Bài viết của Thẩm Dung, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 12-01-2024] Bà Lệ Mỹ là người con thứ chín sinh ra trong một gia đình ở Hoa Liên, Đài Loan. Từ nhỏ bà đã theo thợ may âu phục học nghề may. Năm 18 tuổi, bà tới Đài Bắc làm công nhân may, không ngừng trau dồi kỹ thuật và kinh nghiệm trong nghề.

Sau vài năm làm việc, bà được bạn bè giới thiệu làm quen với một người đàn ông và đã kết hôn năm 21 tuổi. Bà không mong cầu cuộc sống từ nay sẽ vui vẻ hạnh phúc, nhưng cũng không ngờ rằng cuộc sống sau hôn nhân lại thống khổ như thế.

Trả nợ cho nhà chồng đến gần như kiệt quệ cả thể chất và tinh thần

Điều kiện kinh tế của gia đình chồng bà rất khó khăn, người trong nhà lại mâu thuẫn đấu đá lẫn nhau. Bà Lệ Mỹ còn chưa kịp thích ứng với thân phận mới, hoàn cảnh mới, chỉ có thể im lặng ngậm đắng nuốt cay. Sau này bố chồng thiếu nợ hơn một triệu tệ, bà Mỹ Lệ cũng không ngần ngại gánh nợ, chăm chỉ làm việc ngày đêm.

Sự thiện lương và khoan dung của bà không thể đổi lấy sự tôn trọng và thương yêu của người chồng, tất cả việc bẩn việc nhọc đều một mình bà gánh vác. Bà Lệ Mỹ nói: “Từ khi bước vào nhà này, không một ai hỏi đến cảm nhận của tôi, lại thêm chồng tôi tính khí nóng nảy bất hảo, bao nhiêu uất ức thống khổ tôi không biết kể cùng ai; tôi cũng không muốn nói với nhà mẹ, nói ra chỉ khiến họ thêm lo lắng.”

Bên cạnh gánh nặng trả nợ bên ngoài, bà Lệ Mỹ còn phải chăm sóc con cái cùng người bác thỉnh thoảng phát chứng động kinh, có thể thấy áp lực nặng nề thế nào. Nhưng sau bao năm vất vả khổ cực trả hết nợ nần, bà được tin bố chồng không may bị đột quỵ. Bà nói: “Vợ chồng tôi đã nhận trách nhiệm chăm sóc bố, nhưng không lâu sau chồng tôi cũng không chịu nổi. Ông ấy thường chạy đến bờ biển đứng ngây người ở đó.”

Bà Lệ Mỹ chăm sóc bố chồng 11 năm cho tới khi ông qua đời. Sau thời gian dài gánh vác trách nhiệm vất vả, thân thể bà suy nhược giống như một cành cây khô dễ gãy. Bà nói: “Ban đầu là đau bụng, nhức đầu, không còn sức lực. Đến lúc không chịu nổi, tôi liền tới bệnh viện tiêm thuốc giảm đau, tiêm xong lại mau chóng trở về nhà. Bởi vì không có ai thay thế, tôi cũng không có thời gian quan tâm đến tình trạng sức khoẻ của mình, chỉ có thể ngày ngày chịu đựng.”

Dưới áp lực kinh tế và ngày đêm bị giày vò tinh thần trong thời gian dài, bà Lệ Mỹ nhận được tin từ bác sĩ rằng bà bị xơ gan. Bà xúc động nói: “Bệnh xơ gan khiến chức năng tạo máu của tôi hoạt động không bình thường, huyết dịch không thể truyền tới đầu dây thần kinh. Toàn thân tôi cảm thấy như bị kim châm, đầu ngón tay đau nhức không thể co lại, mắt cũng đau không thể mở ra. Buổi tối tôi uống thuốc ngủ cũng không ngủ được, từng giây từng phút tôi đều phải chịu đau đớn dằn vặt. Nếu như trên mặt đất có một cái lỗ, tôi đau đến mức sẽ chui vào đó. Nếu không phải vì nghĩ tới con cái còn nhỏ, thật sự tôi không muốn sống thêm một giây một phút nào nữa.”

