Bài viết của Liễu Nguyện, đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 05-02-2024] Tôi làm việc tại một thành phố hạng nhất và luôn trong trạng thái độc tu. Mỗi dịp nghỉ lễ, bất kể thời gian nghỉ dài hay ngắn, tôi đều về quê và lần nào về mẹ tôi (cũng là đồng tu) đều thu xếp để chúng tôi gặp gỡ, chia sẻ trải nghiệm tu luyện với các đồng tu khác. Tôi vô cùng trân quý những khoảng thời gian quý giá được giao lưu cùng các đồng tu. Con xin cảm tạ Sư phụ từ bi vĩ đại đã tỉ mỉ an bài!

Năm nay, thời gian trôi qua đặc biệt nhanh, chớp mắt đã bước sang năm 2024. Khi tôi viết bài chia sẻ này, chỉ còn hơn một tháng nữa công ty tôi mới được nghỉ Tết. Bố tôi đột nhiên hỏi liệu bố mẹ tôi có nên đến thành phố đón năm mới cùng hai chị em chúng tôi không, hay tôi và em gái tôi vẫn sẽ về quê ăn Tết? Em gái tôi có hai con nhỏ, cũng đã dự tính sẽ về quê ăn Tết, thế nhưng bố tôi bỗng nhiên lại hỏi vậy, có lẽ ông muốn lên thành phố đón năm mới cùng chúng tôi. Ông nói ông có thể ở lại tới hơn nửa tháng cho đến khi cháu ngoại đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Như vậy, thời gian cả nhà chúng tôi được ở bên nhau sẽ lâu hơn so với kế hoạch chúng tôi về quê. Em gái tôi rất vui khi nghe ông nói vậy.

Những ngày sau đó, bố và em gái tôi ngày nào cũng gọi điện thoại để lên kế hoạch cho kỳ nghỉ Tết. Tôi có chút hơi khó hiểu: Sao bỗng nhiên bố mẹ tôi lại muốn lên thành phố? Chẳng phải mọi năm mẹ tôi vẫn thích ăn Tết ở quê hơn sao? Tối đó, khi tôi gọi điện thoại cho bố, ông nói: “Bố mẹ vẫn chưa có quyết định cuối cùng, để xem em gái con quyết định thế nào đã”. Tôi thầm nghĩ: Sao lại phải chờ quyết định của em gái, sao cả nhà phải nghe theo em gái? Tôi hỏi bố: “Con có thể đưa ra ý kiến được không?” Bố tôi lập tức trả lời: “Không cần đâu, con cứ theo sự sắp xếp của mọi người là được rồi”. Vài ngày sau, em gái tôi hỏi tôi nghĩ sao về việc này. Tôi nói: “Chị thế nào cũng được, ăn Tết ở đâu mà chẳng vậy, mọi người cứ quyết định đi.” Em gái tôi tiếp lời: “Mẹ cũng đồng ý lên thành phố, chị để năm sau về quê vậy nhé.”

Chỉ là tôi không muốn làm mọi người mất vui nên mới nói ăn Tết ở đâu cũng được, chứ thực ra tôi rất muốn về quê, cả năm tôi chỉ mong để đến dịp này. Cứ nghĩ đến việc không về quê được là không gặp được các đồng tu, rồi cả dịp Tết phải ở lại căn phòng thuê – tuy tôi sống cùng khu với em gái nhưng tôi cũng không thể sang nhà em gái hàng ngày, và bố mẹ tôi chủ yếu sẽ ở bên nhà tôi, tôi lại cảm thấy bố thật quá thiên vị, chỉ nghĩ đến con gái út mà không quan tâm đến cảm xúc của con gái lớn. Em gái tôi cũng vậy, thật ích kỷ. Tôi phải tiếp đón bố mẹ trong mấy ngày Tết này thì cũng không thể về quê, càng nghĩ tôi càng tức giận.

Sau một lúc, tôi bình tâm trở lại, tôi chợt nghĩ: “Mình không thể trách người khác được, từ góc độ của cha mẹ, dịp Tết bố tôi cũng không muốn đến họ hàng thăm hỏi rồi quà cáp, còn em gái tôi thì muốn được bố mẹ giúp đỡ nhiều hơn một chút. Tôi cần suy xét tường tận một chút, chuyện này xảy ra là do tâm chấp trước nào ở tôi dẫn khởi? Rốt cuộc tôi cần phải tu cái tâm nào đây?

Tôi vào trang Minh Huệ và mở hai bài viết nhưng không thể mở được, trong đó có một bài đồng tu chia sẻ về vấn đề tâm tật đố. Tôi biết, đối với người tu luyện, không có việc gì xảy ra là ngẫu nhiên cả. Trước đây, mẹ tôi, cũng là đồng tu, đã nhiều lần nói rằng tôi có tâm tật đố, nhưng tôi đều phủ nhận, cảm thấy bản thân không có tâm tật đố, cũng không khó chịu khi thấy người khác tốt … Chắc hẳn Sư phụ thấy tôi không ngộ ra nên đã dùng hình thức này để điểm hóa cho tôi, thực sự tôi cần phải hướng nội tìm.

