Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục

[MINH HUỆ 22-12-2023] Trong tu luyện, chúng ta cần buông bỏ quan niệm của con người, đồng thời cần quy chính bản thân trong mọi suy nghĩ và hành động. Hoàn cảnh gia đình là nơi quan niệm người thường thường bộc lộ rõ nhất. Vì nhà tôi chỉ có hai người, tôi và chồng tôi, nên việc đối xử với chồng đã giúp tôi đề cao trong tu luyện và hoàn thiện bản thân.

Lấy khổ làm vui

Cuộc sống của chồng tôi thực sự có vẻ thoải mái. Anh ấy thường nằm trên giường chơi điện thoại di động, hoặc ra ngoài ăn uống, vui chơi với bạn bè. Anh ấy thường ra ngoài mà không báo cho tôi biết. Và đôi khi anh ấy cũng không trả lời cuộc gọi điện thoại của tôi. Anh ấy thường quên lời tôi dặn phải mua một số đồ dùng cần thiết khi anh ấy đi ra ngoài và luôn về nhà tay không.

Một buổi sáng, sau khi tôi hoàn thành tất cả các công việc nhà – lau chùi cửa sổ, lau sàn, dọn dẹp, và nấu ăn, thì chồng tôi bảo rằng anh ấy có việc phải đi. Tôi đã làm việc nhà rất vất vả còn anh ấy lại ra ngoài để vui chơi. Tôi không biết anh ấy đã đi đâu hay anh ấy đã làm gì. Mặc dù ít nhất thì anh ấy cũng đã báo với tôi khi ra ngoài, nhưng tôi vẫn không vui. Sau đó, tôi nghĩ về việc anh ấy đã cư xử tệ như thế nào và tất cả những thói quen xấu của anh ấy. Trong tâm tôi bắt đầu thấy khó chịu. Tôi cảm thấy rất bực bội và thậm chí đã nghĩ đến việc ly hôn với anh.

Một lúc sau, tôi nhận ra rằng là một đệ tử Đại Pháp, tôi cần tu luyện bản thân và không đổ lỗi cho người khác. Đột nhiên, tôi nhớ đến lời dạy của Sư phụ “Lấy khổ làm vui” trong bài “Cảnh giới”, Tinh Tấn Yếu Chỉ I. Đến lúc đó, tôi mới chợt nhận ra tôi đã cách xa tiêu chuẩn của Đại Pháp.

Tôi tự nhủ: “Chịu khổ là tiêu nghiệp, là việc tốt, sao mình lại không vui chứ? Từ nay trở đi, mình sẽ lấy khổ làm vui và trừ bỏ những quan niệm không tốt của người thường”. Bằng cách này, tôi đã làm theo những gì tôi ngộ được từ Pháp của Sư phụ. Dần dần, tôi trở nên thư thái và hạnh phúc.

Mấy ngày sau, sự oán hận của tôi đối với chồng lại trỗi dậy. Tôi đội mưa đi mua thực phẩm về làm ba món ăn đặc biệt cho bữa trưa. Sau khi tôi nấu nướng xong, chồng tôi bưng chúng đến bàn ăn rồi ăn một mạch mà không để ý gì đến tôi. Tôi không hài lòng với cách hành xử của anh ấy. Nhưng ngay lúc đó, lời dạy của Sư phụ nhắc tôi phải lấy khổ làm vui. Tôi đấu tranh trong tâm một hồi và tự hỏi mình nên làm gì. Tôi quyết định làm theo lời dạy của Sư phụ vì đó là cách mà tôi có thể đề cao tâm tính. Tâm tôi lập tức lại tràn ngập niềm vui.

Buông bỏ chấp trước, đề cao tâm tính

Một buổi tối, tôi muốn đi dạo với chồng, tôi rủ anh nhưng anh ấy từ chối. Tôi bèn đi dạo một mình. Đến khi tôi về, anh ấy lại ra ngoài trong ba bốn tiếng liền. Điều này làm tôi thấy khó chịu và tôi bắt đầu nghĩ xấu về anh ấy một lần nữa.

Khi tôi đang buồn bã, tôi hướng nội và tự hỏi bản thân một loạt câu hỏi: Tại sao mình lại cảm thấy không vui, có phải vì anh ấy cố tình từ chối đi cùng mình? Mình cảm thấy tổn thương vì bị phớt lờ sao? Mình truy cầu một cuộc hôn nhân hạnh phúc chăng? Mình chấp trước vào việc tình yêu lãng mạn như người thường sao?

Hóa ra những chấp trước này khiến tôi cảm thấy khó chịu. Người tu luyện không được có loại chấp trước này. Nếu không đi dạo, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp cho nhiều người hơn. Không có chồng ở nhà, tôi có thể hoàn thành được rất nhiều việc quan trọng. Tâm trạng liền bình tĩnh trở lại.

Tuy nhiên, những quan niệm hoặc nhận thức được dưỡng thành theo thời gian có thể vào lúc tôi mất cảnh giác mà hiển lộ ra. Có khi ngay cả một câu nói cũng có thể bao hàm nhiều chấp trước. Một ngày nọ, sau khi dọn dẹp toàn bộ nhà bếp, tôi quá mệt và cần được nghỉ ngơi. Khi bước vào phòng ngủ, tôi thấy chồng tôi đang chơi điện thoại di động. Một lát sau, anh ấy bảo rằng muốn chợp mắt thêm một chút. Tôi lập tức tức giận và buột miệng nói: “Em đã dọn dẹp cả buổi sáng, còn anh chẳng làm được gì ngoài chơi điện thoại!”

