Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở Toronto, Canada

[MINH HUỆ 05-01-2024] Ông Vĩnh và vợ ông, bà Tuyết Nhi, sinh ra trong thập niên 80 ở Trung Quốc và lớn lên cùng với việc nghe theo tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Họ đã trải nghiệm những gì đã xảy ra ở Trung Quốc trong đại dịch COVID và dành thời gian với một số học viên Pháp Luân Đại Pháp, vì vậy họ đã liễu giải sâu sắc hơn về bản chất thực sự của ĐCSTQ. Họ quyết định di cư đến Canada, bắt đầu một cuộc sống mới và làm tam thoái (thoái xuất khỏi các tổ chức Đảng, Đoàn, Đội của ĐCSTQ) để tránh xa Đảng.

Gặp gỡ một học viên Pháp Luân Đại Pháp

Ông Vĩnh sinh ra ở một thành phố nhỏ phía Tây Bắc Trung Quốc. Bởi vì ông ít được tiếp cận với thông tin từ thế giới bên ngoài nên tư tưởng của ông tuân theo sự tuyên truyền và học thuyết của Trung Cộng. Ông nói rằng có sự kiểm duyệt chính trị đối với kỳ thi tuyển sinh vào cấp hai và cấp ba. Có những câu hỏi về Pháp Luân Đại Pháp và để đạt điểm cao, học sinh phải viết câu trả lời phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp do giáo viên đề ra. Ông cho biết nền giáo dục mà ông tiếp thu ở Trung Quốc đã khiến ông hiểu lầm và sợ hãi Pháp Luân Đại Pháp.

Đầu năm 2000, vợ chồng ông chuyển đến Bắc Kinh vì ông làm việc cho một công ty địa phương. Họ cảm thấy xa lạ với môi trường mới. Họ gặp một người hàng xóm thân thiện là bà Kinh. Bà thường xuyên giúp đỡ họ dù tài chính không dư giả gì và thường mời họ dùng cơm. Ông Vĩnh mô tả bà là một người tốt bụng và trung thực và bà cư xử với họ như người trong nhà.

Một ngày nọ, ông Vĩnh được biết rằng cảnh sát đã bắt giữ bà Kinh vì bà đã phát tán thông tin về Pháp Luân Đại Pháp và treo các biểu ngữ Pháp Luân Đại Pháp. Ông ấy đã cải biến suy nghĩ về Pháp Luân Đại Pháp: “Người học viên mà tôi gặp không giống như những gì tin tức trên truyền thông mô tả.”

Ông bắt đầu đặt câu hỏi về việc tuyên truyền chống lại Pháp Luân Đại Pháp của ĐCSTQ.

Đọc Cửu Bình

Loạt bài xã luận “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản” của thời báo Đại Kỷ Nguyên giúp người dân Trung Quốc nhìn ra bản chất thực sự của ĐCSTQ. Kể từ khi cuốn sách được xuất bản năm 2004, hơn 400 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó. Ông Vĩnh cho biết ông rất sốc và xúc động sau khi đọc Cửu Bình và hiểu về những tội ác mà ĐCSTQ đã gây ra kể từ khi nó chiếm quyền ở Trung Quốc.

Ông ấy nói: “Sau khi đọc cửu bình, tôi đã tỉnh ngộ ra! Triều đại của ĐCSTQ dựa vào hai thủ đoạn: dối trá và bạo lực. Nếu có thể lừa dối người dân thì nó sẽ làm thế. Biết rằng chẳng thể lừa gạt người dân lâu dài và khi người dân không còn nghe theo những lời dối trá của nó, ĐCSTQ sẽ dùng đến bạo lực và hăm dọa để duy trì quyền lực.”

Đồng thời ông Vĩnh nhận ra rằng ĐCSTQ không phải là Trung Quốc. “Mọi người Trung Quốc đều yêu tổ quốc của mình, nhưng ĐCSTQ lại cố tình đánh tráo khái niệm Đảng với Trung Quốc. Nó cũng cố tình không để người dân hay biết gì về quyền công dân của họ và không cho người dân biết họ có những quyền với tư cách là con người.”

Bà Tuyết Nhi tin tưởng những gì được viết trong cửu bình vì một số trải nghiệm mà bà đã trải qua khi còn nhỏ. “Tôi ấn tượng nhất khi đọc về kế hoạch hóa gia đình của ĐCSTQ. ĐCSTQ nói về nó như một chính sách tích cực. Trên thực tế, nó rất tàn nhẫn và vô nhân đạo”. Sau khi sinh đứa con thứ hai, mẹ của bà Tuyết Nhi bị cưỡng ép triệt sản tại một văn phòng thôn với điều kiện vệ sinh kém và được khiêng về nhà trên một cánh cửa gỗ gãy. Người hàng xóm của bà bị ép phá thai khi bà ấy đang mang thai được 8 tháng.

Bà nói: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã có những phản cảm về những điều liên quan đến ĐCSTQ. Tôi không thích việc nó nói một đằng làm một nẻo. Tôi suy nghĩ độc lập và xác minh những gì tôi được nghe.”

