Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 02-01-2025] Nhân Ngày Nhân quyền 10 tháng 12 năm 2024, các học viên Pháp Luân Công tại 45 quốc gia đệ trình danh sách các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại Pháp Luân Công và các học viên lên chính phủ nước sở tại nhằm yêu cầu chính phủ cấm thủ phạm cùng người thân của họ nhập cảnh, đồng thời đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ theo luật định.
45 quốc gia này bao gồm Liên minh Ngũ Nhãn (Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc, New Zealand), tất cả 27 quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) và 13 quốc gia tại các châu lục khác. Các quốc gia EU là Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Bỉ, Ireland, Áo, Đan Mạch, Romania, Séc, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Bulgaria, Luxembourg, Croatia, Litva, Slovenia, Latvia, Estonia, Síp và Malta. 13 quốc gia còn lại nằm ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein, Israel, Mexico, Argentina, Colombia, Chile, Cộng hòa Dominica và Paraguay. Đây là lần đầu tiên Paraguay tham gia.
Cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã kéo dài 25 năm, và gần đây chế độ này đang tăng cường trấn áp ở nước ngoài. Theo một báo cáo do Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) công bố, trong một cuộc họp do Bộ Công an tổ chức vào tháng 5 năm 2024, ĐCSTQ nhấn mạnh mục tiêu “Đặc biệt chú ý đến sự hợp tác giữa Pháp Luân Công và các chính trị gia phương Tây nhằm trừng phạt các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Phải ngăn chặn hành vi đó bằng mọi giá.”
Trong số những kẻ bức hại được liệt kê có Vương Quang Huy, Bí thư Đảng ủy kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Vân Nam.
Thông tin thủ phạm
Họ và tên: Vương Quang Huy
Tên tiếng Trung: 王光辉
Giới tính: Nam
Ngày tháng năm sinh: Tháng 11 năm 1967
Nơi sinh: Nhạc Tây, tỉnh An Huy
Chức danh, chức vụ
Tháng 8 năm 2018 – tháng 1 năm 2019: Ủy viên Ban Lãnh đạo Đảng, trưởng Ban Chính trị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; trưởng Ban Lãnh đạo Cải cách Hệ thống Tư pháp
Tháng 1 năm 2019 – tháng 2 năm 2019: Bí thư Đảng ủy, quyền Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Vân Nam
Tháng 2 năm 2019 – Nay: Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Vân Nam
Tội ác chính
Kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Viện Kiểm sát tỉnh Vân Nam trở thành một công cụ cho ĐCSTQ bức hại và truy tố nhiều học viên.
Sau khi Vương Quang Huy được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy, quyền Viện trưởng, và sau đó là Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Vân Nam vào tháng 1 năm 2019, ông ta đã chỉ thị cho Viện Kiểm sát tỉnh Vân Nam “tăng cường đấu tranh chống tà giáo”, đồng thời ra lệnh cho cấp dưới của mình truy tố các học viên Pháp Luân Công, dẫn đến nhiều học viên bị kết án.
Từ năm 2019 đến năm 2023, ít nhất 123 học viên đã bị kết án ở tỉnh Vân Nam, bao gồm 36 người vào năm 2019, 35 người vào năm 2020, 10 người vào năm 2021, 26 người vào năm 2022 và 16 người vào năm 2023. Những học viên này đến từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm bác sỹ, giáo sư, kỹ sư, giáo viên và giám đốc công ty. Đặc biệt, 35 người (31%) trong số họ từ 65 tuổi trở lên, bao gồm bà Cao Quỳnh Tiên 82 tuổi và bà Khúc Nguyệt Tiên 88 tuổi.
Ba học viên, bà Đinh Quế Anh, ông Bành Vân Khuê và bà Hàn Tuấn Y, đã qua đời sau khi bị cầm tù.
Một số trường hợp tử vong
Trường hợp 1: Người phụ nữ 76 tuổi đột ngột qua đời khi đang thụ án
Giữa tháng 1 năm 2021, gia đình bà Đinh Quế Anh bàng hoàng khi được Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam đột ngột thông báo về cái chết của bà Đinh ở tuổi 76. Trước đó, gia đình bà Đinh thậm chí còn không biết bà đã bị kết án chỉ vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công. Nhà tù hỏa táng thi thể bà chỉ vài ngày sau đó.
