Bài viết của Tiểu Vũ, đệ tử Đại Pháp tỉnh Hà Bắc Trung Quốc
[MINH HUỆ 04-02-2024] Quay đầu lại nhìn quá trình tu luyện của bản thân, trạng thái lúc tốt lúc xấu. Tôi viết bài thể hội tu luyện này để giao lưu cùng các đồng tu, cũng hy vọng những trải nghiệm, suy ngẫm cùng cảm ngộ của tôi trong tu luyện có thể làm ví dụ tham khảo cho những đồng tu từng trải qua sự việc giống tôi hoặc đang trong tình huống đối diện với sự việc tương tự.
1. Học được thực tu, bước ra khỏi mâu thuẫn gia đình
Tôi và vợ kết hôn đã 10 năm. Vợ tôi không tu luyện, nhưng nhận thức đúng đắn về Pháp Luân Đại Pháp, cũng ủng hộ tôi tu luyện. Cô ấy tính cách ngay thẳng, rất nhiệt tình với mọi người, phương diện nào cũng tốt, duy chỉ có khuyết điểm là dễ nóng giận. Hễ có việc không như ý, là cô ấy nổi cáu, hơn nữa lúc cáu giận, điều khó nghe gì cũng dám nói. Mấy năm đầu mới kết hôn, những lời ác ý và biểu hiện hành vi lúc cô ấy cáu giận đều có thể kích động đến tôi, tôi nhẫn không nổi, cãi nhau với cô ấy, thậm chí còn động chân động tay, thực sự đúng là ba ngày cãi nhau một trận nhỏ, năm ngày cãi nhau một trận lớn. Lúc tôi chán nản, không muốn nói chuyện, cô ấy không giống người vợ bình thường mà hỏi han hay quan tâm, ngược lại còn lấy lý do là tôi có tâm trạng chán nản thế làm ảnh hưởng đến không khí trong gia đình mà cãi nhau với tôi. Cãi nhau xong, tôi hỏi cô ấy: “Chúng ta vì sao cãi nhau nhỉ?” Cô ấy chẳng nhớ gì, đúng là cãi nhau vì cãi nhau thôi.
Nhớ lại những năm ấy, đúng là khổ không thể tả. Chúng tôi bình thường cũng có một số thói quen sinh hoạt khác nhau, cũng rất ít khi có tiếng nói chung. Tôi thường nghĩ tính cách cô ấy như đàn ông, một chút ôn nhu hiền hòa cũng không có, hơn nữa tâm tình sáng nắng chiều mưa, nói năng thì trước sau bất nhất. Tôi đã từng nhiều lần có ý nghĩ ly hôn, thường hay nghĩ, mình cái gì cũng thuận lợi, chỉ có mỗi hôn nhân là không thuận lợi. Người thân, bạn bè tôi đều nhìn ra được, lúc đầu còn khuyên chúng tôi, sau rồi cũng thấy cô ấy không phù hợp với tôi, nên ủng hộ tôi ly hôn cô ấy. Nhưng mỗi lúc thế này, hoặc là sau khi cãi nhau to, tôi lại nghĩ đến Đại Pháp, nghĩ mình là thân phận đệ tử Đại Pháp; nhưng trong hiện thực thì quả là khó nhẫn quá, có lúc tôi giận đến mức sau đó phát khóc —— Tôi một đấng nam nhi to cao bị tức đến nỗi bật khóc, trước khi kết hôn, chính tôi cũng không dám tin mình có thể như vậy. Tôi rất bối rối khó xử, cảm thấy bản thân đã đẩy chính mình đến chỗ không còn đường lui.
