Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-12-2023] Tôi muốn kể cho bạn về trải nghiệm tu luyện của tôi trong môi trường gia đình phức tạp và đôi khi đầy bất ổn.

Con trai chúng tôi là cháu trai duy nhất trong gia đình chồng tôi. Sau khi cháu được sinh ra, bố mẹ chồng tôi đã không đến gặp cháu và khi cháu lớn lên họ cũng không bao giờ hỏi thăm về cháu. Trong thời gian hồi phục sức khỏe sau khi sinh con, tôi ở nhà bố mẹ đẻ, nơi chỉ cách nhà chồng tôi 5km (khoảng ba dặm). Những người hàng xóm nhận thấy bố mẹ chồng rất ít đến thăm chúng tôi nên nói: “Cô có một cậu con trai nhưng họ có vẻ không quan tâm”. Lúc đó tôi vẫn chưa bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nên đã nảy sinh tâm oán hận sâu sắc đối với mẹ chồng.

Mẹ chồng tôi là thợ may lành nghề, bà may quần áo cho hai cô con gái nhưng chưa bao giờ may cho tôi. Khi tôi đến thăm, bà tự hào khoe với tôi bộ quần áo bà may và nói: “Mẹ đã may những thứ này cho các chị con. Con thấy sao?“ Tôi luôn cảm thấy trong lòng khó chịu khi bà làm điều này.

Vào một mùa đông, chồng tôi bị cảm lạnh và phát triển thành viêm phổi. Anh phải nằm viện 28 ngày. Sau khi anh xuất viện, chúng tôi đến thăm bố mẹ anh. Họ không hỏi anh cảm thấy thế nào; thay vào đó còn chỉ trích anh ấy: “Người khác bị cảm cũng không có nặng như vậy”. Trên đường về nhà, tôi buồn phát khóc. Theo thời gian, những bất bình tích tụ này khiến tôi rất bất mãn với bố mẹ chồng.

Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi hiểu tầm quan trọng của việc tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành người tốt hơn.

Sau sinh nhật lần thứ 72 của mẹ chồng tôi, bà thường xuyên phải nhập viện. Một năm bà phải nhập viện hơn 12 lần. Vợ chồng tôi chăm sóc bà. Lúc đầu, tôi không thể không tức giận và nghĩ: “Bà chưa bao giờ giúp đỡ mình, nhưng bây giờ bà đã già rồi, bà mong mình giúp bà”. Bất chấp sự oán giận bất bình của mình, tôi đã cố gắng hết sức chăm sóc bà vì biết rằng tôi nên tuân theo lời dạy của Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi bị áp lực rất lớn khi vừa phải chăm con, vừa đi làm, vừa phải gánh vác gánh nặng tài chính khi con tôi còn đi học. Tôi thường âm thầm phàn nàn về việc có người mẹ chồng chỉ trích chúng tôi quá nhiều.

Nhận ra rằng suy nghĩ của mình không đúng và nhận ra tâm tật đố và tâm oán hận của mình đối với mẹ chồng, tôi cố gắng bình tĩnh và học Pháp nhiều hơn. Những suy nghĩ tiêu cực về bà cứ liên tục nổi lên và tôi không thể kìm nén được.

Một ngày nọ, tôi đọc thấy Sư phụ giảng:

“Nói tới tu luyện, rất nhiều người đều cảm thấy rất khó. Kỳ thực bản thân tu luyện không hề khó, buông bỏ tâm người thường, buông bỏ chấp trước của con người mới là khó nhất. Tâm người thường là gì? Ví như là một người tu luyện trước tiên phải làm được ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’. Người thường làm không được, bởi vì họ là người thường. Là người tu luyện ắt phải làm được, hơn nữa còn phải làm được là khi người khác ức hiếp chư vị, chư vị phải không oán không hận, thản nhiên đối mặt, thậm chí cười một cái bỏ qua những ân oán, thậm chí sau khi bị đánh trong tâm còn phải cảm ơn người đã đánh chư vị”. (Giảng Pháp tại Lễ thành lập Phật học hội Singapore [1996])

Tâm tôi chợt sáng lên, và trong tâm tôi nói với Sư phụ: “Bây giờ con đã hiểu cách buông bỏ nỗi oán hận với mẹ chồng”.

