Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 24-12-2023] Trong 27 năm qua, Sư phụ đã luôn coi sóc tôi, và tôi vô cùng cảm kích trước ân cứu độ của Ngài. Tôi muốn viết ra những trải nghiệm của bản thân về việc Sư tôn bảo hộ tôi trong trại lao động cưỡng bức.
Tiêu hủy các áp phích phỉ báng trong trại lao động
Một ngày trước Tết Cổ truyền 2002, các học viên khác và tôi đã làm rất nhiều hoa sen giấy nhỏ, chúng tôi đựng chúng đầy các túi lớn với rất nhiều biểu ngữ và tài liệu giảng chân tướng. Chúng tôi dự định treo các biểu ngữ và phát tài liệu thông tin trên diện rộng.
Trong khi treo biểu ngữ trước đồn công an khu vực, hai người chúng tôi đã bị bắt. Chúng tôi bị đưa đến một trại tạm giam, nhưng vì không đạt yêu cầu về sức khỏe đầu vào nên trại tạm giam từ chối tiếp nhận chúng tôi. Một lính canh ở trại giam gọi điện đến đồn công an, yêu cầu họ đưa chúng tôi đến bệnh viện để khám, nhưng không ai đến cả. Sau đó, trại tạm giam liên lạc với Sở Công an Thành phố, và họ đã đến.
Tôi từ chối đến bệnh viện. Hai cảnh sát túm lấy hai tay tôi, hai người khác nhấc chân tôi lên, rồi khiêng tôi đến bệnh viện. Bác sỹ khám cho tôi nói: “Bệnh tình rất nghiêm trọng. Bà ấy cần phải nhập viện.” Sau đó, họ tìm người quen, nhờ người đó viết chẩn đoán giả. Họ nói với lính canh trại tạm giam rằng tôi vẫn khỏe. Tôi nói: “Họ nhờ một bác sỹ viết chẩn đoán giả đó.” Nhưng không ai nghe tôi, và tôi bị giam trong trại tạm giam.
Vào tháng 5, tôi bị chuyển phi pháp sang trại lao động cưỡng bức. Sau khi bác sỹ ở trại lao động khám cho tôi, cô ấy từ chối nhận tôi và bảo cảnh sát đưa tôi trở lại. Một nữ cảnh sát nhất quyết đòi tôi nhập trại để được nhận thưởng. Mọi việc không suôn sẻ, và sau nhiều cuộc điện thoại, cuối cùng tôi bị đưa trở lại trại tạm giam.
Một lúc sau, một người đàn ông trông có vẻ như lãnh đạo bước vào và hỏi tôi: “Bà có thể ngừng tu luyện không? Nếu bà ngừng tu luyện, tôi sẽ thả tự do cho bà.“ Tôi trả lời: “Không. Tôi không vi phạm pháp luật, vậy tại sao các ông lại bắt tôi vào trại lao động? Chẳng phải là tốt nếu chúng ta thực hành theo Chân-Thiện-Nhẫn sao? Tôi không hiểu các vị lãnh đạo đất nước, cũng như các ông, nghĩ gì.” Một cảnh sát chế nhạo tôi: “Nếu anh hỏi bà ấy về điều gì khác, bà ấy sẽ không nói, nhưng nếu anh muốn nói về Pháp Luân Công thì bà ấy sẽ nói liên hồi.“
Sáng hôm sau, họ đưa tôi đến trại lao động. Tôi xin được về nhà thăm bố, ông đang rất lo lắng cho tôi và sức khỏe của ông không được tốt. Nhưng cảnh sát không đồng ý, nên tôi không thể về thăm ông. Khi bố tôi qua đời, con trai và cháu trai lớn của tôi đến trại lao động, mang theo giấy chứng tử của bố tôi và hỏi liệu tôi có thể về nhà dự tang lễ không. Nhân viên trại lao động nói: “Mẹ của anh quá cứng đầu.”
Tôi bị chuyển đến phòng giam bốn người. Trên bức tường phía trên giường của tôi dán nhiều lời phỉ báng Đại Pháp và Sư phụ. Tôi hỏi một đồng tu: “Ai đã viết chúng?” Cô ấy nói việc này nhằm mục đích nhắm đến một đồng tu. Tôi tự nghĩ: “Chúng ta không được cho phép những lời lẽ phỉ báng Đại Pháp và Sư phụ tồn tại ở đây và đầu độc chúng sinh. Sư phụ đã bị oan, và Đại Pháp đã bị oan.”
