Bài viết của đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[MINH HUỆ 07-01-2025] Gần đây có những bài báo công kích nhắm thẳng vào Shen Yun và Pháp Luân Công, trong đó nói Pháp Luân Công lợi dụng sự “cuồng tín tôn giáo”, “bức ép và thao túng cực độ”… mục đích cuối cùng mà nó muốn nhắm vào, không gì là muốn truyền đi một thông điệp cốt lõi, rằng thượng tầng của Pháp Luân Công, hay nói thẳng ra là nhà sáng lập Pháp Luân Công, vơ vét tiền tài.

Hãng truyền thông phương Tây nọ dùng ngữ khí và văn phong cường điệu để đặt ra nghi vấn về một đoàn nghệ thuật nổi danh thế giới tích lũy được 266 triệu đô la Mỹ trong hơn 20 năm ròng. Dường như trong mắt họ, loại hình vũ kịch do người Hoa sáng lập và triển khai căn bản không thể nào đạt được thành công như thế ở xã hội phương Tây bằng con đường chính thường, kinh nghiệm nơi thế tục khiến họ cho rằng nhất định phải dùng cách thức nào đó mà không ai biết. Theo cáo buộc của kênh truyền thông kia, mục đích của nhà sáng lập Pháp Luân Công và các đệ tử là thu về lợi ích vật chất nhiều nhất có thể. Thật sự là vậy sao?

Trước hết, chúng ta hãy phân tích xem ước nguyện ban đầu của các tổ chức tiếp cận xã hội do học viên Pháp Luân Công thành lập như The Epoch Times, NTD, và Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun — mục tiêu cốt lõi của họ là lợi nhuận sao? Nếu chỉ đơn thuần nhìn từ góc độ kiếm tiền, vậy thì hết thảy những gì nhà sáng lập Pháp Luân Công và các đệ tử làm trong xã hội ngày nay là cách kiếm tiền chậm nhất, vất vả nhất mà lợi nhuận thu về lại ít nhất.

Theo các tài liệu công khai, trước ngày “20/7” là thời kỳ toàn thịnh của Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục; theo ước tính của chính quyền Trung Cộng, bấy giờ có khoảng 70-100 triệu người tu luyện, Pháp Luân Công là môn phái “khí công” có số người Trung Quốc tu luyện nhiều nhất khi ấy, thậm chí còn nhiều hơn tổng số người tập luyện các môn khí không khác cộng lại. Nếu xét từ quan điểm tiếp thị hiện đại, thì “lợi nhuận theo đầu người” lớn như thế, làm chút kinh tế từ người hâm mộ chẳng phải sẽ kiếm tiền dễ dàng hơn sao?

Nhưng sự thật chứng minh rằng, người tu luyện Pháp Luân Công khắp nơi, ngoài mua sách Đại Pháp và băng đĩa luyện các bài công pháp ra, còn lại, việc tham gia Pháp hội, học Pháp luyện công tập thể, cũng như phụ đạo viên dạy công đều hoàn toàn miễn phí; hơn nữa, chi phí mua sách thường cũng không quá mấy chục đồng (trong đó chủ yếu là cuốn “Chuyển Pháp Luân” giá 12 Nhân dân tệ, băng đĩa luyện công có giá gần bằng giá băng đĩa trắng là khoảng 10 Nhân dân tệ một đĩa). Ngoài đó ra, nhà sáng lập Pháp Luân Công không thu bất kỳ khoản phí nào từ học viên vì bất cứ lý do gì. Vào những năm 1990, nhà sáng lập Pháp Luân Công khi mở lớp, chỉ thu 40 tệ một học viên cho toàn bộ khóa học hoàn chỉnh kéo dài chín ngày, ngoài ra không có bất kỳ khoản thu nào khác. Số tiền này được dùng để trả phí thuê địa điểm, chi phí in tài liệu cho học viên, và chi phí đi lại, ăn ở cho các đệ tử đi theo; sau khi chi trả các khoản phí này, số tiền còn lại không còn được bao nhiêu nữa.

Có người có thể nói rằng, do kinh tế thời đó nhìn chung chưa phát triển nên có thể nhà sáng lập Pháp Luân Công chưa nghĩ ra cách kiếm tiền. Thật vậy sao?! Vậy ta hãy xem tình huống khí công ở Trung Quốc thời đó.