Trong thời gian ấy, tôi thường nghe chuyên đề tâm đắc thể hội trên trang Minh Huệ, cũng giao lưu cùng các đồng tu xung quanh, dần dần cũng làm được chữ nhẫn, cho dù chỉ làm được nén lại bực tức trong lòng, nhẫn mà ủy khuất, chứ không giải quyết triệt để vấn đề này. Bình thường tôi với vợ đều rất tốt, hết sức bảo trì quan hệ gia đình hòa thuận. Nhưng đôi lúc lại xảy ra mâu thuẫn là lại cãi nhau, chỉ là cãi nhau không nặng nề như thế, cũng không thường xuyên nữa. Cứ như thế, chúng tôi đi đến tận bây giờ.
Năm ngoái có một thời gian, chúng tôi lại bắt đầu trạng thái ba ngày một trận nhỏ, một tuần một trận lớn, cũng nhiều lần cãi nhau đến mức sắp ly hôn. Nhưng rồi một hôm, tôi đột nhiên ý thức ra, cãi nhau như thế này khi nào mới kết thúc đây? Hay là chia tay trong vui vẻ, hảo tụ hảo tán, ly hôn. Nhưng tôi có thể như vậy không? Tôi là đệ tử Đại Pháp, vợ cũng chưa từng làm việc sai trái, không có vấn đề về nguyên tắc, còn có nhận thức đúng đắn về Đại Pháp, cũng ủng hộ tôi tu luyện, khi tôi gặp phải bức hại, cô ấy vẫn ủng hộ tôi, không chùn bước trước việc nghĩa. Tôi chỉ vì cô ấy hay cáu giận, tính cách không hợp, cách làm việc tôi nhìn không quen, liền ly hôn cô ấy sao? Tôi như thế chẳng phải chính là người thường rồi sao? Tôi đã chọn phải kiên định tu luyện tiếp, mà cứ bị mắc kẹt tại quan này? Hơn nữa, cứ cho là ly hôn rồi, tôi chẳng phải là chạy trốn khỏi quan này sao? Vốn là những tâm phải tu bỏ, vốn là nghiệp lực phải tiêu đi, mà tôi lại cự tuyệt, đây là tu sao? Đây là có lậu! Cái lậu nào về tâm tính đều sẽ tạo thành chướng ngại trong tu luyện của tôi, hơn nữa sớm muộn gì nó cũng sẽ tìm đến đòi tôi bù đắp lại, không có đường tắt để đi. Mười năm trôi qua rồi, trong ma nạn gia đình này, tôi cứ trì trệ mãi không xuất được tâm từ bi đối với vợ, tôi tất phải đột phá, không có đường lui.
Tôi nghĩ tôi càng phải chủ động cải biến, cho dù không thể lập tức đạt đến cảnh giới xuất tâm từ bi đối với vợ, không động tâm, không ôm hận, nhẫn mà ủy khuất, tôi cũng cần phải chiểu theo yêu cầu của Sư phụ mà làm, trong mâu thuẫn nghĩ đến vợ cũng không dễ dàng, nghĩ đến ưu điểm của vợ, lại hướng nội mà tìm ở bản thân, chân chính tìm vấn đề của mình. Trước đây, tuy cũng có nhẫn, nhưng đằng sau đó vẫn tiềm ẩn tư tâm, bởi vì vợ đang cấp cơ hội cho tôi đề cao, cho nên tôi cần nhẫn; nhưng loại nhẫn này tất nhiên không thể lâu dài được, vì tôi chưa chân chính cải biến bản thân, đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến tôi bao năm qua vẫn trì trệ không qua nổi quan gia đình.
Sau khi ý thức được vấn đề, tôi chủ động nói chuyện với vợ, cũng thừa nhận cái sai của mình với cô ấy, cho dù nguyên nhân của sự việc không nằm ở tôi, tôi cũng sẽ dùng Pháp lý và tiêu chuẩn của người tu luyện để tìm chỗ thiếu sót của bản thân, rồi chân thành xin lỗi vợ. Đồng thời cũng thiện ý nêu ra chỗ thiếu sót của vợ, vợ chồng cùng nhau tiến bộ. Mặc dù vợ tôi chưa tu luyện, nhưng con người cũng có lý ở tầng con người, cũng cần phải tuân thủ theo. Cho nên sau khi mâu thuẫn qua đi, tôi chọn một thời gian thích hợp, để trò chuyện với vợ, như vậy gia đình sẽ càng ngày càng hài hòa, trạng thái của vợ cũng trở nên càng ngày càng tốt.
