Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 17-12-2019] Khi bà Lưu Hiểu Liên ở thành phố Xích Bích, tỉnh Hồ Bắc bị giam lần thứ tư vào tháng 4 năm 2006 vì tu luyện Pháp Luân Công, thay vì đưa bà đến Trại tạm giam, họ đưa bà thẳng đến Bệnh viện Tâm thần Bồ Phưởng.
Bà thuật lại trong một bài viết gửi cho Minh Huệ Net: “Tôi bị tiêm độc dược vào tĩnh mạch trong 24 tiếng. Toàn thân tôi chuyển thành màu đen và tôi bất tỉnh trong hai ngày. Khi tỉnh lại, tôi không thể nói được… ”
Bà bị bắt lần thứ năm vào tháng 9 năm 2006 và lại bị giam tại Bệnh viện Tâm thần Bồ Phưởng, nơi đây bà bị bức thực, sốc điện và bị cho dùng những loại chất không rõ nguồn gốc. Đây là sự ngược đãi tệ hại nhất mà bà từng chịu đựng.
Trước đây máu từng rỉ ra từ lỗ chân lông của bà và tạo thành sẹo, nhưng lần này toàn thân bà sưng phồng, da trở nên mờ đục. Khi bà được đưa đến một bệnh viện để siêu âm, bác sỹ đã sốc khi thấy tim bà đã bị huỷ hoại đến mức tâm thất không thể đóng lại.
Bà Lưu qua đời vào buổi trưa ngày 26 tháng 10 năm 2008. Không lâu sau, một nhân viên của Phòng 610 Xích Bích đã gọi một cuộc điện thoại đến các quan chức địa phương, chúc mừng họ về cái chết của bà.
Phòng 610 là một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ tiêu diệt Pháp Luân Công và được trao quyền lực vượt trên hệ thống tư pháp và lực lượng thực thi pháp luật.
Trong 20 năm bức hại tàn bạo Pháp Luân Công ở Trung Quốc, một lượng lớn học viên đã bị giam, bỏ tù và tra tấn vì đức tin của họ vào nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Bên cạnh việc tra tấn thể xác và lao động cưỡng bức, tra tấn tinh thần và mổ cướp nội tạng cũng xảy ra trên diện rộng.
Một báo cáo gần đây trên Minh Huệ Net đã thống kê 11 học viên Bắc Kinh bị chuốc thuốc độc đến chết. Báo cáo mới này trình bày về những trường hợp khác tương tự.
Một tội ác kinh hoàng
Dưới đây là 20 học viên Pháp Luân Công đã cố tình bị cho dùng thuốc độc khi bị công an giam giữ và đã chết vì thuốc. Tuổi của các học viên này, 13 nữ tuổi từ 28 đến 68, độ tuổi trung bình là 42. Những trường hợp này xảy ra từ giữa tháng 6 năm 2000, chưa đầy một năm sau khi cuộc bức hại bắt đầu, đến tháng 4 năm 2016 – một dấu hiệu cho thấy tội ác này diễn ra trong suốt cuộc đàn áp.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là nơi mà việc tiêm thuốc diễn ra. Trong những trường hợp này, năm trường hợp diễn ra trong các bệnh viện thông thường, sáu trường hợp trong các bệnh viện tâm thần, có nghĩa là những cơ sở chăm sóc sức khoẻ này đã chuyển thành các cơ sở giết người.
Trong chín trường hợp còn lại, bốn trường hợp trong các trại lao động, một trường hợp trong nhà tù, hai trường hợp trong các bệnh viện nhà tù và một trường hợp trong trung tâm tẩy não của Phòng 610. Điều này chỉ ra rằng việc hạ thuốc độc có chủ ý đối với các học viên là lan rộng ở cả các hệ thống tư pháp và hệ thống ngoài vòng pháp luật (bao gồm các trung tâm tẩy não) của Trung Quốc, và chưa có quan chức nào phải chịu trách nhiệm về bất kỳ trường hợp nào.
Điều làm cho quá trình này trở nên tàn bạo hơn đó là cách thức thực hiện vô nhân đạo – và thường là thái độ bỉ ổi – cách mà họ hạ độc đối với các học viên.
* Khi bà Từ Đức Tồn bị đưa đến Bệnh viện Tảo Trang ở tỉnh Sơn Đông vào ngày 1 tháng 9 năm 2013, một bác sỹ đột ngột tuyên bố: “Chúng tôi sẽ điều trị cho bà ấy bằng thuốc dùng cho Pháp Luân Công!”
* Khi bà Cung Huy ở thành phố Thiên Tân bị giam ở Trại Lao động Nữ Bản Kiều vào ngày 17 tháng 9 năm 2008, các tù nhân khác thấy trong nước cấp cho các học viên Pháp Luân Công sử dụng có thành phần của các chất phụ gia. Những loại thuốc phá huỷ thần kinh này có thể gây nên sự tê liệt và suy sụp thần kinh.
* Khi ông Thường Vĩnh Phúc bị ngược đãi tinh thần tại Bệnh viện Tâm thần Đông Hưng và Bệnh viện Tâm thần Phổ Ninh, mặt ông bị biến dạng và mũi sưng phồng. Ngoài chứng mất ngủ và rối loạn thần kinh, thị lực của ông bị suy giảm nhanh chóng và ông mù hoàn toàn trước khi qua đời.
* Khi cô Trương Phó Trân, 38 tuổi, bị đưa đến một trung tâm tẩy não của Phòng 610, công an đã lột hết quần áo của cô, cạo đầu cô và trói thân thể trần truồng của cô vào một cái giường với hai chân giang rộng ra. Một công an đã tiêm một chất không rõ nguồn gốc vào người cô. Cô đã vật lộn trong đau đớn và chết trên giường. Người của Phòng 610 quan sát toàn bộ quá trình này.
* Khi cô Tào Uyển Như, 35 tuổi, bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Bảo Định do bị sốt, một bác sỹ nói: “Pháp Luân Công à? Hãy yên tâm về đi; chúng tôi biết cách chăm sóc cho trường hợp này.” Sau khi bị đầu độc đến chết vào hôm sau, toàn bộ cơ thể của cô trở nên tím tái với dấu hiệu chảy máu mũi và miệng. Cô để lại một con gái bốn tháng tuổi.
* Tại Bệnh viện Tâm thần Mông Âm ở tỉnh Sơn Đông, cô Trương Đức Trân, 38 tuổi, đã bị đánh đập và bức thực cũng như bị tiêm những loại chất không rõ nguồn gốc. Sau khi cô chết vào ngày 31 tháng 1 năm 2003, một ngày trước Tết Nguyên đán, một công an nói: “Lại một người nữa ra đi.”
Trong khi những trường hợp này làm nổi bật sự tàn bạo của cuộc bức hại, chúng chỉ là phần nổi của tảng băng trôi khi so sánh với quy mô khổng lồ của cuộc đàn áp kéo dài đã 20 năm này.