Khi ba người khác ngủ say, tôi xé chúng và ném xuống sàn. Sau đó tôi nghĩ: “Khi nhìn thấy tờ giấy này, họ sẽ lại dán nó lên.” Thế là tôi nhặt những mảnh giấy đó và bỏ vào túi, rồi vứt chúng đi khi đi vệ sinh. Tôi biết Sư phụ đang giúp đỡ tôi.
Ngày hôm sau, một đội trưởng đến hỏi tôi: “Ai đã xé những thứ trên tường?” Tôi đang ngồi trên giường và không ngần ngại trả lời: “Chính là tôi”. Cô ấy hỏi: “Ai bảo bà làm như thế?” Tôi cười và nói “không ai cả”, cô ấy lại hỏi tôi xé để làm gì. Tôi tiếp tục cười và nói: “Chúng ở đó sẽ không tốt”. Cô ấy nói: “Đã lâu không ai dám chạm vào, còn bà vừa đến đã xé chúng ra. Bà to gan quá! Bà phải dán chúng lại đi!
Khi tôi nói với cô ấy rằng tôi đã vứt các mảnh giấy đi, cô ấy muốn biết ở đâu. Tôi chỉ lặng lẽ nói: “Mất rồi.” Cô ấy đột nhiên buồn rầu, rồi giận dữ nói: “Bà hãy đợi xem tôi sẽ xử lý bà như thế nào!” Sau đó cô quay người bỏ đi.
Sự việc kết thúc như vậy, và không ai trừng phạt tôi cả. Tôi đã duy hộ Đại Pháp. Tôi biết chính Sư phụ đang trông nom, bảo hộ, chỉ dạy và điểm hóa cho tôi.
Chúng tôi bị bắt chụp ảnh, nhưng không có ảnh của tôi
Trại lao động chụp ảnh các học viên Đại Pháp, rồi đeo trước ngực họ. Khi được gọi, tôi nói mình không muốn chụp ảnh. Người lính canh hỏi: “Tại sao bà cứ khác thường như vậy?” Hai tù nhân hình sự liền đến kéo tôi đi.
Họ đẩy tôi vào một góc, và có hai người giữ chặt tôi. Lúc đó tôi nghĩ: “Không chụp được”. Chỉ một niệm đầu này đã có tác dụng. Phim được rửa ra, nhưng không có bất kỳ bức ảnh nào có hình tôi. Tôi nhận ra khi một đệ tử có chính niệm, Sư phụ định đoạt mọi việc và sẽ quyết định cho chúng ta.
“Tôi đã vi phạm luật gì?”
Năm 2002, có một nhóm người từ Sở Công an Thành phố đến trại lao động. Một người đàn ông lớn tuổi xác nhận tên tôi rồi hỏi: “Bà đã từng đến Bắc Kinh chưa?” Khi tôi nói là có, ông ấy hỏi tôi có biết nhà nước cấm tu luyện không. Tôi nói: “Vâng. Chính vì không được phép tu luyện nên tôi đã đến Bắc Kinh. Tôi nghĩ các lãnh đạo chính quyền trung ương không hiểu Pháp Luân Công, nên tôi đến giải thích tình hình thực tế và biểu đạt tấm lòng của mình. Trước khi đến Bắc Kinh, tôi đọc luật hiểu rằng công dân có quyền kiến nghị và quyền tự do tín ngưỡng, nên tôi chỉ thực hiện các quyền công dân của mình. Nhưng khi đến Bắc Kinh, chúng tôi bị bắt, không có nơi nào để lên tiếng và được lắng nghe, vậy chúng tôi còn có quyền công dân không?”
Khi ông ấy bảo tôi ký vào văn bản ông ấy mang đến, tôi liền từ chối. Hai người đàn ông đến cạnh tôi, và một người cố nắm lấy tay tôi. Thời điểm đó, huyết áp tâm trương của tôi đôi khi chỉ từ 40 đến 60, và đôi khi là 30 đến 50 mm Hg. Tôi đã sụt cân rất nhiều, chỉ còn da bọc xương, và chỉ nặng khoảng 30 đến 35 kg.
