Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-01-2024] Tôi là một đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi, đã từng có lần bị giam giữ phi pháp. Trong thời gian đó tôi đã có cơ hội gặp rất nhiều tội phạm, họ bị bỏ tù vì không biết làm người tốt, tôi cảm thấy tiếc cho họ. Nhờ có sự an bài từ bi của Sư phụ, tôi được phân công làm giảng viên để giáo dục các tù nhân, tôi đã dùng những nguyên lý mình đã học được từ Đại Pháp và kiến thức về văn hóa truyền thống để giúp họ từng chút một, nhờ đó, nhiều người đã hiểu rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt và vô cùng hối hận về những việc sai trái mà họ đã làm.

Giống như nhiều người khác, tôi từng nghĩ rằng những người bị bắt vào tù, ngoại trừ đệ tử Đại Pháp, đều là những người cực kỳ xấu xa, tuy nhiên sau khi tiếp xúc với họ, tôi mới phát hiện ra rằng thực ra có rất nhiều người có thiện tâm, thậm chí một số người còn rất nhân hậu, nhưng do bị chủ nghĩa vô thần tẩy não nên không tin vào nghiệp báo, họ đã vi phạm pháp luật chỉ vì chút lợi nhỏ.

Một ngày nọ, trong trại tạm giam, một người phụ nữ quỳ xuống và kêu lên: “Bồ Tát Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn, xin hãy cứu con. Bồ Tát Quán Âm, xin hãy cứu con thoát khỏi khổ đau.” Lúc đó tôi đã rơi nước mắt, chợt cảm thấy những người này thật đáng thương. Họ trong vô tri mà tạo nghiệp và quá bất lực trước hậu quả, tôi rất muốn chia sẻ với họ những nguyên lý mà Sư phụ đã dạy cho tôi. Trại tạm giam nơi tôi bị giam có sách để các phạm nhân học thơ, học hát, v.v. Vì tôi thường giảng giải các đạo lý cho mọi người ở đó, hơn nữa ngôn hành thiện lương, nên đã được chọn làm người hướng dẫn cho họ, tôi cũng phụ trách việc an ủi những tù nhân bị trầm cảm hoặc có nguy cơ tự sát.

Tôi được giao lịch dạy 2-3 lớp mỗi tuần. Để giảng chân tướng tốt hơn, tôi chuẩn bị kỹ lưỡng các bài giảng bao gồm lời mở đầu, những câu chuyện ngắn xen kẽ ở giữa và những điểm mấu chốt cần làm sáng tỏ, sau khi giảng xong tôi sẽ hỏi riêng từng người để nhận phản hồi và cải thiện ở các buổi sau.

Đầu tiên tôi nói về tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa và thơ ca, sau đó tôi tập trung vào cuốn sách Đệ tử quy vì nó chứa đựng nhiều nguyên tắc làm người tốt, từ đó tôi có thể bổ sung thêm những nguyên tắc mà mình đã học được từ trong Pháp. Tôi kể cho họ một vài câu chuyện ngắn giúp cho các nguyên lý trở nên sống động và thú vị. Nhiều câu chuyện đến từ Chương trình Phát thanh Minh Huệ mà tôi đã nghe từ lâu, nhưng tôi không thể nhớ chi tiết các câu chuyện. Tôi biết Sư phụ đã giúp tôi. Mọi người đều tập trung chú ý trong lớp và vỗ tay nồng nhiệt khi buổi học kết thúc.

Nói đến hiếu thảo, từ xa xưa đây đã là điều quan trọng nhất đối với tất cả mọi người từ thường dân đến hoàng đế. Phép tắc cổ xưa quy định rằng những ai bất hiếu có thể phải chịu hình phạt dùng trượng đánh chết. Ngày xưa, khi chưa có kỳ thi khoa cử, lòng hiếu thảo được đề cao, người con hiếu thảo có thể được chọn làm quan. Sau khi kể cho họ nghe một vài câu chuyện về lòng hiếu thảo trong lịch sử, tôi cũng giải thích cho họ những hiểu biết của mình.

Tôi nói rằng nhiều người cho rằng biếu tiền cha mẹ là hiếu thảo. Khổng Tử có giảng về việc làm người khác hổ thẹn, và khiến cha mẹ hổ thẹn là điều vô cùng bất hiếu. Ngày nay người ta không chỉ làm khó cha mẹ mà còn coi thường cha mẹ, nói những lời tổn thương, cho rằng mình hiểu biết hơn cha mẹ.

Làm thế nào để trở thành người con hiếu thảo? Hãy bớt một phần thời gian đi ăn cùng bạn bè để trò chuyện với bố mẹ; thay vì dành thời gian chơi mạt chược, hãy dùng thời gian đó để dùng bữa cùng với bố mẹ, tặng quà cho bố mẹ và cùng bố mẹ về thăm quê nhà. Hãy đặt điện thoại thông minh xuống, trò chuyện cùng bố mẹ và lắng nghe những câu chuyện ngày xưa của họ. Đừng để bố mẹ bạn cảm thấy cô đơn.

Tôi kể với họ rằng tôi thường đi mua sắm với mẹ, nấu cho mẹ ăn, về quê thăm mẹ và làm công việc đồng áng với mẹ sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.