Trong thời gian này, Sư phụ cũng thông qua đồng tu bên cạnh tôi để điểm hóa tôi: “Cần có Thần niệm, không nên có nhân niệm.” Hiện tại, tuy trong gia đình vẫn sẽ có mâu thuẫn và va chạm, nhưng đã ít đi rất nhiều. Mâu thuẫn vừa xuất hiện, hoặc khi nhận ra ngữ khí của mình có chút không đúng, tôi liền có thể lập tức nắm chắc, lập tức hướng nội tìm, cố gắng không tranh không biện, tâm bình khí hòa, không để tâm tình của vợ dẫn động. Bình thường tôi cũng có thể nghĩ nhiều hơn nữa cho vợ. Việc nhà tôi cũng cố gắng san sẻ với vợ, quan tâm đến cô ấy nhiều hơn, cho dù lúc đầu làm không được tốt, cũng cứ làm thử, tôi tin mình nhất định sẽ càng ngày càng làm được tốt hơn.
2. Ẩn đằng sau sự lãnh đạm là nhân tâm
Lâu nay, tôi luôn trong trạng thái lãnh đạm không quan tâm đến bất kỳ sự việc gì. Đối với vợ, đối với người nhà cũng không nhiệt tình mấy, thậm chí có lúc có phần lạnh nhạt. Tôi cho rằng đây là xem nhẹ, nhưng nếu thực sự đã tu bỏ được cái “tình”, vậy chẳng phải cũng theo đó mà thể hiện ra tâm từ bi sao? Nhưng tôi không hề cảm thấy mình từ bi chút nào, thậm chí có lúc cảm thấy bản thân có phần hẹp hòi nhỏ mọn.
Tôi ý thức được tâm tính của mình đã có vấn đề, liền đào sâu thêm bước nữa vào nội tâm của bản thân, tôi nhận ra rằng, đằng sau kiểu lãnh đạm đối với người đối với sự việc ấy là không buông bỏ được danh lợi tình, là tôi vì có những việc không hài lòng vừa ý trong cuộc sống, ma nạn trong hôn nhân, mong muốn về cái gọi là cuộc sống hạnh phúc của con người, không đạt được truy cầu về phát triển sự nghiệp mà sinh ra tâm nguội ý lạnh, đây là chấp trước nhân tâm, một thứ tự ngã bảo hộ và trạng thái tê liệt khi không đạt được dục vọng. Từ trước đến nay, tôi vẫn cho là mình đã buông bỏ được hết nhân tâm rồi, kỳ thực sâu thẳm trong nội tâm vẫn còn chút lưu luyến, tiếc nuối, những gì buông bỏ chỉ là một chút biểu hiện nông cạn bên ngoài, thảo nào không xuất được tâm từ bi, danh lợi tình không bỏ, làm sao xuất tâm từ bi được?
Lại thấy đồng tu khác tu tốt, cả ngày vui vẻ, làm ba việc rất hiệu quả. Còn mình cả ngày chỉ giương cái mặt lãnh đạm không biểu cảm, còn tự cao rằng mình đã xem nhẹ danh lợi tình, xem thấu mọi sự, kỳ thực bản thân đã kém xa quá rồi. Khi ý thức ra điểm này, cũng chính là tôi đang bỏ cái tâm ấy đi.
3. Một vài thể hội về bỏ tư tâm
Trong cuộc sống, có lúc vợ tôi bảo tôi tự tư, chỉ nghĩ đến mình. Ban đầu, tôi còn không phục, biện giải rằng tôi trước nay làm gì cũng không quấy rầy, làm phiền người khác, không đòi hỏi gì ở bất cứ ai, khi không ảnh hưởng, phiền lụy đến bất cứ ai, tôi đối đãi với mình tốt một chút, thấy thoải mái một chút, thích làm gì thì làm, thích mua gì thì mua, có gì sai nào? Sao lại bảo tôi tự tư?
