Bài viết của một đồng tu Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-01-2024] Cách đây một thời gian, tôi có mâu thuẫn với đồng tu Z, và đó là một khảo nghiệm về tâm tính. Ngoài bề mặt, tôi có ý tốt khi muốn đồng tu Z tới nhà tôi để học Pháp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đã xảy ra hiểu lầm và mâu thuẫn giữa chúng tôi ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Cuối năm vốn có rất nhiều việc cần làm, đây là lúc tôi cần sự giúp đỡ của các đồng tu. Tôi muốn gặp cô ấy để làm rõ mọi việc nhưng cô ấy đã từ chối. Tôi cảm thấy thật thống khổ, nghĩ rằng cô ấy không hỗ trợ tôi thì chớ mà còn gây ra phiền toái cho tôi.

Đúng lúc này đồng tu A tới gặp tôi. Tôi và cô ấy giao lưu chia sẻ, tôi bảo rằng nếu cô ấy nhận ra vấn đề nơi tôi thì cứ thẳng thắn chỉ ra cho tôi. Như vậy, tôi sẽ có thể đề cao nhanh hơn. Cô ấy nói rằng tôi nóng vội, thiếu thiện tâm và dường như còn có tâm truy cầu. Nghe thấy thế, tôi bắt đầu đưa ra một số lý do để tự bào chữa cho mình. Khi nói về mâu thuẫn của tôi với đồng tu Z, tôi liên tục nói rằng có sự hiểu lầm, v.v.. đồng tu A nói: “Chị không cần phải nói về vấn đề này. Đó chỉ là biểu hiện trên bề mặt. Điểm mấu chốt là tâm chị đã động như thế nào”. Lúc đó, tôi mới nhận ra những gì đồng tu A nói là đúng. Tôi nên tĩnh tâm và hướng nội.

Trong thời gian này, tôi cũng tiếp xúc với một đồng tu khác là C vì muốn giúp một đồng tu nữa liên lạc về một số việc. Cuối cùng, đồng tu C bảo rằng tôi không nên đưa tin qua lại giữa các đồng tu vì điều đó liên quan đến sự an toàn của họ. Lúc đó, tôi cảm thấy không vui và nghĩ: “Nếu các chị không nói ra thì ai mà biết được chứ? Tất cả các chị đều là những người đưa tin và bây giờ chị lại đổ lỗi cho tôi.“ Tuy nhiên, lý trí nói cho tôi biết rằng đồng tu C đã đúng khi có trách nhiệm với Đại Pháp và với các đồng tu khác.

Qua tình huống mà tôi gặp phải với hai đồng tu, tôi nhận ra rằng tu luyện là không nhìn vào bề mặt mà chỉ nhìn vào nhân tâm. Sư phụ đã giảng:

“Chúng ta trực chỉ nhân tâm, chiểu theo đặc tính tối cao của vũ trụ chúng ta mà tu luyện, chiểu theo hình thức ấy của vũ trụ mà tu luyện, nên đương nhiên công tăng trưởng rất mau” (Bài giảng thứ năm, Chuyển Pháp Luân)

Sau khi ngộ ra điều đó, tôi thường gặp được những đoạn Pháp của Sư phụ liên quan đến phương diện này. Nghĩ lại mâu thuẫn của tôi với đồng tu Z, khi hướng nội tìm, tôi biết rằng đồng tu Z thực sự đang giúp tôi tiêu nghiệp và đề cao tâm tính. Đồng thời, tôi cũng tìm thấy tâm tranh đấu, tâm oán trách đồng tu ở mình. Tuy nhiên, tôi chỉ mới nhìn ra tâm tật đố, phàn nàn người khác và không đào sâu hơn.

Tôi có tham gia một nhóm học Pháp nhỏ. Thực ra là tôi không muốn đi, nhưng vì cảm thấy đây là hạng mục giải cứu các đồng tu đã bị bắt và bị giam giữ nên tôi nhất định phải đi. Vậy nên, tôi đã kiên định tham gia nhóm. Có lần khi chúng tôi học Pháp, trường năng lượng đặc biệt tốt. Khi chúng tôi học xong Bài giảng thứ tư, một đồng tu đề xuất chúng tôi học tiếp Bài giảng thứ năm. Vậy là chúng tôi tiếp tục học Bài giảng thứ năm. Khi chúng tôi đang học, hai tay tôi cầm cuốn sách và rồi thiên mục của tôi nhìn thấy một không gian khác. Cảnh tượng như một tấm màn sân khấu lớn từ trung tâm mở ra hai bên. Tôi cảm thấy thấy thiên mục của mình hướng vào tâm mình mà nhìn, tôi thấy mấy chữ lớn hiện ra: “tâm coi thường người khác”.

