt giam họ.
Ngày 25 tháng 8 năm 2021, bà Trương Thái Hà ở thành phố Bảo Kê bị bắt tại Bệnh viện Vị Tân, nơi bà làm việc. Ban đầu, bà Trương bị giam tại một khách sạn, sau đó bị chuyển đến Trung tâm Phục hồi Chức năng Vương Gia Nhai, thực chất là bệnh viện tâm thần của thành phố. Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, bệnh viện này đã được sử dụng để giam giữ các học viên Pháp Luân Công vì đức tin của họ. Gia đình bà Vương không biết bà bị giam ở đâu cho đến ngày 7 tháng 9, khi họ đến đồn công an để hỏi thông tin về bà. Khi gia đình đến bệnh viện tâm thần để thăm bà Trương thì lính canh không cho họ gặp trực tiếp mà chỉ cho nói chuyện qua video. Có thông tin cho biết Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Bảo Kê đã ban hành lệnh bắt giữ, và không chấp thuận thả bà Trương trừ khi bà viết một bản tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.
Để ép bà Tả Lợi từ bỏ đức tin, cảnh sát của Phòng Công an huyện Thành Cố, thành phố Hán Trung, đã lục soát nhà bà. Chồng bà, một người không tu luyện Pháp Luân Công, cũng bị họ bắt giữ.
Sáng ngày 27 tháng 6 năm 2022, khi đang làm việc trong nhà kính trồng rau của gia đình thì ông Trần Lượng ở huyện Lễ Tuyền, thành phố Hàm Dương, bị 4 cảnh sát từ Phòng Công an huyện Lễ Tuyền đột nhập vào rồi bắt đến tầng hầm của trụ sở công an huyện để thẩm vấn. Họ giam giữ ông trong 5 ngày, để lại người mẹ già 81 tuổi của ông không ai chăm sóc.
Chiều ngày 17 tháng 8 năm 2022, 5 cảnh sát từ Phòng Công an huyện Cam đến cửa hàng của con trai bà Vương Tuyết Nha, sau khi bà Vương và chồng là ông Triệu Tiểu Ninh trốn thoát sau khi bị bắt. Cảnh sát cũng đến nhà ông bà, tịch thu 1 máy tính xách tay, 1 máy in, sách Pháp Luân Công cùng các vật phẩm khác. Vợ chồng họ bị buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.
Ngụy tạo bằng chứng
Các tài liệu Pháp Luân Công bị tịch thu trong các vụ lục soát nhà được dùng làm bằng chứng để kết án các học viên Pháp Luân Công.
Ngày 25 tháng 3 năm, bà Lôi Tiểu Lợi ở thành phố Tây An bị cảnh sát của Đồn Công an Đại Liên Hoa Trì bắt giữ với cáo buộc “để tài liệu thông tin Pháp Luân Công tại một máy ATM”. Cảnh sát Mã Thông ép bà Lôi nhận tội trong khi thẩm vấn bà tại đồn công an. Vì thị lực của bà rất kém, Mã ra lệnh cho gia đình bà đọc một số tài liệu cho bà, rồi bắt bà ký vào đó.
Giữa tháng 6 cảnh sát gửi vụ án của bà Lôi lên Viện Kiểm sát quận Liên Hồ. Công tố viên Trương Diễm Hoa truy tố bà vài tuần sau đó. “Bằng chứng” duy nhất mà Trương đưa ra chỉ là một bức ảnh chụp một máy ATM mà họ đã tịch thu tại nhà của bà Lôi. Trong bức ảnh không có bà Lôi, cũng không có các cuốn sách thông tin Pháp Luân Công mà cảnh sát đã đề cập.
Ngày 13 tháng 8 năm 2021, bà Lôi bị Tòa án quận Liên Hồ xét xử. Thẩm phán Hoắc Bưu cấm gia đình bà tham dự phiên tòa, với lý do đại dịch. Luật sư của bà Lôi bào chữa vô tội cho bà. Ngày 20 tháng 12 năm 2021, thẩm phán tuyên án bà Lôi 3 năm tù cùng 5.000 Nhân dân tệ tiền phạt.
Lúc 10 giờ tối ngày 21 tháng 7 năm 2021, cô Trương Hỷ Duy ở huyện Lễ Tuyền, thành phố Tây An, bị 10 cảnh sát bắt giữ tại nhà. Cảnh sát tịch thu sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công), 1 máy vi tính, 1 đài radio, 1 máy nghe nhạc MP3 và một số thẻ nhớ. Cô bị đưa đến Đồn Công an đường Côn Minh, và việc bắt giữ cô sau đó đã được phê chuẩn. Cảnh sát đã trình vụ án của cô Trương lên Viện Kiểm sát quận Nhạn Tháp ở Tây An. Ngày 30 tháng 5 năm 2022, Tòa án quận Nhạn Tháp xét xử cô từ xa qua video. Luật sư của cô đã bào chữa vô tội cho cô.