Nhưng các chấp trước đôi khi không được loại bỏ ngay lập tức. Năm 2022, bố chồng tôi bị tai nạn ô tô, gãy chín xương sườn và gãy hai chiếc răng cửa. Các hạn chế về đại dịch vẫn được áp dụng, nhưng miễn là có mã y tế thì vẫn được phép đến thăm bệnh nhân đang nằm viện.

Các chị chồng tôi sống ở nông thôn, không thể đến thăm bố chồng chứ đừng nói đến việc đưa ông vào viện. Chồng tôi ở cùng ông trong bệnh viện suốt hai tuần, và tôi mang đồ ăn cho họ sau giờ làm việc. Tôi cũng cần phải chăm sóc mẹ chồng đang bệnh nặng. Sau khi bố chồng tôi xuất viện, ông chuyển đến sống ở nhà chúng tôi.

Các chị chồng chưa bao giờ đến thăm bố, và tôi lại bắt đầu cảm thấy mất bình tĩnh. Đây là loại gia đình gì vậy? Các cô con gái không bao giờ đề xuất giúp đỡ trong những ngày nghỉ hoặc vào ngày sinh nhật của bố mẹ. Càng nghĩ tôi càng nhớ những người hàng xóm ở tầng trên kể về việc con gái họ từ tỉnh khác về chúc mừng sinh nhật. Gia đình chồng tôi đều ở cùng tỉnh nhưng không một ai đến thăm. Một lần nữa tôi cảm thấy khó chịu và bực bội.

Sư phụ từ bi đã cố gắng điểm ngộ cho tôi. Đôi khi, một người lạ gọi nhầm số, điều mà tôi cảm thấy đó là dấu hiệu cho thấy mình đã làm sai điều gì đó. Những lần khác, đường ống nước bị rò rỉ, đó là lời nhắc nhở hãy hướng nội. Tôi nhận thấy rằng tôi thường đánh giá các vấn đề bằng cách sử dụng lý luận và quan niệm con người, hướng ngoại thay vì nắm bắt mọi suy nghĩ sai lầm và coi đó là cơ hội tu luyện. Tôi tức giận trong vài ngày trước khi dần bình tĩnh lại và hướng nội. Tuy nhiên, khi tôi tiếp tục tu luyện, khi các chấp trước, chẳng hạn như tâm tật đố và cảm giác bất công nổi lên, tôi đã giải thể chúng.

Em gái tôi

Sư phụ giảng: “Không có mâu thuẫn thì không có đề cao.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc [1999])

Mâu thuẫn gia đình quả thật là oan tâm thấu cốt.

Một trong những em gái của tôi kém tôi bốn tuổi và điều kiện tài chính của gia đình cô ấy không tốt bằng tôi. Sau khi em gái kết hôn, tôi đã giúp đỡ cô ấy. Mẹ chúng tôi sống với tôi, chỉ cần nhà tôi có thứ gì thì mẹ đều chia sẻ với em gái tôi. Sau khi bắt đầu đi làm năm 16 tuổi, tôi đã mua quần áo cho em gái làm quà nhân dịp Tết Nguyên đán. Khi em gái có con, tôi mua quần áo, thực phẩm và tặng cô ấy những phong bì màu đỏ (trong đó có tiền).

Ngay cả khi mua ga trải giường, tôi cũng tặng một ít cho gia đình em gái. Khi gia đình em gái mua một chiếc TV có giá hơn 2.000 nhân dân tệ (khoảng 282 USD), tôi đã góp 1.000 nhân dân tệ. Có lần tôi muốn mua cho mình một chiếc áo khoác dày dặn, giá khoảng 500 đến 600 nhân dân tệ (khoảng 70 đô la đến 85 đô la). Tôi do dự và không mua nó. Nhưng khi tôi gặp em gái và chồng cô ấy trên xe buýt, họ nói rằng họ đang đi mua quần áo cho con. Không chút do dự, tôi đưa cho họ 500 nhân dân tệ. Sau khi nghỉ hưu, tôi đã tặng em gái chiếc ô tô mà tôi chủ yếu dùng để đi làm.

Bất chấp mọi điều tôi đã làm cho cô ấy, em tôi hiếm khi đối xử tử tế với tôi. Cô ấy dùng giọng mắng mỏ khi nói chuyện với tôi và hiếm khi mỉm cười với tôi. Giọng điệu của cô ấy có vẻ trịch thượng. Cô ấy chế giễu tôi và nói rằng quần áo của tôi lỗi thời.

