Bài viết của đệ tử Đại Pháp Lan Liên tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 18-06-2024] Tôi là một đệ tử Đại Pháp đắc Pháp vào năm 1997, từ đó đến nay, tôi luôn nhận được sự bảo hộ và gia trì từ bi của Sư phụ cùng Pháp lý chỉ đạo trên suốt chặng đường tu luyện. Tôi xin chia sẻ với các đồng tu về một số cách thức để làm tốt ba việc.
Chú trọng học Pháp và dùng Pháp lý chỉ đạo tu luyện
Vào giai đoạn đầu học Pháp, hàng ngày tôi chỉ đọc Chuyển Pháp Luân, Tinh Tấn Yếu Chỉ và một số bài giảng khác. Sau khi kinh văn “Hòa tan trong Pháp” của Sư phụ được công bố, tôi nghĩ nếu tôi học thuộc Pháp và luôn luôn dùng Pháp để yêu cầu bản thân, thì chẳng phải tôi sẽ đồng hóa với Pháp sao? Hồi đó, tôi chỉ học thuộc một số đoạn kinh văn ngắn và Hồng Ngâm. Sau đó, tôi học thuộc Chuyển Pháp Luân hai lượt rồi dừng lại không tiếp tục nữa.
Bắt đầu từ năm 2008, tôi lần lượt học thuộc tổng cộng sáu bài giảng Pháp của Sư phụ tại các nơi (từ năm 2007 đến năm 2011), mỗi ngày học thuộc một bài. Vì kinh văn “Đệ tử Đại Pháp phải học Pháp” khá dài, nên tôi học thuộc lòng trong hai ngày. Bằng cách này, tôi đã nhẩm thuộc sáu bài kinh văn hàng tuần, đây là thói quen mà tôi vẫn duy trì cho đến hiện nay. Hàng ngày, tôi cũng nhẩm niệm Chuyển Pháp Luân. Sau khi Hồng Ngâm VI được xuất bản, tôi kiên trì đọc thuộc hai bài thơ mỗi ngày để chỉ đạo sự tu luyện của mình.
Khi bắt đầu bước vào tu luyện, tôi không biết tu luyện như thế nào. Mặc dù học Pháp hàng ngày nhưng tôi không biết hướng nội khi gặp mâu thuẫn, chỉ biết cố nhẫn. Đôi khi cảm thấy tâm mình mất cân bằng nhưng tôi lại không nhận ra sự mất cân bằng đó kỳ thực là tâm tật đố.
Trong quá trình tôi tu luyện, người giúp tôi nhiều nhất là chồng tôi. Bởi vì tôi không tu luyện tốt nên năm 2001 đã bị bức hại một năm trong Trại lao động. Ngoài ra, tôi còn bị giam giữ bất hợp pháp khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Đại Pháp. Cuộc bức hại đã gây cho chồng tôi rất nhiều áp lực và tổn hại, khiến anh ấy càng ngày càng oán hận tôi. Nhưng lúc đó, tôi đã không đứng tại góc độ của anh ấy mà nhìn, cũng không nghĩ đến cảm nhận của anh ấy khi phải vừa làm cha vừa làm mẹ, một tay chăm sóc con cái, quản lý gia đình, một tay làm việc trong ánh mắt soi mói của những người xung quanh. Tôi chỉ nghĩ rằng việc tôi tu luyện không có gì sai; anh ấy nên đứng về phía tôi và hiểu tôi mới phải. Khi anh ấy không thể hiện ra như vậy, tôi liền nghĩ rằng anh ấy không có chính niệm. Thực ra giờ đây nghĩ lại, tôi nhận ra mình thật ích kỷ và bất thiện.
Nhờ việc học thuộc Pháp, bất cứ khi nào có tư tưởng phụ diện xuất hiện trong đầu, tôi có thể kịp thời nhận ra và bài trừ chúng. Tôi ngộ ra rằng khi tư tưởng của chúng ta không phù hợp với Pháp thì đó là cơ chế mà cựu thế lực an bài khởi tác dụng. Vậy nên, chúng ta phải chú ý từng tư từng niệm của bản thân; đó cũng là quá trình liên tục phủ định cựu thế lực và đồng hóa với Pháp. Nếu không học Pháp thường xuyên, chúng ta thậm chí sẽ không nhận thức được tư tưởng phản ánh trong đầu mình. Vì vậy, chỉ bằng cách học Pháp nhiều hơn, học thuộc Pháp nhiều hơn và học Pháp một cách nghiêm túc, chính niệm của chúng ta mới có thể mạnh được.
