Bài viết của Thanh Mục tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 02-01-2024] Tháng 12 năm ngoái, một trận động đất kinh hoàng đã xảy ra ở tỉnh Cam Túc khiến nhiều người thiệt mạng. Những người sống sót phải vật lộn trong tình trạng thiếu đói và nhiệt độ lạnh giá tới -15°C. Khi nghe được chuyện đó tôi cảm thấy rất đau lòng và tự hỏi có bao nhiêu người trong số họ đã minh bạch chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp. Giá như những người bị chết có thể sớm biết chân tướng thì có lẽ họ đã được cứu.
Tôi nghĩ: “Chính Pháp đang ở bước tối hậu rồi. Liệu thảm họa tương tự có xảy ra ở Thành phố của mình không? Nếu vậy thì chẳng phải những người không biết chân tướng cũng sẽ chết sao?”
“Không được, chúng tôi phải nhanh chóng giảng chân tướng và phát thêm nhiều tài liệu để cứu được nhiều người hơn”. Và rồi những từ này chợt lóe lên trong tâm trí tôi: “Không thể thấy chết mà không cứu”. Tôi cảm thấy toàn thân chấn động, một cảm giác lạnh buốt chạy dọc sống lưng. Từ tâm tôi toát ra nỗi sợ hãi.
Tôi nhớ đến một giấc mơ xuất hiện cách đây hai năm, trong giấc mơ, có một cuộn giấy lơ lửng trên không trung rồi tự động trải xuống, triển hiện ra một bức tranh, khung cảnh và con người trong tranh đều sống động.
Trong bức tranh, chỗ hạ lưu con sông, nước sông rất nông và trong vắt. Ánh nắng mặt trời tỏa xuống rực rỡ, nhiều người đang tận hưởng cuộc sống nhàn nhã dọc bờ sông – có cả người lớn và trẻ em, người già và trẻ nhỏ. Có những người đi theo nhóm, người thì đi cùng gia đình; có những cặp đôi và cả những người độc thân. Cũng có người cổ xưa; mặc bộ đồ trắng, tay cầm quạt lông, đầu đội khăn xếp, có nông dân ăn mặc rách rưới vất vả làm việc trên đồng; có cả những người bán hàng rong dọc đường. Một số người đang đọc sách hoặc viết lách; có người đang nghe nhạc. Một số đang uống trà hoặc uống rượu, trong khi những người khác đang nấu nướng. Một số người đang nhảy múa và những người khác đang tập Thái Cực Quyền.
Có mấy người thất tình đang chải tóc bên bờ sông với vẻ mặt buồn bã, đơn côi. Có những doanh nhân mặc vest, đeo cà vạt tham dự các cuộc họp hoặc ký kết hợp đồng, trong khi một số người thời xưa thì ngâm thơ hoặc vẽ tranh. Có cả những người phương Tây đang xem nhạc Opera trong các nhà hát lớn, cũng có trẻ em đang bơi lội vui đùa dưới nước. Đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ nhỏ, thuộc mọi tầng lớp xã hội ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử, tại Trung Quốc hay nước ngoài đều đang nhập vai và tận hưởng cuộc sống của riêng mình.
Nhìn từ trên cao, tôi thấy dòng sông chảy qua một hẻm núi rộng và sâu. Ở khúc cua thượng nguồn của hẻm núi, cách con sông không xa, có một dòng nước lũ đen kịt đang bị một con đập lớn chặn lại. Nhưng bên trong con đập đã xuất hiện vết nứt, khiến mặt ngoài của nó phồng lên và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Trong khi đó, người dân ở hạ lưu sông không hề biết thảm họa sắp xảy ra.