Cuốn sách giúp bà thoát thai hoán cốt chỉ sau một đêm

Thấy bà Lệ Mỹ khám bệnh uống thuốc không có kết quả, một người bạn đã cho bà mượn cuốn kinh Phật với hy vọng có thể giảm bớt đau đớn từ trong tâm hồn bà. Bà Lệ Mỹ nói: “Tôi nhớ trong kinh Phật nói đến thời mạt thế, Phật Di Lặc sẽ tới cứu người. Có lúc buổi tối đau không ngủ được, tôi lại đọc cuốn kinh sách này, suy nghĩ Phật Di Lặc sẽ cứu người như thế nào, là đưa người lên Thiên thượng phải không? Thế nhưng thân thể tôi đã xấu tệ bệnh tật thế này, còn có cơ hội lên trời không, khôi phục lại hình dáng thuần tịnh như lúc mới sinh ra có được không? Buổi tối không ngủ được tôi thường nghĩ ngợi như vậy.”

Đúng như câu “Trời không tuyệt đường người”, bà Lệ Mỹ trong đau khổ vẫn giữ vững thiện niệm, trong lúc u ám, vận mệnh đã âm thầm cải biến. Năm bà 41 tuổi, người nhà bà nhìn thấy tờ rơi trong thùng thư, trên đó viết “Lớp học Pháp Luân Công chín ngày, dạy công miễn phí, không nhận quà không thu tiền.” Sau khi xem nội dung tờ rơi, bà Lệ Mỹ nghĩ nếu không mất tiền thì đi xem qua một chút, còn nước còn tát.

Ngày đầu tiên nghe xong bài giảng, các học viên ở đó nói rằng Pháp Luân Công có một cuốn sách tên là “Chuyển Pháp Luân“, về nhà nên nhanh chóng đọc hết cuốn sách đó. Vì vậy buổi tối cùng ngày, đợi mọi người đi ngủ hết, bà Lệ Mỹ ngồi chuyên tâm đọc sách.

Bà nói: “Lúc đọc sách, tôi cảm thấy có rất nhiều thứ đang chuyển động, xoay quanh đầu, cổ và các đầu ngón tay của tôi, cả buổi tối có một luồng nhiệt tỏa ra. Lúc ấy tôi còn lo lắng không biết đây là trạng thái gì, tại sao toàn thân đều có những thứ đang xoay chuyển. Về sau tiếp tục xem sách tôi mới biết thì ra đó là Pháp Luân!”

caf6a9ed7d2284548a4d22a136a7115f.jpg

Hình 1. Bà Lệ Mỹ tay nâng cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”, ngồi song bàn chuyên tâm đọc sách.

Bà Lệ Mỹ sau khi đọc hết cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” trong một đêm, cảm nhận rõ ràng thân thể tàn tạ trước kia của mình đã được cải biến hoàn toàn. Bà nói: “Sáng hôm sau, thân thể tôi trở nên rất nhẹ nhàng, không còn cảm giác giống bị kim châm. Sau đó tôi bắt đầu ho ra đờm, ho ra rất nhiều đờm, mỗi ngày thổ ra rất nhiều lần, trạng thái này diễn ra trong gần một tháng. Tôi biết Sư phụ đang giúp tôi tịnh hoá thân thể.”

Nói về quãng thời gian đã qua, bà Lệ Mỹ có chút nghẹn ngào: “Nghĩ đến tôi lại muốn khóc, chính là rất phấn khích, tôi cảm thấy sinh mệnh có hy vọng rồi. Mỗi ngày tôi có thể cảm nhận thân thể đang có tiến triển, thay đổi rất nhiều so với trước đây. Lúc đó tôi vô cùng cảm động, xúc động không nói nên lời, tôi chỉ biết khóc. Tôi muốn nói lên rằng tôi may mắn nhường nào mới đắc được sự cứu độ của Sư phụ.”

Buông bỏ tâm oán hận, chồng bà cũng cải biến

Trước đây bà Lệ Mỹ bệnh tật triền miên, không thể làm việc. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, mỗi buổi sáng bà tới công viên luyện công, thân thể cũng ngày một biến đổi, rất nhanh đã lấy lại tinh thần và sức lực, lại có thể bắt đầu làm việc và có thu nhập.

Thế nhưng dù tận mắt chứng kiến những thay đổi của vợ, chồng bà vẫn không tin tưởng và không ủng hộ. Bà Lệ Mỹ bày tỏ: “Bất kể tôi làm việc gì, chồng tôi cũng không công nhận, lúc nào cũng nói những lời khó nghe gây tổn thương, bầu không khí trong gia đình tràn đầy sự hằn học.”