Có lần mẹ đến nhà tôi chơi một thời gian, tôi hầm nồi thịt lợn, lúc đó tôi thấy buồn ngủ và mẹ nói sẽ trông giúp tôi nên tôi yên tâm đi ngủ. Nửa đêm chợt ngửi thấy mùi khét, tỉnh dậy thì thấy mẹ đã ngủ, thịt lợn trong nồi cũng bị cháy hết.

Nghe tiếng tôi thức dậy, mẹ cũng dậy và tự trách mình ngủ quên. Tôi cảm thấy không thoải mái khi thấy mẹ tự trách mình như vậy. Khi ấy, mẹ tôi cư xử giống như tôi mắc lỗi lúc nhỏ, tôi an ủi mẹ và nói. “Không sao đâu mẹ, ạ vẫn còn một ít chưa cháy và vẫn còn ăn được này mẹ.” Sau đó tôi chọn những miếng chưa quá cháy và ăn bình thường.

Tôi nói với họ rằng nếu tôi không tu luyện, tôi sẽ đổ lỗi cho mẹ. Nhưng Sư phụ Đại Pháp đã dạy tôi phải làm một người biết đồng cảm, chưa kể rằng mẹ tôi chỉ sơ ý mắc lỗi như vậy. Nếu không tu luyện Đại Pháp, tôi sẽ không thể làm được điều đó.

Trong một buổi học, tôi đã giảng về mối quan hệ giữa vợ chồng và dục vọng, thứ nhất là duyên phận vợ chồng, nếu họ đến để báo ơn thì họ sẽ đối xử rất tốt với bạn. Nếu người đó đến để báo oán, thì họ sẽ có thể đánh đập, mắng mỏ bạn. Ngày nay người ta không vui thì ly hôn, nhưng ân oán chưa được giải quyết xong nên hôn nhân vẫn không thể kết thúc. Vì vậy, quan niệm của người xưa về hôn nhân là phải kéo dài suốt đời, rất hiếm khi người đàn ông ly dị vợ vì con người thời đó bị ước thúc bởi đạo đức.

Thứ hai, về dục vọng, tôi kể vài truyện ngắn, trong đó có chuyện Địch Nhân Kiệt từ chối cám dỗ, trở thành đệ nhất thư sinh trong kỳ thi cung đình, sau đó là chuyện một thí sinh nằm mơ biết được mình đã đánh mất danh hiệu đệ nhất chỉ vì dục vọng của mình. Tôi đã cảnh báo họ rằng “vạn ác dâm vi thủ” (trong vạn điều ác thì tà dâm đứng đầu), bất kể đàn ông hay phụ nữ, việc đắm chìm trong sắc dục sẽ hủy hoại sinh mệnh và tài phú.

Thứ ba, các đệ tử Pháp Luân Đại Pháp đối đãi với những người chồng phản bội và bạo lực trong gia đình như thế nào? Tôi thường kể cho họ về những đồng tu xung quanh tôi đã làm được việc thiện đãi bố mẹ vợ, bố mẹ chồng. Bất kể là nam hay nữ, đều trung thành với đối phương, thiện đãi đối phương, đây là nguyên tắc và sự thiện lương của tu luyện.

Trong hầu hết các buổi học, tôi cũng thường kể vài câu chuyện ngắn để mọi người tin vào nhân quả và thoát khỏi chủ nghĩa vô thần. Sau giờ học, mọi người cũng kể cho nhau nghe một số truyện ngắn về nhân quả. Dần dần, hầu như ai cũng tin rằng thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, tôi cũng nói với họ rằng những nguyên lý này đã được dạy trong Pháp Luân Đại Pháp nên dần dần họ đã hình thành nhận thức tích cực về Pháp Luân Đại Pháp.

Sau khi giảng dạy được vài tháng, tôi bị chuyển đến một trại tạm giam khác để tiếp tục giảng dạy, sau khi giảng dạy xong tôi đã được trả tự do.

Nhiều người đã đưa ra những phản hồi cảm động, tôi tin rằng hầu hết họ đều hiểu rằng Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.

Tôi cũng đã giảng chân tướng riêng cho họ, nhiều người đã lựa chọn đúng đắn và thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và các tổ chức liên đới của nó. Một số người biết sự thật đã hô lớn trong phòng giam: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” mọi người xung quanh cũng làm theo. Tôi thấy họ thực sự đã cải biến, vô cùng cảm động. Con xin cảm tạ Sư phụ đã ban cho con những cơ hội và năng lực để làm những việc này.

Tôi cũng đã giảng chân tướng cho các quản giáo. Bất cứ khi nào có thể, tôi thường hẹn gặp họ và lãnh đạo của họ. Sau nhiều lần nghe tôi giảng chân tướng, quản giáo cũng đã tới tham gia các lớp học, họ dần dần chấp nhận chúng tôi là các học viên Pháp Luân Đại Pháp và giúp đỡ chúng tôi. Con vô cùng cảm tạ Sư tôn đã dạy con tu luyện và tịnh hóa tâm hồn của con.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/4/469645.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/19/214361.html

Đăng ngày 23-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share