Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-02-2024] Mặc dù tôi đã làm ba việc trong hơn 20 năm, nhưng tâm tính của tôi không cải thiện, và tôi cảm thấy việc tu luyện cứ mãi dậm chân một chỗ mà không có đề cao. Đặc biệt trong hai năm qua tôi cảm thấy nỗ lực giảng chân tướng của mình không hiệu quả. Nhìn các đồng tu xung quanh tích cực làm ba việc, tôi lo lắng và không biết mình đã mắc sai sót ở đâu.

Nhiều việc xảy ra sau đó khiến tôi nhận ra tự ngã đang khởi tác dụng can nhiễu. Vì tôi không nhìn thấy vấn đề của mình trong một thời gian dài, vô tình đã bảo hộ và nuôi dưỡng tự ngã cùng nhiều chấp trước khó loại bỏ, khiến chúng bành trướng. Tôi có những tâm chấp trước chẳng hạn tâm tranh đấu, hiển thị, tật đố, coi thường người khác, v.v. Tôi lúc nào cũng muốn thay đổi người khác và áp đặt nhận thức của mình lên họ.

Tôi muốn chia sẻ một số nhận thức của bản thân về tự ngã. Vui lòng chỉ ra bất cứ điều nào không phù hợp với Pháp.

Tâm chấp trước vào cha

Cha tôi qua đời vào năm ngoái, thọ 89 tuổi, sau khi bị nghiệp bệnh hơn nửa năm. Tôi rất đau lòng nhưng nhận ra mình có tâm chấp trước vào tình với cha rất nặng. Tôi đã phát chính niệm nhưng vẫn không cầm được nước mắt mỗi khi nghĩ về cha.

Tôi nhớ giọng nói hiền hoà và nụ cười của cha, tính cách thiện lương và thành thật, cùng những hành động chân chính của cha khi đối diện với cuộc bức hại Đại Pháp. Điều khiến tôi càng khó chấp nhận hơn là, mặc dù tôi đã nỗ lực hết mình để giúp cha nhưng cha vẫn qua đời.

Cha tôi mỗi năm đều trải qua nghiệp bệnh nghiêm trọng trong bảy hoặc tám năm. Ông kiên định vào Đại Pháp và chịu đựng thống khổ. Tôi đã làm tròn bổn phận của một người con gái hiếu thảo và động viên cha đề cao nhận thức về các Pháp lý.

Tôi gia tăng thời gian phát chính niệm để thanh trừ những sinh mệnh tà ác và những nhân tố bất hảo đang bức hại cha. Các học viên khác cũng chia sẻ với ông dựa trên Pháp. Mỗi lần “bệnh“, ông đều có thể vượt qua và hồi phục sức khỏe. Người thân và bạn bè của chúng tôi đã chứng kiến uy lực thần kỳ của Đại Pháp.

Điều tôi không ngờ là khi Chính Pháp sắp sửa kết thúc thì cha tôi đã bị cựu thế lực dắt đi. Tôi tự trách mình vì cái chết của cha. Tôi tin chính niệm của mình mạnh mẽ nhưng có lẽ tôi đã không tu luyện tốt.

Tôi chìm trong hối hận và tự trách mình, rồi bắt đầu buông lơi trong tu luyện và làm ba việc. Tôi nhận ra nếu cứ tiếp tục mãi như vậy thì sẽ rất nguy hiểm và bắt đầu chính lại bản thân. Tôi biết chỉ có học Pháp tốt mới có thể nhanh chóng quy chính trong Pháp.

Sư phụ đã cho tôi điểm hoá và từ “tự ngã” xuất hiện trong tâm trí tôi. Tôi bắt đầu suy ngẫm về những hành vi và tư tưởng của mình từ lúc cha tôi mắc bệnh đến khi ông qua đời.

Sư phụ giúp tôi nhìn thấy tự ngã và biểu hiện của nó trong trường không gian của tôi – tôi không muốn cha đến bệnh viện; tôi sợ ông sẽ không thể vượt qua ma nạn; tôi muốn cha sớm khỏe lại để chứng thực Pháp; tôi mong cha sẽ khoẻ mạnh và sống với mẹ đến cuối đời, như vậy cũng là bảo trì sự hoà thuận trong gia đình và tôi sẽ bớt lo lắng hơn; tôi có chính niệm và tự tin, và tôi có thể giúp cha vượt qua nghiệp bệnh…Toàn bộ quá trình tôi đã tập trung vào những gì tôi nghĩ, vào tự ngã, dựa trên tâm vị tư.

