Bài viết của Lý Bình, đệ tử Đại Pháp tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-12-2023] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1997. Tôi ý thức được rằng, tu luyện cần bắt đầu từ làm một người tốt. Vì vậy tôi chăm chỉ làm việc mà không màng đến lợi ích cá nhân. Nhờ sự từ bi bảo hộ và gia trì của Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp), tôi đã có một số đóng góp trong công việc và được đồng nghiệp, quản lý ghi nhận và khen ngợi. Điều này tạo được nền tảng tốt giúp tôi giảng chân tướng cho họ. Tại đây, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm trong việc viết thư chứng thực Pháp, cứu chúng sinh trên con đường tu luyện của bản thân suốt hơn 20 năm qua.

Viết thư giảng chân tướng cho ban lãnh đạo công ty

Từ khi đắc Pháp đến nay, công ty tôi đã thay liên tục 6 vị chủ tịch. Người thứ năm chỉ điều hành công ty được vài tháng nên tôi không kịp giảng chân tướng cho ông. Vị chủ tịch hiện tại vừa tiếp nhận công việc được vài tháng nên tôi cũng chưa có cơ hội giảng chân tướng cho ông. Tuy nhiên, đối với bốn chủ tịch trước đó, tôi đều đã trực tiếp nói chuyện với từng người về sự tốt đẹp của Đại Pháp và cũng viết thư chân tướng cho họ.

Khi tôi mới đắc Pháp, trong công ty cũng có một số nhân viên tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và tất cả mọi người đều được đánh giá có hiệu quả công việc rất tốt. Trong số đó có một số ít là quản lý cấp trung. Khi đó, chúng tôi rất nhiệt tâm hồng Pháp. Cả chủ tịch và phó chủ tịch đều đã đọc qua sách Đại Pháp. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, tôi tận dụng mọi cơ hội để giảng chân tướng cho đồng nghiệp và thông thường họ đều tiếp nhận.

Tôi nhớ một lần, công ty tổ chức cho các nhân viên hát các bài hát của Đảng để tham gia một cuộc thi và yêu cầu hầu hết các nữ nhân viên phải tham gia. Chủ tịch công ty đã trực tiếp chỉ đạo các buổi tập và đặt mục tiêu công ty phải đạt thứ hạng cao trong cuộc thi. Tại buổi tổng duyệt, tôi ngồi ở hàng ghế đầu và trong suốt thời gian đó tôi không hát mà chỉ thầm niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân Thiện Nhẫn hảo!”

Sau khi buổi tổng duyệt kết thúc, chủ tịch gọi tôi lại và hỏi tại sao tôi không hát cùng mọi người. Tôi bình tĩnh nói với ông: “Tôi tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi vẫn luôn nói với các anh rằng Trời sẽ diệt Trung Cộng. Bởi vậy, nếu như tôi hát những lời ca ngợi Đảng, thế chẳng phải tôi tự mâu thuẫn với chính mình và không thành thật sao?” Ông ấy gật đầu và nói: “Được rồi, vậy thì chị không cần tham gia. Nhưng chị đừng nói với người khác về việc này.”

Khi nghe nói vị chủ tịch này sắp được điều chuyển đến một thành phố khác, tôi nhận ra rằng mình vẫn chưa giúp ông tam thoái, vậy nên tôi đã viết cho ông ấy một lá thư. Lúc tôi đến, văn phòng ông còn có vài đồng nghiệp khác nữa nên tôi chỉ đưa được thư cho ông. Ông nhìn qua bức thư rồi hỏi: “Chị đưa cho tôi bức thư này?” Tôi trả lời rằng đó là điều tốt đẹp nhất và ông đừng bỏ lỡ. Ông ấy không nói gì thêm và sau đó tôi rời văn phòng. Thật tiếc là tôi chưa thể giúp ông tam thoái.

Khi đó, bí thư Đảng ủy thích nghe tôi nói về Đại Pháp và thường ghé qua văn phòng của tôi. Tôi hiểu ông đến là để xem Sư phụ có bài viết mới nào không. Vì vậy, bất cứ khi nào có kinh văn mới, tôi đều đưa cho ông ấy xem. Ông thường nói rằng ông mong cuộc bức hại sẽ sớm chấm dứt. Nhiều năm sau khi nghỉ hưu, ông vẫn thích tìm đến các học viên Đại Pháp để trò chuyện. Năm ngoái, thậm chí ông còn mời một vài đệ tử Đại Pháp chúng tôi đến nhà ăn tối. Tôi biết Đại Pháp đã bén rễ trong tâm ông.

