Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-04-2024] Là người tu luyện Đại Pháp, chúng ta nhận thức được rằng tu luyện là một quá trình không ngừng buông bỏ các tâm chấp trước. Đau buồn là điều mà ai cũng đều trải qua, nhưng đối với một người tu luyện, khi chìm đắm mãi trong nỗi buồn, thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày, đặc biệt là can nhiễu đến việc tu luyện, vì thế người tu luyện cần phải thanh tỉnh. Ôm giữ tâm chấp trước về tình có thể tạo ra cái cớ cho cựu thế lực can nhiễu và gây ra ma nạn trên con đường tu luyện.

Trải nghiệm đau thương của đồng tu Triệu

Đồng tu Triệu đã làm rất tốt việc giảng chân tướng và thuyết phục mọi người thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của nó tại một khu chợ trong vùng chúng tôi. Khi công an tới sách nhiễu cô vì giảng chân tướng, cô sẽ trực tiếp gặp gỡ và thuyết phục họ không tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp.

Gần đây cô Triệu gặp một tai nạn. Sau khi cô và một đồng tu khác tới chợ để giảng chân tướng cho người dân, trên đường về, chiếc xe ba bánh của họ đã đâm phải một tảng đá. Cú va chạm mạnh khiến cô Triệu văng ra khỏi chiếc ghế đằng sau và bị gãy xương đùi. Cô được đưa đến bệnh viện và trải qua cuộc phẫu thuật để cố định xương. Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, cô rất hoang mang và chán nản một thời gian dài, tinh thần mãi không khởi lên được.

Nhiều học viên đã tới thăm cô Triệu và cố gắng giúp cô thoát khỏi khổ nạn. Sau khi chia sẻ, chúng tôi phát hiện ra cô ấy rất chấp trước vào tình với cha mẹ và người chồng đã khuất. Cô thường mơ về chồng mình và kể rằng anh ấy tốt ra sao trong suốt nhiều năm chung sống. Chúng tôi đã khuyên cô ấy rằng là một người tu luyện, cô nên nhanh chóng phóng hạ tình.

Chúng tôi đã chia sẻ với cô ấy câu chuyện về một “con chim khổng lồ”. Một người tu luyện đã đạt tới viên mãn và phi thăng bay đi, nhưng mẹ của cô ấy không chịu rời xa cô và đã khóc: “Con gái yêu của mẹ, sao con có thể nhẫn tâm như vậy? Con không thể nhìn mẹ một lần nữa sao?” Người tu luyện đã không buông được cái tình này, quay đầu nhìn lại và rớt xuống. Lúc đó, mẹ cô biến thành một con chim khổng lồ và cười lớn: “Ha! Ha! Cô đã rớt xuống. Ta chờ đợi ngày này từ rất lâu rồi!” Kết quả tu luyện của cô trong kiếp đó là vô ích.

Trong lễ Thanh Minh (để tưởng nhớ những người đã khuất), cô Triệu đã tới thăm mộ chồng và cha mẹ cô để đốt vàng mã và dâng hoa cho họ. Trên đường trở về nhà, cô bị đau toàn thân và đi lại khó khăn. Cô ấy hỏi tôi chuyện gì đang xảy ra. Tôi nói với cô ấy rằng: Đây không phải là cô. Không phải cô nhớ anh ta, đừng coi nó là chính mình. Có thể chấp trước của cô đã gây ra khổ nạn này. Tôi nói rằng phát chính niệm có thể giải quyết được vấn đề. Cô ấy đã phát chính niệm và sau đó cảm thấy tốt hơn nhiều.

Cô Triệu tu luyện tinh tấn hơn nhưng vẫn có những thời khắc cô ấy tu luyện chưa tốt. Cô ấy cũng nhận ra rằng tình là can nhiễu và nhanh chóng bắt đầu phát chính niệm để bài trừ và phủ nhận chúng.

Thiện giải

Tôi cũng có trải nghiệm tương tự và có chấp trước vào tình với cha mẹ. Mẹ tôi qua đời vào năm 1982, hàng năm tôi đều đến thăm mộ bà vào dịp lễ Thanh Minh. Phong tục đi viếng mộ, đốt giấy tiền, vàng mã, quần áo để cúng cho người thân đã khuất là tục lệ. Tôi nhớ là năm 1996 mình đã không đi viếng mộ mẹ và đã bị bệnh nặng, sốt cao và không thể đi làm. Lúc đó tôi chưa tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, nhưng tôi có cảm giác rằng cơn bệnh này là do tôi chưa đi thăm mộ cha mẹ và đốt vàng mã.

Cha tôi bị liệt nửa người sau một tai nạn xe máy vào năm 1987. Khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1998, ông có thể cử động tay phải, tôi đã làm một chiếc giá để ông có thể dùng tay phải đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp. Ông nói “Chuyển Pháp Luân” không phải là một cuốn sách bình thường và rất thích đọc sách. Ông qua đời năm 2003, thọ 88 tuổi.

Từ khi bước vào tu luyện, tôi luôn tự hỏi xem liệu mình có nên đi viếng mộ cho người thân và đốt vàng mã cho họ hay không.