Tôi cũng nhận ra lý do đằng sau tôi vô cùng đau lòng trước sự ra đi của cha là vì nó đã tác động đến tự ngã mạnh mẽ ẩn sâu trong trường không gian của tôi một thời gian dài. Lý do tôi cảm thấy buồn là vì tự ngã đã bị khuấy động.

Tôi thực sự cảm thấy hổ thẹn khi nhận ra thiếu sót của mình. Sư phụ giảng:

“Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ.” (Bài giảng thứ nhấtChuyển Pháp Luân)

Kỳ thực cha tôi có thể vượt qua những nghiệp bệnh nghiêm trọng trước đó là vì Sư phụ đã gánh chịu nghiệp lực to lớn và gia trì cho cha. Nó không có liên quan đến tự ngã ích kỷ của tôi—nhưng tôi đã nghĩ rằng mình đã làm điều này hoặc điều nọ. Tôi đã đánh giá quá cao năng lực của mình. Sau khi xác định ra tự ngã, tôi quyết tâm loại bỏ nó.

Mẹ tôi và chồng tôi

Đối với người khác, tôi là một người con gái hiếu thảo và một người vợ đảm đang. Nhưng trong thâm tâm, mặc dù tôi quan tâm đến họ, tôi cũng có tâm coi thường họ.

Tôi không thích cách nói chuyện của mẹ. Tôi nghĩ cách bà nói chuyện chẳng khác chi người thường. Bà thích xen vào chuyện người khác mặc dù đã tu luyện Đại Pháp được hơn 20 năm.

Tôi nghĩ mẹ chỉ học Pháp và luyện công. Bà không tu luyện tâm tính và phụ thuộc vào người khác. Thỉnh thoảng bà còn nói chuyện trong lúc phát chính niệm. Nhiều lần, tôi đã chỉ ra những thiếu sót của mẹ nhưng không mấy tác dụng. Tôi quyết định không thể bị ảnh hưởng thêm nữa.

Tôi cố gắng ngăn mẹ nói chuyện trong lúc phát chính niệm, nhưng bà nói: “Đừng bắt mẹ tuân theo tiêu chuẩn của con. Con tu luyện ở tầng thứ cao, mẹ tu luyện ở tầng thứ thấp. Sư phụ đang quản mẹ chứ không phải con“. Tôi nghẹn lời, nghĩ rằng có lẽ tôi đã quá chấp trước vào bà.

Có lần bà nói xấu người khác, tôi nhắc bà làm như vậy là sai. Bà tức giận và nói: “Con muốn quản mẹ! Mẹ không thể nói điều này hoặc điều kia. Con muốn mẹ tức chết phải không? Tại sao con lúc nào cũng muốn quản mẹ vậy? Lo việc của con thôi chứ!” Bà tức giận đến mức ngất xỉu.

Hai chị em tôi sững người. Tôi khóc và không ngừng gọi tên mẹ. Tôi vừa hối hận vừa cảm thấy bị oan. Tôi nghĩ điều mình làm đâu có sai. Tôi tự nhủ: Vì đây là điều mẹ muốn nên con sẽ không nhắc nhở mẹ nữa. Rốt cuộc, chỉ những ai thực tu tâm tính mới có thể đề cao trong tu luyện.

Sau khi mẹ tôi bình phục, tôi nói với mẹ: “Con sẽ không nói với mẹ kiểu như vậy nữa”.

Mẹ tôi bình tĩnh nói: “Mẹ biết con đang cố gắng giúp mẹ. Nhưng cách con nói khiến mẹ thấy khó chịu quá“.

Sau này em tôi kể với tôi rằng mẹ nói tôi là một đứa con gái hiếu thảo và tốt bụng. Bà quan tâm đến tôi nhưng cũng sợ tôi vì tôi lúc nào cũng chỉ trích bà.

Tôi cảm thấy buồn, nghĩ rằng tôi chỉ đang cố gắng giúp mẹ tu luyện, tại sao mẹ lại sợ tôi? Tôi hướng nội và nhận ra mình đã không đủ từ bi và giọng nói của tôi không ôn hoà và bất thiện. Tôi vẫn còn nhiều nhân tâm đối với mẹ và tôi phải loại bỏ chúng.

Tôi nhận ra đó là vấn đề của tôi—tự ngã. Tôi lúc nào cũng muốn mẹ làm theo ý tôi, và khi bà không thực hiện, tôi thấy bất mãn. Tôi cho rằng mình có học vấn cao còn bà không có, vậy nên tôi muốn bà làm theo cách của tôi. Đây là tâm tự ngã đứng phía sau khởi tác dụng.