Theo các tài liệu công khai, từ những năm 1990, Hiệp hội Khí công Trung Quốc đã tiến hành thu phí theo nhiều cấp độ và loại hình. Theo các tài liệu công khai, bộ công pháp cấp một, cấp hai, cấp ba, cấp bốn của hiệp hội này có phí tương ứng là khoảng 40 tệ, 70 tệ, 200 tệ và 200 tệ; rồi phí bái sư là 300 đồng, phí phụ đạo 200 đồng, trong đó cuốn “Viên Đốn Bí Pháp” còn có giá cực cao, sau này còn bán với giá 2.000 tệ, mà đây mới chỉ vỏn vẹn là học công thôi. Theo trí nhớ của những người từng học công trước đây, khi ấy, Hiệp hội Khí công Trung Quốc có chuỗi ngành nghề kinh doanh rộng lớn, chẳng hạn như “trà tín tức” Thanh Thành Sơn nổi danh một thời, cả nước có khoảng 10 cơ sở dưỡng sinh cao cấp với quy mô lớn, v.v., đều có giá không hề nhỏ.

Ngoài ra, lãnh đạo của Hiệp hội Khí công Trung Quốc các nơi còn có một số hạng mục thu phí khác. Một người quen thân của tôi từng luyện công nọ kể rằng, vào giữa thập niên 90, phụ đạo viên khí công Trung Quốc của anh từng giới thiệu cho anh một loại “công pháp cao cấp”, cũng thuộc diện thu phí. Vì đã lâu quá rồi, nên học phí cụ thể là bao nhiêu thì anh không nhớ rõ nữa, nhưng anh nhớ đại khái là khoảng 100 đến vài trăm Nhân dân tệ (tiền lương trung bình ở vùng ấy bấy giờ rơi vào khoảng 400-500 tệ). Vị phụ đạo viên khí công kia tuyên bố rằng học xong có thể đắc được một loại công năng đặc dị (thần thông), như dao thị — chỉ cần nói tên và hình dáng đồ vật, thì dù là ở đâu, đều có thể dùng thiên mục để tìm ra. Thế rồi, người quen của tôi yêu cầu phụ đạo viên kia thử kiểm chứng thần thông đó (tìm chiếc chìa khóa anh ấy bị mất), nhưng phụ đạo viên kia sau khi nói ra địa điểm cho anh thì tìm vẫn không thấy, vì không kiểm chứng được nên anh đã từ bỏ việc học công. Phụ đạo viên khí công kia còn có thể dạy cái gọi là “Thần tiên chộp bắt” và các công năng đặc dị khác, cũng có các mức thu phí, nộp một món tiền thì học một loại công năng đặc dị.

Đương nhiên, mục đích ở đây không phải muốn bàn về việc học xong mấy môn khí công Trung Quốc kia, hay uống “trà tín tức” kia xong thì có thể trị bệnh được hay không, cũng không muốn bàn về công gì đó có thể luyện ra được công năng đặc dị hay không. Trọng tâm ở đây muốn nói rằng, thời gian Pháp Luân Công được quảng truyền ở Trung Quốc đại lục là đúng vào thời điểm nổi lên cơn sốt khí công Trung Quốc và các loại khí công khác vào những năm 1990, nghĩa là cùng một thời kỳ. Người tu tập đều biết trong những công pháp ấy, có không ít người luyện công này chưa được bao lâu lại chuyển qua luyện công kia. Hơn nữa, khí công Trung Quốc được truyền ra vào năm 1988, còn Pháp Luân Công chính thức được truyền vào năm 1992, muộn hơn hẳn bốn năm. Vậy nên, nếu nói khi ấy nhà sáng lập Pháp Luân Công không biết cách lợi dụng khí công để làm phương tiện kiếm tiền thì quan điểm này hiển nhiên không có chỗ đứng. Chỉ cần làm y như các môn khí công Trung Quốc khác mà ghi danh thu phí, thì với số người học luyện Pháp Luân Công bấy giờ, cũng đã kiếm được bộn tiền từ lâu rồi.