Bởi không đủ bằng chứng buộc tội, thẩm phán đã trả lại vụ án cho công tố viên, nhưng người này sau đó đã thuyết phục được thẩm phán tiếp tục xét xử cô Trương. Đến ngày 16 tháng 8, thẩm phán đã mở phiên xét xử thứ 2 qua video và công tố viên lại đưa ra chính những bằng chứng cũ kia và xem đó như bằng chứng mới.
Ngày 22 tháng 11 năm 2022, thẩm phán kết án cô Trương 4,5 năm tù giam và phạt 10.000 Nhân dân tệ.
143 học viên bị sách nhiễu, gia đình bị đe dọa
Trong chiến dịch “Xóa sổ” vào năm 2021 và 2022, ít nhất 143 học viên tại nhiều thành phố ở tỉnh Thiểm Tây đã bị sách nhiễu.
Tháng 4 năm 2021, Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Tây An chỉ thị cho thuộc cấp sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công. Cảnh sát thu thập thông tin liên lạc của các thành viên gia đình học viên, sau đó chuyển các số điện thoại này cho quản lý cộng đồng địa phương để họ liên lạc và thúc giục gia đình ép các học viên phải viết cam kết [từ bỏ tu luyện]. Chính quyền sử dụng một số thủ đoạn nhằm kích động lòng thù hận và buộc gia đình các học viên phối hợp bức hại.
Tháng 3 năm 2021, ông Hô Trung Hậu, ở độ tuổi 70, liên tục bị các nhân viên cộng đồng sách nhiễu. Những người này ra lệnh cho ông phải ký bản cam kết [từ bỏ tu luyện], và cảnh báo rằng nếu ông không từ bỏ Pháp Luân Công thì việc xin làm công chức của cháu trai ông và việc học mẫu giáo của một cháu trai khác sẽ bị ảnh hưởng. Mẹ ông, người đã ở độ tuổi 90 và sống cùng ông, cũng rất sợ hãi.
Ngày 10 tháng 6 năm 2021, trong khi ông Hồ đang làm việc ngoài đồng thì cảnh sát của Đội An ninh Nội địa đến và bắt ông vào xe của họ. Họ đưa ông đến Đồn Công an đường Nghênh Tân ở thị trấn Thần Mộc, rồi cố gắng ép ông viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng ông từ chối. Họ cũng đe dọa tra tấn ông trên ghế cọp và kết án ông 3 năm tù.
Tháng 4 năm 2021, các cảnh sát của đồn công an và nhân viên cộng đồng ở thành phố Hán Trung sách nhiễu các học viên tại nhà. Một số người gọi điện cho các thành viên gia đình của học viên và yêu cầu họ đến các văn phòng cộng đồng. Một số gõ cửa nhiều lần và chụp ảnh. Một số ra lệnh cho các thành viên gia đình của học viên nộp ảnh. Các cảnh sát cũng đe dọa các học viên, rằng sự nghiệp hoặc việc học của con cái họ sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không từ bỏ đức tin của mình. Họ cũng sách nhiễu bà Lai Tố Trân, người đã gần 90 tuổi; bà Dư Tiểu Huệ, người bị bệnh tim và bà Cung Vân, một người tàn tật.
Ngày 6 tháng 5 năm 2021, nhân viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Thiểm Tây và đội trưởng Đội An ninh Nội địa Thần Mộc sách nhiễu các học viên địa phương. Họ yêu cầu ông Cao Hiệu Khoa, ông Lưu Kiến Binh và ông Vũ Tiểu Quân đến Văn phòng Tiểu khu Tây Sa Mã Gia Tháp, nhưng các học viên từ chối hợp tác.
Tháng 5 năm 2021, một số học viên ở thành phố An Khang bị nhân viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật, cảnh sát và nhân viên cộng đồng sách nhiễu, đồng thời bị ép phải ký cam kết từ bỏ Pháp Luân Công. Những học viên bị sách nhiễu gồm có Đơn Bình, La Tiên Thúy, Trương Thụy Vân, Trần Sở Vân, Lý Vĩnh Tú, La Trường Vân, Đỗ Hưng Cầm, Đỗ Phượng Anh và Vương Nghĩa Diễm, họ khuyên cảnh sát không nên bức hại Pháp Luân Công, và từ chối ký bất kỳ tài liệu nào.
Năm 2022, trước thềm Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các đồn công an ở thành phố Hán Trung cấu kết với nhân viên cộng đồng để sách nhiễu ít nhất 15 học viên. Họ gõ cửa nhà, sách nhiễu qua điện thoại, chụp ảnh trái ý muốn và yêu cầu các học viên ký vào các bản tuyên bố từ bỏ đức tin. Ngay cả những học viên ở độ tuổi 80 hoặc đang nằm liệt giường cũng không được tha.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/21/492816.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/5/26/228219.html