Trong nhiệm kỳ của vị chủ tịch thứ hai, tôi bị bức hại và phải xa nhà, trôi dạt hết nơi này đến nơi khác để tránh bị bắt. Trước khi trở lại làm việc, tôi đã viết thư cho từng trưởng bộ phận, các phó chủ tịch và cấp cao hơn để giải thích lý do tại sao tôi phải rời khỏi nhà, rằng Đại Pháp là gì, Đại Pháp và Sư phụ đã bị ĐCSTQ vu khống, đồng thời nói đến nỗ lực toàn cầu nhằm đưa cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân ra công lý.

Gần đây, tôi được biết những bức thư tôi viết cho người phụ trách của từng bộ phận đều được các nhân viên lặng lẽ thảo luận và đã khởi được tác dụng lớn trong việc giúp mọi người hiểu thêm chân tướng về Đại Pháp.

Vị chủ tịch thứ hai đã cắt giảm lương của tôi trong hơn hai năm, vì vậy tôi đã liên tục viết thư cho ông và các phó chủ tịch để giảng chân tướng cho họ. Một phó chủ tịch đã khuyên tôi hãy kín đáo hối lộ chủ tịch một chút để được trả lương. Tôi cảm ơn ông đã quan tâm và nói rõ với ông nguyên tắc mà các học viên luôn tuân theo khi giải quyết những việc như vậy, tôi nói tôi không thể góp phần vào sự suy thoái đạo đức của xã hội. Sau đó, trước khi được chuyển sang một công ty khác, vị phó chủ tịch này đã được thăng chức lên vị trí điều hành cao nhất. Cũng có những vị phó chủ tịch tỏ ra cảm thông với tôi. Tôi biết sự thiện lương trong họ đã được khơi dậy.

Sau khi vị chủ tịch thứ hai bị điều chuyển đi nơi khác, tôi tự hỏi không biết làm thế nào để giảng chân tướng cho ông và khuyên ông viết nghiêm chính thanh minh để giảm bớt tội lỗi của ông trong việc bức hại các học viên. Tôi nghe nói sau đó ông phải nhận án tù nặng liên quan đến vấn đề tài chính. Tôi hiểu đó là do ông đã tham gia vào cuộc bức hại.

Khi vị chủ tịch thứ ba nhận nhiệm vụ, tôi hiểu mình phải có hành động nhanh chóng để giảng rõ chân tướng cho ông. Sau khi được Sư phụ điểm hóa, tôi đã viết cho ông một lá thư nêu những chân tướng căn bản về Pháp Luân Đại Pháp. Nhưng không hiểu thế nào tôi lại vô tình đưa cho ông lá thư chân tướng mà trước đây tôi viết cho một phó chủ tịch. Vị phó chủ tịch này đã biết chân tướng nên nội dung thư tôi viết tương đối cao.

Dường như sau khi đọc, bức thư đã gây ra tác động tiêu cực đến ông bởi ông ấy bắt đầu nói xấu sau lưng tôi. Sau khi nhận ra điều này, tôi nghiêm túc hướng nội để tìm thiếu sót của mình và xuất tâm viết cho ông ấy một lá thư khác, nói tại sao tôi tu luyện và giải thích việc bức hại Đại Pháp là có tội, tôi cũng nói đến việc các nhân sỹ chính nghĩa cũng viết thư đến các cấp cao nhất của chính quyền trung ương yêu cầu chấm dứt bức hại đối với Pháp Luân Đại Pháp, rồi đến những luật sư chính nghĩa cũng biện hộ vô tội cho các học viên bị bức hại. Tôi nhớ mình đã sửa đi sửa lại bức thư đến khi cảm thấy chắc chắn rằng không có nhân tố phụ diện nào trong đó rồi mới đem gửi cho ông cũng như các phó chủ tịch khác.

