Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 02-04-2024]
Từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đến nay, tôi luôn gặp tình trạng thế này: dưới áp lực và bận rộn, tôi sẽ tìm cách siết chặt thời gian để tranh thủ học Pháp, luyện công. Nhưng bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, tôi lại cầm điện thoại lên để thư giãn, đọc lướt các tin tức, tiểu thuyết, phim ảnh, hay các cửa hàng mua sắm online. Hậu quả là, tôi đã lãng phí rất nhiều thời gian và sau đó tôi rất tiếc nuối.
Mỗi khi tôi không tu luyện tinh tấn, sẽ có chuyện phiền toái phát sinh. Hoặc là các con tôi và vợ tôi gây rắc rối, hoặc là cháu gái tôi phát bệnh. Khi tôi tu luyện rất kém, cơ thể tôi liền có vấn đề, chẳng hạn hắt hơi, sổ mũi hay đại tiện ra máu. Vì tôi không chịu đề cao tâm tính trong một thời gian dài nên đã chiêu mời bức hại.
Một buổi tối nọ, tôi bật TV lên, định bụng là chỉ liếc nhanh qua một chút, nhưng cuối cùng tôi đã xem loạt phim bộ trên TV cả đêm. Dù biết thế là sai, nhưng tôi đã không tắt TV. Tôi đã bị ma quỷ đằng sau khống chế và không nghĩ đến việc kiềm chế bản thân. Ngày hôm sau, tôi liên tục bị hắt hơi sổ mũi. Một học viên kể với tôi rằng cô ấy mơ thấy tôi bị rớt từ thiên thượng xuống và ngụp lặn trong vũng bùn lầy.
Sư phụ đã hết lần này đến lần khác cấp cho tôi cơ hội, nhưng tôi vẫn cứ mắc đi mắc lại và không thể hoàn toàn bỏ được việc lướt điện thoại và xem TV. Thỉnh thoảng, khi nghĩ đến việc thiếu tinh tấn và Sư phụ đã phải gánh chịu cho tôi, tôi cảm thấy rất lo lắng và băn khoăn liệu mình có xứng đáng là một học viên Pháp Luân Đại Pháp hay không. Tôi biết rõ Đại Pháp là tốt và bản thân cũng đã nhiều lần trải nghiệm những điều kỳ diệu, vậy mà sao tôi không thể tinh tấn? Tại sao tôi luôn cứ tiến được hai bước thì lại muốn dừng lại nghỉ ngơi một chút?. Tại sao tôi không thể vứt bỏ hoàn toàn chấp trước vào điện thoại và TV? Tại sao tôi không thể tu luyện nghiêm túc và trân quý cơ duyên ngàn năm có một này?
Học Pháp ít đi là một nguyên nhân, nhưng tại sao tôi không thể học Pháp nhiều hơn khi có thời gian? Sư phụ đã giải đáp câu hỏi của một học viên trong một Pháp hội. Ngài giảng rằng:
“Nếu một đệ tử Đại Pháp mà tu thật tốt, có thể nhận thức một cách lý tính về Đại Pháp là gì, thì nhất định dồn lực để làm, nhất định sẽ không giải đãi về phương diện này. Xoay lại mà giảng, không tinh tấn cũng là đang học Pháp, cũng biết Pháp rất tốt, nhưng không phải là ở trên Pháp [mà nhận thức], chính niệm không đủ, nhận thức tự nhiên không cao, chính là không thể chân chính lý giải sự trân quý của Pháp; do vậy không thể gắng sức lên được.” (Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006])
Phải rồi, tôi đã không thể nhận thức Pháp một cách lý tính, không thực sự hiểu thấu đáo sự trân quý của Pháp, nên tôi đã lãng phí thời gian và cơ hội của mình. Tại sao tôi không thực sự hiểu sự trân quý của Pháp? Có lẽ bởi vì tôi đã quá coi trọng sự thoải mái của bản thân và không đặt Đại Pháp lên hàng đầu? Về cơ bản, tôi đã lợi dụng Đại Pháp để truy cầu viềm vui và hưởng thụ cho mình.
Nhớ lại hồi năm 2016, tôi bị giam giữ phi pháp trong một trại tạm giam vì đã kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kẻ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Lúc đó tôi đã bừng tỉnh, tôi nhận ra tính nghiêm túc của tu luyện và biết mình phải tinh tấn hơn, nếu không tôi sẽ gặp phải đại họa. Tôi đã có được những đề cao do sợ hãi, nhưng khi cảm thấy an toàn, tôi lại giải đãi.
Quãng thời gian đó, tôi đã có thể nghiêm khắc yêu cầu bản thân. Hàng ngày, ngay khi vừa thức dậy, chủ ý thức của tôi đã rất thanh tỉnh, trong khi vệ sinh cá nhân, làm việc, hay trực ca, tôi đều tranh thủ phát chính niệm. Mỗi hành động của tôi đều để thanh trừ tà ác, mỗi từng bước chân tôi đi đều để giẫm diệt tà ác. Hễ có chút thời gian rảnh rỗi, tôi liền học thuộc Pháp, chép Pháp, và giảng chân tướng cho những người cùng phòng giam. Trong thời gian hoạt động thể dục buổi sáng, tôi đứng ở phía sau và luyện bài công pháp thứ nhất, có thể luyện được bao nhiêu thì tôi luyện bấy nhiêu.
Một người cùng phòng giam nói với tôi rằng tôi sẽ không được thả trừ khi tôi viết giấy cam đoan. Tôi nói với anh ấy rằng tôi vẫn có thể được thả dù không viết gì cả. Tôi không thừa nhận lối tư duy về cuộc bức hại của người thường. Trong tâm, tôi thầm nói với Sư phụ: Con sẽ không viết bất kỳ cam đoan nào hết.
