Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 30-12-2023] Đoạn thời gian gần đây, tôi nhận ra rằng, về phương diện tu khẩu của bản thân, tôi còn rất kém. Mặc dù trước đây tôi đã đọc các bài về vượt quan tu khẩu trên trang Minh Huệ, nhưng tôi chưa bao giờ để ý đến chúng, trong tâm luôn cảm thấy đây là một vấn đề nhỏ, và còn cho rằng việc không mắng chửi người khác có nghĩa là tôi đã tu khẩu. Giờ đây nghĩ lại, kỳ thực tôi đã không lý giải Pháp, học Pháp mà không minh bạch, thực sự đáng hổ thẹn.

Có một dạo, tôi nhận thấy các đồng nghiệp và sếp thường tán chuyện về những việc thường ngày sau giờ làm việc, khi rỗi việc mọi người cũng ngồi lại nói chuyện phiếm với nhau. Dần dần, tôi thấy trong những cuộc tán gẫu này, chủ yếu đều là chủ đề bình phẩm về người khác, làm thế này mới đúng, làm thế kia là sai, người này thế nào, người kia ra sao v.v.. Lúc đầu tôi không cảm thấy có điều gì không ổn, quan hệ giữa người với người trong xã hội hiện nay chẳng phải chính là như thế này sao?

Về sau, tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó không ổn, những người có đạo đức một chút còn coi trọng việc “chớ thị phi về người khác“, huống hồ tôi là một người tu luyện. Tôi cẩn thận hồi tưởng lại nơi tôi làm việc trước đây, khi không có việc gì làm, các đồng nghiệp xung quanh tôi rất thích nói về những chủ đề này. Tôi chợt nhận ra không có chuyện gì là ngẫu nhiên cả, tại sao xung quanh tôi lại có nhiều người thích nói về những chủ đề này như vậy? Chuyện này có thể nói là không liên quan tới tôi sao? Nhất định là không phải vậy! Tôi nhận ra rằng mình cần chú ý hơn đến phương diện này, cần tu luyện bản thân!

Nhiều năm nay tôi có một trạng thái không đúng đắn, đó là cứ mỗi lần đến kỳ kinh là tôi lại bị đau răng hoặc loét miệng, khiến tôi không dám ăn uống, có khi kéo dài trong thời gian rất lâu và rất đau đớn. Tôi nhớ đến trạng thái không đúng này, không biết trạng thái không đúng này có liên quan gì đến việc lúc bình thường tôi không chú ý đến tu khẩu hay không? Tôi hướng nội để tìm ra lý do tại sao tôi thích nói chuyện và bình luận về người khác? Đằng sau việc không tu khẩu ẩn giấu điều gì? Tôi nhận ra mình có tâm làm việc tốt, tâm cho rằng mình hơn người, tâm tự cho mình là đúng, và còn có tâm đố kỵ rất sâu. Khi tôi bày tỏ quan điểm, nhận xét của mình, tôi còn ẩn chứa tâm hiển thị, quả thực tôi đã tìm ra rất nhiều chấp trước dơ bẩn.

Tôi chợt nhớ rằng trong bài “Đạo Trung” của “Hồng Ngâm”, Sư phụ đã đề cập đến những yêu cầu về tâm, mắt, tai, ngôn, hành, và ý nghĩ của người tu luyện. Tôi nhận ra tôi đã không làm được bất kỳ điều gì trong số đó! Thực sự hổ thẹn! Lúc này, tôi cảm thấy mình chính là một người thường, tôi thấy rõ tâm mình vẫn ở trong người thường, vẫn trong thị phi, đúng sai của người thường, căn bản vẫn chưa thoát ra được.

Tôi nhận thức được rằng bản chất của việc tu khẩu là tu tâm, một khi những thứ dơ bẩn này trong tâm được loại bỏ thì việc tu khẩu sẽ tự nhiên đạt được. Nhưng giữa việc ngộ ra và làm được luôn có một khoảng cách. Tôi tự nhủ hãy bắt đầu với bước đầu tiên là học cách im lặng, ngậm miệng không nói. Sau này, khi không có việc gì làm, nếu đồng nghiệp lại luận bàn chuyện phiếm, tôi sẽ cố gắng im lặng hoặc không tham gia. Nhưng việc thay đổi thói quen đã hình thành của chúng ta thực sự rất khó, đôi khi những chủ đề họ thảo luận tình cờ khiến tôi hứng thú hoặc phù hợp với quan điểm của tôi thì chắc chắn tôi sẽ chêm vào vài câu, có lúc cũng bị tâm tình lôi kéo mà sẽ nói thêm vài lời. Buổi tối về nhà, tôi sẽ hối hận vì hôm đó tôi lại không giữ được tâm tính.