Cách tôi thường làm là liên tục dùng Pháp để cảnh tỉnh bản thân khi gặp vấn đề; và dùng thiện tâm để giải quyết sự việc. Nếu người khác làm việc gì đó không tốt, tôi sẽ không nói ra mà chỉ lẳng lặng làm. Tôi thường tự nhủ mình không được phán xét người khác. Trước đây, khi thấy khuyết điểm của người khác, tôi không biết tự nhìn lại chính mình. Bây giờ, tôi yêu cầu bản thân phải làm như vậy và thực sự đã phát hiện ra những thiếu sót ở bản thân rồi chính lại chúng.
Một vấn đề nữa là khi mắc lỗi, tôi thường không muốn xin lỗi người khác. Tôi cảm thấy rất khó khăn để nói “Tôi xin lỗi, tôi đã sai”. Sau này, khi mắc lỗi, tôi ép mình phải nói lời xin lỗi. Chỉ cần làm được điều đó một lần, thì những lần tiếp theo trở nên dễ dàng hơn. Có lần khi đang mua đậu phụ, tôi thấy một khách hàng gọi mua đậu phụ, và người bán cắt một miếng cho cô ấy. Khách hàng phàn nàn rằng miếng đậu phụ quá to, khiến người bán cảm thấy không hài lòng. Khách hàng liền nói: “Tôi xin lỗi, tôi đã không nói rõ, đó là lỗi của tôi”. Người bán lập tức nở nụ cười rất tươi. Khi nhìn thấy những gì đang xảy ra, tôi đã rất ngạc nhiên. Đây không phải là để cho tôi thấy sao? Một lời xin lỗi chân thành có thể giải quyết xung đột, và điều quan trọng là bạn phải học cách xin lỗi. Đôi khi, đối mặt với một tình huống, tôi không biết phải làm gì. Tôi sẽ bình tĩnh lại và suy nghĩ xem chiểu theo Pháp thì cần làm thế nào, chỉ cần nghĩ làm sao để tốt cho người khác, dùng thiện làm cơ điểm thì nhất định tôi sẽ làm được tốt.
Trong quá trình học thuộc và ghi nhớ Pháp, tầng tầng nội hàm của Pháp đã triển hiện cho tôi. Tôi càng nhận ra Sư phụ vĩ đại đến nhường nào, Đại Pháp thâm sâu đến nhường nào và tôi tầm thường nhỏ bé ra sao. Vậy nên, tôi thường nhắc nhở bản thân phải tôn kính Sư phụ, tôn kính Đại Pháp, phải biết ơn tất cả những gì Sư phụ đã làm, và phải khiêm nhường, coi bản thân chỉ là giọt nước trong biển cả mà thiện đãi chúng sinh, thiện đãi đồng tu.
Như mọi người đã biết, một khi chúng ta đề cao trong tu luyện, Sư phụ sẽ cách khai phần đó ra cho chúng ta. Vì vậy, những gì trên bề mặt nhìn thấy được là những gì chúng ta vẫn chưa tu được. Chúng ta phải liên tục quy chính bản thân. Trong bao nhiêu năm qua, đặc biệt là kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, khi tà ác rợp trời dậy đất, nếu không có sự hy sinh và chịu đựng của Sư phụ dành cho chúng ta, thử hỏi ai có thể vượt qua được? Mọi thứ chúng ta có đều do Sư phụ ban cho, kể cả năng lực cứu độ chúng sinh của các đệ tử Đại Pháp. Chính là Sư phụ đã thành tựu chúng ta.
Giảng chân tướng, cứu chúng sinh
Từ khi Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản được xuất bản, các đệ tử Đại Pháp bắt đầu bước ra giảng chân tướng trực diện và khuyên mọi người thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Với sự gia trì của Sư phụ và sự nỗ lực của các đệ tử Đại Pháp, hiện đã có 428 triệu người thoái xuất khỏi ĐCSTQ, qua đó được cứu. Mỗi lần ra ngoài giảng chân tướng, chúng tôi đều gặp được những người hữu duyên.