Rồi một niệm chợt lóe lên trong đầu tôi: Bình thường sau giờ làm việc tôi thường đến nhà em gái để giúp chăm sóc bọn trẻ và nấu ăn, trước khi về, tôi còn đổ rác cho em gái, tôi cố gắng giúp em gái công việc nhà nhiều nhất có thể để cuộc sống của em tôi nhẹ nhàng hơn chút ít. Từ ngày mai tôi sẽ không đến nhà em gái nữa để em gái biết khi không có sự giúp đỡ của tôi thì sẽ thế nào, từ đó mà thấy trân quý tôi hơn. Đó chẳng phải là tâm tức giận bất bình, chẳng phải là tâm tật đố đó sao? Tâm tật đố dẫn đến tâm oán hận, vô cùng bất thiện. Em gái tôi bình thường phải chăm hai đứa con, gần đây Tiểu Bảo cứ sốt và quấy khóc suốt khiến em gái cả đêm không được ngủ. Tôi phàn nàn em gái quá ích kỷ, còn tôi không ích kỷ sao? Trong chuyện này, tất cả những gì tôi nghĩ đến là bản thân mình, “tôi” muốn về quê, “tôi” muốn gặp các đồng tu, “tôi” thật đáng thương khi phải ở trong căn phòng thuê, “tôi” sẽ ăn uống như thế nào, ở đây sao có thể so sánh với quê nhà được? Tất cả những gì nghĩ đến đều là “tôi”. Hóa ra tôi trách em gái ích kỷ nhưng thực ra người ích kỷ lại chính là tôi.

Một mặt, tôi cho rằng mình là người tu luyện, không thể giống như người thường, cần phải thể hiện ra phong thái của đệ tử Đại Pháp. Mặt khác, tôi lại nghĩ cần làm thế nào để tỏ thái độ lạnh nhạt với em gái một chút. Tâm trí tôi bị giằng co giữa thiện và ác. Tôi còn nghĩ đến việc về quê ăn Tết một mình. Nhưng đâu mới là nhà chứ? Bỗng nhiên, một thanh âm xuất hiện trong tâm trí tôi: Thiên thượng mới là nhà của con, vô số chúng sinh đều đang chờ đợi con. Nước mắt tôi bất giác trào ra, đúng rồi, thiên thượng mới là nhà của tôi, tôi là đệ tử Đại Pháp đang trợ Sư chính Pháp, tôi đã ký thệ ước với Sư phụ, tôi phải theo Sư phụ trở về nhà. Hết thảy mọi thứ nơi thế gian này đều là phù du, tôi không thể để mình bị lún sâu vào đó được.

Tôi cho rằng bố thiên vị, tôi cũng muốn được bố mẹ quan tâm như vậy và khi không nhận được sự quan tâm từ bố mẹ liền cảm thấy bất bình, nhưng thực ra là vì con đường nhân sinh của tôi không có những thứ đó, duyên phận và phúc phận không giống nhau nên những thứ nhận được cũng không như người khác, như em gái tôi chẳng hạn. Tôi không thể cưỡng cầu người khác phải đối xử với mình như với người khác. Người khác đối xử không tốt với mình, trong tâm liền phẫn nộ bất bình, đó chính là tâm tật đố, là cái tình của con người. Tâm trí tôi dần trở nên sáng tỏ, tôi cũng không quá chấp trước vào kết quả nữa và để mọi việc tùy kỳ tự nhiên. Khi đó, nhìn đồng hồ đã gần 12 giờ đêm, tôi liền chuẩn bị phát chính niệm.

Sáng hôm sau, tôi sang nhà em gái như thường lệ và không nhắc gì đến chuyện về quê ăn Tết. Tôi có thể cảm nhận được em gái có chút ngạc nhiên trước sự im lặng của tôi về việc này. Buổi trưa ở nơi làm việc, tôi vừa ăn trưa xong thì mẹ tôi gọi điện hỏi tôi nghĩ gì vì thấy tôi im lặng về việc này. Tôi điềm tĩnh trả lời: “Chuyện này vẫn còn chưa quyết định, mọi người nói gì không tính, việc này nói qua điện thoại không tiện mẹ ạ”. Mẹ tôi nói rằng bà cảm thấy yên tâm khi biết suy nghĩ của tôi. Ngay khi tôi và mẹ kết thúc cuộc gọi, em gái gọi điện nói rằng em quyết định sẽ về quê ăn Tết vì không muốn làm tôi buồn.

Sự việc đã được giải quyết, tôi lại có thể về quê ăn Tết, có thể cùng giao lưu với các đồng tu, tôi rất vui.

Trong sự việc này, khi thấy tôi có tâm muốn hướng nội, Sư phụ đã điểm hóa cho tôi, Pháp của Sư phụ liền hiển hiện trong tâm trí tôi, ban trí huệ cho tôi. Tôi cũng hạ quyết tâm rằng cho dù tôi có cảm thấy tồi tệ, khoan tim thấu cốt thế nào đi chăng nữa thì đều cần phải có một niệm hướng nội tìm bởi niệm này là chính niệm, một khi chính niệm khởi phát thì Sư phụ sẽ gia trì và ban trí huệ cho tôi. Sư phụ giảng:

“Sự sự đối chiếu
Tố đáo thị tu”

(Thực tu – Hồng Ngâm)

Diễn nghĩa

“Mọi việc cứ thế mà đối chiếu
Làm đến thế tức là tu”

(Thực tu – Hồng Ngâm)

Chỉ khi làm được như vậy thì mới có thể “liễu ám hoa minh”.

Giờ đây, tôi đã nhận ra tâm tật đố, tâm ích kỷ, tâm không phục, tuy nhiên tôi vẫn chưa thực sự có thể lấy khổ làm vui. Thời gian tu luyện là hữu hạn, trong thời gian tới, tôi nhất định phải học Pháp thật tốt, tu tốt bản thân và cứu độ nhiều chúng sinh hơn nữa.

Trên đây là chút thể hội của bản thân, mong cùng các đồng tu tỷ học tỷ tu, cộng đồng tinh tấn.

(Biên tập viên: Văn Khiêm)

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/5/472127.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/12/216185.html

Đăng ngày 29-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share