Một lần khi tôi đến nhà cô ấy sau giờ làm việc, trước tiên tôi dừng lại ở siêu thị để mua vài thứ cho cô ấy. Khi tôi đến, cô ấy và chồng đang cãi nhau. Tôi đã chọn không đứng về phía nào, điều này khiến cô ấy khó chịu. Cô ấy bắt đầu đóng sầm cửa và đá vào tường. Quá thất vọng nên trên đường về nhà, tôi nghĩ: “Mình sẽ không bao giờ đến thăm em ấy nữa. Mình đối xử với em rất tốt, đây là cách mà em ấy trả ơn mình sao? Sau khi mẹ chúng ta qua đời, chúng ta sẽ không còn lý do gì để gặp nhau nữa. Tốt nhất là không nên liên lạc thêm nữa.”

Trong nhiều năm, tôi tin chắc rằng mình không có lỗi và tôi cảm thấy mình có lý vì hành động sai trái của cô ấy.

Gần đây tôi lại có một mâu thuẫn khác với cô ấy. Khi đọc Tinh Tấn Yếu Chỉ, cuối cùng tôi đã hiểu rằng cô ấy đang giúp tôi đề cao tâm tính. Mỗi lần tôi không đề cao được thì cô ấy lại gây náo loạn. Mức độ chấp trước của tôi được phản ánh qua việc cô ấy cư xử tồi tệ như thế nào. Bởi vì tôi luôn đo lường mọi thứ bằng quan niệm người thường mà không thay đổi suy nghĩ của mình, nên tôi đã đẩy những xung đột ra bên ngoài, từ đó làm trầm trọng thêm những xung đột tiếp theo.

Mặc dù tôi biết mình nên tu luyện khi xung đột nảy sinh, không tức giận và không nuôi lòng oán giận, nhưng sự tu luyện của tôi vẫn còn nông cạn. Tôi vẫn nghĩ mình đúng còn cô ấy sai. Tôi đã không thực sự hướng nội hay tu luyện bản thân.

Tôi biết mình nên tập trung vào việc tu luyện bản thân và không nên nhìn vào hành vi của cô ấy. Tôi nên xem hành vi của cô ấy như một tấm gương phản chiếu những khuyết điểm của mình. Nếu tôi cảm thấy cô ấy có tâm tranh đấu thì tôi cũng vậy. Nếu cô ấy chế nhạo tôi, điều đó phản ánh chấp trước giữ thể diện, danh lợi, tật đố, tìm sự báo đáp và cái tình của tôi đối với cô ấy. Tôi muốn người khác đối xử tốt với tôi. Chấp trước vào tình đã cản trở sự tu luyện của tôi, bởi vì tôi vẫn coi tình là thứ tốt, điều này gây ra sự chậm trễ trong việc đề cao tâm tính của tôi.

Trong mỗi cuộc xung đột, tôi đều giữ im lặng, nhưng sự bất ổn trong nội tâm của tôi ngày càng gia tăng khi những bất bình kéo dài nhiều năm nổi lên và tôi thường cảm thấy bị đối xử bất công. Sau khi tôi thực sự thay đổi từ bên trong, mối quan hệ của tôi với em gái trở nên hài hòa. Tôi cũng kiến nghị những học viên trường kỳ không vượt quan tâm tính giống tôi hãy đọc Tinh Tấn Yếu Chỉ và đọc nhiều lần.

Khi tâm tính tôi đề cao, tôi đã có những thay đổi tích cực trong cách chứng thực Đại Pháp. Tôi dùng máy in Epson 7280 có khay giấy phía dưới nên không dùng được giấy dày. Một ngày nọ, sau khi tôi đọc Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, máy in bắt đầu in giấy dày hơn một cách thần kỳ.

Trong suốt nhiều năm, tôi đã bước đi trên con đường tu luyện của mình dưới sự bảo hộ và điểm ngộ tỉ mỉ của Sư tôn. Bất cứ khi nào đối mặt với khổ nạn và không biết phải làm gì thì tôi tập trung học Pháp nhiều, tĩnh tâm học Pháp. Trong quá trình học Pháp, Sư phụ hướng dẫn tôi những việc cần làm và tôi cảm thấy trong lòng thật kiên định.

Cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các đồng tu!

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/13/469208.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/8/214653.html

Đăng ngày 17-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share