Bài viết của Tiểu Nhã, một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 07-01-2024] Chúng ta đều biết những đứa trẻ sinh ra trong gia đình đệ tử Đại Pháp thường mang theo sứ mệnh mà đến. Từ nhỏ, chúng đã được hun đúc trong môi trường tu luyện của gia đình, đã biết Đại Pháp là tốt, cũng có thể nghe hiểu các Pháp lý, hoặc ít nhiều luyện công theo cha mẹ, thậm chí có trẻ còn theo cha mẹ làm không ít việc chứng thực Pháp. Tuy nhiên, khi trẻ đến tuổi đi học và tiến nhập vào xã hội người thường, ngâm mình trong danh, lợi, tình của xã hội người thường, nên khi gặp mâu thuẫn, có lúc lại dùng tâm người thường để đối đãi, để rồi nội tâm phải khổ sở, mê lạc. Lúc này, với tư cách vừa là đồng tu, vừa là cha mẹ, làm thế nào chúng ta có thể dựa trên Pháp để phá giải những khúc mắc của con em mình và dẫn dắt chúng vượt lên từ hoàn cảnh hỗn loạn, phức tạp, đạt đến trạng thái “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, giúp con không ngừng thể hội được sự vĩ đại và mỹ hảo của Đại Pháp, đồng thời kiên trì bước đi trên con đường tu luyện mà không lạc lối, đây cũng là một hành trình lâu dài và gian nan.

Là một người mẹ, tôi đã từng dẫn dắt con gái vượt qua hành trình này. Dưới đây tôi xin chia sẻ một câu chuyện nhỏ về cách quá trình dẫn dắt con gái vượt qua lớp rào cản của người thường và đề cao, thăng hoa trong Pháp lý.

Con gái tôi học nhạc cụ từ khi còn nhỏ, được sự gia trì của Sư tôn, cháu may mắn được nhận vào một trường âm nhạc nổi tiếng trong nước để học lấy bằng thạc sỹ. Vì không đi theo con đường chuyên nghiệp từ khi còn nhỏ nên kỹ năng biểu diễn của cháu vẫn còn kém xa so với các bạn cùng khóa được học từ tiểu học đến cao học ở học viện âm nhạc. Nhưng trong thời gian học tập, cháu đã hết sức nỗ lực, thành tích liên tục được cải thiện.

Vào học kỳ cuối của năm thứ hai, trước kỳ nghỉ hè, giáo viên hướng dẫn của cháu dặn dò sinh viên: Trong kỳ nghỉ, các em cần phải luyện đàn thật tốt, để khi trở lại trường còn tham gia buổi hòa nhạc giữa giáo viên và học sinh của tôi. Trong hai năm học đầu, con gái tôi không tham gia buổi hòa nhạc giữa giáo viên và sinh viên, năm đầu là do sinh viên năm nhất không đủ điều kiện tham gia, năm thứ hai là do kỹ năng đàn của con còn chưa đủ tốt nên con không tham gia, nhưng con tình nguyện đảm nhiệm công việc hỗ trợ ở phía sau hậu trường. Năm nay là năm học cuối của chương trình nghiên cứu sinh, kỹ năng đàn của cháu đã có nhiều tiến bộ, điều quan trọng là cháu đã luyện đàn rất chăm chỉ trong suốt kỳ nghỉ hè và có sự chuẩn bị chu đáo, hy vọng có thể trổ tài trong buổi hòa nhạc.

Tuy nhiên, sau khi nhập học và công bố danh sách biểu diễn lại không có tên cháu. Điều khiến cháu càng bất an hơn là có một em trai và một em gái kỹ năng đàn rõ ràng không bằng cháu, nhưng lại có trong danh sách biểu diễn. Còn cháu chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp, lại phải tiếp tục đảm nhiệm công việc ở hậu trường trong suốt buổi hòa nhạc, bao gồm điều phối tổng thể hậu trường, cho thuê toàn bộ phục trang, đạo cụ, nhạc cụ, rồi mời diễn viên phối hợp, trang điểm, chuẩn bị đồ ăn thức uống, v.v. Cháu không kìm chế được, bèn gọi điện cho tôi, khóc và kể về tình huống không thể chấp nhận này.

Khi người tu luyện gặp phải mâu thuẫn và khổ nạn, đặc biệt là người thứ ba “đứng ngoài nhìn rõ”, tất nhiên, niệm đầu tiên của tôi là lý giải sự việc dựa trên Pháp. Tôi biết sở dĩ con gái gọi cho tôi, một mặt là để bộc bạch sự bất bình, ủy khuất trong tâm; mặt khác, cháu cũng biết nhận thức của mẹ nhất định là khác với người thường, trong thâm tâm cháu cũng hy vọng có thể lý giải vấn đề từ góc độ của Pháp, nhưng hiện tại cháu chưa làm được.

Tôi kiên nhẫn nghe con gái khóc lóc kể lể, để con trút hết nỗi đau trong lòng. Sau đó, tôi hỏi con vài câu để con suy nghĩ sâu hơn:

1. “Con đã thực sự buông bỏ bản thân và nghĩ cho người khác chưa?” Con thường làm việc nghiêm túc, cẩn thận, chu đáo, lại giao tiếp tốt, biết suy xét, được thầy cô tin tưởng và tán thành hơn những sinh viên khác. Đứng góc nhìn của giáo viên hướng dẫn của con, việc giữ con hỗ trợ ở hậu trường hay để con biểu diễn trên sân khấu sẽ có lợi hơn cho cô ấy? Tất nhiên là ở hậu trường! Vậy con đã thực sự nghĩ cho người khác chưa? Con cảm thấy trình độ của mình đã tiến bộ rồi, sắp tốt nghiệp và không còn cơ hội biểu diễn nữa, con muốn thể hiện trên sân khấu, muốn lưu lại hình ảnh của mình trong buổi hòa nhạc của giáo viên hướng dẫn… Tất cả những gì con nghĩ đến là bản thân mình. Nếu con suy xét vấn đề từ góc độ của giáo viên hướng dẫn, chẳng phải lựa chọn tốt nhất của cô ấy là để con hỗ trợ ở hậu trường sao?