Nhưng là người tu luyện, tôi biết chuyện gì xảy ra với mình đều không phải ngẫu nhiên, huống hồ vợ tôi nói tôi ích kỷ không chỉ một lần, vậy tôi ắt phải tìm cái tự tư này. Khi tôi thực sự nghiêm túc hướng nội tìm, đồng thời kiên định rằng nhất định phải tu tốt bản thân, tôi lại quay đầu nhìn lại hành vi của bản thân trước đây, thì đi đến kết luận hoàn toàn khác so với trước đây.
Trong quyển Chuyển Pháp Luân, Sư phụ giảng:
“Mong muốn sống tốt ấy, có thể phải làm tổn hại đến lợi ích người khác, có thể làm tăng trưởng tâm lý tự tư của con người, có thể chiếm đoạt lợi ích người khác, nạt dối người khác, gây thiệt hại người khác.” (Chuyển Pháp Luân)
Trước đây tôi vẫn luôn không hiểu được rõ Pháp lý này, không lý giải được tại sao mong muốn sống tốt thì làm tổn hại đến lợi ích của người khác, làm tăng trưởng tâm lý tự tư? Vì sao không thể vừa sống tốt vừa không làm tổn hại, không nạt dối, không làm tăng trưởng tâm lý tự tư, không thể đạt được gì đó, chẳng lẽ không thể mong muốn sống tốt một chút? Kỳ thực, làm người thường mong muốn sống tốt cũng không có gì đáng trách, nhưng làm người tu luyện Đại Pháp, cái tâm mong muốn sống tốt vừa khởi lên, kỳ thực đã bắt đầu coi trọng bản thân, duy hộ bản thân, đằng sau đó chính là cái tư. Trong hiện thực, trong đầu mang theo niệm đầu này thì biểu hiện hành vi của bản thân sẽ bị tư chi phối một cách không tự biết, dần dần sẽ biểu hiện thành tự tư trong bản thân không tự nhận ra được. Cũng như vợ tôi bảo tôi ích kỷ, lúc tôi không phục chính là do cách nghĩ ấy.
Khi coi mình là trung tâm, coi trọng cảm thụ của mình, thì chúng ta không cách nào cảm nhận được cảm thụ của người khác, từ đó liền có thể vô ý làm tổn thương người khác, tăng trưởng tư tâm của bản thân mà không tự biết.
Ví như, những việc vặt và việc nhà trong cuộc sống gia đình, về cơ bản đều là vợ tôi làm, tôi rất ít khi gánh vác giúp cô ấy. Cho dù lúc không bận, tôi cũng làm mấy việc của mình, cho rằng việc của bản thân quan trọng hơn. Thường thì tôi nói gì cũng tương đối trực tiếp, chỉ để ý đến cảm nhận của bản thân, biểu đạt ý trong tâm mình, chứ không để ý đối phương có thể tiếp thụ hay không, có làm tổn thương đối phương không; lại có lúc theo thói quen và lý niệm của bản thân mà yêu cầu người khác, cho rằng phương pháp của mình tốt, thói quen của mình tốt, còn nếu không phù hợp với quan điểm và thói quen của mình liền không thoải mái, v.v.. Những điều này kỳ thực đều là duy hộ bản thân, chú trọng đến biểu hiện của bản thân, đều là tư, đều chưa phải là thông cảm với người khác, nghĩ cho người khác. “Tư” và “vị tha” là đối lập với nhau, không thể cùng tồn tại. Mà Sư phụ dạy chúng ta tu đến bậc chính giác ngộ vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã.