Nhưng sự thật là, từ khi chính thức được truyền xuất ra ở Trung Quốc đại lục vào năm 1992 cho đến ngày 20 tháng 7 năm 1999 bị Trung Cộng đàn áp phi pháp, Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục không hề thành lập bất kỳ một tổ chức thương mại bên ngoài nào. Đây là những sự thật không thể che đậy; còn nếu như Pháp Luân Công có tổ chức thương mại nào, thì miệng lưỡi Trung Cộng sớm đã nổ như pháo rang rồi.

Nếu nói đến lợi nhuận bằng những con số khổng lồ, ta hãy đổi góc độ khác, thử phân tích về con đường kiếm tiền trong giới tinh anh.

Nói đến con đường kiếm tiền trong giới tinh anh, chúng ta có thể liên tưởng đến một vị khí công đại sư rất hot vào mấy năm trước là Vương Lâm. Đặc điểm của ông ta rất rõ ràng, đó là đi theo con đường giới tinh anh, toàn tiếp xúc với quan chức cấp cao, minh tinh, chính khách. Trước khi bị bóc phốt trên mạng, dân chúng phổ thông hầu như còn chưa từng nghe đến danh hiệu đại sư này, mãi đến những năm 1980-1990, trong tấm ảnh cũ chụp cảnh ông ta làm chiêu “chậu không hiện ra rắn”, có rất nhiều chính trị gia, thương gia thuộc hàng thượng cấp chụp cùng, mọi người mới biết thì ra người này đã len lỏi vào thượng tầng xã hội bao nhiêu năm rồi.

Vậy thì Vương Lâm có bao nhiêu tiền? Vương Lâm tự nói có khoảng hai, ba tỷ Nhân dân tệ, nhưng theo truyền thông tiết lộ có thể không chỉ có thế. Biệt thự ở quê của Vương Lâm, rồi ở Thâm Quyến, Hồng Kông, không dưới năm nơi, trong đó quy mô của “Vương phủ” còn lớn hơn cả khu phức hợp chính quyền quận địa phương, chưa kể đến nào là Rolls-Royce, Bentley, cùng nhiều loại xe sang khác.

Mọi người đều biết, nhà sáng lập Pháp Luân Công cũng không đi con đường này. Nếu đi theo con đường này, Ngài cũng sẽ kiếm được bộn tiền như thế, chứ đâu cần vất vả như hiện giờ. Nếu muốn kiếm tiền, thì chỉ cần định kỳ phục vụ mấy người, hoặc là phục vụ cho một nhóm nhỏ là được. Với độ nổi danh của Pháp Luân Công thời đó ở Đại lục, thì điều đó đâu có khó gì. Ảnh hưởng của Pháp Luân Công trong dân chúng thuộc mọi giai tầng xã hội đều đạt đến mức độ chưa từng có, đương nhiên bao gồm cả thương nhân, chính khách, người nổi tiếng, thậm chí những người thuộc tầng tối cao trong xã hội, nếu không thì không thể giải thích được vì sao Trung Cộng coi Pháp Luân Công là mối uy hiếp hàng đầu.

Tôi là một thương nhân, theo ngôn ngữ trong giới kinh doanh, dùng bất cứ mô hình kinh doanh nào để phân tích về “năng lực thanh khoản / kiếm tiền” của Pháp Luân Công, thì đều cho kết quả “ngốc” nhất, “kém” nhất, “chậm” nhất. Vậy, đây có phải là do nhà sáng lập Pháp Luân Công và các đệ tử năng lực kém chăng? Nếu vậy thì Shen Yun do nhà sáng lập Pháp Luân Công đảm nhận vị trí giám đốc nghệ thuật, chỉ trong mười mấy năm ngắn ngủi, đã vang danh trên khắp thế giới là sao? Những sự thật này phải giải thích thế nào đây?