Trường hợp 1: Chết trong vòng hai ngày ở bệnh viện tâm thần
Cô Vinh Phượng Hiền, 32 tuổi, là một nông dân ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. Cô là người khiêm tốn, tốt bụng và được mọi người kính trọng.
Cô Vinh Phượng Hiền
Ngày 11 tháng 5 năm 2001, cô Vinh bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Khu Bắc Thị. Vì đức tin vào Pháp Luân Công và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, cô đã bị giam trong phòng biệt giam. Trưa ngày 17 tháng 5, cô yếu đi và bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Bảo Định. Người nhà cô bị yêu cầu rời đi và sau đó cô đã bị tiêm một loại thuốc không rõ nguồn gốc. Ngày hôm sau, cô Vinh đã qua đời tại bệnh viện.
Công an nói rằng cô chết do bị ngã khỏi giường. Họ đã trả cho gia đình cô 7.000 nhân dân tệ để bồi thường.
Trường hợp 2: Bị tiêm thuốc độc trong chín ngày
Anh Tô Cương, 32 tuổi, là một kỹ sư máy tính tại Sinopec Qilu, một công ty ở thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông. Anh đã nhận bằng cử nhân khoa học máy tính ở Đại học Sơn Đông, một trường đại học hàng đầu ở tỉnh Sơn Đông. Vì đức tin của mình, anh đã bị công an đưa đến Bệnh viện Tâm thần Trường Lạc vào ngày 23 tháng 5 năm 2000. Nhân viên bệnh viện ở đó đã tiêm một lượng lớn thuốc phá huỷ thần kinh vào cơ thể anh.
Khi công an chuyển anh Tôn cho cha anh vào lúc 6 giờ tối ngày 31 tháng 5, anh trông nhợt nhạt và cảm thấy tê liệt. Ngoài việc phản ứng chậm và di chuyển không linh hoạt, anh còn rất yếu. Anh đã chết vào sáng ngày 10 tháng 6 năm 2000.
Trường hợp 3: Đi 17 ngày đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện và chết trong một bệnh viện tâm thần
Cô Mã Diễm Phương là công nhân Nhà máy Gốm Thành phố Chư Thành ở tỉnh Sơn Đông, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998. Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, cô đã đi bộ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 4 năm 2000 chỉ với 10 nhân dân tệ trong người. Trên đường đi, cô uống nước từ các dòng sông, ăn bánh hấp lạnh ngắt và ngủ trên đường vào buổi tối. Khi hết tiền, cô đã bán tóc của mình với giá 9 nhân dân tệ. Cuối cùng, cô đã đến Bắc Kinh sau 17 ngày đi bộ khoảng 400 dặm.
Cô Mã Diễm Phương
Ngay sau khi bị bắt, cô bị đưa về quê và bị giam tại nơi làm việc. Vì cô phản kháng bằng cách tuyệt thực, giới chức trách tại nhà máy đã gửi cô tới Bệnh viện Tâm thần Chư Thành. Các bác sỹ ở đó đã tiêm vào cô các loại thuốc thần kinh dẫn đến cái chết của cô hai tháng sau đó tại bệnh viện vào tháng 9 năm 2000.
Trường hợp 4: Chết trước mặt nhân viên Phòng 610 sau khi bị tiêm thuốc gây chết người
Cô Trương Phó Trân
Cô Trương Phó Trân, 38 tuổi, là nhân viên tại Công viên Hiện Hà, thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông. Sau khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 11 năm 2000, cô đã bị bắt và bị đưa về lại thành phố Bình Độ. Công an đã lột hết quần áo của cô, cạo đầu cô và trói thân thể trần truồng của cô vào một cái giường với hai chân giang rộng ra.
Một công an đã tiêm một chất không rõ nguồn gốc vào người cô. Cô bắt đầu vật lộn trong đau đớn và chết sau đó. Người của Phòng 610 quan sát toàn bộ quá trình này.
Trường hợp 5: Bị liệt sau khi bị tiêm thuốc
Cô Tôn Hoành Diễm, 28 tuổi, là một giáo viên tại Trường Trung học Trấn Du Đà ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, cô đã đến Bắc Kinh hai lần để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Cô đã bị bắt và bị đưa đến Trại Lao động Long Sơn ở thành phố Thẩm Dương.
Cô Tôn Hoành Diễm
Sau đó cô Tôn bị chuyển đến Bệnh viện Nhà tù Số 1 Thẩm Dương, nơi cô bị cưỡng ép tiêm thuốc. Không lâu sau đó cô bị liệt và không thể tự chủ được việc tiểu tiện. Vào tháng 3 năm 2001, công an đã in dấu vân tay của cô vào các biên bản lăng mạ Pháp Luân Công dù tại thời điểm đó cô bị bất tỉnh.
Khi gia đình đến đón về, cô đã ở trên bờ vực cái chết với những vết thương lở loét khắp cơ thể. Khoảng 10 ngày sau cô qua đời.
Trường hợp 6: “Tôi đã bị tiêm thuốc!”
Anh Cúc Á Quân, 33 tuổi, là một nông dân ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Anh nổi tiếng trong cộng đồng vì là người rất tốt. Anh đã đến Bắc Kinh vào ngày 11 tháng 10 năm 2000 để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị giam hơn hai tháng tại trại tạm giam Số 2 A Thành.
Anh Cúc Á Quân
Khi trở về nhà sau một tháng hai ngày, anh lại bị giam ở trại tạm giam trên lần nữa, nơi đây anh bị tra tấn bằng phương thức “lái máy bay”. Hai cánh tay anh bị kéo ra sau lưng, đồng thời nửa thân trên cong 90 độ song song với mặt đất. Bất cứ cử động nhẹ nào cũng sẽ khiến các lính canh đánh anh.
Ngày 5 tháng 7 năm 2001, anh bị đưa đến Trại Lao động Vạn Gian trong một năm. Ở đó, anh bị trói vào một cái ghế kim loại trong ba ngày. Tám ngày sau, anh bị chuyển đến Trại Lao động Trường Lâm Tử ở thành phố Cáp Nhĩ Tân.
Vì anh tuyệt thực nên bị đưa đến Phòng nha khoa Trường Lâm Tử vào trưa ngày 21 tháng 10 năm 2001 để bức thực và tiêm thuốc. Khi trở về lại xà lim vào khoảng 9 giờ tối, anh bị khó thở.
Chỉ vào cánh tay của mình, anh liên tục nói: “Tôi bị tiêm thuốc! Tôi bị tiêm thuốc!”
Tối ngày hôm sau, anh đột nhiên bất tỉnh và cổ bị cứng. Hai ngày sau, bốn công an ở Trại Lao động Trường Lâm Tử đưa anh đến văn phòng thị trấn Ngọc Tuyền và ép gia đình anh ký vào một biên bản không truy tố trách nhiệm pháp lý của trại lao động nếu anh chết.