Sau đó, công ty bắt đầu hoàn lại cho tôi số tiền lương họ đã giữ lại trước đó. Thời điểm đó, tình hình tài chính của công ty eo hẹp đến mức một phó chủ tịch đã phải tạm ứng tiền túi của mình để trả chi phí ăn uống hàng quý cho công ty. Trong tình huống như vậy nhưng công ty vẫn chia làm 3 đợt để trả tiền lương cả năm cho tôi. Khi tôi nói với chủ tịch về việc tam thoái bảo bình an, ban đầu ông có chút không tin tôi; nhưng đến lần thứ hai, ông đã vui vẻ đồng ý tam thoái.

Sau khi vị chủ tịch thứ tư đến công ty, tôi hiểu rằng đó là một người hữu duyên khác đến để nghe chân tướng. Tôi đã mượn việc hoàn trả lương của mình để giảng chân tướng cho ông. Và cũng như mọi khi, quá trình giảng chân tướng cũng xuất hiện can nhiễu. Vì vậy, theo thời gian, tôi đã viết cho ông một vài lá thư khác nhau, trong đó nêu những chân tướng căn bản về Pháp Luân Đại Pháp, tình hình hiện tại cũng như thái độ mà một người nên có đối với Đại Pháp.

Sau đó tôi giải thích nhiều phương diện về văn hóa truyền thống để khơi dậy thiện niệm của ông. Ông bắt đầu đối xử tử tế với hai nhân viên lớn tuổi trong công ty đang tu luyện. Sau này, một học viên lớn tuổi trong công ty đã bị bức hại, Đội An ninh Nội địa đã yêu cầu công ty ngừng cấp lương hưu cho học viên này. Tôi đã tìm ông để giải thích rằng việc giúp đỡ các học viên chính là tích đức, khuyên ông cần nắm chắc cơ hội này để cố gắng bảo vệ học viên này. Sau đó, ông đã gọi điện cho người phụ trách để nhắc cô rằng một số công ty không tuân theo chính sách của nhà nước trong việc khấu trừ toàn bộ lương của các học viên. Và cuối cùng, học viên đó bị giảm trợ cấp hàng tháng xuống còn vài trăm nhân dân tệ.

Sau đó, tôi đề cập rằng đáng lẽ tôi phải nhận được toàn bộ số tiền truy lĩnh của mình và ông đã giải thích cho tôi từng bước từng bước sẽ được thực hiện như thế nào. Nhưng vì bản thân tôi khi đó có chấp trước nên sự việc đã không thực hiện được. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực giảng chân tướng của tôi, ông đã làm tam thoái một cách thuận lợi. Sau đó ông ấy được chuyển đến một công ty tốt.

Trong thời gian bị bức hại, tôi đã tăng cường giảng chân tướng cho những người phụ trách công ty. Tôi đưa họ phần mềm đột phá phong tỏa Internet và USB có nội dung chân tướng. Nhiều người trong số họ đã minh bạch chân tướng. Ví dụ, một phó chủ tịch gặp khó khăn khi vào các trang web Đại Pháp và hỏi tôi tại sao. Sau đó, tôi đã nâng cấp phần mềm đột phá phong tỏa Internet, đưa cho ông một USB và cho ông xem một bộ phim chân tướng. Sau khi xem xong một phần, ông gật đầu nói: “Đúng vậy. Đó là sự thật!”

Sau khi Sư phụ công bố kinh văn “Vì sao có nhân loại”, tôi nghĩ lẽ ra tôi nên đưa cho cựu phó chủ tịch một bản. Một hôm, tôi chợt nghe thấy giọng ông nên tôi đã dừng lại chào hỏi và đưa cho ông một bản Tuần báo Minh Huệ, trong đó có bài kinh văn mới. Tôi cũng nói với ông rằng bài viết này Sư phụ Lý viết cho toàn nhân loại và khuyên ông hãy đọc thật kỹ. Ông mau chóng nhận lấy và nói: “Làm việc tốt mỗi ngày?” Tôi cũng dặn ông đưa cho người nhà xem.

Cũng có một số người đã bảo vệ và giúp đỡ tôi trong cuộc bức hại. Ví dụ, khi cảnh sát đến nơi làm việc để bức hại tôi, phó chủ tịch đã đề nghị với chủ tịch công ty không giao tôi cho cảnh sát và các vấn đề về Pháp Luân Đại Pháp có thể được giảm thiểu. Sau này vị phó chủ tịch này đã được thăng chức.

