Bài viết của Ái Liên, một đệ tử Đại Pháp tại Ireland

[MINH HUỆ 08-09-2023] Trong suốt một thời gian dài, tôi cảm thấy mình có tâm oán hận, lúc mạnh, lúc yếu. Khi nó mạnh, cảm xúc tôi sẽ dao động rất lớn, biểu hiện trên thân thể là tim đập nhanh, âm lượng nói lớn. Bất kể có tranh chấp gì với người khác, thế nào tôi cũng phải giành được kết quả tôi đúng còn họ sai. Có lúc tâm oán hận vô cùng mạnh mẽ, tôi có thể cảm nhận được vật chất hận hình thành trong phạm vi trường không gian của tôi, sau đó chúng dần gia tăng mật độ và khuếch tán ra khắp trường không gian, gây áp lực rất lớn, thậm chí là thống khổ tới những người xung quanh tôi. Khi tâm oán hận của tôi suy yếu, tôi sẽ than thở, trách móc, và càu nhàu. Dù ngoài miệng không nói gì, nhưng trong lòng cảm thấy không vui, trong tâm lẩm bẩm, hờn dỗi, thậm chí sản sinh cảm giác coi thường người khác. Cho rằng tại sao người này ngốc nghếch quá, không thấu tình đạt lý, hoặc sao lại đi đến cực đoan như vậy v.v..

Lấy những người quanh tôi làm ví dụ. Con gái tôi (cũng là đồng tu) làm việc gì cũng lề mề chậm chạp từ khi còn nhỏ. Về phương diện này, tôi đã ôm giữ tâm oán hận với cháu. Có lẽ là do tôi có tính thiếu kiên nhẫn, làm việc mạnh mẽ và quyết đoán, nên khi thấy con gái lảng vảng bên cạnh trong tâm tôi liền cảm thấy khó chịu. Cách đây một đoạn thời gian, vì phải đi xem nhà để chuyển nơi ở, cũng không dễ gì mới sắp xếp được cuộc hẹn để xem căn phòng phù hợp. Vậy mà do sự lề mề của con gái tôi, chúng tôi đã lỡ hẹn với bên môi giới bất động sản và họ không muốn quay lại để cho chúng tôi xem nhà lần nữa. Tâm oán hận của tôi liền nổi lên: “Nhìn con xem, con cứ lề mề rồi làm hỏng hết mọi việc. Tất cả đều tại con!”

Vài ngày sau, chúng tôi muốn đi xe buýt, vì là cuối tuần nên khoảng cách thời gian giữa các chuyến rất dài. Tôi chuẩn bị từ sớm và đứng ở cửa đợi con gái, nhưng đợi mãi mà cháu chưa ra khỏi nhà. Sau khi con gái bước ra, chúng tôi chạy một mạch đến trạm xe buýt nhưng chỉ thấy chiếc xe buýt từ từ lao đi. Nỗi oán hận của tôi lập tức bùng lên, tôi thở hổn hển và buột miệng nói với con gái: “Sống với con thật quá mệt mỏi!” Nhưng ngay khi những lời đó vừa thốt ra, tôi biết mình đã sai bởi tôi trông thấy vẻ mặt tổn thương của cháu.

Gần đây, qua việc học Pháp một cách nghiêm túc, tôi chợt nhận ra rằng bất cứ khi nào tôi dùng tiêu chuẩn của mình để yêu cầu người khác và dùng quan niệm của mình để đo lường người khác, đồng thời, lời nói và hành động của người khác không phù hợp với tiêu chuẩn hay quan niệm của tôi, tôi sẽ nảy sinh tâm oán hận. Nhưng tại sao tôi lại đưa ra yêu cầu đối với người khác và đo lường họ theo cách ấy?

Sau khi đọc lại bài “Phật tính” trong Chuyển Pháp Luân (quyển 2) của Sư tôn, tôi đã ngộ được một số điều. Có vẻ như sự thiếu kiên nhẫn thể hiện bản tính của tôi, nhưng thực ra nó được hình thành bởi các quan niệm hậu thiên. Loại tính khí này cộng với việc tiếp thu các tư tưởng giáo dục hiện đại đã khiến tôi cho rằng mọi việc đều phải có mục tiêu, phương pháp, và đạt hiệu suất tối đa. Vậy nên, trong cuộc sống và công việc của mình, tôi luôn chiếu theo tiêu chuẩn này để yêu cầu bản thân. Khi làm tốt, tôi trở nên dương dương tự đắc và hớn hở ra mặt; còn khi làm không tốt, tôi liền chán nản và âm thầm tự trách mình. Đây chỉ là nhận thức đúng sai từ góc độ của một người thường.

Khi tôi áp dụng những tiêu chuẩn và quan niệm của riêng mình để yêu cầu và đo lường người khác, xuất phát điểm của tôi là vị tư, là từ tư tâm được che giấu rất sâu. Nếu lời nói và hành động của người khác phù hợp với tiêu chuẩn và quan niệm của tôi, tôi sẽ cao hứng và coi đó là điều hiển nhiên, bởi vì lợi ích của tôi đã được duy hộ và sở thích của tôi được thỏa mãn; còn nếu chúng không phù hợp, tôi sẽ sinh tâm oán hận và các loại cảm xúc phụ diện, bởi vì lợi ích của tôi bị đụng chạm và những quan niệm thâm căn cố đế của tôi bị thách thức. Tâm oán hận này đã phơi bày hoàn toàn những sơ hở lớn trong tu luyện của tôi.

Sư phụ giảng:

“Tiêu chuẩn đo lường tốt xấu chỉ có chiểu theo đặc tính vũ trụ, chiểu theo Pháp mà đo lường. Đó là vĩnh viễn bất động, là Lý của vũ trụ, là tiêu chuẩn duy nhất đo lường tốt-xấu.” (Độ nhân [là] giảng Pháp, không làm biểu diễn, Chuyển Pháp Luân (Quyển 2))

Pháp lý của Sư phụ đã được giảng ra rất rõ. Từ nay trở đi, khi cư xử với người khác, tôi nhất định phải đo lường tốt xấu theo tiêu chuẩn đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ. Ví như, việc đồng tu con gái có tính cách chậm và làm việc lề mề cũng không nhất định là điều xấu. Từ một góc độ khác mà nói, đặc điểm này của cháu có thể là biểu hiện của sự bình thản và điều đó có thể phát huy tác dụng to lớn trong một số tình huống nhất định.

Hơn nữa, chẳng phải cách cư xử của con gái đã bộc lộ tâm oán hận của tôi sao? Chẳng phải điều này chứng tỏ rằng tôi đã không thiện và chưa đạt được nhẫn sao? Chẳng phải con gái đang giúp tôi đề cao sao? Kỳ thực, đồng tu con gái rất tinh tấn làm ba việc, chính là bạn đồng tu tốt mà tôi cần phải tỷ học tỷ tu.

Giờ đây tôi ngộ ra rằng những người và sự việc tôi gặp kỳ thực đều đang giúp tôi tu luyện, chỉ là xem bản thân tôi có ngộ ra hay không mà thôi. Con xin cảm tạ Sư tôn!

Đây là nhận thức của tôi ở giai đoạn hiện nay, có điều gì không phù hợp với Pháp, mong các đồng tu từ bi chỉ chính.

(Phụ trách biên tập: Vu Duyệt)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/9/8/464588.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/20/211404.html

Đăng ngày 09-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share