2. “Con đã thực sự buông bỏ danh lợi của mình chưa?” Nhận được hoa và tiếng vỗ tay trên sân khấu, đây chính là khoảnh khắc tỏa sáng mà mọi sinh viên âm nhạc đều mơ ước, công việc ở hậu trường tuy lộn xộn, vất vả, rườm rà, thầm lặng vô danh, không ai biết đến, nhưng lại là yếu tố then chốt tạo nên sự thành công của toàn bộ buổi hòa nhạc. Là người tu luyện, khi được phân công phụ trách công việc ở hậu trường, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào cho đúng? Mẹ nhớ khi xem biểu diễn Shen Yun, chúng ta nhận thấy động tác của các diễn viên múa ở các góc và diễn viên chính ở vị trí C không có sai lệch chút nào, ngoài ra còn có các nhạc công đang biểu diễn trong dàn nhạc, họ đã biểu diễn những bản nhạc hay nhất trong bóng tối suốt cả buổi, không có cơ hội nào để lộ diện. Nhưng dù ở vị trí nào, họ cũng tận tâm hỗ trợ cả nhóm, để lại hoa và tiếng vỗ tay cho người khác, nhận lại mồ hôi và sự cống hiến cho bản thân, đây có phải là cảnh giới mà người tu luyện nên có không? Con hãy tự hỏi bản thân: Con đã thực sự buông bỏ danh lợi cá nhân chưa?

3. “Con nghĩ được giáo viên hướng dẫn công nhận mới là thành công sao?” Giáo viên hướng dẫn của con không chọn con biểu diễn trong buổi hòa nhạc, có lẽ có nhiều yếu tố, nhưng chúng ta sẽ không đề cập đến ở đây. Cho dù cô ấy thực sự không chọn con, thì con là người thất bại sao? Chúng ta chẳng phải cần hướng nội vô điều kiện trước sao, chẳng phải chúng ta vẫn chưa đủ ưu tú sao? Phải chăng chúng ta vẫn còn nhiều phương diện cần phải đề cao… Đệ tử Đại Pháp chúng ta là người ngay chính nhất giữa trời giữa đất, khi gặp trở ngại, khó khăn, chớ có tự ti, mà hãy kiên trì, quyết tâm vượt qua khó khăn. Ngoài ra, việc không có cơ hội tham dự buổi hòa nhạc của giáo viên hướng dẫn có ảnh hưởng đến sự nghiệp âm nhạc của con không, có ảnh hưởng tới sự phát triển sau này của con hay không? Cơ hội để con biểu diễn trên sân khấu có phải chỉ diễn ra duy nhất một lần trong đời thôi không? Sự chấp thuận của giáo viên hướng dẫn có phải là tiêu chí duy nhất cho sự thành công của con không? Đệ tử Đại Pháp dùng tiêu chuẩn nào để đo lường thành công chứ?

4. “Sự việc này có dụng ý gì?” Là đệ tử Đại Pháp, chúng ta đều biết: trên con đường tu luyện không có chuyện gì ngẫu nhiên xảy ra. Tại sao sự việc này lại xảy đến với con? Ngay từ khi biết tin mình không có cơ hội tham gia buổi hòa nhạc, phải chăng mọi suy nghĩ tiêu cực trong tâm con đã bộc lộ rõ ​tâm tính chân thực của con? Tâm oán hận đối với giáo viên hướng dẫn, tâm tật đố với các em học viên được chọn, tâm lo lắng về thể diện sau khi bị gạt tên, tâm bất bình, v.v., đều bị vạch trần và biểu lộ, là đệ tử Đại Pháp, chúng ta nên xử lý thế nào khi phát hiện ra những tâm này? Nếu chúng ta nắm chắc từng cơ hội khảo nghiệm và loại bỏ những chấp trước ngoan cố này, chẳng phải là con đang không ngừng đề cao và tiến bộ sao? Đây chẳng phải là hảo sự sao?“

Qua những chia sẻ như vậy, con gái tôi dần dần bình tĩnh trở lại, dần dần tách ra khỏi lý của người thường và bắt đầu dùng Pháp lý để suy xét vấn đề. Cho dù có đi vào ngõ cụt nơi người thường thì điều triển hiện trước mặt người tu luyện vẫn là một thế giới khác, cao xa mà thâm sâu, hơn nữa, đây là con đường dẫn đến Thiên quốc, chỉ có người tu luyện mới có thể nhìn thấy và cảm nhận được sự mỹ hảo và thần thánh trên con đường đó.

Con gái tôi đã xử lý cơn sóng này rất tốt, cũng không ngừng đề cao tâm tính khi gặp các quan khó sau đó. Cuối cùng, buổi hòa nhạc tốt nghiệp của cháu đã thành công rực rỡ, đó là kết quả đền đáp cho những nỗ lực và phó xuất của cháu. Giờ đây, cháu đang vận dụng sở trường của mình để trợ Sư chính Pháp, bước đi trên con đường tu luyện chân chính.

(Phụ trách biên tập: Văn Khiêm)

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/7/465577.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/21/214385.html

Đăng ngày 08-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share