Hơn nữa, một số người phụ trách đã biết giải quyết các vấn đề về Pháp Luân Đại Pháp một cách khôn khéo. Năm nay, khi Đội Kiểm tra Tư tưởng tỉnh đến thành phố nơi tôi ở, tôi đã bị đưa vào danh sách đen. Một phó chủ tịch đến nói chuyện với tôi, ông nói: “Nếu đoàn kiểm tra đến tìm chị. Chị không cần vờ như đã ngừng tu luyện, nhưng nhất định đừng nói chị vẫn tu luyện; nếu không chủ tịch mới sẽ không gánh nổi hậu quả đâu.”

Tôi hiểu ý của anh ấy. Anh ấy dặn tôi hãy trí huệ giải quyết vấn đề. Giống như khi tôi giảng chân tướng cho anh ấy, tôi đã nói với anh ấy rằng bất cứ điều gì anh ấy không muốn nói với chính quyền, anh ấy có thể chọn cách không nói và dùng trí huệ của mình để ứng phó với áp lực từ cấp trên nhằm bức hại các học viên Đại Pháp. Anh ấy đã đồng ý. Về việc kiểm tra, tôi bảo anh ấy hãy yên tâm, vì các cán bộ chính quyền cũng là những người cần được cứu. Là người tu luyện, tôi biết mình cần dùng chính niệm để giải quyết mọi việc. Cuối cùng khi đoàn kiểm tra đến, họ chỉ làm cho có thủ tục rồi nhanh chóng rời đi.

Viết thư chân tướng cho các quan chức Đảng của thành phố

Trong thời gian tôi phải rời đến nơi khác, các đồng tu đã khích lệ tôi tiếp tục việc giảng chân tướng. Vì nghĩ rằng công ty tôi có ảnh hưởng nhất định ở thành phố nên sau đó tôi đã viết thư cho lãnh đạo thành phố trong đó nêu những chân tướng căn bản về Đại Pháp. Những bức thư này sau đó đã được các học viên gửi đi từ nhiều nơi khác nhau.

Một học viên nói với tôi rằng vào thời kỳ đầu của cuộc bức hại, một số học viên đến Bắc Kinh nói lời công đạo cho cuộc bức hại bất công đã bị cảnh sát bắt giữ và bị tra tấn dã man trong các trung tâm tẩy não. Tuy nhiên, sau khi bí thư Thành ủy gửi yêu cầu tới bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật rằng không được gây ra bất kỳ cái chết nào, trung tâm tẩy não đã ngừng sử dụng các phương thức tra tấn tàn bạo đối với các học viên.

Sự việc này đã tiếp thêm động lực cho tôi, tôi quyết định viết thư cho bí thư Thành ủy để chấm dứt việc bức hại tài chính của Phòng 610 đối với các học viên. Tình cờ tôi biết được rằng những bức thư gửi lãnh đạo thành phố hầu hết đều được chuyển qua cho các thư ký trước. Vì vậy, tôi đã cẩn thận chú ý cách viết của mình để đảm bảo rằng bức thư sẽ được các thư ký chuyển cho bí thư. Tôi đặt vị trí của bản thân khi viết thư rằng: tôi là học viên Pháp Luân Đại Pháp quan tâm đến thành phố của mình, hy vọng thành phố của mình sẽ thịnh vượng.

Sau khi viết thư xong, tôi dụng tâm lựa chọn kiểu chữ và còn tỉ mỉ thiết kế giấy viết thư. Trước khi gửi thư cho bí thư thành ủy, đồng tu điều phối đã đề nghị các đồng tu hỗ trợ cùng phát chính niệm trong một thời gian dài.

Về sau, một phó chủ tịch trong công ty tôi đã nói với tôi (ông không biết ai đã viết thư cho bí thư thành ủy) rằng họ nhận được một lá thư có đề cập đến tôi và một học viên khác trong công ty. Tôi được biết rằng bí thư thành ủy đã có chỉ thị: “Không nên gây thêm phiền phức cho thành ủy” và chuyển cho Phòng 610. Sau đó, Phòng 610 đã ban hành một văn bản cho công ty đề nghị xóa bỏ chính sách khấu trừ tiền lương của tôi. Hơn nữa, trong 5 năm tiếp theo khi vị bí thư này còn tại chức, Phòng 610 đã không thực hiện bất kỳ hoạt động bức hại lớn nào. Vị bí thư này sau đó đã được chuyển sang một vị trí không liên quan đến việc bức hại Đại Pháp.