Dù anh đang trong tình trạng nguy hiểm, công an đã rời đi ngay lập tức khi họ có được những chữ ký cần thiết. Gia đình đã đưa anh Cổ đến Bệnh viện Liên kết Số 2 của Đại học Y Cáp Nhĩ Tân trong đêm đó nhưng mọi nỗ lực của họ đã quá trễ. Anh đã qua đời vào ngày 26 tháng 10 năm 2001.
Trường hợp 7: Phòng 610 tuyên bố một học viên chết do “tự sát”
Ông Trương Phương Lương nguyên là phó chủ tịch huyện Vinh Xương. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998, bệnh xơ gan và viêm gan B đã hành hạ ông trong 23 năm đã được chữa lành. Vì tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, ông không bao giờ nhận hối lộ và được biết đến là một quan chức ngay thẳng.
Ông Trương Phương Lương, nguyên phó chủ tịch huyện Vinh Xương
Ông Trương đã bị bắt vào tháng 10 năm 2001 vì phân phát tài liệu giới thiệu thông tin về Pháp Luân Công tại một hội nghị ở huyện Đồng Lương và bị giam tại trại tạm giam Đồng Lương. Ngày 3 tháng 7 năm 2002, gia đình đã đến thăm ông. Khi đó, tứ chi của ông sưng phồng và ông không thể đứng thẳng. Dù được bốn tù nhân đưa ra ngoài, ông vẫn còn tỉnh táo và nói chuyện rõ ràng.
Gia đình đã yêu cầu bảo lãnh điều trị cho sức khoẻ kém của ông, nhưng Lưu An Học, phó bí thư Uỷ ban Chính trị và Pháp luật Đồng Lương đã từ chối yêu cầu của họ. Họ đưa ông đến Bệnh viện Đồng Lương vào ngày 8 tháng 7. Dù sức khoẻ kém nhưng ông vẫn bị lính canh còng tay và tiêm thuốc không rõ nguồn gốc.
Khi gia đình nghe tin, họ đã tức tốc chạy đến bệnh viện để gặp ông. Khi đó, ông đã nửa tỉnh nửa mê và không thể nhận ra bất kỳ ai nữa, thậm chí là vợ ông. Khi gia đình hỏi điều gì đã xảy ra, Lưu đã không trả lời được trực tiếp. Một nhân viên Phòng 610 đã ngừng tiêm tĩnh mạch cho ông và hối thúc gia đình đưa ông về nhà.
Khi về đến nhà, ông bị ù tai nặng và khó thở. Gia đình đã nhanh chóng đưa ông đến Bệnh viện Vinh Xương, tại đây tim ông ngừng đập vào lúc 6 giờ sáng hôm sau.
Sau khi ông chết, Phòng 610 đã lan truyền tin đồn rằng ông chết do tự sát tại nhà.
Trường hợp 8: Nói dối rằng một học viên chết do bị đột quỵ
Ông Lý Hồng Bân, 43 tuổi, là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố A Thành, tỉnh Hắc Long Giang. Sau khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 3 tháng 11 năm 2000, ông đã bị bắt và bị giam 15 ngày ở trại tạm giam A Thành.
Ngày 19 tháng 12 năm 2000, công an của Đồn Công an Dân Chủ lại bắt ông tại nhà và đưa ông đến một trung tâm tẩy não. Sau đó ông phải thụ án một năm tù ở một trại lao động.
Năm 2002, ông lại bị đưa đến Trại Lao động Trường Lâm Tử ở thành phố Cáp Nhĩ Tân. Vì kiên định với đức tin của mình, ông đã bị tra tấn tàn bạo và chết hai tuần sau đó.
Ông Lý Hồng Bân
Theo lời gia đình, ông đã chết vào ngày 14 tháng 7 năm 2002. Hai mắt ông mở to khi chết. Các học viên bị giam cùng ông kể lại rằng ông bị biệt giam sau khi tuyệt thực. Sau khi bị người của trại bức thực, ông đã bị tiêu chảy kéo dài. Những loại thuốc không rõ nguồn gốc được trộn vào thức ăn của ông trong những lần bức thực.
Sau lần tra tấn này ông bị biệt giam. Khi có người đến kiểm tra cho ông, ông đã qua đời.
Để che đậy cái chết do bị ngược đãi, trại lao động đã gửi thi thể của ông đến một bệnh viện và ra lệnh cho nhân viên y tế tiêm tĩnh mạch như thể là họ đang cố gắng cứu sống ông. Sau đó họ tuyên bố rằng ông chết do bị đột quỵ.
Trường hợp 9: Giáo viên về hưu sau khi bị tiêm thuốc độc qua đường hậu môn
Bà Trương Thục Trân, một giáo viên trung học về hưu
Bà Trương Thục Trân, 51 tuổi, là một giáo viên về hưu của Trường Trung học Viễn Đại ở Bắc Kinh. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1992. Năm 2001, bà bị bắt vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công và bị đưa đến Trại Lao động Thanh Hà.
Trong trại lao động, bà không được ngủ trong nhiều ngày liền. Các lính anh đã sốc điện bà bằng dùi cui điện và đập đầu bà vào tường nhiều lần. Họ tra tấn bà nhằm lấy thông tin của các học viên khác nhưng bà không tiết lộ điều gì.
Các lính canh cũng tiêm một loại chất không rõ nguồn gốc qua hậu môn của bà khiến bà đau bụng dữ dội. Bụng của bà ứ lại đến kích thước to hơn một phụ nữ mang thai.
Sau đó bà bị chuyển đến Trại Lao động Đoàn Hà. Trên đường đến đó, bà bị đau bụng cấp tính. Để trốn tránh trách nhiệm, họ đã thông báo cho gia đình đến đón bà về. Bà được đưa đến Bệnh viện Hải Điến lúc 7 giờ tối ngày 9 tháng 10 năm 2002 và chết hai tiếng sau đó lúc 9 giờ tối.
Trường hợp 10: “Tôi không thể nói điều này. Tôi không muốn phải chịu trách nhiệm.”
Bà Hồ Hồng Dược, 45 tuổi, là nhân viên của Nhà máy Bơm dầu Tân Đô ở tỉnh Tứ Xuyên. Sau Đại hội Toàn quốc 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 9 năm 2002, các sở công an trên khắp thành phố Thành Đô được giao nhiệm vụ phải đạt chỉ tiêu trong việc bắt giữ các học viên.
Bà Hồ mất tích vào ngày 28 tháng 9 năm 2002. Tháng 11 năm 2002, công an thông báo đến nơi làm việc của bà về cái chết của bà.
Bà Hồ Hồng Dược, nhân viên của Nhà máy Bơm dầu Tân Đô ở tỉnh Tứ Xuyên
Công an chỉ đưa ra một bức ảnh của bà Hồ cho gia đình và nơi làm việc của bà và tuyên bố rằng bà bị chết đói. Cả gia đình và lãnh đạo cơ quan của bà không được phép nhìn thấy xác bà và gia đình bị ép phải đồng ý hỏa thiêu vào ngày 19 tháng 11 năm 2002.
