Bài viết của Lưu Huyền Thành

[MINH HUỆ 19-03-2025] Mấy năm gần đây, giới âm nhạc đại lục nổi lên một làn sóng âm nhạc ‘phong cách Trung Hoa’. Đáng tiếc là, hầu hết các tác phẩm nổi bật nhất trong số đó đều do các nghệ sỹ Nhật Bản sáng tác và biểu diễn.

Một ví dụ là bản “Phong cảnh cố hương” của bậc thầy sáo cổ ocarina của Nhật Bản, Sojiro. Âm nhạc du dương đưa tâm hồn người nghe thoát khỏi thế giới hiện đại hối hả và gợi nhớ về những bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình. Nghe bản nhạc này, tôi bất giác nhớ về cố hương xa xưa, với núi non tĩnh lặng, suối chảy róc rách cùng làn gió nhẹ đung đưa qua rặng liễu, vạn vật sinh sôi …

Bản “Ký ức Cố Cung” của nhóm S.E.N.S. (gồm hai thành viên Akihiko Fukaura và Yukari Katsuki) sáng tác năm 1996, là bản nhạc phim đầu tiên trong bộ phim tài liệu quy mô lớn do đài NHK sản xuất có tựa đề “Tử Cấm Thành”. Nhiều người cảm thấy bản nhạc thật hùng vĩ và tráng lệ, với âm nhạc lúc trầm lúc bổng. Nhịp điệu của các nhạc cụ gõ truyền thống của Trung Quốc như trống, vạc và chuông khánh khiến lòng người lay động. Cùng với tiếng nhạc vang lên, cánh cổng dày uy nghi của Tử Cấm Thành, mái ngói lưu ly vàng óng và bức tường cung điện đỏ son dường như hiện ra ngay trước mắt.

“Dawn of Hero” (Bình minh của thời đại anh hùng) là ca khúc mở đầu cho bộ phim “Tam Quốc Chí” được nhạc sỹ nổi tiếng người Nhật Yokoyama Seiji sáng tác. Âm nhạc sử dụng các nhạc cụ Trung Quốc cổ điển như đàn nhị hồ, đàn cổ tranh và đàn tỳ bà, với giai điệu chính do đàn nhị hồ diễn tấu. Bản nhạc diễn tả cảnh đại loạn cuối thời Đông Hán, dân chúng kêu gọi các anh hùng đứng ra phò tá thiên hạ. Bản nhạc vừa thể hiện khí phách hào hùng lại vừa thể hiện sự nhã nhặn của những trang nam tử, mang đến cho người nghe một cảm giác bi tráng, thê lương.

“Vạn Lý Trường Thành” là bản nhạc đệm do Michihiko Ohta sáng tác cho loạt phim hoạt hình “Vua Đầu Bếp” của Nhật Bản. Giai điệu hoành tráng, phong cách tao nhã và du dương, bao hàm chiều sâu lịch sử cùng nét đẹp cổ điển độc đáo. Cưỡi trên đôi cánh âm nhạc, dãy Vạn Lý Trường Thành hùng vĩ như sừng sững hiện ra trước mắt bạn.

Nhật Bản còn có nhiều bản nhạc nổi tiếng đáng chú ý khác như: “Hành khúc Thất kiếm” của Toshihiko Sahashi, “Thức tỉnh” của Toshihiko Sahashi, “Hành trình xa xôi” của Kiyoshi Yoshida, “Con phố nơi dừng chân của gió” của Yukiko Isomura, “Lời cầu nguyện ngàn năm” của Himegami, “Con đường tơ lụa” của Kitaro, “Biển mây dưới ánh trăng” hay “Bên nhau mãi mãi” của Joe Hisaishi, v.v..Những bản nhạc này có chủ đề phong phú, phong cách đa dạng, thường được sử dụng làm nhạc nền trong các tác phẩm điện ảnh cũng như truyền hình, khiến nhiều người Trung Quốc thực sự ngưỡng mộ.

Những vấn đề của giới âm nhạc Trung Quốc

Tại sao các nhạc sỹ ở Trung Quốc lại không sáng tác được những giai điệu tuyệt vời như ở Nhật Bản? Có một vài nguyên do sau:

Văn hóa truyền thống thất truyền

Văn hóa truyền thống Trung Hoa rất phong phú và sâu sắc, có ảnh hưởng sâu rộng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và những nơi khác. Ở Nhật Bản, nhiều phương diện đến nay vẫn còn mang đậm nét cổ xưa của Trung Hoa — đặc biệt là dưới thời nhà Đường như Trung Y, cờ vây, kiếm thuật, trà đạo, v.v…