Cảnh tượng tương phản giữa dòng nước đen ngòm và đám đông nhàn nhã trong giấc mơ vô cùng chân thực. Tôi rất lo cho họ, nghĩ rằng mình phải bảo tất cả những người ở hạ nguồn này chạy đi ngay lập tức. Tôi lấy hết sức bình sinh hô to nhưng họ không nghe thấy. Đột nhiên, có ai đó ở trên ngọn núi cao phía trên hẻm núi hô lớn: “Chạy đi! Chạy nhanh lên!“ Anh ấy còn dùng cả loa phóng thanh để hô cho to.
Sau đó tôi phát hiện mình cũng có một chiếc loa phóng thanh trong tay và tôi đang cố hô lên. Nhưng giọng tôi quá nhỏ nên mọi người vẫn không nghe được. Trong giấc mơ, tôi nghĩ: “Mình phải dùng một chiếc loa lớn hơn”. tôi liền dùng toàn bộ tiền tiết kiệm của mình mua một chiếc loa khổng lồ trông như một khẩu đại bác. Lần này nó đã hoạt động hiệu quả, một số người đã nghe thấy tôi và quay lại nhìn về phía tôi. Một số không biết phải làm gì và chỉ nhìn xung quanh, trong khi những người khác bỏ đi.
Thấy hiệu quả, tôi muốn có thêm nhiều loa lớn hơn nên đã bán nhà, xe hơi và các tài sản khác để mua những chiếc loa lớn hơn và bỏ rất nhiều công sức để chuyển chúng lên đỉnh hẻm núi. Giọng tôi khàn đi vì hô to, và không hiểu sao loa lại tự động phát ra âm thanh.
Lúc đó, tôi thậm chí không nghĩ xem mình có mệt không, có muốn làm không, có muốn bỏ cuộc không, mà chỉ nghĩ đến việc cứu người, một niệm duy nhất trong đầu tôi là cứu những người này. Ngay sau đó, xung quanh tôi xuất hiện rất nhiều người, đi thành từng nhóm năm ba người kéo dài ra cả các đỉnh núi, và họ cũng hô lên với những người bên dưới đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng: “Chạy đi! Mau chạy đi!” Một số người thậm chí còn dùng những chiếc loa to hơn chiếc loa của tôi.
Rồi đột nhiên con đập bị vỡ, dòng lũ ào xuống cuốn phăng một mảng lớn đỉnh núi ở khúc quanh của hẻm núi. Những người trước đó đang vui vẻ bắt đầu bỏ chạy và gào lên: “Có lũ, có lũ, chạy đi, chạy đi!“
Có người sợ hãi đến mức bất động, có người quỳ xuống bái lạy cầu nguyện. Có người cảm thấy không còn hy vọng thoát thân nên chắp tay ngồi xếp bằng thiền định. Bọn trẻ sợ hãi và la hét ầm ĩ.
Vào thời điểm ngàn cân treo sợi tóc đó, tôi nghĩ ra mình là một đệ tử Đại Pháp. Tôi liền cầu xin Sư phụ cứu họ và hô lên để tất cả những người đó ghi nhớ: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!”
Đột nhiên, mọi người xung quanh tôi đều đồng thanh hô to: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!”, tiếng hô vang dội khắp đất trời.
Tôi thấy một số người trong dòng nước lũ được một quầng sáng vàng cứu sống nhưng phần lớn đều thiệt mạng và bị nước cuốn trôi. Lúc đó trời cũng đã tối và còn rất lạnh, nước lũ nồng nặc mùi tanh hôi.
Cuối cùng, bức tranh tự động cuộn lại và tôi choàng tỉnh sau cơn mơ. Phải mất khá lâu tôi mới định thần lại được. Lúc đó, trong đầu tôi lại lóe lên câu: “Không thể thấy chết mà không cứu”.
Mặc dù đã hai năm trôi qua nhưng giấc mơ vẫn còn sống động trong tâm trí tôi.
Pháp của Sư tôn có nội hàm bác đại tinh thâm. Sau khi học kinh văn “Tránh xa hiểm ác” gần đây của Sư tôn, tôi nhận ra rằng mỗi nhân tâm, nhân niệm và nhân tình đều rất nguy hiểm.