Ngày 28 tháng 8 năm 2019, bà Đinh, một cư dân ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị bắt tại nhà. Vì Trại tạm giam thành phố Côn Minh không cho gia đình bà Đinh vào thăm bà, và chính quyền không bao giờ cập nhật cho họ về tình trạng vụ án của bà, họ vẫn nghĩ bà đang ở trong trại tạm giam, và thường xuyên đến Phòng An ninh Nội địa để yêu cầu thả bà.
Một lính canh của Nhà tù nữ số 2 tỉnh Vân Nam thông báo cho họ rằng bà Đinh đột nhiên mắc “bệnh cấp tính” vào ngày 14 tháng 1, và qua đời lúc 8 giờ 53 phút sáng ngày 15 tháng 1. Nhà tù hỏa táng thi thể bà vào ngày 19 tháng 1, mà không giải thích nhiều về tình trạng của bà. Vì bà Đinh hoàn toàn khỏe mạnh trước khi bị bắt, gia đình bà nghi ngờ có thể bà qua đời vì bị ngược đãi trong tù, chứ không phải do bệnh tật như nhà tù tuyên bố.
Chỉ sau khi bà Đinh qua đời, gia đình bà mới nhận được bản án của bà. Bà Đinh bị Tòa án quận Ngũ Hoa kết án 4 năm tù vào ngày 10 tháng 7 năm 2020.
Trường hợp 2: Người phụ nữ 72 tuổi qua đời 1 năm sau khi mãn hạn tù
Bà Bành Vân Khuê phải chống chọi với tình trạng suy giảm sức khỏe sau khi mãn hạn tù vì tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 9 năm 2021. Bà qua đời 1 năm sau đó, hưởng thọ 72 tuổi.
Ngày 13 tháng 5 năm 2020, bà Bành, ở thành phố Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, bị bắt khi đến thăm một học viên khác. Mặc dù cảnh sát thả bà ngay sau đó, nhưng họ yêu cầu bà phải trình diện tại đồn công an bất cứ khi nào được triệu tập. Cảnh sát cũng truy tìm con gái của bà Bành ở Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam, cách Văn Sơn khoảng 200 dặm) và đến đó để sách nhiễu người phụ nữ trẻ.
Ngày 15 tháng 9 năm 2020, bà Bành lại bị bắt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Sau 6 tháng bị giam tại trại tạm giam thành phố Văn Sơn, bà bị chuyển đến Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam. Hiện không rõ bà bị kết án bao lâu, và liệu có phiên tòa nào diễn ra hay không.
Khi bà Bành được thả vào ngày 15 tháng 9 năm 2021, bà chỉ còn da bọc xương và không thể ăn uống. Không thể hồi phục sau những tổn hại về sức khỏe, bà đã qua đời vào ngày 17 tháng 9 năm 2022.
Một số trường hợp bị kết án
Trường hợp 1: Bà Cao Huệ Tiên bị kết án 7 năm tù vì phát một cuốn lịch
Bà Cao Huệ Tiên, một cư dân Côn Minh 56 tuổi, bị bắt vào ngày 7 tháng 12 năm 2018, sau khi bị tố giác vì phát một cuốn lịch có thông tin về Pháp Luân Công. Viện Kiểm sát quận Tây Sơn phê chuẩn việc bắt giữ bà vào ngày 20 tháng 12 năm 2018. Bà bị Tòa án quận Tây Sơn xét xử vào ngày 22 tháng 10 năm 2019, sau đó bị kết án 7 năm tù vào ngày 19 tháng 11 năm 2019.
Trường hợp 2: Bà Bạch Hải Anh bị kết án 3,5 năm tù
Ngày 24 tháng 9 năm 2019, bà Bạch Hải Anh bị bắt tại nơi làm việc. Cảnh sát lục soát túi của bà và tìm thấy 8 cuốn sách nhỏ Pháp Luân Công. Trong khi lục soát nhà bà, họ tịch thu 109 cuốn sách Pháp Luân Công và 167 cuốn sách nhỏ.
Việc bắt giữ bà được phê chuẩn vào ngày 1 tháng 11, và cảnh sát chuyển vụ án của bà lên Viện Kiểm sát quận Tây Sơn vào ngày 27 tháng 12 năm 2019. Sau đó, cảnh sát tiết lộ rằng vào ngày 4 tháng 9, hai người phụ nữ đến một tiệm bánh mì địa phương và để lại một cuốn Cửu Bình. Chủ tiệm bánh tố giác những người phụ nữ, và cảnh sát nghi ngờ một người trong đó là bà Bạch.
Khi công tố viên Đỗ Quỳnh Tiên gặp bà Bạch trong trại tạm giam, cô ta lén đưa một bản tuyên bố nhận tội cùng với các hồ sơ khác, yêu cầu bà Bạch ký vào trước khi đọc.