4. Kiên định chính niệm trong bức hại
Khoảng vào năm 2020, vì chưa chú ý an toàn, nên tôi bị tà đảng Trung Cộng bức hại, bị cảnh sát theo dõi đến tận nơi ở, tối đó liền bị tống giam phi pháp vào trại tạm giam địa phương.
Tuy tu luyện Đại Pháp đã nhiều năm như vậy, lúc bản thân thực sự đối diện với loại bức hại này, trong tâm không tránh khỏi có chỗ lo lắng. Nhưng tôi rất nhanh điều chỉnh lại tâm thái, từ thời khắc đến sở cảnh sát một mạch đến hôm bị đưa vào trại giam, tôi liên tục phát chính niệm. Thời gian đó, trạng thái tu luyện của tôi lúc tốt lúc tệ, vừa tốt lên thì gặp ngay vụ bức hại này, tôi lo mình làm không tốt, nên tôi một mặt phát chính niệm, một mặt thỉnh cầu Sư phụ gia trì cho tôi, giúp tôi kiên định, có trí huệ, và sự dũng cảm, không thể khiến Đại Pháp và Sư phụ bị bôi nhọ, không thể bị tà ác áp đảo.
Trong thời gian bị tống giam phi pháp, cảnh sát vì muốn lấy thông tin về các đồng tu từ tôi (lúc ấy tôi đang tham gia một hạng mục), nên đã nhiều lần tiến hành thẩm vấn phi pháp tôi, lần nào cũng như ra chiến trường vậy. Mỗi lần trước khi xuất phát, tôi đều thỉnh cầu Sư phụ gia trì cho tôi, gia trì cho tôi trụ vững trước áp lực, tuyệt đối không thể bán đứng đồng tu, tuyệt đối không thể tiết lộ một chút nào thông tin mà họ muốn thu được.
Trong thời kỳ này, tôi thận trọng rà soát lại một lượt quá trình tu luyện của bản thân từ đầu, bởi tôi biết sau khi bị thẩm vấn phi pháp, tôi sẽ gặp khảo nghiệm còn lớn hơn nữa. Tôi quay đầu lại nhìn tu luyện của bản thân, năm 1995 đắc Pháp, hồi ấy đang học tiểu học, cũng được tính là tầng lớp tiểu đệ tử Đại Pháp sớm nhất. Bởi vì từ nhỏ tôi đã có hứng thú với việc tu luyện và Thần Phật, nên vừa xem “Chuyển Pháp Luân”, tôi liền biết ngay đây chính là điều mình muốn, tôi biết cuốn sách này có thể khiến tôi tu luyện viên mãn. Từ thời khắc bước vào tu luyện ấy, trong sách Sư phụ giảng về trạng thái tịnh hóa thân thể, cảm giác thân thể nhẹ nhàng sau khi tịnh hóa, Pháp Luân xoay chuyển trong lòng bàn tay, trong mộng Sư phụ dùng âm thanh lập thể hồng đại niệm khẩu quyết bài tĩnh công để đốc thúc tôi dậy sớm luyện công. Lúc tôi không tinh tấn, Sư phụ đã điểm hóa cho tôi ba lần thấy cảnh tượng đào thải người lúc mạt thế. Những trường hợp đồng tu xung quanh mắc bệnh hiểm nghèo khỏi bệnh nhờ luyện công, đồng tu thân thiết trong lúc định nhìn thấy điểm hóa của Sư phụ và thần tích, v.v… đều là đang khích lệ và giúp tôi kiên định tín tâm.
Đồng thời Pháp lý của Đại Pháp, nội hàm của Đại Pháp, từ làm người tốt, không ngừng đề cao tâm tính bản thân, làm một người tốt hơn nữa, Sư phụ yêu cầu chúng ta phải tu thành bậc chính giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã, ở đâu cũng phải nghĩ cho người khác, và những Pháp lý khác. Pháp tốt như vậy, Sư phụ từ bi như vậy, tôi nhất định phải tu theo Sư phụ đến cùng.