Sau khi tôi viết và đệ đơn kiện cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, hai học viên ở thành phố chúng tôi đã bị bức hại theo lệnh của công an tỉnh. Bốn học viên sau đó đã bị bắt khi đang giảng chân tướng. Để giải cứu họ, tôi quyết định viết thư cho bí thư thành ủy.

Khi đó, thành phố đang tham gia xây dựng các hoạt động để tạo lập một “thành phố văn minh”, nên tôi viết thư với quan điểm “không thể tạo lập được một thành phố văn minh nếu không có nền pháp quyền văn minh”. Trong thư, tôi nêu rõ việc các tòa án và thẩm phán địa phương vi phạm nghiêm trọng luật pháp như thế nào trong các phiên tòa xét xử phi pháp đối với các học viên Đại Pháp và rằng những hành động xấu đó đã được biết tới rộng rãi trong cộng đồng luật sư trên toàn quốc. Vì thế mà tồn tại việc một số luật sư nổi tiếng không muốn đến thành phố của chúng tôi làm việc. Tôi kiến nghị lãnh đạo thành phố cần xét đến việc thực tiễn này đã cản trở sự phát triển của thành phố.

Sau đó, tôi dẫn ra một loạt sáng kiến, chẳng hạn như việc lãnh đạo ĐCSTQ bãi bỏ hệ thống trại lao động, tờ Nhân dân Nhật báo đăng ba bài liên tiếp giải thích các bài phát biểu của lãnh đạo ĐCSTQ về chính sách tôn giáo, trong đó yêu cầu “Chú ý không để xảy ra tình trạng khác biệt tôn giáo dẫn đến đối lập chính trị.”

Tôi cũng đề cập rằng một lượng lớn các quan chức dưới quyền cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân mà tay vấy máu các học viên đã bị bắt. Và một số địa phương đã bắt đầu hủy bỏ các vụ án của các học viên trên cơ sở họ không phạm tội. Cuối cùng, để khơi dậy lương tri và thiện niệm của vị bí thư, tôi cũng trích dẫn thực tế rằng các thư ký trước đây của thành phố đã đắc phúc lành khi thiện đãi các học viên Đại Pháp.

Bức thư được đưa cho các học viên để gửi đi. Tôi không chắc vị bí thư thành ủy này phản ứng thế nào với lá thư này. Nhưng thời điểm đó, những học viên bị bắt vì treo áp phích chân tướng chỉ phải nhận những bản án nhẹ. Tất nhiên, điều không thể thiếu là các đồng tu chúng tôi đã hình thành được chỉnh thể. Người nhà của các học viên bị bắt cũng tích cực tham gia giải cứu người thân.

Trong suốt những năm qua, tôi đã viết thư cho 5 bí thư thành ủy, các tỉnh trưởng và những người khác liên quan đến đại dịch và sự phát triển của địa phương. Những người này đều có thể đặt định tốt vị trí cho bản thân và sau đó đã được thăng chức.

Gửi thư giảng chân tướng

Năm nay, thỉnh thoảng tôi nhận được thông tin liên quan đến đồn công an. Sau đó, tôi đặt tâm vào việc viết thư giảng chân tướng cho cảnh sát và nhờ một đồng tu gửi chúng đi giúp tôi. Hóa ra, học viên này đã gửi các bài kinh văn mới của Sư phụ cho họ. Vì vậy, cô ấy bảo tôi tự gửi những bức thư này. Sau đó tôi nhận ra mình cần loại bỏ tâm ỷ lại vào đồng tu.

Việc tôi ỷ lại vào đồng tu trong việc gửi thư xuất phát từ tâm sợ hãi và chấp trước vào sự an nhàn. Tôi muốn chia sẻ bản thân đã loại bỏ tâm sợ hãi như thế nào, tuy quá trình đó quả thực rất gian nan.