Một công an thuộc Văn phòng Tổng Chỉ huy của Sở Công an Thành Đô đã bình luận về cái chết của bà vào ngày 23 tháng 11 năm 2002.
Ông ta nói: “Tôi không thể nói điều này. Tôi không muốn phải chịu trách nhiệm.”
Một học viên khác bị đưa đến Bệnh viện Thanh Dương vào ngày 15 tháng 10 năm 2002 đã viết lại ký ức của cô đối với bà Hồ trong một bài viết gửi cho Minh Huệ Net:
“Sáu ngày sau khi tôi đến đó, thêm hai học viên nữa được đưa đến vào ngày 21 tháng 10. Họ là bà Hồ Hồng Dược và bà Trương Á Linh ở Nhà máy Bơm dầu Tân Đô. Dù công an không cho phép chúng tôi nói chuyện với nhau nhưng chúng tôi cũng cố nói được vài lời.”
“Cả hai người họ bị bắt trên xe buýt và đã tuyệt thực hơn 30 ngày để phản đối việc giam giữ phi pháp. Tuyệt thực vẫn tiếp tục sau khi họ đến đó. Các bác sỹ nối họ lại với nhau để tiêm tĩnh mạch mỗi ngày khiến họ đi tiểu rất nhiều. Nhưng các lính canh không mở xích chân cho họ khiến họ không còn sự lựa chọn nào khác là phải đi tiểu ngay trên giường. Một y tá, do bị ảnh hưởng bởi những lời tuyên truyền của ĐCSTQ, đã khiển trách họ nghiêm khắc. Các lính canh cũng nhục mạ và đánh đập họ. Thời gian trôi đi, y tá không còn thay ga trải giường của họ hàng tuần theo quy định. Họ phải ngủ trên những chiếc giường bẩn thỉu và ẩm ướt. Dù bị ngược đãi vô nhân đạo, họ vẫn kiên định theo đuổi đức tin và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của mình.
“Đến đầu tháng 11, họ không thể nói chuyện bình thường và thường xuyên hỏi: ‘Việc gì đang diễn ra? Tại sao chúng ta ở đây?’ Trí nhớ của họ đã bị suy giảm. Nó là bằng chứng cho thấy họ đã bị tiêm thuốc lạm dụng thần kinh.
“Dù bị như vậy, công an Tân Đô đã không đưa họ ra ngoài. Thay vào đó, mỗi người họ nhận bản án 18 tháng lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, khi cầm thông báo trong tay, họ không thể đọc hay biết nó đề cập đến cái gì.
“Sau hơn 20 ngày trong bệnh viện, bà Hồ đã qua đời vào sáng ngày 12 tháng 11 sau khi vật vã suốt đêm do tác dụng của thuốc. Khi thi thể bà được mang ra ngoài, nó để lại một vết máu đường kính hơn 20cm.”
Trường hợp 11: Một công an nói thầm: “Lại một người nữa ra đi”
Cô Trương Đức Trân, 38 tuổi, một giáo viên sinh học tại Trường Trung học Số 6 Huyện Mông Âm ở tỉnh Sơn Đông. Cô đã bị chẩn đoán viêm gan B trong một cuộc kiểm tra sức khoẻ vào tháng 3 năm 1997. Cô đã đi khắp nơi điều trị nhưng không có kết quả. Cô rất cảm kích khi rốt cuộc bệnh đã được chữa lành sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.
Cô Trương Đức Trân, 38 tuổi, một giáo viên sinh học
Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, cô đã đến Bắc Kinh ba lần để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Cô đã bị bắt trong hai lần và sau đó bị giam.
Ngày 19 tháng 9 năm 2002, người của Đội An ninh Nội địa của công an Mông Âm lại bắt cô Trương và giam cô tại trại tạm giam Mông Âm. Hai công an là Bào Tây Đồng và Điền Liệt Cương đã đá và đánh cô bằng dùi cui cao su. Khi cô tuyệt thực để phản đối, cô đã bị bức thực nhiều lần tại Bệnh viện Mông Âm.
Loại Diên Thành, trưởng Phòng 610 địa phương, đã thảo luận cách cư xử của cô Trương với Tôn Khắc Hải (giám đốc trại tạm giam Mông Âm) và Quách Hưng Bảo (viện trưởng Bệnh viện Mông Âm). Theo chỉ đạo của họ, Vương Xuân Hiểu, một bác sỹ của trại tạm giam, đã dẫn đầu một đội tiêm những chất không rõ nguồn gốc vào người cô Trương khiến cô suýt chết.
Ngày 31 tháng 1 năm 2003 – ngày Tết Trung Hoa Cổ truyền – Cô Trương đã qua đời sau lần cuối bị tiêm thuốc gây chết người.
Một công an nói thầm: “Lại một người nữa ra đi”
Trường hợp 12: Phòng 610 trả lời: “Chúng tôi sẽ không thả cô ấy dù cô ấy có chết ở đây”
Cô Mông Tiêu, 37 tuổi, lớn lên ở một vùng quê thuộc thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm việc tại Nhà máy Thép Thành Đô (sau này là Sắt Thép Phàn Chi Hoa). Khi nhập viện do bị bệnh vào tháng 3 năm 1999, cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và căn bệnh của cô đã được chữa lành.
Cô Mông Tiêu (ảnh chụp trong khi thực tập tại Bắc Kinh)
Cô đã bị bắt và bị kết án hai năm tù sau khi giơ một biểu ngữ liên quan đến Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 17 tháng 11 năm 1999. Trong thời gian bị giam tại Bắc Kinh, cô bị đánh đập, sốc điện, treo lên và các hình thức tra tấn khác.
Ngày 12 tháng 4 năm 2000, cô bị đưa đến Nhà tù Nữ Tứ Xuyên ở thành phố Giản Dương. Cô liên tục bị biệt giam, đánh đập, lôi lên xuống cầu thang và sốc điện. Cô cũng bị còng tay ra sau lưng nhiều lần, gồm nhiều ngày bị bỏ dưới một cửa sổ trong mùa đông giá lạnh khi cô chỉ được mặc một lớp áo vải mỏng trên người.
Minh hoạ tra tấn: Còng tay ra sau lưng
Vì cô Mông phân phát các tài liệu Pháp Luân Công sau khi được thả, người của Đồn Công an Đoàn Kết đã giam cô 15 ngày. Sau khi bài viết phơi bày việc bức hại của cô được đăng trên Minh Huệ Net vào ngày 21 tháng 1 năm 2002, Bộ Công an – thông qua chính quyền tỉnh Tứ Xuyên – đã ra lệnh cho nơi làm việc của cô giám sát cô chặt chẽ. Kết quả là, cô bị giam tại Nhà máy Thép Thành Đô trong một thời gian mà không được về nhà vào buổi tối.
