Bài viết của Hiểu Hiểu, đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 17-02-2024] Tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã nhiều năm, nhưng không thực sự tu luyện bản thân, thậm chí còn gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường học Pháp ở địa phương.
Tôi bắt đầu tu luyện từ khi còn trẻ. Chẳng bao lâu sau, tôi khỏi bệnh và hiểu được ý nghĩa chân chính của cuộc đời. Tôi rất vui mừng và nhiệt tình hồng Pháp cho mọi người. Tôi cũng giúp các học viên khác mua sách Đại Pháp, giúp họ ghi âm các bài giảng của Sư phụ Lý và tổ chức các hoạt động Đại Pháp. Tôi rất bận rộn – nhưng tôi không nhận ra bản thân mình chấp trước vào sự nhiệt thành và làm các việc.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, rất ít học viên ở khu vực của tôi bước ra giảng chân tướng. Tôi nhận ra đó là việc chúng tôi cần làm nên tôi đã đến gặp những học viên khác và chia sẻ suy nghĩ của mình. Tôi nói với họ những gì tôi đã làm và áp đặt họ cũng phải như vậy.
Bất cứ khi nào ngộ ra được một số Pháp lý, tôi đều muốn người khác đọc bài giảng đó hoặc bài viết đó. Khi các học viên gặp khổ nạn, tôi chỉ trích họ và nói nhất định là họ đã làm điều gì đó không đúng. Lời nói của tôi đã đặt áp lực rất lớn lên họ.
Khi tôi tình cờ nghe các học viên nói với mọi người về Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã giải thích với mọi người bản thân mình đã giảng như thế nào vì tôi cho rằng mình làm tốt hơn. Những người khác dần dần có những ý kiến tiêu cực về tôi, nhưng tôi lại cảm thấy hài lòng về bản thân mình.
Một học viên nói lại với tôi rằng một số học viên nghĩ rằng tôi thích áp đặt suy nghĩ của mình lên họ. Tôi không hiểu. Làm sao có thể như thế được? Tôi nghĩ mình làm điều đó vì muốn tốt cho mọi người! Sau đó tôi nhận ra rằng người học viên đó đang từ bi cố gắng giúp đỡ tôi.
Tôi đã dành nhiều thời gian hơn để học Pháp và hướng nội. Nhờ vậy, tôi đã nhận ra được nhiều phương diện mà bản thân có thể đề cao, tôi cũng nhận ra rằng mình có cái tôi mạnh mẽ và luôn cố chấp vào cách nghĩ của mình. Tôi đã không hành xử như một người tu luyện. Thay vào đó, tôi kiêu ngạo và tự phụ. Tôi không lắng nghe ý kiến của người khác và thường phản bác họ. Trạng thái tu luyện của tôi không vững chắc.
Tôi quyết định quy chính bản thân bằng cách lắng nghe nhiều hơn và nói ít hơn. Sau đó, tôi đã liên lạc với một học viên mà tôi biết đã mình từng làm họ tổn thương và thành tâm xin lỗi anh ấy. Anh ấy đã cảm động đến rơi lệ.
Nhưng một số thiếu sót rất khó cải thiện. Mặc dù tôi đã nhìn ra vấn đề của mình và muốn cải thiện nhưng những người khác vẫn né tránh tôi. Khi tôi đề nghị điều gì đó, họ chỉ mỉm cười, không ai nói gì cả. Cuối cùng mọi người tâm sự rằng họ không lên tiếng vì tôi nghĩ mình giỏi hơn người khác và thường dùng Pháp lý để áp đặt họ.
Thực tu bản thân
Năm ngoái, tôi muốn học Pháp với hai học viên khác. Họ đồng ý, nhưng tôi cảm thấy họ e ngại không muốn nói nhiều với tôi. Tôi nhận ra mình đã làm tổn thương họ và vẫn còn nhiều chấp trước cần loại bỏ. Tôi biết mình phải khiêm tốn, giao tiếp chân thành với các đồng tu và thừa nhận thiếu sót của mình.
Tôi đã thành thật về những thiếu sót của mình và thừa nhận sai lầm của bản thân. Khi mọi người thấy tôi thực tâm mong muốn quy chính bản thân, họ mới nói rằng lúc đó tôi đã làm hơi quá, mọi người đều không tiếp nhận được nhưng không ai dám phản bác tôi. Thực ra, họ thậm chí đã từng viết một bài về việc tôi đã can nhiễu các học viên như thế nào, nhưng sau đó mọi người quyết định rằng tốt hơn là họ nên tu luyện bản thân mình thay vì gửi bài viết này lên trang web Minh Huệ.
Điều này khiến tôi choáng váng, khó có thể hình dung được tôi đã làm xáo trộn môi trường tu luyện ở địa phương đến mức nào. Thông qua lần chia sẻ này, tôi cảm nhận được năng lượng từ bi của Đại Pháp.
Một học viên nghiêm khắc chỉ trích tôi và nói rằng thật tệ khi hướng ngoại và can nhiễu đến các học viên khác. Tôi không thể tiếp nhận điều này, bởi tôi cảm thấy mình đã thừa nhận thiếu sót của bản thân. Nhưng tôi đã giữ im lặng.
Sư phụ giảng:
“Chẳng qua đã tu luyện rồi, tạm thời chư vị chưa đạt được thì chư vị vẫn thật sự phải nhịn một chút.” (Giảng Pháp tại Pháp hội ở Houston)
Tôi quyết định nghe lời Sư phụ, giữ trong tâm và không biện giải.
Một học viên khác chia sẻ rằng tôi đã như vậy trong nhiều năm và không chịu thay đổi. Tôi không thể chịu đựng được và sau đó cảm thấy chán nản. Tôi biết đã đến lúc tôi phải đề cao và tất cả những điều mọi người nói đều là muốn tốt cho tôi.
Sau khi học Pháp, hướng nội và trò chuyện với các đồng tu, tôi biết mình vẫn còn tâm oán hận, tâm tranh đấu và tâm tật đố. Tôi chỉ muốn được khen ngợi chứ không muốn bị chỉ trích. Nhưng những suy nghĩ này không phải là chân ngã của tôi.
Tôi đã phát chính niệm để loại bỏ những chấp trước và quan niệm người thường này. Tôi biết mình đã bị tụt lại phía sau và Sư phụ đã an bài để các học viên khác giúp tôi nhanh chóng đề cao.
Tôi cũng nhận ra rằng mình cần loại bỏ các yếu tố trong văn hóa Đảng và không được đi sang cực đoan. Các học viên dần dần chia sẻ nhiều hơn với tôi. Hiện giờ tôi biết việc tu khẩu quan trọng như thế nào. Tôi cần nói ít đi và không được phán xét hay phàn nàn bất kỳ ai.
Hiện tại, tôi hiếm khi nói to, ngay cả khi ở nhà. Tôi luôn thảo luận mọi việc với các thành viên trong gia đình trước khi làm bất cứ điều gì. Khi bị đối xử bất công, tôi cũng không còn tranh cãi hay bảo vệ bản thân nữa. Tôi đã biết nghĩ cho người khác trước và không còn tập trung vào khuyết điểm của mọi người nữa. Tôi thường nhắc nhở bản thân rằng chỉ có tu chính mình mới là chân tu.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/17/473152.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/23/216697.html
Đăng ngày 29-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.