Tôi đến chỗ của một học viên để nhờ anh ấy in những bức thư giúp tôi. Ngồi trước máy in của anh ấy, tôi nhìn thấy một đôi găng tay dùng một lần. Trước đó, học viên đó nói với tôi rằng anh ấy đã xem báo cáo trên trang web Minh Huệ rằng chính quyền đã tìm bắt và bức hại các học viên làm tài liệu bằng cách truy tìm dấu vân tay của họ. Vì thế người đồng tu này rất cẩn thận khi in ấn các tài liệu thông tin. Tuy nhiên, lần này anh ấy không đeo găng tay và bảo tôi lấy những thư đã in sẵn.

Trước đây tôi đã từng nghĩ đến vấn đề này. Tôi ý thức được rằng, là một đệ tử Đại Pháp, tôi cần dùng công năng để làm các việc, chứ không phải là dùng tứ chi để làm các việc. Trong Pháp, Sư phụ đã từng giảng rằng đệ tử Đại Pháp chạm vào cái gì thì đều lấp lánh ánh quang. Vì thế, tôi thản nhiên lấy những bức thư, gấp lại và cho vào phong bì. Sau đó, tôi cần viết địa chỉ. Ban đầu, tôi nhờ đồng tu giúp nhưng đồng tu nói rằng đồn công an đã từng lưu chữ ký của họ, nên lần này họ không thể giúp tôi được.

Vì vậy tôi cũng không miễn cưỡng nữa. Về đến nhà, tôi cảm thấy hoàn thành được một việc cũng thật khó khăn. Tôi chợt nhớ rằng trước đây trong lúc bị bức hại tôi cũng đã từng ký gì đó và có chút lo lắng. Nhưng tôi lập tức nhận ra đó là tâm sợ hãi, là tư duy phụ diện. Vì vậy, tôi đã phát chính niệm để thanh lý các nhân tố tà ác.

Ngay sau đó, tôi tĩnh lại và nhớ lại những gì Sư phụ đã giảng:

“Chư vị về nhà cũng lấy bút viết mấy chữ, chữ dù đẹp hay xấu, [đều] có công!” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Chẳng phải Sư phụ bảo chúng ta cần cứu độ chúng sinh sao?! Tôi hiểu, là đệ tử Đại Pháp, Sư phụ nói thế nào thì tôi cần làm như vậy, vậy là tôi không còn sợ khi viết thư nữa.

Đêm hôm đó, sau khi tôi lấy ra một số phong bì, một học viên đã đến. Tôi không cảm thấy việc đó là ngẫu nhiên nên tôi đã hỏi cô ấy liệu cô ấy có thể giúp tôi ghi địa chỉ cho các phong bì được không. Cô ấy nhanh chóng làm việc đó giúp tôi. Sau đó tôi bắt đầu nghĩ cách gửi chúng đi. Có rất nhiều camera giám sát và một số học viên đã bị bức hại vì gửi thư giảng chân tướng, vì vậy tâm sợ hãi ở tôi lại nổi lên. Tôi lập tức nhận ra rằng đó là tà ác đang can nhiễu để ngăn cản việc tôi cứu độ chúng sinh nên tôi cần thanh trừ nó.

Đêm đó, tôi có một giấc mơ, tôi đang leo lên một ngọn núi. Đến cuối cùng, tôi không muốn nhìn, cũng không muốn nghĩ, chỉ một mực niệm khẩu quyết Chính Pháp và leo lên. Cuối cùng thì tôi cũng đã lên tới đỉnh. Tôi hiểu rằng đó là Sư phụ đang điểm hóa cho tôi cần phải làm gì. Ngày hôm sau, tôi liên tục phát chính niệm khi trên đường đi gửi những lá thư giảng chân tướng vào hộp thư. Trong vài ngày tiếp theo, tôi phát chính niệm nhắm thẳng vào việc nhận thư các trưởng đồn công an để họ có thể đọc thư cẩn thận.

Trong quá trình viết thư giảng chân tướng, tôi nhận ra rằng khi viết thư, chúng ta cần để cho người nhận cảm nhận được chúng ta là những người tốt, thiện lương chứ không phải là những người lãnh đạm. Chúng ta cần đặt mình vào vị trí của người khác, đứng từ góc độ của người khác mà viết chứ không được tự cho mình là đúng, muốn viết gì thì viết, muốn viết bao nhiêu liền viết bấy nhiêu. Chúng ta cũng có thể nói rõ cho đối phương cần làm thế nào, chỉ cho họ con đường quang minh.

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/9/469064.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/6/216106.html

Đăng ngày 18-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share