Có lần, tôi tiếp một khách hàng. Bác ấy là khách hàng quen khá hài lòng với dịch vụ của chúng tôi và cũng thích tán gẫu với chúng tôi về chuyện gia đình. Lần này bác ấy kể cho chúng tôi nghe về mẹ chồng quá cố của mình. Bác đã ở cùng với mẹ chồng hơn 30 năm, và luôn bị mẹ chồng chỉ trích, gây khó dễ. Bác ấy nói chuyện với chúng tôi hơn nửa tiếng đồng hồ về đủ loại bất công mà mẹ chồng đã gây ra cho bác ấy. Trong khi nghe bác ấy kể chuyện, đầu óc tôi thanh tỉnh hơn bao giờ hết, tôi không bị những câu chuyện quá khứ của bác dẫn dắt mà tức giận bất bình, mà nghĩ đây chẳng phải là do nhân duyên, nghiệp lực luân báo tạo thành sao. Tôi nhắc nhở bản thân cần nhảy ra khỏi nhận thức vấn đề của người thường, không bị dẫn dắt bởi những quan niệm đúng sai trên bề mặt.

Lần đó tôi đã đạt được bất động tâm, không tiến nhập vào suy nghĩ của bác ấy, không phán xét quá nhiều về ân oán đúng sai giữa họ. Thay vào đó tôi dùng tâm thái của một người tu luyện để cố gắng khuyến thiện. Tôi nghĩ đây là điều tốt nhất mà tôi có thể giúp cho bác ấy. Sau sự việc đó, tôi cũng đạt được một số thể ngộ về thế nào là bất động tâm.

Về tu khẩu, mặc dù những gì tôi đã làm ở giai đoạn này vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng tôi đã phát hiện ra một hiện tượng, đó là vấn đề loét miệng trong mỗi kỳ kinh nguyệt đã cải thiện rất nhiều. Tu luyện thật sự là rất thần kỳ.

Dần dần, tôi nhận ra rằng đằng sau tâm muốn bình luận khi gặp chuyện, còn có tâm tự cho mình là đúng, tâm coi thường người khác, đó là tâm chấp vào tự ngã rất mạnh và được ẩn giấu rất sâu.

Một lần, người thân của ông chủ đến và tôi phục vụ họ. Khi tiễn họ ra về, người thân này làm như không thấy tôi, trong tâm tôi liền dâng lên một cảm giác bất mãn, cảm thấy bị coi thường, vô cùng khó chịu. Một thời gian sau, ông chủ kể cho tôi nghe về người thân này, nói rằng cô ấy sắp kết hôn nhưng gặp một chút trắc trở. Trong lòng tôi chợt dâng lên một cảm giác giải hận, hả hê. Ngay sau đó, tôi nhận ra rằng loại suy nghĩ này là một thứ vật chất rất bất hảo, không phải là con người thật của tôi, và trong khoảnh khắc tôi đã thanh trừ nó khỏi suy nghĩ mình. Mặc dù sự việc này chỉ thoáng xảy ra trong tâm trí tôi nhưng nó đã thu hút sự chú ý của tôi, tôi nhìn ra tự ngã ẩn sâu và nó đã bị động chạm tới.

Tôi phát hiện ra tâm coi thường người khác vào năm ngoái, nhưng gần đây tôi mới coi trọng. Đặc biệt, gần đây tôi mới ý thức được việc coi thường đồng tu là người nhà. Đã lâu, tôi nghĩ trạng thái tu luyện của đồng tu người nhà không quá tinh tấn, bề ngoài có vẻ rất bận rộn, người ngoài nhìn vào thấy tu luyện rất tốt, nhưng thực ra, biểu hiện trong gia đình mới là chân thật nhất. Đồng tu người nhà không phải đi làm, có nhiều thời gian, nhưng thường xuyên cả việc học Pháp và luyện công đều không đảm bảo. Đôi khi cả ngày chỉ ngủ ngon lành, hễ nói ra là một bộ các thứ lý luận. Trong lòng tôi cảm thấy đồng tu người nhà không tinh tấn như các đồng tu khác. Đồng thời, tôi cũng có chút trách cứ anh ấy đã không đối xử tốt với tôi, và anh ấy cũng giải đãi như tôi.