Ngày 24 tháng 4 năm 2002, cô Mông bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Đường Xương. Ở đó cô bị đánh đập và bị đá đến nỗi không thể đứng được vì những vết thương ở cột sống và xương sống. Sau khi rơi vào tình trạng nguy kịch, cô bị đưa trở lại nơi làm việc, tại đây cô bị ép tiêm thuốc phá huỷ thần kinh.
Mặc dù gần như bị liệt, cô vẫn có thể đọc các sách của Pháp Luân Công và luyện công và có thể đứng dậy mà không cần điều trị. Sau đó cô buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.
Ngày 19 tháng 11 năm 2003, cô Mông bị công an Thành Đô và công an huyện Kim Đường bắt giữ. Người của trại tạm giam Kim Đường thường đưa cô đến Bệnh viện Quân đội 201 để tiêm thuốc độc, gây phá huỷ thần kinh, gồm hai liều diazepam và một liều chlorpromazine.
Sau khi cô Mông giải thích với các bác sỹ Pháp Luân Công là gì, họ đã ngừng tiêm thuốc vào cô. Sau đó cô bị đưa đến Bệnh viện Số 1 Kim Đường để tiếp tục ép tiêm thuốc.
Minh hoạ tra tấn: Ép tiêm thuốc không rõ nguồn gốc
Gia đình đã yêu cầu thả cô, nhưng một nhân viên của Phòng 610 Thành Đô đã từ chối.
Anh ta nói: “Chúng tôi sẽ không thả cô ấy dù cô ấy có chết ở đây”
Cô Mông đã chết tại bệnh viện trong khoảng thời gian từ 8 đến 12 tháng 1 năm 2004. Công an đã hoả thiêu thi thể đầy vết thương của cô mà không thông báo cho gia đình biết.
Trường hợp 13: Một dược sỹ khóc trước khi chết: “Tôi không muốn chết! Tôi muốn về nhà!”
Cô Trương Hoành, một dược sỹ tại phòng thí nghiệm sinh hoá. Cô qua đời ở tuổi 31.
Cô Trương Hoành, 31 tuổi, là một dược sỹ làm việc tại Bệnh viện Số 4 Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang. Ngày 8 tháng 5 năm 2004, người của Đồn Công an Đông Phong đã đưa cô đến trại tạm giam Số 2 Cáp Nhĩ Tân. Ngày 22 tháng 7 năm 2004, cô bị đưa đến Đội Huấn luyện của Trại Lao động Vạn Gia để thụ án ba năm.
Vì từ chối viết giấy vu khống Pháp Luân Công, cô Trương đã bị còng tay vào giường tầng trên trong khi chân vẫn đứng trên mặt đất.
Ngày 23 tháng 7 năm 2004, lính canh giữ cô trên một cái giường gỗ, còng hai tay qua đầu và trói hai chân cô bằng dây thừng rồi nối vào cuối giường. Tiếp đó họ tiêm cho cô một liều thuốc không rõ nguồn gốc gây mất tự chủ. Lính canh đã lột hết quần áo cô ngoại trừ một chiếc áo lót và để cô hứng gió trước cửa sổ.
Sau khi cô tuyệt thực vào ngày 24 tháng 7 để phản đối, lính canh ra lệnh cho các tù nhân bức thực cô bằng cách lấy bắp trộn với một lượng lớn muối. Cô không được uống nước hay được dùng nhà vệ sinh. Chân cô sưng phồng và tím ngắt. Trong lần bức thực vào ngày 29 tháng 7, một cái khăn dùng trong quá trình bức thực cô đã thấm đẫm máu của cô.
Trước khi tiêm tĩnh mạch cho cô vào ngày 30 tháng 7 năm 2004, một giám thị họ Ngọc đã pha loãng một loại thuốc không rõ nguồn gốc vào nước máy lạnh. Khoảng 8 giờ sáng, cô Trương kêu lên: “Tôi không muốn chết! Tôi muốn về nhà! Địa chỉ nhà tôi là như thế như thế.”
Trưa hôm đó, cô bị còng ta ra sau lưng vào một cái ghế sắt và đầu cô quấn đầy băng keo trắng.
Minh hoạ tra tấn: Ép tiêm thuốc không rõ nguồn gốc
1 giờ chiều ngày 31 tháng 7 năm 2004, hai lính canh đeo khẩu trang ra lệnh cho bốn tù nhân mang cô Trương đến Bệnh viện Quân đội 211. Các nhân chứng nói rằng lúc đó cô đã chết. Lúc 3 giờ 20 phút gia đình cô nhận được thông báo rằng cô đã chết lúc 2 giờ chiều.
Trường hợp 14: Mặt bị biến dạng với máu ở mắt, tai, mũi và miệng
Ông Thường Vĩnh Phúc là một học viên Pháp Luân Công ở huyện Mộc Lan, tỉnh Hắc Long Giang. Ngày 21 tháng 8 năm 2004, người của Đồn Công an Số 1 Mộc Lan đã bắt ông tại nhà và đưa đến Trại Lao động Trường Lâm Tử. Ở đó, các lính canh và tù nhân đánh ông nhiều lần khiến ông rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê.
Để trốn tránh trách nhiệm trong việc ngược đãi ông Thường, trại lao động đã đưa ông về lại huyện Mộc Lan. Phòng 610 Mộc Lan đã bí mật đưa ông đến Bệnh viện Tâm thần Đông Hưng ở huyện Mộc Lan và sau đó là Bệnh viện Tâm thần Phổ Ninh ở Cáp Nhĩ Tân để bức hại thêm nữa.
Ông Thường Vĩnh Phúc
Cơ thể của ông Thường Vĩnh Phúc
Tháng 10 năm 2006, bệnh viện đã thông báo cho chị của ông đến đón ông. Khi đó ông đã trở nên bất ổn về tinh thần. Mũi ông sưng phồng, ông không thể ngủ cả ngày lẫn đêm và thường xuyên hét lên. Thị lực của ông bị suy giảm đến mức mù hoàn toàn. Trong lúc đột ngột tỉnh táo, ông nói rằng các bệnh viện tâm thần đã cho ông dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc khiến toàn thân ông đau nhức. Mũi, đầu và mắt của ông đặc biệt nhạy cảm.
Ông đã qua đời lúc 5 giờ sáng ngày 18 tháng 1 năm 2007 ở tuổi 44. Có máu ở mắt, tai, mũi và miệng tại thời điểm ông qua đời.
Trường hợp 15: “Chúng tôi biết cách chăm sóc cho trường hợp này.”
Cô Tào Uyển Như là một học viên Pháp Luân Công ở huyện Lai Nguyên, tỉnh Hà Bắc. Một ngày năm 2005, cô có triệu chứng bị sốt. Do bị ảnh hưởng của tuyên truyền của ĐCSTQ, gia đình đã đưa cô đến Bệnh viện Tâm thần Bảo Định.