Vào thời điểm đó, điều này thực sự giống như một gậy cảnh tỉnh đối với tôi. Đằng sau tâm tật đố, tâm phàn nàn về đồng tu Z, tôi thực sự còn có tâm coi thường người khác. Tôi coi thường đồng tu Z vì cô ấy mải mê kiếm tiền, không ra ngoài giảng chân tướng trực diện. Tôi coi thường chồng vì cho rằng anh ấy thật ngốc, hễ có việc nhỏ việc to gì cũng hỏi ý kiến tôi khiến tôi khó chịu và nổi giận. Tôi cũng coi thường con trai và bạn gái của cháu, vì tôi nghĩ rằng từ khi cháu bắt đầu hẹn hò với bạn gái thì không có gì suôn sẻ cả, mà chỉ toàn là một mớ rắc rối. Tôi coi thường đồng tu điều phối vì tôi nghĩ rằng cô ấy làm việc không nhất quán. Hóa ra tôi có tâm coi thường người khác mạnh đến vậy, mà tôi hoàn toàn không nhận ra. Nếu không có sự điểm ngộ của Sư tôn thì tôi vẫn bị mê mờ trong đó.

Sư phụ giảng,

cựu thế lực tại sao nghiêm khắc với đệ tử Đại Pháp đến thế? Một mặt là từ tâm tật đố đối với chư vị, mặt khác là coi thường những đệ tử Đại Pháp mà nhân tâm quá nhiều, quá nặng, gặp các việc không [nhận thức] theo Pháp, dùng nhân tâm xét vấn đề.” (Tu luyện Đại Pháp là nghiêm túc)

Như vậy có thể nói tâm coi thường người khác cũng là một đặc tính của cựu thế lực. Đồng thời, tôi ngộ ra rằng trường không gian tương ứng với chấp trước xấu xa này là đen thui và có một lượng lớn tà ác đang ẩn náu trong trường không gian ấy.

Một hôm khi tôi học Pháp với các đồng tu, bởi vì tôi nhớ nhầm bài học nên chúng tôi đã học lại bài giảng thứ bảy, khi đó tôi học rất nhập tâm. Khi chúng tôi đọc đến vấn đề tâm tật đố, nội hàm của Pháp triển hiện cho tôi đã thay đổi. Toàn bộ đoạn Pháp này, Sư phụ thực sự đang nói về cựu thế lực và sự biểu hiện của chúng. Tật đố là một đặc tính của cựu thế lực. Sự can nhiễu của cựu thế lực đối với Chính Pháp bắt nguồn từ tật đố và điều này trái ngược hoàn toàn với Sư phụ và Đại Pháp. Ngay sau đó, Pháp mà Sư phụ nhắc đến trong bài “Cảnh giới” đã xuất hiện trong tâm tôi. Hết thảy tà ác đều đối lập với Đại Pháp và gốc rễ của mọi biểu hiện thiếu từ bi đối với con người đều bắt nguồn từ tật đố.

Nhớ lại cách đây vài năm, tôi có mâu thuẫn với một đồng tu khác. Chuyện đó đã xảy ra được một thời gian và tôi cũng đã tu bản thân được một chút. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn cảm thấy không hài lòng với đồng tu đó. Một hôm, tôi đang làm việc thì trời mưa rất to. Đột nhiên, nước mưa qua cửa sổ kính hai lớp ở phòng ngủ tràn vào bên trong. Lúc đó tôi rất bối rối nhưng ngay lập tức tự hỏi: “Chỗ hở lớn ở cửa hai lớp kia muốn mình tu gì đây? Mình vừa nghĩ gì nhỉ?” Trong lúc làm việc, tôi đã nghĩ đến đồng tu đó và trở nên tức giận, nghĩ rằng ‘Dù sao thì gia đình mình cũng khá giả hơn gia đình cô ấy’. Chẳng phải cảm giác này là bất bình và tật đố sao?

Lần khác, con trai tôi khoa tay múa chân ra hiệu cho tôi giúp đỡ cháu. Tôi tự nhủ, đứa nhỏ này phải chịu chút bất hạnh thì mới học được cách hiếu thảo với cha mẹ… ví như gặp phải một tai nạn nào đó, như tai nạn xe hơi chẳng hạn. Tôi chợt ngộ ra đây chẳng phải là lấy ác trị ác hay sao. Đây chính là tâm tật đố! Ngay lúc đó, tôi thấy thiên thể bị hủy hoại của mình đã được tái sinh, giống như những gì Sư phụ giảng về sự canh tân của các thiên thể. Tôi cảm thấy vô cùng chấn động trước sự việc này.

Trên đây là những nhận thức của tôi ở tầng thứ sở tại. Nếu có bất kỳ điều gì không phù hợp mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/9/470747.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/1/216051.html

Đăng ngày 12-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share