Vì cha tôi đi làm ngoài tỉnh suốt mấy năm trời nên mọi chuyện trong nhà mẹ luôn bàn bạc với tôi, nói tôi ngay chính và xử lý mọi việc công bình. Thuận theo thời gian, tôi đã hình thành tự ngã mạnh mẽ, còn cảm thấy như vậy là bình thường. Ngay cả sau khi tu luyện Đại Pháp, tôi chưa từng cảm thấy mình có vấn đề.

Ai cũng nói chồng tôi là một người đàn ông tốt—anh ấy thiện lương và luôn sẵn lòng giúp đỡ bất cứ ai. Anh chưa từng tranh giành lợi ích cá nhân và không nói xấu sau lưng người khác.

Nhưng trong mắt tôi, anh ấy vẫn chưa đủ tốt. Trước khi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, anh ấy hút thuốc, uống rượu, thích chơi mạt chược và dường như không quan tâm đến gia đình. Tôi nghĩ anh không biết cách ăn nói và làm lơ trước khó khăn của người khác. Chúng tôi thường hay tranh cãi trước khi bước vào tu luyện.

Sau khi chúng tôi bước vào tu luyện, tôi nghĩ mình nên chiểu theo yêu cầu của Pháp. Tôi bắt đầu quan tâm đến anh và không còn tập trung vào những thiếu sót của anh. Nhưng trong thâm tâm, tôi muốn anh ấy thay đổi.

Trong hai năm qua, anh dường như luôn mâu thuẫn với tôi. Ví như, có mấy lần trời rất lạnh tôi đưa anh áo khoác ấm để mặc vào, anh không mặc mặc dù bị rét run. Khi tôi để thức ăn ngon trước mặt anh, anh không thèm động đũa. Rõ ràng anh đang ôm giữ tâm bất mãn với tôi.

Có lần, anh giận tôi vì một chuyện nhỏ nhặt. Tôi nói: “Tại sao anh đối xử tốt với người khác mà không đối xử tốt với em? Bất kể em có cố gắng đối xử tốt với anh đến đâu thì anh cũng coi em như kẻ thù”.

Chồng tôi nói: “Bởi vì không giống như em, anh không có kiểu quan hệ vật chất với người khác“.

Tôi tranh cãi: “Giữa chúng ta đâu có quan hệ vật chất”.

Anh nói với tôi một cách thờ ơ: “Vậy thì em muốn nghĩ sao thì nghĩ …”

Một lần khác, bởi vì chồng tôi luôn không tháo dây sạc pin điện thoại sau khi sạc nên tôi bảo anh ấy như vậy không an toàn. Điều khiến tôi ngạc nhiên là anh ấy lại nổi giận và lớn tiếng với tôi: “Em lúc nào cũng cho rằng mình là đúng, không coi anh ra gì, em chỉ muốn kiểm soát anh mọi thứ. Anh không thể làm bất cứ việc gì ra hồn, chỉ có em là người duy nhất làm được tốt. Đây là cách em tu luyện Đại Pháp sao? Em chỉ nghĩ đến việc cải biến người khác, sao không tự cải biến mình đi!”

Tôi lặng người. Sau khi bình tĩnh lại, tôi nhận ra những điều anh ấy nói không có sai. Bề ngoài dường như là tôi quan tâm nhưng tôi luôn để mắt đến anh vì tôi lo lắng những việc anh làm.

Trước đây, mỗi lần chúng tôi xảy ra mâu thuẫn, tôi hướng nội nhưng chỉ tập trung vào mối quan hệ vợ chồng, hoặc loại bỏ tâm tranh đấu, tâm oán hận và coi thường người khác. Tôi chưa từng đào thật sâu xuống để nhìn thấy tự ngã mạnh mẽ của mình, gốc rễ của nhiều tâm chấp trước.

Trong nhiều năm, cái tự ngã này đã ngăn trở tôi đề cao trong tu luyện và gây ra nhiều tổn hại cho tôi và chồng.

Tự ngã của tôi đối với các đồng tu

Tôi bước vào tu luyện tương đối sớm, nên cảm thấy mình có thể hiểu được các Pháp lý. Mỗi khi đồng tu nhờ tôi giúp đỡ, tôi đều làm. Tôi thấy mình đang tu luyện tốt.