Trước đây tôi đã không nhận ra rằng lối tư duy này của tôi là sai, nhưng bây giờ tôi đã nhận ra rằng hướng ngoại là sai. Coi thường người khác là phương thức tư duy sai lầm, cách suy nghĩ này là sai, đó là một loại ma tính, cũng là ác niệm. Trước đây tôi chỉ xem trọng biểu hiện bên ngoài của đồng tu người nhà, điều này của anh ấy không đúng, điều kia của anh ấy không được, mà không hướng nội tìm để tu bản thân. Tôi không nên động loại niệm này, không nên để loại ma tính này bành trướng lan rộng. Giờ đây tôi ngộ ra rằng tôi nên trước hết tu tốt bản thân, biểu hiện của đồng tu căn bản là không trọng yếu. Khi có vấn đề liền hướng nội tìm, và bây giờ tôi nhận ra rằng điều đầu tiên mà một người tu luyện nhìn vào khi gặp vấn đề luôn là xem lại chính mình.

Trước đây, tôi coi thường đồng tu người nhà, và đôi khi tôi không hài lòng khi nói chuyện với anh ấy, tôi nói chuyện nhát gừng, lạnh lùng, nhưng hiện giờ nghĩ lại thấy thực sự là bất thiện. Tôi hướng nội thấy rằng, nhiều lần tôi không coi nhà mình là nơi tu luyện, mà chỉ là “nhà”. Nhiều lúc tôi chỉ coi đồng tu người nhà là người thân, buông lỏng tu luyện trong phương diện này. Bây giờ tôi nhận ra rằng tu luyện là nghiêm túc, là thời thời khắc khắc đều tu, ở đâu cũng vậy. Ngoài việc tu luyện, cuộc sống của đồng tu người nhà hầu như đều xoay chuyển quanh tôi. Trước đây tôi cảm thấy điều này là hiển nhiên, nhưng bây giờ tôi thấy rằng có nhân tố tình trong đó. Điều này cũng làm gia tăng tâm an dật và lười biếng của tôi.

Trong môi trường gia đình, tôi thấy rằng trước đây những lúc nói chuyện, thái độ của tôi đặc biệt không tốt, có gì không vui liền tức giận. Bây giờ, tôi nhận ra rằng đây không chỉ là vấn đề bất thiện, mà còn là một loại ma tính, và tôi nhắc nhở bản thân cần ức chế nó, từ nay về sau phải chú ý tu luyện bản thân ở phương diện này. Nhưng thật khó cải biến thói quen đã hình thành trong một thời gian dài. Đôi khi sau khi nói, tôi mới nhận ra tại sao tôi lại nói như thế chứ? Thái độ thật không đúng, không thiện.

Một lần, tôi nói với đồng tu người nhà là tôi muốn ăn lạc, và hỏi anh ấy, “Sao anh không mua loại hạt nhỏ? Hạt nhỏ mới ngon” Nói xong, tôi liền nhận ra những lời này chứa đựng oán giận và trách móc, hơn nữa tôi còn dùng câu hỏi tu từ, đây là một kiểu bất thiện của văn hóa Đảng. Tôi nên biết ơn đồng tu người nhà đã lặng lẽ phó xuất làm việc nhà, vậy nên tôi lập tức đổi giọng và nói: “Loại này cũng ngon, anh mua gì cũng được”.

Có lần tôi lại quên mất, và lại nói lời trách móc. Lời còn chưa nói hết, tôi đã nhận ra thái độ đó là sai, tôi nói quá to, ngữ khí cũng không thiện, là thứ ma tính. Ngay lập tức, tôi hạ thấp giọng ở nửa sau của câu, vì sự tương phản quá lớn này mà đồng tu người nhà có phần sửng sốt.

Khi tôi muốn tu luyện bản thân qua những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, tôi mới phát hiện ra rằng trước kia tôi đã không coi trọng, không tu luyện về phương diện này. Tôi còn có rất nhiều phương diện cần phải được quy chính.

Tôi cũng thấy rằng đôi khi tôi bị ảnh hưởng bởi văn hóa Đảng và các quan niệm hiện đại, tôi cần đọc kỹ “Cửu Bình”. Nếu văn hóa Đảng trong bản thân không được thanh trừ, nó thực sự cản trở chúng ta lý giải và đồng hóa với Pháp.

Trên đây là thể hội tu luyện gần đây của tôi. Con xin cảm tạ Sư phụ đã từ bi gia trì, cấp cho đệ tử một cơ hội nữa để tu tốt bản thân. Tôi cũng cảm ơn các đồng tu bên cạnh đã giúp đỡ tôi. Trong quá trình viết bài chia sẻ này, tôi đã nhìn ra rất nhiều thiếu sót của bản thân, cũng nhận rõ những phương diện nào bản thân cần quy chính. Trong thời khắc cuối cùng trước Pháp Chính Nhân Gian, tôi sẽ tinh tấn trở lại và nỗ lực tiến bước.

Con xin khấu bái ân Sư từ bi vĩ đại!

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/30/469906.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/23/215981.html

Đăng ngày 12-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share