Trong phiên xét xử trực tuyến đầu tiên vào ngày 14 tháng 8 năm 2020, bà Bạch tiết lộ rằng công tố viên đã lừa bà ký vào bản tuyên bố nhận tội. Bà tuyên bố không thừa nhận bản tuyên bố và không nhận tội.
Công tố viên Đỗ đe dọa bà sẽ phải chịu án nặng hơn nếu không nhận tội, nhưng bà Bạch khẳng định mình vô tội.
Tòa án quận Tây Sơn tổ chức thêm 2 phiên tòa, vào ngày 30 tháng 9 và ngày 21 tháng 11. Luật sư của bà và thân nhân bào chữa khẳng định bà vô tội. Họ lập luận rằng bà Bạch không vi phạm bất kỳ điều luật nào khi thực hành tín ngưỡng của mình, và không có cơ sở pháp lý cho cuộc bức hại.
Thẩm phán Đỗ Chúc Tân kết án bà Bạch 3,5 năm tù và phạt 3.000 Nhân dân tệ.
Trường hợp 3: Bà Đường Ngọc và bà Lý Hải Diễm bị kết án tù
Ngày 22 tháng 6 năm 2022, hai cư dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị kết án tù vì đức tin vào Pháp Luân Công. Bà Đường Ngọc, 52 tuổi, bị kết án 3 năm 8 tháng tù và phạt 8.000 Nhân dân tệ. Bà Lý Hải Diễm, 64 tuổi, bị kết án 3 năm 3 tháng tù và phạt 6.000 Nhân dân tệ.
Bà Đường và bà Lý lần lượt bị bắt vào ngày 18 tháng 1 và ngày 5 tháng 3 năm 2022. Để bắt bà Lý, cảnh sát cắt điện nhà bà và đột nhập vào khi gia đình bà mở cửa để xem chuyện gì xảy ra. Sách Pháp Luân Công của bà bị tịch thu.
Vì con gái của bà Lý chụp ảnh cảnh sát và hỏi họ có lệnh khám xét không, cảnh sát cũng bắt giữ cô, tuyên bố cô “cản trở việc thực thi pháp luật”, và tịch thu điện thoại di động của cô.
Ngày 28 tháng 12 năm 2021, Viện Kiểm sát quận Tây Sơn truy tố bà Đường và bà Lý, cáo buộc họ phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ tiêu chuẩn thường được sử dụng để truy tố Pháp Luân Công.
Cả hai người phụ nữ đều bị Tòa án quận Tây Sơn xét xử vào ngày 21 tháng 6 năm 2022. Không có nhân chứng truy tố nào xuất hiện tại tòa để đối chất việc kiểm tra chéo, công tố viên cũng không đưa ra được bất kỳ bằng chứng truy tố nào. Thẩm phán công bố bản án 1 ngày sau đó.
Trường hợp 4: Cụ bà 82 tuổi và người phụ nữ 60 tuổi bị kết án tù
Khoảng ngày 27 tháng 10 năm 2020, cụ bà Cao Quỳnh Tiên, 82 tuổi, và bà Vương Cần Tiên, 60 tuổi, bị cảnh sát của Phòng An ninh Nội địa thành phố An Ninh bắt giữ. Bà Vương bị tạm giam, và cụ bà Cao được thả sau khi nộp 1.000 Nhân dân tệ tiền bảo lãnh do sức khỏe yếu. Cả hai đều bị Viện Kiểm sát quận Tây Sơn truy tố trong cùng tháng.
Tòa án quận Tây Sơn xét xử bà Cao và bà Vương riêng biệt vào ngày 19 tháng 4 năm 2022. Bà Cao bị buộc tội tu luyện Pháp Luân Công, phân phát tài liệu Pháp Luân Công và tàng trữ tài liệu tại nhà. Vì bà vẫn còn trong thời gian quản chế từ bản án năm 2017 trước đó, thẩm phán kết án bà 6 năm tù và phạt 13.000 Nhân dân tệ.
Bà Vương cũng bị buộc tội phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Máy tính, máy in, điện thoại di động và tài liệu Pháp Luân Công bị tịch thu từ bà đều được sử dụng làm bằng chứng truy tố. Bà bị kết án 3 năm tù và phạt 5.000 nhân dân tệ.