Khi cô Tào Uyển Như, 35 tuổi, bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Bảo Định do bị sốt, một bác sỹ nói: “Pháp Luân Công à? Hãy yên tâm; chúng tôi biết cách chăm sóc cho trường hợp này.” Sau khi bị đầu độc đến chết vào hôm sau, toàn bộ cơ thể của cô trở nên tím tái với dấu hiệu chảy máu mũi và miệng.Gia đình rất hối hận vì quyết định của họ những đã quá muộn. Khi đó cô 35 tuổi và để lại một con gái bốn tháng tuổi.
Cô Tào Uyển Như
Trường hợp 16: “Nếu không chết, bà ấy sẽ trông giống như một quả bom.”
Bà Lưu Hiểu Liên sống ở trấn Bát Bảo Đao, thành phố Xích Bích, tỉnh Hồ Bắc. Bà mắc nhiều bệnh và mất thị lực ở mắt phải vào năm 1958. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995, tất cả mọi bệnh tật của bà đã biến mất chỉ trong hai tuần; thậm chí bà đã lấy lại được thị lực ở mắt phải. Bà luôn hạnh phúc khi chia sẻ với mọi người niềm vui và vẻ đẹp trong tu luyện mà bà đã trải nghiệm.
Bà Lưu Hiểu Liên
Lần giam giữ đầu tiên: Bị ép tiêm thuốc
Tháng 12 năm 2000, bà Lưu đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Khi đến Quảng trường Thiên An Môn, bà đã bị bắt và đánh đập. Ba ngày sau, bà bị đưa đến thành phố Hải Thành, tỉnh Liêu Ninh, nơi đây bà bị phơi trong thời tiết cực kỳ giá rét và không được cung cấp đủ thức ăn.
Ngày 17 tháng 1 năm 2001, người của Sở Công an Xích Bích đưa bà đến trại tạm giam Số 2 Xích Bích và giam ở đó. Công an đã thuê một nhân viên tạm thời là Hiệp Quân để tra tấn bà. Hiệp đã đánh vào đầu, mắt, ngực và bụng bà mỗi buổi sáng. Khoảng Tết Nguyên đán, bà bị chuyển đến trại tạm giam Số 1 Xích Bích.
Ngày 28 tháng 6 năm 2002, hai phó giám đốc trại là Đặng Định Sanh và Tiền Ngọc Lan đã đưa bà đến Bệnh viện Số 1 Xích Bích. Lính canh Tống Ngọc Trân và hai tù nhân cũng tham gia. Các bác sỹ đã chuẩn bị tiêm thuốc mà không khám cho bà. Người của trại đã còng tay và chân bà vào bốn góc giường. Sau đó bà bị bịt mắt và bị tiêm thuốc.
Tối hôm đó, máu chảy ra từ miệng, mũi, tai và mắt của bà. Hai mắt bà rất đau. Bà bị nôn mửa và tiêu chảy, tiểu ra máu và có máu đông trong ruột. Năm ngày sau, phân của bà trở nên đen kịt và có lẫn cả máu.
Mỗi khi dùng nhà vệ sinh, bà bị đau đến nỗi giống như sinh đẻ. Bà không thể ăn mà chỉ có thể uống một ít nước. Nhận ra rằng bà sắp chết, người của trại tạm giam đã thả bà sau khi buộc gia đình bà trả 3.000 nhân dân tệ.
Bà Lưu ở trong tình trạng nguy hiểm khi về đến nhà và gia đình nghĩ rằng bà không còn sống được bao lâu. Họ đã chuẩn bị ma chay cho bà. Nhưng kỳ diệu thay, bà đã hồi phục. Dù còn yếu, vào những ngày tốt hơn bà đã ra ngoài nói chuyện với mọi người về sự bức hại mà bà đã phải chịu đựng.
Lần giam giữ thứ hai: Hình thức tra tấn “Ngũ mã phanh thây”
Tuy nhiên, vào ngày thứ hai khi bà đi ra ngoài, công an địa phương đã đến nhà và lôi bà ra khỏi giường. Bà bị chuyển đến trại tạm giam Số 1 Thành phố Xích Phong vào ngày 17 tháng 10 năm 2002.
Ngày 6 tháng 12 năm 2002, phó giám đốc Đặng Định Sanh cùng một chục lính canh và bốn tù nhân đã tra tấn bà Lưu. Bốn tù nhân nắm tứ chi của bà và giật mạnh. Đặng nắm đầu bà và cũng giật mạnh. Hình thức tra tấn này gọi là “ngũ mã phanh thây”, khiến hậu môn của bà Lưu bị xé toạc và nhiều xương bị trật khớp.
Sau đó các lính canh khác cũng tham gia tra tấn bà Lưu. Từng người một đánh bà bằng xích sắt nặng. Nhiều xương của bà bị gãy và bà đã bất tỉnh. Sau khi bà tỉnh lại, họ đẩy mạnh cổ của bà về phía vai và bà lại ngất đi. Sau khi tỉnh lại, bà bị xích trói lại hơn một tuần và không được uống nước trong hai tuần.
Ngày 29 tháng 4 năm 2003, để ép bà từ bỏ Pháp Luân Công, Đặng Định Sanh và nhiều lính canh khác lại đánh đập bà. Lần này, đầu bà bị chảy máu và xương ở hai tay, hai chân, bàn tay, ngực và thắt lưng bị gãy.
Các lính canh nghĩ rằng bà sẽ chết nên họ đã ném bà xuống một cái ao trong vườn. Khi thấy bà không chết, họ đá và dẫm lên người bà. Các khớp ở tay và chân bị gãy đến mức một số xương lộ ra. Bằng cách nào đó bà vẫn còn sống. Vì bà không thể tự chăm sóc bản thân được nữa nên người của trại tạm giam đã thông báo cho gia đình vào ngày 29 tháng 5 năm 2004 để họ đến và đưa bà về nhà.
Lần giam giữ thứ năm: “Bông hoa sen lần này sẽ tàn”
Tháng 12 năm 2003, Minh Huệ Net đăng bài viết “Sống sót sau khi bị tra tấn tàn tệ – Bông hoa sen không bao giờ tàn úa” miêu tả sự tra tấn tàn ác mà bà Lưu đã trải qua trong trại lao động.
Để trả đũa, Phòng 610 Thành phố Xích Bích và Cục An ninh Nhà nước đã làm việc với các quan chức địa phương và bắt giữ bà Lưu tại nhà vào ngày 29 tháng 12 năm 2003. Ngày 10 tháng 1 năm 2004, Phòng 610 thành phố và người của An ninh Quốc gia đã chuyển bà từ nhà tạm gian đến trại tạm giam thành phố. Trước khi vào xà lim, giám đốc Đặng Định Sanh đã húc và đánh vào đầu bà trong khi nói: “Chúng tôi sẽ rút thăm và lại đánh đập bà!”