Có lần, khi đang chờ đèn đỏ ở chỗ dành cho người đi bộ, tôi đứng cạnh một học sinh. Tôi hỏi cháu học lớp mấy, cháu nói học lớp chín. Tôi hỏi cháu có tham gia Đoàn Thanh niên không, cháu nói không. Sau đó, tôi hỏi cháu có từng đeo khăn quàng đỏ không, cháu nói có đeo qua. Tôi khuyên cháu thoái Đội vì sự an toàn của chính mình, giải thích rằng khi cháu gia nhập Đội là cháu đã tuyên thệ, do đó cháu có một dấu ấn trên trán mà người bình thường không thể nhìn thấy nhưng Thần Phật có thể thấy. Nếu cháu đồng ý thoái thì dấu ấn có thể được xóa bỏ, và dưới sự bảo hộ của Thần Phật, cháu có thể tránh được trận đại dịch này. Cháu nói đồng ý thoái. Tôi lại hỏi cháu đã nghe nói đến Pháp Luân Công chưa. Cháu nói chưa và tôi dặn cháu hãy ghi nhớ “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”.
Có lần, tôi gặp một cụ già trong khu dân cư có đôi lông mày dài và rộng khác thường. Tôi nhận xét: “Lông mày của cụ dài quá, giống như lông mày trường thọ vậy. Cụ bao nhiêu tuổi rồi ạ?” Cụ trả lời: “Tôi 78 tuổi rồi”. Tôi hỏi cụ nghỉ hưu rồi thì cụ có còn đóng đảng phí không. Cụ nói đã ngừng đóng và nộp đơn xin thoái ĐCSTQ. Tôi nói rằng cụ thật là có tầm nhìn xa trông rộng, rằng ĐCSTQ đã làm nhiều việc ác và đem đến tai họa cho nhân dân Trung Quốc. Tôi nói tiếp: “Nộp đơn xin thoái là để mọi người nhìn thấy, nhưng quan trọng là thực sự thoái xuất từ trong tâm mình thì Thần Phật sẽ nhìn thấy, sẽ ban phước cho cụ để tránh tai họa.” Cụ mỉm cười và nói: “Được, cảm ơn cháu.” Tôi dặn cụ ghi nhớ Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo. Cụ đồng ý và thoái ĐCSTQ bằng tên thật của mình.
Tôi còn nhớ nhiều năm trước, khi tôi và một đồng tu đang giảng chân tướng trong công viên, chúng tôi gặp một người đàn ông không quen biết. Ông ấy chào tôi: “Lâu rồi mới gặp chị”. Cảm nhận được ông ấy là người có duyên, tôi liền hỏi họ của ông ấy. Ông ấy bảo họ Lý. Tôi hỏi: “Ông chẳng phải là ông Lý X X sao?” Ông ấy nói phải rồi. Tôi hỏi ông đã nghỉ hưu chưa, ông nói đã nghỉ. Tôi hỏi ông có còn đóng đảng phí không, và ông nói có. Tôi khuyên ông ấy thoái ĐCSTQ vì sự an toàn của mình, vì hiện tại rất nhiều người đã thoái, ông đồng ý. Tôi dặn ông hãy nhớ rằng, Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo. Ông ấy tán đồng.
Tôi đã kể chuyện này với các đồng tu, và họ cũng thấy rất kỳ diệu. Chính Sư phụ đã đưa những người có duyên đến để chúng ta cứu họ. Trong quá trình giảng chân tướng, tôi gặp một số trường hợp mà mọi người nói với tôi: “Làm sao chị lại biết tên tôi?” Thì ra hóa danh mà tôi đặt cho họ trùng khớp với tên thật của họ.
Phát chính niệm
Trong ba việc mà người tu luyện cần làm, phát chính niệm cũng rất quan trọng. Ngoài bốn thời điểm phát chính niệm toàn cầu mỗi ngày, tôi thường phát chính niệm thêm hai lần vào buổi sáng và ba lần vào buổi chiều. Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi sẽ phát chính niệm trong nửa giờ. Đôi khi, cảm thấy trạng thái của mình không tốt, tôi sẽ phát chính niệm để quy chính bản thân.
Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ vì lòng từ bi cứu độ của Ngài. Cảm tạ Sư tôn đã vì đệ tử mà hy sinh gánh chịu. Mang theo tâm biết ơn, đệ tử nhất định sẽ làm tốt ba việc.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/18/474876.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/26/219215.html
Đăng ngày 15-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.