Trường hợp 5: Bị mù do tra tấn, bà Dương Tiểu Minh bị kết án 7 năm tù
Bà Dương Tiểu Minh, 54 tuổi, ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, mắc bệnh về mắt, sốt liên tục và viêm khớp dạng thấp khi còn nhỏ. Bà chỉ học hết tiểu học. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995, nhờ vào việc đọc sách và luyện các bài công pháp, bà hồi phục thị lực hoàn toàn, và thậm chí có thể đọc được những chú thích nhỏ trong từ điển.
Vì không từ bỏ đức tin của mình sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà bị bắt phá thai, và chồng bà ly hôn với bà vì sợ chế độ cộng sản trả thù. Bà bị giam trong trại lao động cưỡng bức 2 lần từ năm 2001 đến năm 2008, tổng cộng 5 năm. Mắt bà bị thương do bị đánh đập, và bà bị mù hoàn toàn vào năm 2012.
Bà Dương lại bị bắt vào ngày 28 tháng 5 năm 2022. Cảnh sát cố gắng lừa bà mở cửa bằng cách tự xưng là người của ban quản lý tòa nhà, và cần kiểm tra xem đường ống của bà có bị rò rỉ không. Khi bà Dương từ chối mở cửa, cảnh sát đã đột nhập và còng tay bà.
Bà bị bắt kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện, và bị một bác sỹ mở áo và quần để kiểm tra. Người này quét một thiết bị kiểm tra trên cơ thể bà trong khi các cảnh sát nam theo dõi, nhằm làm nhục bà.
Mặc dù bà Dương bị trại tạm giam từ chối do sức khỏe yếu, và được tại ngoại, cảnh sát vẫn nộp hồ sơ của bà lên viện kiểm sát. Ngày 1 tháng 2 năm 2023, bà bị đưa đến tòa án để xét xử. Ngày 14 tháng 3 năm 2023, một thẩm phán đến nhà bà để tuyên bản án 7 năm tù và phạt 20.000 Nhân dân tệ.
Trường hợp 6: Hai phụ nữ Vân Nam bị kết án tù dài hạn vì lên tiếng cho đức tin bị bức hại
Ngày 21 tháng 4 năm 2022, bà Liêu Văn Tiên, 62 tuổi, ở Châu tự trị Văn Sơn của người Tráng và người Miêu, tỉnh Vân Nam, bị bắt sau khi một camera giám sát ghi lại cảnh bà phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà Phương Thế Mai, 57 tuổi, người đi cùng bà, đã trốn thoát, nhưng bị bắt vào cuối ngày hôm đó. Cảnh sát đột kích nhà của họ và tịch thu sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin, máy tính và máy in của họ.
Cả hai người phụ nữ đều bị giam tại trại tạm giam huyện Tây Trù. Tháng 11 năm 2023, gia đình của họ xác nhận rằng bà Phương đã bị kết án 10 năm tù, và bà Liêu bị kết án 7 năm tù.
Trường hợp 7: Bốn cư dân Vân Nam, bao gồm một phụ nữ 83 tuổi, bị kết án tù
Ngày 1 tháng 11 năm 2023, cụ bà Vạn Gia Ngọc, 82 tuổi, bà Trương Hồng Anh, 57 tuổi, và bà Na Phấn Quỳnh, 70 tuổi, bị bắt tại nhà cụ bà Vạn ở thành phố Khai Viễn, tỉnh Vân Nam. Cảnh sát tịch thu máy tính của bà Vạn, cũng như sách Pháp Luân Công và các vật có giá trị khác. Nhà của bà Trương và bà Na cũng bị lục soát. Các vật dụng gồm thảm ngồi thiền, thẻ in thông điệp Pháp Luân Công, và các đồ dùng cá nhân khác của họ bị tịch thu.
Bà Tưởng Trường Đức, 59 tuổi, bị bắt tại nhà lúc 10 giờ sáng ngày 23 tháng 1 năm 2024.
Ngày 4 tháng 4 năm 2024, công tố viên Lý Tuấn của Viện Kiểm sát huyện Kiến Thủy truy tố cả 4 học viên.Họ cùng bị Tòa án huyện Kiến Thủy xét xử vào ngày 27 tháng 4 năm 2024, và bị kết án vào ngày 3 tháng 7 năm 2024. Bà Vạn bị kết án 3 năm tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ. Bà Trương bị kết án 1,5 năm tù và phạt 2.500 Nhân dân tệ. Cả bà Na và bà Tưởng đều bị kết án 1 năm tù và phạt 1.500 Nhân dân tệ.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/1/2/487808.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/1/12/223574.html
Đăng ngày 23-02-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.