Nhưng ở Trung Quốc, trải qua các phong trào vận động chính trị hết lần này đến lần khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đặc biệt là cuộc Cách mạng Văn hóa, các di tích và văn vật gần như bị phá hủy hoàn toàn; ngay cả lăng mộ của các danh nhân lịch sử cũng bị khai quật gần hết, còn văn hóa truyền thống thì bị xóa sổ gần như hoàn toàn. Thay thế vào đó là văn hóa đảng “Giả-Ác-Đấu“ do ĐCSTQ nhồi nhét. Người Trung Quốc bị tẩy não bằng văn hóa Đảng, khi nói đến tôn giáo hay Thần Phật thì sẽ bị coi là mê tín dị đoan; còn nếu nhắc đến vấn đề đạo đức hay văn hóa truyền thống thì sẽ bị nói là phong kiến. Ngược lại, ở Nhật Bản, tác phẩm “Kyara” của S.E.N.S., là bản nhạc phim thứ 3 trong bộ phim tài liệu “Con đường tơ lụa trên biển” của đài NHK, lại mang đến cho người ta cảm giác như đang ở nơi Phật đường.

Thiếu tư duy độc lập

Để sáng tác ra một bản nhạc hay, cần phải có một môi trường sáng tác tốt, bao gồm cả tư duy cởi mở và sự tự do sáng tạo.

Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, nơi “chính trị nắm quyền chỉ đạo”, sáng tác văn học nghệ thuật có rất nhiều vùng cấm. Các bài hát chính trị ca ngợi ĐCSTQ rất phổ biến, chẳng hạn như: “Đảng, Người mẹ kính yêu của tôi.” Vô số bài hát khác ca ngợi ĐCSTQ từ các thời kỳ khác nhau. “The East is Red” (Phương Đông màu hồng) vốn là một bài dân ca miền Bắc Thiểm Tây, nhưng đã bị ĐCSTQ sửa đổi để ca ngợi Mao Trạch Đông, và sau đó còn được dựng thành một vở nhạc kịch lớn, nhưng thông điệp của vở nhạc kịch từ đầu đến cuối đều là “Giết!”.

Ở Nhật Bản, không ai kìm hãm tư tưởng và tư duy tự do sáng tạo của người dân. Vì thế, chính môi trường thoải mái này là cái nôi dưỡng thành nên nhiều nhạc sỹ nổi tiếng thế giới, với những tác phẩm xuất sắc vang danh toàn cầu.

Phẩm chất đạo đức thấp kém

Âm nhạc là sự phản chiếu tâm hồn của con người và âm nhạc hay khiến tinh thần thăng hoa. Người có phẩm chất đạo đức kém sẽ có năng lực hạn chế, không thể sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có cảnh giới cao.

ĐCSTQ đã phá hủy nền văn hóa truyền thống Trung Hoa một cách có hệ thống nhằm cố tình hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức của người Trung Quốc.

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, một người đàn ông nước ngoài đến thăm Trung Quốc, trong hồi ký của ông có đoạn như sau: “Trên quảng trường, loa phóng thanh phát bài hát ‘Khoai tây chín rồi, hãy thêm thịt bò, không cần đánh rắm’ …”. Ông ấy đã rất kinh ngạc: Sao lại có bài hát thô tục như vậy, hơn nữa còn được phát liên tục trên loa phóng thanh?

Trong một ví dụ gần đây, Diêm Tinh Minh, phó chủ tịch Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc, đã bày tỏ cảm nghĩ về bộ phim “Na Tra 2” rằng bộ phim rất thô tục – trong đó có chi tiết dùng bồn cầu của Ngọc Hư Cung làm bàn ăn, v.v… Ông cho rằng điều này xúc phạm đến vẻ đẹp của văn hóa truyền thống và làm hoen ố câu chuyện thần thoại này.

Không ngờ một bài cảm nhận như vậy của ông lại dấy lên làn sóng chỉ trích cùng những lời lẽ lăng mạ trên mạng. Hãy suy nghĩ về những gì ĐCSTQ đã làm với tư duy của người Trung Quốc. Na Tra vốn là một nhân vật thần thoại kinh điển, nay lại bị nhào nặn thành một ma đồng. Từng là một đất nước của lễ nghi chi bang, Trung Quốc giờ đã trở thành một nơi ô uế, đây đều là những quả đắng do văn hóa đảng tạo ra.

Khi đạo đức tha hóa, mọi thứ theo đó cũng trở nên tồi tệ, âm nhạc cũng vậy. Chưa nói đến nhạc không lời, chỉ nói riêng về ca khúc, hầu hết các bài hát ở Trung Quốc hiện nay hoặc là rên rỉ, hoặc là gào thét điên cuồng, hoặc là thô tục. Làm sao chúng có thể mang lại cho người ta cảm giác về thưởng thức cái đẹp?