Chu Tân Hoa, phó bí thư của trấn Xích Bích đã nói chuyện với chồng bà Lưu. Ông ta nói: “Bài viết trên Minh Huệ Net miêu tả bà Lưu là một hoa sen không bao giờ tàn. Nhưng tôi biết lần này hoa sen sẽ tàn. Nếu bà ta chết, ông muốn bao nhiêu tiền từ chúng tôi.”
Việc tra tấn bà Lưu ngày càng leo thang. Ngày 19 tháng 2 năm 2004, khi bà đang ngồi thiền, phó giám đốc trại là Tiền Ngọc Lan đã dùng một chiếc giày bốt nặng để đánh vào đầu bà, khiến hai mắt và lỗ tai bà chảy máu, và máu chảy mạnh ra từ mũi bà, thấm ướt cả cơ thể và chăn của bà trong xà lim. Vì bà không thể tự chăm sóc mình, họ đã đưa bà về nhà vào ngày 29 tháng 5 năm 2004 để trốn tránh trách nhiệm về sức khoẻ của bà.
Một quan chức nói: “Nếu bà ta không chết, bà ta sẽ là một quả bom.”
Lần giam giữ thứ tư: Không thể nói chuyện sau khi bị ép dùng thuốc
Ngày 26 tháng 4 năm 2006, công an lại bắt bà. Lần này, bà bị đưa trực tiếp đến Bệnh viện Tâm thần Bồ Phưởng ở thành phố Xích Bích. Vì đã bị bức hại tàn bạo nên bà trở nên câm lặng. Sau đây là sự việc bà viết trong ghi chú chép tay của mình:
“Một bác sỹ là giám đốc Trương đã thoả thuận với chính quyền Trấn Xích Bích và công an sẽ lạm dụng việc chữa trị đối với tôi với giá 6.000 nhân dân tệ. Dưới sự chỉ đạo của giám đốc Trương và đồng phạm, tôi đã bị sốc điện với điện thế cao và bị châm kim điện trong bốn tiếng. Ông ta còn ra lệnh cho một nam bệnh nhân tâm thần trẻ tuổi lăng mạ, nguyền rủa, đánh đập và quấy rối tình dục tôi.
“Tôi cũng bị bức thực bằng cá loại thuốc gây hại cho cơ thể mình. Ông ta cũng tiêm cho tôi 11 lít thuốc tĩnh mạch độc hại trong 24 tiếng. Sau đó, da trên toàn bộ cơ thể tôi chuyển thành màu đen và tôi bất tỉnh trong 48 tiếng. Khi tỉnh lại, tôi không thể nói được. Bác sỹ chỉ dừng việc ngược đãi y tế khi thấy tôi bị câm.”
Lần giam giữ thứ năm: Tiếp tục bị ngược đãi bằng thuốc và qua đời
Ngày 1 tháng 9 năm 2006, bà Lưu lại bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Bồ Phưởng Xích Bích và bị bức hại. Bà đã bị bức thực, bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, bị sốc điện bằng kim điện và bị làm ngạt bằng một tấm mền trong vài giờ. Bà đã ở trên bờ vực cái chết. Người chịu trách nhiệm cho việc bức hại gồm bác sĩ Hàn Hải, bác sĩ Trầm Tổ Ba, và giám đốc Trương Hoành Cảnh.
Toàn bộ cơ thể bà Lưu sưng phồng và bà sắp chết.
Trong hai năm bị giam, bà Lưu tiếp tục bị tra tấn về thể xác và tinh thần. Đến tháng 9 năm 2008, cả người bà sưng phồng, khó thở và không thể đi tiểu. Bà được đưa về nhà sau khi bác sỹ nói rằng bà chỉ còn sống khoảng 20 ngày.
Sau hơn năm năm bốn tháng bị khủng bố tàn khốc, bà Lưu đã qua đời vào ngày 26 tháng 10 năm 2008. Đêm hôm đó, sáu công an mặc thường phục đã canh bên ngoài nhà bà để cố bắt bất kỳ học viên Pháp Luân Công nào có thể đến thăm bà.
Trường hợp 17: “Chịu trách nhiệm đối với bà ta”
Bà Cung Huy, 57 tuổi, là một bác sỹ tại Mỏ dầu Đại Cảng ở Thiên Tân. Bà đã nghỉ hưu sớm do mắc nhiều căn bệnh. Ba tháng sau khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, mọi căn bệnh của bà đã biến mất. Bà tràn đầy năng lượng và trông trẻ hơn ít nhất 10 tuổi.
Bà Cung Huy, cựu bác sỹ tại Mỏ dầu Đại Cảng
Ngày 13 tháng 8 năm 2008, công an địa phương và Đội An ninh Nội địa đã bắt bà với cái cớ “duy trì an ninh quốc gia” trước Thế Vận hội Bắc Kinh. Bà bị giam 35 ngày tại trại tạm giam Khu Nam Khai và sau đó bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Bản Kiều ở khu Đại Cảng vào ngày 17 tháng 9 năm 2008.
Nghi ngờ rằng trại lao động đã bỏ thuốc vào thức ăn và nước uống của bà khiến bà bị mất cân bằng về tinh thần. Ánh mắt bà vô hồn mãi mãi và bà bị run rẩy thường xuyên. Bà không thể ngủ như bình thường và sẽ run rẩy không kiểm soát được khi đi lại.
Khi ở trong tình trạng này, trại lao động cưỡng bức đã khiến bà viết ba tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Sau đó, họ để bà làm việc trong xưởng lao động của trại và đưa bà đến các bệnh viện khác nhau để kiểm tra.
Ngoài thuốc độc thần kinh, các viên chức cũng ép bà dùng thuốc ức chế thần kinh, khiến bà đau đớn và hoang mang mỗi ngày.
Một quan chức tuyên bố: “Chúng ta đang chịu trách nhiệm với bà ấy.”
Một chất trông bóng loáng được tìm thấy trong nước uống mà trại lao động đưa cho một số học viên Pháp Luân Công, gồm cả bà Cung. Sau khi uống nước này, lưỡi của nạn nhân sẽ cảm thấy tê và chảy máu. Lưỡi cũng sẽ có cảm giác như bị quấn bằng một sợi dây kim loại. Sau một lúc, nạn nhân sẽ cảm thấy tê dại khắp người, toàn thân run rẩy, cảm thấy bối rối và khó thở, cuối cùng dẫn đến việc khó kiểm soát bản thân và giữ bình tĩnh.
Bà Cung bị đưa về nhà sau mười tháng bị mất cân bằng về tinh thần. Bà đã qua đời vào 22 ngày sau đó vào ngày 4 tháng 12 năm 2009.
Trường hợp 18: Bác sỹ nói: “Điều trị cho bà ấy bằng thuốc dùng cho Pháp Luân Công!”
Bà Từ Đức Tồn, 52 tuổi, là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông. Sau khi bị bắt và bị đưa đến Đồn Công an Phố Bắc Giải Phóng vào ngày 27 tháng 4 năm 2002, bà đã trốn thoát vào ngày hôm sau.