Tôi lập tức đứng dậy để họ không thể ghì lấy tay tôi. Tôi nói: “Tôi đã phạm tội gì mà các anh lại đối xử với tôi như vậy? Làm người tốt theo Chân-Thiện-Nhẫn thì có gì sai? Thân thể khỏe mạnh thì có gì sai?” Chính Sư phụ đã ban cho tôi sức mạnh cường đại này. Người đàn ông lớn tuổi ngăn hai người đàn ông khác lại, và để tôi đi mà không cần ký.
Dưới sự bảo hộ của Sư phụ, tôi đã vượt qua khảo nghiệm này.
Những thay đổi của đội lính canh trại lao động
Cô ấy không bao giờ đánh đập các học viên Đại Pháp nữa
Một hôm, đội trưởng trại lao động bắt một đồng tu ngồi trên ghế nhỏ. Khi người học viên từ chối, lính canh đã tát cô ấy hai cái. Tôi nằm trên giường khóc. Khi lính canh nhìn thấy tôi khóc trên giường, họ không đánh cô ấy nữa và bỏ đi.
Đến buổi chiều, đội trưởng hỏi tôi: “Tại sao bà lại khóc khi tôi đánh cô ta?” Tôi hỏi cô ấy: “Tại sao cô lại đánh cô ấy? Cô ấy đã làm gì? Chỉ vì là lính canh mà cô được phép đánh người, làm tổn thương người vô tội sao?” Cô ấy giải thích: “Tôi bảo cô ấy ngồi trên ghế nhỏ, nhưng cô ấy không chịu.” Tôi nói: “Ngồi trên ghế đẩu nhỏ là một hình thức tra tấn. Cô biết rõ điều đó. Tại sao cô không thử ngồi xem sao? Các học viên Đại Pháp đều tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, và việc các cô tra tấn chúng tôi là không tốt. Cô vẫn còn trẻ, nên nhất thời bốc đồng. Tôi có thể hiểu cô, nhưng đừng làm như vậy nữa.“
Tôi thì thầm với cô ấy: “Cô cứ làm việc và kiếm tiền, nhưng đừng đánh chúng tôi nữa. Cô có biết Thiên thượng phán xét mọi người không? Cô sẽ bị phán xét như thế nào? Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu luyện của Phật gia. Tôi thấy cô vẫn còn thiện tâm, nên mới nói với cô điều này. Cô có thể nhắm mắt làm ngơ trong công việc, và đừng theo sát những mệnh lệnh xấu xa. Rồi cô sẽ có một tương lai tốt đẹp. Đừng cố chấp nữa. Cô hiểu điều tôi đang nói chứ? Tôi thực sự đang nói với cô từ tận đáy lòng mình. Cô có hiểu không?” Cô ấy gật đầu và mỉm cười bước đi.
Khi viết những dòng này, nước mắt tôi không ngừng tuôn rơi, bởi tôi vui mừng khi cô ấy hiểu được chân tướng. Một lúc sau, cô ấy mang một bắp ngô đến gặp tôi và nói: “Cháu mang một ít ngô từ nhà, mới chỉ cắn một miếng thì cháu nhớ đến dì. Dì có ghét cháu không?“ Tôi nói với cô ấy rằng tôi không ghét cô ấy. Tôi nói: “Tôi phải cảm ơn chị. Nếu chị không nghĩ đến tôi, tôi sẽ không bao giờ được ăn ngô ngon như vậy ở đây”. Sau đó, tôi không bao giờ nghe thấy việc cô ấy đánh đập các học viên Đại Pháp nữa.
Đệ tử Đại Pháp phải chính lại môi trường bất chính
Một hôm, khi chúng tôi đang phát chính niệm, một lính canh bước vào và đánh vào lưng tôi hai cái. Khi tôi hỏi tại sao lại làm vậy, cô ấy nói: “Bà đang làm gì vậy?” “Ngồi thôi mà”, tôi trả lời.
Bởi vì họ phát hiện chúng tôi ngồi yên lặng và phát chính niệm hàng giờ, nên gây rắc rối cho chúng tôi. Đầu tiên, tôi chặn cô ấy lại để ngăn cô ấy làm phiền những người khác, sau đó tôi ngăn cô ấy đánh người một cách tùy tiện, để cô ấy không đi sang phòng khác làm phiền các học viên khác.