Sư phụ giảng:
“[Ai] tu được tốt sẽ công thành viên mãn, quy vị vũ trụ mới, nắm trong tay thế giới thiên quốc của bản thân mình. [Ai] tu không thành, vi bối thệ ước, phạm tội với Đại Pháp, sẽ nhất định thực hiện[theo] những hứa hẹn đã dùng sinh mệnh để làm!” (“Tu luyện Đại Pháp là nghiêm túc”)
Tôi ngộ ra rằng chỉ có một con đường duy nhất dành cho các đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp, đó là tu thành đắc Đạo; nếu không, chúng ta có thể sẽ bị hủy diệt hoàn toàn.
Đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp có tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Nếu chúng ta đạt tiêu chuẩn, Sư phụ sẽ ban cho chúng ta uy đức to lớn. Còn nếu không đạt tiêu chuẩn, chúng ta sẽ phải gánh chịu tội lỗi cực đại.
Tôi nhận ra rằng Sư phụ yêu cầu chúng ta làm tốt ba việc cũng là để tự cứu lấy mình. Nếu chúng ta không chân tu, thực tu, chính là chúng ta không trân quý bản thân, hơn nữa còn đang hủy hoại chính mình. Nếu chúng ta không đạt được tiêu chuẩn, chúng ta sẽ không có cách nào hoặc cơ hội nào để bù đắp tổn thất. Lúc đó chỉ có thể trả nợ bằng sinh mệnh, bởi vì chúng ta chỉ có một cơ duyên tu luyện duy nhất trong giai đoạn lịch sử hiếm hoi này. Đó không phải là vấn đề từ bi hay không, mà là quy tắc của vũ trụ, đó cũng là sự lựa chọn ban đầu của chính chúng ta.
Đến lúc cuối cùng, mỗi đệ tử Đại Pháp đã trên con đường tu luyện và hoàn thành thệ ước của mình như thế nào sẽ được tổng kết lại; tới lúc ấy sẽ không còn cơ hội nữa. Những ai không đạt tiêu chuẩn chỉ có thể hối hận, đau đớn, tuyệt vọng và đối mặt với sự đào thải.
Tôi nghĩ đến bản thân mình trong sáu tháng qua đã giải đãi, an dật như thế nào. Tôi chấp trước vào cuộc sống tiện nghi, chấp trước vào điện thoại di động và internet, chấp trước vào mua sắm trực tuyến, ngủ nướng, chơi bóng rổ, v.v. Vậy mà tôi còn che đậy những chấp trước của bản thân, tự lừa dối chính mình, lừa dối cả những người khác đến khi nào nữa?. Tôi cảm thấy chấn động trước mối nguy hiểm cận kề mà bản thân mình đã tự chuốc lấy.
Sư tôn hết lần này đến lần khác ban cho chúng ta cơ hội để quy chính bản thân. Tôi cảm thấy thực sự hổ thẹn vì đã không coi trọng điều đó. Mặc dù tôi đang làm ba việc, nhưng chưa làm được một cách tận tâm và kiên định. Đến lúc này rồi mà tôi vẫn còn cố chấp và không đạt tiêu chuẩn thì thực sự sẽ quá muộn. Tôi cần phấn chấn lên, chỉ cần Chính Pháp chưa kết thúc thì vẫn còn cơ hội để tôi tinh tấn tu luyện và quy chính lại bản thân theo các tiêu chuẩn của Pháp.
Ghi chú của Ban Biên tập: Bài viết này chỉ thể hiện nhận thức cá nhân của tác giả ở trạng thái tu luyện hiện tại, chia sẻ cùng các đồng tu để chúng ta “Tỉ học tỉ tu.” (Thực Tu, Hồng Ngâm)
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/2/470519.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/15/215877.html
Đăng ngày 07-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.