Sự hoàn hảo đòi hỏi sự kiên nhẫn

Một đặc điểm nổi bật khác của những người lớn lên trong văn hóa ĐCSTQ là thiếu sự nhẫn nại, tâm phù phiếm, thích làm qua loa cho xong chuyện. Với tâm thái như vậy mà muốn sáng tạo ra những tác phẩm hay chẳng khác nào chỉ nói chuyện viển vông.

Chúng ta hãy xem thái độ người Nhật dành cho âm nhạc.

Năm 1975, Sojiro lần đầu tiên được nghe thấy tiếng sáo Ocarina đã bị thu hút sâu sắc và quyết định bái sư học nghệ. Để theo đuổi âm sắc của riêng mình, ông đã nghiên cứu nhạc cụ này và sau đó tự tay thiết kế một mô hình. Ông tìm kiếm đất sét khắp nơi để chế tác thử nghiệm nhạc cụ ocarina và thí nghiệm lặp đi lặp lại để hoàn thiện âm thanh – thường mất 16 giờ mỗi ngày để chế tác Ocarina. Sau khi nung xong, sáo còn được hun khói đen, mài nhẵn, cuối cùng được điều chỉnh âm –– mỗi bước mất một đến hai tuần. Ông đã dành hết tâm huyết của mình để làm Ocarina.

Từ năm 1975 đến năm 1985, sau khi phát hành đĩa CD đầu tiên, Sojiro đã chế tác hơn 10.000 chiếc Ocarina, nhưng ông chỉ sử dụng 12 chiếc trong số đó.

Shen Yun mang đến hy vọng

Người Nhật dù sao cũng không phải là người Trung Quốc, và sự hiểu biết của họ về Trung Quốc là gián tiếp. Nếu muốn thực sự phục hưng nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, vẫn phải dựa vào chính người Trung Quốc.

Năm 2006, một nhóm các nghệ sỹ Trung Quốc ở nước ngoài với sứ mệnh hồi sinh văn hóa truyền thống Trung Hoa đã thành lập Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun tại New York, Hoa Kỳ. Các thành viên của đoàn đều là những người tu luyện theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Đồng thời với việc nâng cao các kỹ năng nghệ thuật, họ cũng đề cao tiêu chuẩn đạo đức và cảnh giới tinh thần của mình. Mỗi năm, họ đều cho ra mắt một chương trình hoàn toàn mới và lưu diễn vòng quanh thế giới. Các hạng mục của họ, dù là âm nhạc, vũ đạo, trang phục, phông nền động, hay nội dung của các tiết mục biểu diễn, đều là văn hóa truyền thống Trung Hoa thuần chính, mà không có chút văn hóa đảng nào.

Riêng về âm nhạc Shen Yun, các nhạc sỹ của Shen Yun đã kết hợp một cách khéo léo các nhạc cụ truyền thống của Trung Hoa, như cồng chiêng và trống, đàn nhị hồ, đàn tỳ bà, mõ và đàn tranh, với các nhạc cụ phương Tây, sử dụng các kỹ thuật hòa âm hùng tráng của phương Tây để làm tôn lên các giai điệu truyền thống của Trung Hoa, tạo nên ý vị độc đáo. Thanh nhạc của Shen Yun cũng phục hưng phương pháp hát bel canto truyền thống đã thất truyền.

Mỗi bản nhạc đều chạm đến trái tim, khiến người nghe nhớ mãi không thôi. Mọi người đều khen ngợi và một số người nói: “Đây là âm nhạc đến từ thiên đường”, “Năng lượng thật mạnh mẽ”, và “Thật tuyệt diệu”.

Ở đây chúng tôi dùng lời văn để miêu tả sơ qua một đoạn nhạc mở màn chương trình của Shen Yun, để quý vị cảm nhận được sức hấp dẫn của chương trình này: Một tiếng cồng vang lên, rồi thiên nhạc hùng tráng vọng lại. Khán giả lập tức được đưa đến những khung cảnh của nền văn minh 5.000 năm Trung Hoa. Nhiều khán giả tại hiện trường không kìm được nước mắt, khi được phỏng vấn đã nói: cảm giác tuyệt diệu đó khó có thể diễn tả bằng ngôn ngữ của con người, …

Shen Yun đã lưu diễn khắp thế giới. Đáng tiếc là Shen Yun vẫn chưa được biểu diễn ở Trung Quốc, nhưng đừng vội, ngày Shen Yun trở về quê hương không còn xa nữa, khi đó đồng bào Đại lục sẽ có thể thưởng thức trực tiếp Shen Yun, xin hãy đón chờ…

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/19/491771.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/20/225913.html

Đăng ngày 05-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share