Tôi đã tuyệt thực trong ba ngày, khiến người lính canh này lo lắng. Khi một lính canh khác hỏi tôi sao lại tuyệt thực, tôi nói: “Người lính canh đó đánh tôi vô cớ.” Đến ngày thứ ba, cô ấy xin lỗi tôi, và tôi bắt đầu ăn. Sau đó, môi trường trở nên tốt hơn nhiều, và cô ấy không bao giờ đánh ai nữa.
Một hôm, cô ấy đến đưa cho tôi một quả hồng lớn, tôi nói: “Tôi không cần!” Cô ấy nói: “Không có mâu thuẫn sao trở thành bạn được. Dì đừng khách khí.” Tôi nói: “Tôi hy vọng cô đối xử tốt với tất cả đệ tử Đại Pháp.” Cô ấy nói: “Vâng, vâng. Dì cầm lấy đi.” Tôi đồng ý rồi nhận lấy. Sau đó mỗi khi chúng tôi phát chính niệm, cô ấy chỉ nhìn qua cửa rồi rời đi mà không làm phiền chúng tôi.
“Chúng ta hãy nói chuyện nhé”
Một tù nhân hình sự trong phòng nói với tôi: “Khi chúng tôi nhìn thấy chính trị viên, bắp chân chúng tôi cứ run hết cả lên.” Nhưng chính trị viên thích trò chuyện với tôi. Cô ấy nói rằng cô ấy sẽ không ngủ được nếu không nói chuyện với tôi vào buổi tối.
Khi tôi mới đến trại lao động, cô ấy đã cố gắng “chuyển hóa” tôi. Cô ấy cử một vài cộng tác viên đã từ bỏ Đại Pháp và bị “chuyển hóa” đến thuyết phục tôi. Một người ngủ trong phòng tôi vào ban đêm. Ngay khi người này bước vào phòng, tôi liền phát chính niệm. Sau đó, cô ta không thể chịu đựng được nữa. Cuối cùng, cô ta không thể ở trong phòng tôi. Đôi khi cô ta nói: “Chúng ta hãy trò chuyện nhé”. Tôi nói: “Tôi không có gì để nói với cô cả. Cô có biết cô đang làm gì không? Sư phụ và Đại Pháp đã bị bôi nhọ, và các học viên đã phải chịu đựng sự thống khổ. Vậy mà cô đang làm gì? Cô đang phỉ báng chúng tôi.“
Một người khác cố đọc cho tôi nghe những gì họ viết, nhưng tôi không nghe và bắt đầu phát chính niệm. Cô ta không thể đọc được nữa và dừng lại. Cô ta nói: “Chúng tôi dám xuống địa ngục vì tất cả chúng sinh. Bà có dám không?” Tôi nói: “Xuống địa ngục à? Ngay cả trong địa ngục cũng không có chỗ cho những người như cô đâu.” Cô ta sửng sốt và bỏ đi.
Họ cố gắng thuyết phục tôi suốt ba ngày liền, nhưng không thành công.
Có lần, chính trị viên bảo một tù nhân hình sự mang cho tôi năm túi sữa đậu nành làm quà. Sau đó, chính trị viên còn mang cho tôi cá hộp và dưa chua. Tôi biết Sư phụ đã an bài việc đó.
Tôi được trả tự do sớm chín tháng. Khi về đến nhà, tôi tìm thấy số điện thoại của chính trị viên trên Minghui.org, và đến nhà cô ấy hai lần. Cô ấy nói: “Sao bà lại biết số của tôi?” Tôi nói: “Sao tôi lại không biết số điện thoại của cô?” Sau đó, tôi giảng chân tướng về Đại Pháp cho cô ấy, và bảo cô ấy hãy đối xử tốt với các đệ tử Đại Pháp. Cô ấy rất cảm động và nói: “Bà có thể ở trong nhà tôi, và không ai bắt bà cả.” Về sau, tôi nghe các đồng tu kể rằng chính trị viên đối xử với họ tốt hơn nhiều. Cô ấy đã thay đổi thái độ, và đối xử tốt với các đệ tử Đại Pháp.
Để tưởng nhớ đồng tu Doãn Linh
Đồng tu kiên định Doãn Linh là một đệ tử Đại Pháp ở Nông trường 597 ở Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang. Cô đã bị lính canh trại lao động bức hại đến chết. Bất cứ khi nào nghĩ về những trải nghiệm của chúng tôi, tôi đều khóc.