Lúc tôi xác định được một niệm này, hai hôm sau tôi liền gặp khảo nghiệm. Lần ấy, khi bị xét xử phi pháp, cảnh sát dùng tiền đồ sự nghiệp, gia đình, hôn nhân của tôi để uy hiếp tôi. Họ thấy tôi không chịu khai ra thông tin, bèn coi tôi là người phụ trách chính mà phán trọng tội, hòng dọa tôi. Vì tôi đã kiên định quyết tâm phải theo Sư phụ tu đến cùng, vậy nên thời khắc đó, tâm tôi không còn băn khoăn hay do dự gì nữa, trong tâm tôi kiên định một niệm: Tôi có thể buông bỏ mọi thứ nơi thế gian, nhưng họ muốn có thông tin về đồng tu hay hạng mục nào thì tuyệt đối không thể được. Cuối cùng, họ dùng hết mọi thủ đoạn rồi, thấy vẫn không cách nào lấy được thông tin hữu dụng nào từ tôi, sau đó không thẩm vấn tôi nữa. Lần bức hại này cộng thời gian tôi bị giam giữ phi pháp là 35 ngày, cuối cùng, một hôm, tôi cũng được thả ra.
Trong toàn bộ thời gian bị tống giam phi pháp, dưới sự bảo hộ của Sư phụ, tôi không phải chịu nhận bất kỳ sự bức hại nào về thân thể. Phạm nhân cùng phòng giam đều rất tôn trọng tôi, tôi cũng giảng chân tướng Đại Pháp cho họ. Sau khi tôi được thả ra, người nhà kể với tôi, ngay sau khi tôi bị bắt cóc, các đồng tu đã liên hệ được với người nhà tôi. Vốn là đồng tu và người nhà tôi không biết làm sao để liên hệ, nhưng thật thần kỳ là, dưới sự an bài của Sư phụ, người nhà tôi đã gặp mặt các đồng tu một cách hữu kinh vô hiểm. Các đồng tu cũng liên hệ với luật sư nhân quyền để yêu cầu biện hộ vô tội cho tôi. Cuối cùng, không một ai ngờ được rằng, với vụ án bị tà ác chú ý sát sao như vậy, tôi lại có thể ra ngoài sau 35 ngày.
Tuy tôi không thừa nhận bức hại mà cựu thế lực cưỡng chế thêm lên, nhưng khi trải qua 35 ngày này, tôi lại có thể nghiêm túc nhìn lại một cách toàn diện quá trình tu luyện của bản thân, trong tu luyện có thể thăng hoa từ cảm tính lên thành lý tính, cũng càng thấy rõ được tính nghiêm túc của tu luyện, kiên định tín tâm tu luyện. Tuy rằng tôi đã bước qua được lần bức hại này, nhưng chỉ có thể nói trong lần khảo nghiệm này, tôi vẫn xứng với danh hiệu đệ tử Đại Pháp, tôi không bôi nhọ Đại Pháp, không làm mất mặt Sư phụ, nhưng cũng chỉ là vậy. Tôi vẫn còn rất nhiều nhân tâm cần tu bỏ, rất nhiều chấp trước vẫn cần trừ bỏ, đó là không được dùng bất cứ thủ thuật nào; khi gặp ma nạn và vượt quan, phải vững chắc thiết thực bước từng bước cho tốt, hướng nội tìm, chân tu thực tu.
Cảm tạ Sư phụ đã coi sóc, bảo hộ suốt chặng đường tu luyện của đệ tử! Cảm tạ các đồng tu bên cạnh tôi đã trợ giúp và nhắc nhở tôi. Tôi mới có thể tiếp tục làm ba việc, trợ Sư Chính Pháp, mong đợi đến ngày được gặp Sư phụ tại Đại lục.
(Phụ trách biên tập: Lâm Nhất Bình)
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/4/471331.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/7/216489.html
Đăng ngày 07-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.