Tôi thường nhớ đến một bài viết trên Minghui.org, một tiểu đệ tử đã với bà của cậu bé rằng: “Chỉ cần đệ tử Đại Pháp giữ được chính niệm, ghi nhớ Pháp và đề cao bản thân, thì tà ác sẽ không thể bức hại được họ”. Qua mấy lần bị giam giữ phi pháp, tôi thực sự thể hội được điều Sư phụ giảng:
“Đệ tử chính niệm túc
Sư hữu hồi thiên lực”
(Sư đồ ân, Hồng Ngâm II)Tạm dịch:
“Đệ tử chính niệm đủ
Thầy có lực hồi thiên”
(Sư đồ ân, Hồng Ngâm II)
Đến ngày cuối cùng tôi mãn hạn giam giữ, người bạn cùng phòng giam đó lại nói, “Xem ra, anh không viết giấy cam đoan thì không ra nổi rồi”. Mặc dù tôi có dự cảm mình sẽ được thả, lúc sáng sớm tôi cũng nghe thấy tiếng chim khách kêu, nhưng tôi không dám chắc điều gì sẽ xảy ra. Tôi thầm nghĩ: “Thưa Sư phụ, dù có ở đâu, con sẽ vẫn phủ nhận tà ác và triệt để thanh trừ chúng”.
Cuối cùng, gần đến giữa trưa thì tôi được thả. Nhưng trong quá trình đó, tôi vẫn còn có nhân tâm, vì tâm nóng vội được thả mà tôi đã ký tên trước khi ra khỏi cổng trại giam. Trước đây, tôi cũng từng ký vào một danh mục điều tra phi pháp do cảnh sát đưa ra, như thế là tôi đã phối hợp với tà ác rồi.
Ngẫm lại mấy lần bị tà ác bức hại, đều là do tôi học Pháp ít, không phát chính niệm, ham mê đọc truyện trên điện thoại, lãng phí rất nhiều thời gian mà bị tà ác dùi vào sơ hở. Tôi hay giải đãi, nhưng khi sự an toàn của bản thân bị đe dọa, chủ ý thức của tôi sẽ trở nên mạnh, và tôi sẽ cảm thấy mình ở trong Pháp, minh bạch các Pháp lý và ngộ tính cũng không kém. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh nới lỏng, tôi lại tìm kiếm thú vui của người thường, buông lơi trong tu luyện, và coi tu luyện như một cái ô bảo hộ mình. Tất cả đều xoay quanh “cái tôi”, và dường như tôi tu để có cuộc sống tốt trong người thường, tu với một mục đích ích kỷ.
Hồi tưởng lại thời điểm tôi bước vào tu luyện Đại Pháp, không phải vì mục đích chữa bệnh; mà đơn giản là tôi thích tu luyện. Tôi không muốn sinh mệnh phải chịu luân hồi. Tôi cảm thấy cuộc đời thật cay đắng, còn niềm vui thì chẳng được bao nhiêu. Tôi tin rằng bằng việc chịu đựng gian khổ trong tu luyện, tôi có thể thành Thần hoặc thành Tiên, vĩnh viễn được giải thoát. Nhưng đó là theo đuổi giải thoát cá nhân. Giờ đây, mặc dù có yếu tố đồng hóa với Đại Pháp và cứu độ chúng sinh trong tu luyện, nhưng tôi vẫn chưa thể vượt lên trên thú vui bản thân, vì vẫn còn đó tư tâm lợi dụng Đại Pháp để đạt được mục tiêu cá nhân của mình.
Khi tôi nhận rõ các tác động tiêu cực của việc tìm kiếm thú vui bản thân, tôi đã liên tục phủ nhận sự khao khát sử dụng điện thoại và xem TV. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa hoàn toàn trừ bỏ được cái tâm dơ bẩn này. Có khi tôi đề cao rất chậm,có khi tôi dậm chân tại chỗ, hoặc thậm chí có lúc tôi bị thụt lùi. Tôi đã không thể thời thời khắc khắc thực sự cảm nhận được sự trân quý của Pháp, cũng như không thể thường hằng tinh tấn.
Gần đây, qua các kinh văn mới của Sư phụ, tôi cảm thấy thời khắc Pháp Chính Nhân Gian quả thực không còn xa nữa, và thời gian để chúng ta cứu người càng trở nên cấp bách hơn. Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải học Pháp nhiều hơn, thực sự trở thành một đệ tử Đại Pháp chân chính, bởi vì khi học Pháp nhiều, khi ở trong Pháp, Sư phụ sẽ cấp cho hết thảy để đệ tử bước trên chính lộ.
Khi tôi không biết phải làm thế nào với một sự việc, Pháp sẽ chỉ cho tôi. Khi tôi không chắc chắn về một việc nào đó, tôi sẽ tự hỏi bản thân: Đây có phải là điều Đại Pháp yêu cầu không? Có phải là điều Sư phụ cần không?
Sư phụ giảng:
“Các đệ tử Đại Pháp hễ thực hiện công việc nào đó, đều phải coi Pháp làm trọng, khi dàn xếp bất kể việc gì thì chư vị trước tiên phải nghĩ đến Pháp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Boston năm 2002)
Tôi sẽ trừ bỏ hoàn toàn đặc tính vị tư của cựu vũ trụ, đồng hóa với Đại Pháp, tu thành bậc chính Giác, hoàn thành sứ mệnh của mình.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/4/2/474770.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/13/218598.html
Đăng ngày 12-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.