Trong tám năm tiếp theo, bà buộc phải sống xa gia đình để tránh bị bắt. Sau khi trở về nhà để chăm sóc cho con trai và mẹ chồng già vào ngày 30 tháng 4 năm 2010, bà lại bị bắt vào ngày 2 tháng 5 và đã bị kết án hai năm tù.
Sau khi được thả vào năm 2012, bà cảm thấy kiệt sức do mệt mỏi như thể bị ảnh hưởng bởi một số thuốc.
Khi sức khoẻ tiếp tục xấu đi, gia đình đã đưa bà đến Bệnh viện Thành phố Tảo Trang. Ban đầu các bác sỹ đã từ chối nhận bà khi thấy bà có sức khoẻ kém như vậy.
Tuy nhiên, ngay khi biết bà là một học viên Pháp Luân Công, một bác sỹ nói: “Chúng tôi sẽ điều trị cho bà ấy bằng thuốc dùng cho Pháp Luân Công!”
Minh họa tra tấn: Ép dùng thuốc
Vào 5 giờ sáng ngày 6 tháng 9 năm 2013, bà Từ bị đưa đến Khu Chăm sóc Đặc biệt. Trên đường đi, bà hô to: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!”
Một phút sau khi vào phòng chăm sóc đặc biệt, một bác sỹ tuyên bố bà đã qua đời do bị “chết não”.
Trường hợp 19: Các vết tiêm được trông thấy rõ ràng
Ông La Giang Bình, 51 tuổi, là một cư dân ở thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, đạo đức và sức khoẻ của ông đã được cải thiện rõ rệt. Ông tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn trong cuộc sống và luôn sẵn lòng giúp đỡ hàng xóm khi họ cần.
Trong một vùng mà nước khan hiếm, cư dân địa phương thường xuyên đánh nhau để có nước tưới. Ông La và các học viên khác luôn nghĩ cho người khác trước và thường đợi cho mọi người hoàn thành trước khi tưới nước trên đất của họ. Điều này đã khiến họ được người dân địa phương kính trọng.
Ông La Giang Bình và gia đình
Đầu năm 2002, ông La bị đưa đến Nhà tù Đức Dương để thụ án tù năm năm.
Ngày 6 tháng 1 năm 2021, ông La đến huyện Nam Hoa ở tỉnh Vân Nam để phân phát tài liệu Pháp Luân Công và bị người của Đồn Công an Long Xuyên bắt giữ. Tháng 4 năm 2012, Toà án Nam Hoa đã kết án ông 4,5 năm tù. Ngày 1 tháng 6 năm 2012, ông bị đưa đến Nhà tù Số 1 Vân Nam để thụ án.
Vì đức tin của mình, ông đã bị các lính canh và tù nhân còng tay, đánh đập và tiêm thuốc không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, ông còn phải làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày. Nếu ông không hoàn thành chỉ tiêu thì sẽ bị cấm ngủ hoặc biệt giam.
Trong những lần bức thực liên tục, các cơ miệng của ông bị thương và tất cả răng hàm dưới bị gãy. Hàm trên cũng chỉ còn rất ít răng, những cái khác đã bị gãy.
Khi ông La lâm vào tình trạng nguy hiểm đến mạng sống thì được bảo lãnh điều trị vào ngày 23 tháng 12 năm 2013 do sức khoẻ kém. Ngay khi trở về nhà tại Tứ Xuyên, ông đã kể với mẹ, gia đình và bạn bè về việc ông bị tiêm thuốc độc trong tù.
Những cái lỗ do bị kim tiêm được thấy rõ ràng trên cả hai tay ông. Mỗi vị trí tiêm có một vết bầm đường kính 2cm bao quanh nó. Năm ngày sau ông La đã qua đời vào ngày 28 tháng 12 năm 2013.
Trường hợp 20: Nội tạng bị lấy và gia đình không được nhìn thi thể
Ông Cao Nhất Hỷ, 45 tuổi, là một cư dân ở thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang. Cả gia đình ông lần lượt tu luyện Pháp Luân Công để chữa trị những căn bệnh khác nhau của họ. Những lợi ích sức khoẻ là không thể nghi ngờ, bệnh ung thư dạ dày của chị gái ông đã khỏi, ung thư lưỡi và nhiễm trùng huyết của mẹ ông đã biến mất và tăng nhãn áp của ông cũng không còn. Nhờ tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành người tốt hơn nên cả gia đình họ sống trong hòa thuận hạnh phúc.
Ông Cao Nhất Hỷ
Ông Cao và gia đình đã phải chịu đựng rất lớn sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. Chị ông, bà Cao Tú Vinh, đã bị giam nhiều lần trong các trại lao động và nhà tù. Bị đe doạ bởi sự căng thẳng và khủng bố liên tục, cha ông đã qua đời trong sự lo âu cực độ. Để tránh bị bức hại thêm nữa, ông Cao đã buộc phải sống xa nhà trong nhiều năm.
10 giờ tối ngày 19 tháng 4 năm 2016, vợ chồng ông Cao đã bị bắt tại nhà họ. Ông bị đưa đến trại tạm giam Số 2 Mẫu Đơn Giang vào 5 giờ sáng hôm sau. Khi ông phản đối bằng cách tuyệt thực, các lính canh đã bức thực ông và tiếp tục tra tấn ông.
Ngày 28 tháng 4 năm 2016, ông Cao bị đưa đến Bệnh viện Công an Mẫu Đơn Giang. Các bác sỹ ở đó đã ép tiêm tĩnh mạch vào người ông. Ban đầu ông có thể giật kim ra. Sau đó, các lính canh trói ông vào giường, ngang ngực và chân. Hai tay ông cũng bị còng riêng ra hai bên.
Việc tiêm thuốc vẫn tiếp tục bất chấp sự phản kháng của ông.
Ngay khi nghe việc này, mẹ và chị ông đã đến bệnh viện vào sáng ngày 29 tháng 4 để thăm ông. Nhưng công an đã ngăn lại không cho họ gặp ông Cao.
Vào lúc 5 giờ 40 phút sáng ngày hôm sau, công an cho biết ông Cao đã đột ngột qua đời do bị suy nội tạng. Hai mắt ông mở to và đẫm lệ.
Đầu ông có những vết bầm và hai nắm tay ông nắm chặt, các móng chân chuyển sang tím. Có ba lỗ kim lớn trên bắp chân phải của ông. Một số cơ quan nội tạng bị lấy ra khỏi cơ thể của ông. Công an từ chối cho người nhà xem thi thể của ông.
Bài liên quan:
Chính quyền sát hại các học viên nhằm che đậy hành vi tà ác của họ
11 học viên Pháp Luân Công bị giam ở Bắc Kinh qua đời vì những loại thuốc không rõ nguồn gốc
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/17/397157.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/14/182180.html
Đăng ngày 27-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.