Không biết hãng truyền thông phương Tây kia “quan tâm” Pháp Luân Công đến thế là vì động cơ gì? Nếu bài báo của kênh truyền thông ấy xuất phát từ lương tri, vậy tôi nghĩ có rất nhiều cách khác để bàn về vấn đề này. Chẳng hạn như: trong ba năm dịch bệnh phong tỏa tại Trung Quốc đại lục, “Trương Hạch Tử” đã lợi dụng bộ xét nghiệm nhanh để chiếm đoạt vài tỷ, thậm chí vài trăm tỷ tiền mồ hôi nước mắt của quốc gia! Một giáo sư đại học nọ đã chỉ ra rằng, chi phí hành chính của chính phủ Trung Quốc đã đứng đầu thế giới, mỗi năm “vài khoản chi tiêu công” đã vượt hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương với tổng mức chi tiêu của rất nhiều quốc gia cộng lại, khiến bách tính lầm than oán thán, khổ không kể xiết!

Một thời gian trước, có ông lão 73 tuổi tại Thâm Quyến được ghép phổi, bệnh viện đã chọn dùng trực thăng để vận chuyển nguồn phổi từ Quảng Châu đến Thâm Quyến chỉ trong 33 phút. Thay phổi thần tốc như thế cho một “người dân phổ thông”, tạm chưa bàn đến thân phận của người này, nhưng về vấn đề cốt lõi là nguồn phổi, dưới áp lực lớn của cư dân mạng Trung Quốc, các cơ quan chức năng hữu quan vẫn không nói rõ ra, cho đến khi cơn sốt trên mạng qua đi. Một vấn đề nghiêm trọng như thế, động chạm đến tội ác trọng điểm của Trung Cộng — thu hoạch nội tạng sống, mà sao truyền thông phương Tây không đưa tin, lại cứ túm lấy việc Shen Yun “kiếm được đến” 266 triệu đô trong hơn 20 năm, mãi không buông vậy?!

Khi bị một chính phủ cường quyền lớn mạnh nhất thế giới đàn áp bằng toàn bộ nguồn lực quốc gia, trong tình cảnh khó khăn không có bất kỳ sự viện trợ nào từ nước ngoài, với sự kiên trì không giải đãi của vô số học viên Pháp Luân Công, không từ gian nan khổ cực trường kỳ phó xuất, nhà sáng lập Pháp Luân Công đã dẫn dắt các đệ tử của mình, dựa vào trình độ nghệ thuật hoàn mỹ và sự ca ngợi hết lời của khán giả, lấy danh tiếng “diễn xuất số một thế giới” mà tích lũy được 266 triệu đô la Mỹ trong 20 năm đằng đẵng, bấy nhiêu mà gọi là nhiều sao?

So sánh một chút: ở Trung Quốc đại lục, một bộ phim điện ảnh chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể đạt được doanh thu phòng vé 1 tỷ, thậm chí mấy tỷ Nhân dân tệ; một người nổi tiếng trên mạng bán hàng trực tiếp, một buổi phát sóng trực tiếp có thể thu về doanh thu hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu Nhân dân tệ… Nhìn ra thế giới, có người nổi tiếng, ngôi sao, người nổi tiếng trên mạng nào có ảnh hưởng lớn, nhiều “fan hâm mộ”, hay độ nổi tiếng và sức thuyết phục hơn nhà sáng lập Pháp Luân Công chứ? Nếu đặt vào cùng một hoàn cảnh, thì ai có năng lực kiếm tiền mạnh hơn? Vậy thì đến nay, ai có thể nhận ra rằng nhà sáng lập Pháp Luân Công đáng tôn kính ấy có mong muốn và khuynh hướng kiếm tiền mạnh mẽ chăng?!

Mặc dù tôi rất không muốn dùng “thuyết âm mưu” để đặt vấn đề về hãng truyền thông phương Tây kia, nhưng thực tế đúng là tờ báo này mang quan điểm chủ quan đầy định kiến đã nhiều lần xuyên tạc, thậm chí là cắt xén ngữ cảnh, phóng đại vô hạn sự xung đột quan điểm giữa người tu luyện Pháp Luân Công và người không tu luyện thông qua truyền thông, còn ý đồ gây ấn tượng xấu theo hướng của họ. Xét đến cùng, đối tượng công kích của hãng truyền thông phương Tây này không còn chỉ đơn thuần là nhắm vào Pháp Luân Công nữa, mà là cuộc tấn công và phủ nhận toàn diện “tín ngưỡng vào Thần” của toàn nhân loại.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/1/7/488014.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/1/8/223516.html

Đăng ngày 25-01-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share