Ngay khi nói ra những lời này, tôi nhận thấy tâm tính của mình thực sự bị rớt xuống rất sâu. Lời nói của tôi bao hàm nhiều tâm chấp trước như giận giữ, oán hận, tật đố và những cảm xúc tiêu cực khác. Tôi đã dưỡng thành những chấp trước và quan niệm xấu này một cách vô thức, và tôi đã bị tụt lại quá xa. Tôi nỗ lực bài xích những vật chất bất hảo này và tôi dần bình tâm lại. Kể từ sự việc đó, bất cứ khi nào tâm bất bình nảy sinh trong tâm, tôi sẽ trở nên cảnh giác ngay lập tức, và những suy nghĩ xấu đó liền biến mất.

Một lần nọ, tôi đột nhiên có ý nghĩ rằng chồng tôi nên sửa đổi hành vi và tôi có thể phát chính niệm để giúp anh ấy, không cho cựu thế lực thao túng anh. Suy nghĩ của tôi là chân thành từ tận đáy lòng. Sau đó, chồng tôi dường như trở thành một người có trách nhiệm hơn. Thái độ của anh đối với tôi thay đổi rất rõ rệt. Anh luôn trả lời các cuộc gọi của tôi. Anh chủ động gọi cho tôi nếu anh có việc phải làm và không thể ăn tối ở nhà. Đôi khi anh mua và mang về những thứ cần dùng hàng ngày. Những điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây. Rõ ràng là chính niệm sẽ có tác dụng nếu nó xuất phát từ sự chân thành vì người khác.

Từ chối phối hợp với tà ác

Từ trong Pháp, tôi cũng ngộ ra rằng các học viên Đại Pháp chúng ta không nên chỉ phản đối cuộc bức hại mà còn cần dẫn dắt những người khác làm điều đó.

Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, giảng:

“…Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng không hề theo yêu cầu, mệnh lệnh hay chỉ thị của tà ác. [Nếu] mọi người đều làm như thế, [thì] hoàn cảnh đã không đến thế này.” (“Chính niệm của đệ tử Đại Pháp có uy lực”, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Có lần, một số cảnh sát đến sách nhiễu tại trường học nơi tôi làm việc. Hiệu trưởng đích thân đến phòng giáo viên yêu cầu tôi gặp họ tại văn phòng của ông. Tuy nhiên, tôi đã từ chối yêu cầu đó với lý do rằng tôi đang bận soạn giáo án không có thời gian. Ông ấy bèn rời đi. Nhưng một lát sau, ông ấy lại đến và bảo tôi nhất định phải đến phòng hiệu trưởng một lần, nếu không, cảnh sát sẽ đến tìm tôi và điều đó sẽ gây rắc rối.

Tôi muốn làm gương để cho mọi người biết rằng bản thân họ không cần hợp tác với tà ác trong cuộc bức hại các học viên. Tôi nói rằng mọi người có quyền tự do tín ngưỡng và tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là không có gì sai.

“Tôi sẽ không hợp tác với bất kỳ yêu cầu và mệnh lệnh phi pháp nào”, tôi nói với ông ấy, “Anh cũng không nên nhượng bộ trước những hành vi trái pháp luật của họ.” Sau đó, tôi nói rằng tôi có việc phải đi, ông ấy không nói gì, cùng tôi đi xuống cầu thang rồi rẽ về phòng.

Khi trở về nhà tập thể, tôi đóng cửa lại và ngồi trên giường phát chính niệm. Một lúc sau, phó hiệu trưởng đến gõ cửa gọi tôi, nhưng tôi không mở cửa. Sau một lúc, tôi lại nghe thấy tiếng bước chân là giọng nói của mấy người. Hóa ra bí thư đảng ủy cùng chủ tịch công đoàn dẫn một số cảnh sát đến gõ cửa nhà tôi. Tôi tiếp tục phát chính niệm và giữ im lặng. Tôi muốn cho mọi người thấy rằng nếu các học viên không phối hợp, thì tà ác cũng sẽ không làm được gì. Trong chốc lát, bọn họ đành rời đi.

Chính niệm vượt qua sự phong tỏa Internet

Trong nhiều năm qua, tôi luôn có thể vượt qua sự phong tỏa Internet để truy cập trang web Minh Huệ và Đại Kỷ Nguyên. Tôi tin chắc rằng việc vào Minh Huệ Net là Sư phụ cấp cho các học viên Đại Pháp và không tà ác nào có thể can nhiễu. Mặc dù thỉnh thoảng tôi cũng thất bại lúc đầu, nhưng tôi không bao giờ bỏ cuộc và cuối cùng đều vượt qua nhờ chính niệm mạnh mẽ của mình. Tôi đã có thể hoàn thành những việc quan trọng trên mạng đúng theo kế hoạch ngay cả khi tình trạng phong tỏa Internet ở mức tồi tệ nhất. Tôi biết đó đều là nhờ Sư phụ gia trì cho tôi.

Mặc dù tôi còn nhiều chấp trước, lãng phí nhiều thời gian, và đôi khi giải đãi trong tu luyện, nhưng may mắn là, tôi chú trọng việc học Pháp và luôn coi việc học Pháp là ưu tiên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp tôi bình tĩnh lại và giúp tôi không bị tụt lại quá xa trong tiến trình Chính Pháp, mà còn giúp tôi gia cường năng lượng, khi phát chính niệm tôi cảm nhận được năng lượng mạnh mẽ. Dưới sự hướng dẫn của Đại Pháp và sự bảo hộ từ bi của Sư phụ, tôi đã bước đi suôn sẻ trên con đường chứng thực Pháp trong những năm qua.

Trên đây là một số thể hội về trải nghiệm của bản thân, có điều gì không phù hợp với Pháp, mong các đồng tu từ bi chỉ chính.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/22/444413.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/26/214453.html

Đăng ngày 13-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share