Vượt tường lửa Internet của ĐCSTQ truy cập thông tin chân thực bên ngoài

Ông Vĩnh đã trù tính lập nghiệp ở Bắc Kinh khi mới đến, nhưng các chính sách gây hủy hoại nền kinh tế trong đại dịch COVID đã thay đổi mọi thứ. “Mỗi người dân Trung Quốc nào sống trong ba năm đó đều có thể kể cho bạn nghe nhiều câu chuyện. Một người thân thích tử vong do không thể nhập viện vì không xuất trình được báo cáo xét nghiệm PCR. Có những người từ nước ngoài về không mắc bệnh nghiêm trọng bị cách ly trong phòng ICU, còn những người mắc bệnh hiểm nghèo lại không được phép nhập viện. Có quá nhiều điều hoang đường như vậy.“

“Trước đây tôi không có nhiều thời gian và tinh lực để nghĩ về những điều này vì tôi đang làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình. Tôi đã chứng kiến ​​quá nhiều điều trong ba năm xảy ra đại dịch COVID và tôi thấy tuyệt vọng. Trước đây tôi cảm thấy mình đang đánh đổi tự do của mình để đổi lấy chút bánh mì. Sau đại dịch, tôi đã sực tỉnh. Ở Trung Quốc tự do không có và bánh mì cũng chẳng còn. Tôi từ cảm giác thất vọng biến thành tuyệt vọng.”

Ông tiếp tục nói về hiện tượng nền kinh tế Trung Quốc trông có vẻ khởi sắc ở bề mặt nhưng thực tế lại đang mục ruỗng từ bên trong. Ông ấy lấy nông thôn bà Tuyết Nhi lớn lên làm ví dụ. “Nhìn cái thôn ấy bây giờ bạn sẽ không thể tin rằng nó là một phần của Trung Quốc vào thế kỷ 21 sau khi ĐCSTQ tuyên bố rằng nó đã ‘xóa nghèo’. Cái thôn cũ kỹ và đổ nát của 40 đến 50 năm trước, như thể thời gian đã đình trệ. Người dân ở đây rất nghèo.”

Bà Tuyết Nhi nói thêm: “Các chính sách và dự án do ĐCSTQ phát triển thường nghe có vẻ hay ho nhưng không đem lại lợi ích thực sự cho người dân. Những thế hệ cao tuổi trong thôn đã làm việc chăm chỉ và cống hiến những năm tháng tốt đẹp nhất cho đất nước. Bây giờ họ đã già cả và không người chăm sóc. Họ thậm chí không thể trông cậy vào lớp con cái vì thế hệ trẻ không có phương tiện kiếm sống, nhất là sau đại dịch.”

Ba năm trước, ông Vĩnh đã sử dụng phần mềm vượt tường lửa Freegate để đọc nhiều bài viết trên các trang web Đại Kỷ Nguyên và Minh Huệ. Các bài báo chứa thông tin khác với những gì các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc đưa tin và ông tin rằng chúng phản ánh tình huống chân thực ở Trung Quốc. Hai người quyết định di cư để có cuộc sống tốt hơn vì họ đã mất hy vọng vào ĐCSTQ.

Tránh xa ĐCSTQ

Cả hai đến thăm một người họ hàng ở Canada và muốn dành thời gian tìm hiểu thêm về trường học cũng như thị trường việc làm ở địa phương. Họ thuê một nơi ở của một gia đình học viên Pháp Luân Đại Pháp. Khi các học viên nói với họ về phong trào thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó, đôi vợ chồng ngay lập tức đồng ý thoái xuất. Ông Vĩnh nói: “Tôi từ lâu đã muốn đoạn tuyệt với nó. Lý do chính khiến chúng tôi rời Trung Quốc là vì tôi không muốn trở thành một phần của nó. ĐCSTQ đối xử với chúng tôi như nhiên liệu từ mỏ than của con người. Nó thiêu chúng tôi ra tro bụi, vứt bỏ chúng tôi và chuyển sang mẻ tiếp theo. Chúng tôi không muốn làm việc và hy sinh vì nó nữa”.

Cặp đôi đã biết thêm về cuộc bức hại trong một tháng họ ở cùng các học viên. Ông Vĩnh thích nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp. Ông nói: “Bất kỳ con người nào cũng sẽ theo đuổi Chân và Thiện. Tôi tin rằng mọi người đều cần chúng, tựa như hoa cần nước và ánh nắng mặt trời. Các học viên mà chúng tôi đã gặp đều rất thiện lương và chính trực. Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã đưa ra quyết định đúng đắn (thoái ĐCSTQ)”.

Sau khi họ dành thời gian với một số học viên từng bị bức hại ở Trung Quốc, bà Tuyết Nhi cho biết những học viên họ gặp đều là những người tốt, tốt hơn hầu hết những người họ quen biết. “ĐCSTQ nói lời dối trá, còn các học viên thì nói sự thật. Thảo nào ĐCSTQ không thể dung túng cho Pháp Luân Đại Pháp. ĐCSTQ lo sợ rằng các học viên sẽ hợp thành một tổ chức để lật đổ sự thống trị của nó. Nó đã đánh giá quá cao chính mình. Các học viên không có hứng thú với quyền lực của nó.”

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/5/470610.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/6/214201.html

Đăng ngày 10-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share