Chúng tôi bị giam trong cùng một phòng giam hai lần. Đồng tu Doãn Linh lúc đó 35 tuổi, còn tôi 51. Cô ấy cao hơn tôi, cô ấy cao khoảng 1,6m hoặc 1,7m, là một phụ nữ rất duyên dáng và ưa nhìn. Cô ấy tu luyện rất tinh tấn. Vì bị bức hại, chồng cô đã ly dị cô, để cô một mình nuôi con trai. Vào thời điểm cô bị bắt, con trai của cô chỉ mới sáu tuổi. Cháu bé khóc và gọi: “Mẹ ơi!” nhưng cảnh sát không hề thương hại. Bọn họ để lại cháu một mình trong nhà, và bắt cô Doãn Linh vào trại lao động cưỡng bức.
Trong trại lao động, cô Doãn Linh đã viết cho con trai mình một bức thư, nhắn nhủ: “Mẹ sẽ đón con khi mẹ trở về. Con phải nghe lời cha con nhé.” Bức thư của cô ấy cảm động đến nỗi các lính canh đã rất xúc động sau khi đọc nó.
Hai chúng tôi cùng nhau học và học thuộc Pháp. Khi nhận được kinh văn mới của Sư phụ, chúng tôi học thuộc và nhẩm cùng nhau. Khi cảnh sát đánh các đệ tử Đại Pháp khác trong trại lao động, nghe thấy tiếng kêu của họ, chúng tôi gõ vào cửa và hô lên: “Đừng đánh người!” Bằng cách này, chúng tôi đã trợ giúp các học viên bị bức hại và giảm bớt sự hung hãn của lính canh.
Sau một thời gian, cô Doãn Linh bị chuyển sang phòng giam khác. Khi các học viên trong phòng giam của cô bị biệt giam vì luyện công, cô đã tuyệt thực để phản đối. Cô bị còng tay vào giường và không thể ngồi hay nằm. Một tuần sau, tay, chân, bụng và toàn thân cô đều sưng tấy. Cô không thể đi lại, tay chân không cử động được. Có lần cô Doãn Linh bị ngã và bị thương ở đầu. Cô không thể đứng dậy nổi, nhưng không ai quan tâm đến cô.
Lần thứ hai khi cô Doãn Linh được chuyển vào phòng tôi, vì tay cô không thể cử động nên tôi xúc cho cô ăn và tắm rửa cho cô. Cô ấy không muốn tôi giúp đỡ, bởi thấy tôi cũng yếu. Tôi nói: “Đừng suy nghĩ quá nhiều. Chúng ta là đồng tu. Cô rất xuất sắc vì đã phản đối tà ác và giảm bớt sự bức hại. Tất cả chúng ta là một chỉnh thể, và đây là điều tôi phải làm.” Mặc dù khi đó tay trái tôi cũng không cử động được, nhưng tôi đã chăm sóc cô bằng tay phải.
Chúng tôi ở cùng nhau được sáu hoặc bảy ngày, thì nghe tin cô ấy sắp bị chuyển đến phòng giam khác. Cô ấy nói: “Tôi sẽ không đi đâu cả. Tôi ở với dì tôi (ám chỉ tôi). Chỉ có bà ấy mới có thể chăm sóc tôi.” Viên cảnh sát nói: “Bà ấy chăm sóc cho bản thân còn chưa xong – làm sao có thể chăm sóc cho cô được?” Tôi nói: “Tôi có thể làm được!” nhưng cảnh sát vẫn đưa cô ấy đi.
Từ đó trở đi tôi không bao giờ gặp lại cô Doãn Linh nữa. Bốn hoặc năm ngày sau, tôi nghe tin cô ấy được khiêng về nhà và bọc trong chăn. Một tù nhân hình sự bảo rằng mẹ cô đã đến đón cô. Khi nhìn thấy Doãn Linh, mẹ cô ấy đã khóc: “Con gái ngoan của mẹ, sao con lại ra nông nỗi này?”
Mười ngày sau khi về nhà, cô Doãn Linh qua đời. Lúc đó tôi vẫn đang ở trong trại lao động, sau khi biết tin, tôi bật khóc nức nở. Một đồng tu tốt như vậy mà bị bức hại đến chết. Tôi sẽ tu luyện tinh tấn hơn, ra ngoài cứu nhiều người hơn nữa, và lên tiếng cho Đại Pháp và Sư phụ.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/24/468545.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/8/214218.html
Đăng ngày 01-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.