Sư phụ, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, đã dạy chúng ta:

“Tôi cứ giảng đi giảng lại rằng tu luyện là vấn đề rất nghiêm túc, chư vị lại để tâm cái này, để tâm cái kia, cái tình này chư vị cũng không dứt, cái tình kia cũng không dứt. Trong quá khứ thế nào gọi là xuất gia?“

“Vì sao họ phải đặt pháp danh? Chính là đoạn tuyệt hết thảy mọi dục vọng ở thế gian, không còn bất kỳ vương vấn, dính dáng gì với những người kia, họ mới có thể tĩnh tâm xuống mà tu. Tu luyện là một việc nghiêm túc.” (“Giải đáp thắc mắc tại giảng Pháp ở Quảng Châu”, Chuyển Pháp Luân Pháp Giải)

Vì vậy, bốn hoặc năm năm trước, là một người tu luyện, tôi đã quyết định hàng năm sẽ không đi viếng mộ cha mẹ và đốt tiền giấy, vàng mã, quần áo nữa… Một đêm, tôi ngủ quên trên ghế sofa; trong mơ, người cha đã khuất của tôi kéo tôi dậy ra khỏi ghế. Đột nhiên, tôi tỉnh dậy và nhận ra điều đó thực sự đã xảy ra. Khi gặp chuyện như vậy tôi thường phát chính niệm để loại bỏ can nhiễu. Vào lúc đó, Pháp của Sư phụ đã hiện ra trong tâm tôi:

“Từ bi năng dung thiên địa Xuân
Chính niệm khả cứu thế trung nhân”
(Pháp Chính Càn Khôn, Hồng Ngâm II)

Tạm diễn nghĩa:

“Từ bi có thể hoà tan trời đất thành mùa Xuân
Chính niệm có thể cứu con người ở thế gian”
(Pháp Chính Càn Khôn, Hồng Ngâm II)

Vì vậy, tôi đã đả tọa, làm thủ ấn đại liên hoa và chiểu theo Pháp của Sư phụ. Trong tâm tôi xuất ra một niệm, đại ý là: “Người là người cha đã khuất của con sao? Vũ trụ đang trong Chính Pháp. Con là một học viên Đại Pháp. Cha đã tích đức lớn vì đã sinh ra và nuôi dưỡng con; cha sẽ đắc được phúc báo. Có thể trong tiền kiếp con đã làm tổn thương cha, mắc nợ cha điều gì đó thì chúng ta có thể thiện giải. Nếu cha nguyện ý thiện giải, con sẽ báo đáp cha khi đạt viên mãn. Giờ đây trần duyên giữa cha và con đã hết, với tư cách là một người tu luyện, con không thể ra mộ để cúng tế cha nữa, mong rằng cha đừng can nhiễu con và hãy chấp nhận quyết định của con. Xin cha hãy ghi nhớ ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo’, đây là chân ngôn có thể độ hết thảy chúng sinh vào thời khắc cuối cùng”.

Sau khi tôi thiện giải với cha mẹ đã khuất thì không còn can nhiễu nào nữa. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình về vấn đề này bởi vì tôi đã chứng kiến các đồng tu còn vật lộn với chấp trước vào tình thân quyến. Tôi hy vọng điều này sẽ mang lại cho họ một chút nhận thức sâu sắc hơn và giúp họ có thể phóng hạ tình thân, cộng đồng tinh tấn.

Sư phụ giảng:

“Bởi vì sinh mệnh chân chính của một cá nhân là nguyên thần; người mẹ sinh ra nguyên thần chư vị mới là người mẹ thật sự của chư vị. Chư vị trong lục đạo luân hồi, mẹ của chư vị là người, không là người, [số ấy] không đếm được. Con cái của bao đời chư vị hỏi có bao nhiêu; cũng không đếm được. Ai là mẹ chư vị, ai là con chư vị, một khi hai mắt kia khép lại [tạ thế] thì ai còn nhận ra ai nữa; nghiệp mà chư vị nợ vẫn theo đó mà hoàn trả.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Cuộc đời mỗi người chính là một vở kịch, trong lịch sử, mỗi chúng ta đã đóng những vai diễn khác nhau. Trong lục đạo luân hồi, cha mẹ của chúng ta, phu thê của chúng ta, con cái của chúng ta nhiều không kể hết. Chúng ta vẫn còn chấp trước vào ai đây? Chúng ta bất quá chỉ là những người qua đường, hết đời này qua đời khác. Đời này chúng ta tới để đắc Đại Pháp. Vấn đề căn bản là tu luyện bản thân và cứu độ hết thảy chúng sinh. Đây chính là đại nguyện tiền sử của chúng ta, cần phải khắc ghi.

Sư phụ đang chờ chúng ta đề cao tâm tính và bắt kịp trên con đường tu luyện. Hãy tiếp tục cố gắng nhé các bạn đồng tu!

Trên đây là nhận thức của tôi ở tầng thứ hiện tại; có điều gì không phù hợp với Pháp, vui lòng chỉ ra cho tôi.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/4/10/475069.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/21/216672.html

Đăng ngày 15-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share