Tôi luôn nói về thể ngộ của bản thân thay vì lắng nghe thể ngộ của người khác. Khi tôi không thích điều người khác nói, tôi liền cắt ngang họ và bày tỏ quan điểm của mình. Khi họ không đồng tình với tôi, tôi sẽ tranh biện với họ.

Tôi cũng coi thường một số học viên, chẳng hạn những ai tôi cho rằng có chủ ý thức không mạnh, hoặc những ai thích nói về các Pháp lý quá cao cho người thường. Tôi cảm thấy một số không “chân” và không tu khẩu. Tôi tránh xa họ, không hề có tâm từ bi hoặc khiêm nhường.

Tự ngã và sự nguy hại của nó

Tự ngã thể hiện ra trong nhiều cách: Một người có khuynh hướng cho rằng mình luôn đúng và tốt hơn người khác. Người đó kiêu ngạo, luôn muốn quản thúc và cải biến người khác, thích áp đặt nhận thức của mình lên người khác, v.v. Tự ngã là thể hiện mạnh mẽ của vị tư, cơ điểm của sinh mệnh cựu vũ trụ, những ai chỉ muốn cải biến người khác chứ không phải chính mình, đó là lý do tại sao họ từ cao tầng mà rơi rớt xuống.

Ngoài ra, đằng sau tự ngã cũng ẩn chứa những yếu tố độc hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc nó cổ vũ thuyết vô thần. Chẳng phải ĐCSTQ vẫn luôn khoa trương rằng nó lúc nào cũng “vĩ, quang, chính” hay sao?!

Người tu luyện mà không loại bỏ tự ngã thì cực kỳ nguy hại. Cuối cùng người này có lẽ không còn tôn kính Sư phụ và Đại Pháp. Người này cũng không còn sự thiện lương và từ bi, như vậy sẽ nghiêm trọng ngăn cản họ đồng hoá với Chân-Thiện-Nhẫn. Tệ hơn nữa, người này sẽ bước trên con đường sai lệch, tự tâm sinh ma, không thể quay lại được nữa.

Nếu một người không thể buông bỏ tự ngã, người đó sẽ không thể sống hoà hợp với bất kỳ ai và phối hợp tốt với các học viên. Nó cũng tạo điều kiện cho cựu thế lực có lý do để bức hại họ, khiến họ rất khó thực hiện thệ ước và tiến vào vũ trụ mới bởi vì chỉ những ai đạt tiêu chuẩn vị tha và từ bi mới đủ tư cách.

Tâm nhẹ nhàng sau khi buông bỏ tự ngã

Sau khi xác định ra nhân tố tự ngã, tôi minh bạch rằng những “thiếu sót” của mẹ, chồng, và các học viên khác đều là đang giúp tôi nhắm vào tự ngã mà tôi chưa loại bỏ, thực sự giúp ích để tôi có thể đề cao.

Tôi thực sự cảm thấy xấu hổ về hành xử trước đây của mình, trong tâm chân thành xin lỗi họ. Tôi quyết định sẽ tu luyện tinh tấn hơn và làm tốt hơn.

Tự ngã này chính là vị tư, xuyên suốt từ tầng thứ rất cao và phản ánh tại mỗi tầng thứ. Mỗi khi nó cố gắng tác động đến tôi, nếu tôi có thể phân biệt và loại bỏ nó thì sẽ cảm thấy đầu não thanh tỉnh và rộng lượng, và không còn chấp vào khuyết điểm của người khác nữa. Rốt cuộc, họ đều là người thân của Sư phụ, đã mạo hiểm hạ thế để được Đại Pháp cứu độ. Quả là thánh duyên mà chúng ta có được cùng nhau trong đời này. Chẳng phải tôi nên trân quý mối duyên phận này hơn nữa hay sao?!

Tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy rằng sau khi tôi dần buông bỏ tự ngã, mẹ tôi cũng trở nên dễ tiếp thụ hơn mỗi khi tôi ân cần chỉ ra khuyết điểm của bà. Chồng tôi cũng thay đổi. Khuôn mặt u buồn của anh đã giãn ra và anh cũng chủ động nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa mỗi khi tôi bận rộn. Anh cũng nói chuyện nhẹ nhàng hơn và không tranh cãi với tôi như lúc trước.

Đại Pháp quả thật kỳ diệu. Mỗi bước đề cao của chúng ta dù rất nhỏ nhưng Sư phụ từ bi đã ban cho chúng ta quá nhiều. Đệ tử cảm tạ Sư phụ!

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/1/470940.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/9/216143.html

Đăng ngày 29-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share