Sau nhiều năm đối diện với người chồng có tính khí nóng nảy, bà Lệ Mỹ biết đây là tính cách dưỡng thành từ nhỏ khi lớn lên trong môi trường gia đình chồng, đây không phải lỗi của chồng bà. Bà nói: “Tôi nghĩ tới trước kia đều là tôi không tu tốt, chưa đạt tới Thiện một cách chân chính, nên cho dù thái độ biểu hiện có tốt thế nào, cũng không thể khiến chồng tôi cảm động.”

Khi trong tâm bà Lệ Mỹ cải biến, thái độ nóng nảy ngoan cố của chồng bà cũng có sự chuyển biến. “Tôi phát hiện chồng tôi bắt đầu lẳng lặng làm mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà. Ví dụ ông ấy nói mùa Đông lạnh như vậy, tôi chỉ rửa bát là được rồi. Tôi đi làm về thấy chồng đã mang quần áo đi giặt, thu dọn rồi xếp vào tủ của từng người. Hoàn cảnh của ông ấy cùng người nhà và bạn bè cũng liên tục cải biến, không khí trong nhà không còn như trước.”

Từ công nhân may trở thành nhà thiết kế, quảng bá Hán phục

Sau vài năm làm công nhân may đo ở nhà máy, từ kéo tơ đến dệt vải, từ làm hoa văn đến khâu vá, rồi tạo các sản phẩm may mặc thực sự, bà Lệ Mỹ đã dần tích lũy các kỹ thuật và kinh nghiệm chế tác trang phục. Bước vào tu luyện khiến bà nhận rõ hơn mỗi đường kim mũi chỉ trên Hán phục thật sự ẩn chứa vẻ đẹp của đạo lý làm người trong văn hoá truyền thống. Năm 2004, bà Lệ Mỹ cùng một học viên Pháp Luân Công khác cùng nhau thành lập “Đường trang Studio.”

b0e83c48000032e04f8c2e2319f53dc0.jpg

Hình 2. bà Lệ Mỹ nhận thức được, mỗi đường kim mũi chỉ trên Hán phục đều ẩn chứa vẻ đẹp của đạo lý làm người trong văn hoá truyền thống.

Năm 2010, bà Lệ Mỹ tham gia cuộc thi Thiết kế Hán phục toàn cầu lần thứ 3 do Đài Truyền hình Tân Đường Nhân Mỹ quốc tổ chức, tác phẩm thiết kế “Viên Minh” đã giành được giải thưởng “Kỹ thuật đặc biệt“.

Năm 2013, trang phục hoàng hậu Đại Minh mang tên “Càn khôn” giành được giải Đồng trong cuộc thi lần thứ 4. Bà Lệ Mỹ chia sẻ bộ trang phục hoàng hậu này được sử dụng trong các nghi lễ trang trọng. Hoàng hậu đầu đội mũ “Cửu long tứ phượng“, trên áo có thêu chim trời cá nước, màu đen tượng trưng cho trời, màu vàng tượng trưng cho đất; bao hàm ngũ hành, đối ứng với pháp lý Thiên nhân hợp nhất của vũ trụ.

8c343be63df2a336a74421565580384f.jpg

Hình 3. Bà Lệ Mỹ cùng tác phẩm thiết kế “Càn khôn”.

Nguyên năm xưa vì nghèo khổ mà người nữ công nhân bước vào nghề may chỉ để nuôi sống gia đình. Dần dần có được tay nghề tinh xảo, thêm vào đó là sự kiên trì và tín ngưỡng, bà biết rằng bản thân có thể làm được nhiều hơn nữa.

Nhớ về quá khứ, bà Lệ Mỹ bày tỏ: “Ban đầu tôi không còn hy vọng vào con người, không biết phải sống thế nào; nhưng từ khi bắt đầu tu luyện, cuộc sống của tôi đã cải biến hoàn toàn. Tôi không ngừng dùng Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn để đề cao tâm tính. Khi tôi thực sự thay đổi bản thân, mọi chuyện xấu đều trở thành hảo sự tất cả đều là Đại Pháp ban cho tôi.”

Đại Pháp đã ban cho bà Lệ Mỹ một thân thể khỏe mạnh, tâm hồn vô tư, một cuộc sống tốt đẹp. Bà Lệ biết rõ những gì bà đạt được trong cuộc sống còn nhiều hơn thế.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/12/470862.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/13/214282.html

Đăng ngày 09-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share