Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Hà Bắc

[MINH HUỆ 13-12-2023] Tôi là một nữ đệ tử ở vùng nông thôn, đắc Pháp năm 1998. Tính ra, thời gian tu luyện cũng không phải là ngắn, cũng đã gần 25 năm, nhưng nhìn lại bao nhiêu năm qua đã tu được những gì, ngẫm lại tôi thấy thật có lỗi với Sư tôn từ bi vĩ đại! Ví như nói về phương diện tu tâm, nhiều năm như vậy hầu như ngày nào cũng tham gia nhóm học Pháp, mỗi ngày đều học Pháp, thế nhưng khi gặp mâu thuẫn tôi lại dùng lý của người thường để tranh biện, với người ngoài thì còn tốt hơn một chút, chứ nhất là với chồng (cũng là đồng tu) thì đôi khi chỉ vì chút chuyện nhỏ mà gân cổ lên tranh cãi đến mặt đỏ tía tai.

Ví như có một lần, chúng tôi lái xe ba bánh tới nhà đồng tu ở bên ngoài thôn để giải quyết chút việc, đi được nửa đường thì gặp một người chăn dê để đàn dê chắn hết cả đường, chồng tôi bảo tôi bấm còi (khi đó tôi đang lái xe), tôi liền bấm còi vài lần, đàn dê nghe thấy tiếng còi sợ đến mức cả đàn chạy tán loạn, lúc này người chăn dê vội vàng đuổi theo, bực tức chửi rủa, chúng tôi tiếp tục lái xe đi. Chồng tôi ngồi sau cứ cằn nhằn tôi, trong tâm tôi cũng thấy bất bình, nói: “Chính anh bảo em bấm còi, giờ lại còn tức giận với em, anh thì lúc nào chẳng đúng.” Miệng tôi cằn nhằn không để yên (trong thâm tâm tôi nghĩ rõ ràng là lỗi của anh ấy, vậy mà anh ấy lại quay ra trách móc mình. Sau này mình không bao giờ đi ra ngoài cùng anh ấy nữa).

Sau đó, tôi mới sực nghĩ ra đó là Sư phụ đã an bài cho đệ tử cơ hội đề cao tâm tính, đệ tử lại không nắm chắc cơ hội, ngộ tính của đệ tử thật kém cỏi, đệ tử thật có lỗi với Sư phụ!

Lại có một hôm, tôi nhờ chồng nạp điện cho xe ba bánh để chuẩn bị ra ngoài dán tài liệu chân tướng. Chồng tôi vừa nhìn thì thấy một lốp xe bị xịt, liền lớn tiếng nói: “Xe ba bánh bị xịt lốp rồi, chắc chắn là do em đi đổ rác đã không cẩn thận nên để bị thủng lốp rồi.” Đúng lúc ấy tôi đang ở trong bếp chuẩn bị làm cơm trưa, thấy chồng lớn tiếng nên tôi bèn vội chạy ra, chồng tôi nói: “Em đi sửa xe đi!” Lúc ấy tôi thầm nghĩ: “Hôm nay anh có nói gì thì mình cũng phải làm được chữ nhẫn.” Tôi liền bơm xe rồi cất bơm lên xe để nhỡ giữa đường lốp xe hết hơi thì lại bơm. Tôi đến cửa hàng sửa xe trong thôn thì chẳng có ai, nên lại đi thẳng ra ngoài thôn. Tuy lái xe nhưng đầu não tôi cũng không nghỉ, một ý niệm (giả ngã) xuất hiện: “đây là việc của đàn ông, nam nhân đại trượng phu không làm mà lại để mình đi làm việc này.” Tôi liền nói với giả ngã: “Hôm nay ta sẽ không làm theo ngươi, ta nhất định phải nghe Sư phụ.”

Tiếp đó, lại một ý niệm (giả ngã) nữa khuấy động trong đầu não tôi: “Đến giờ làm cơm trưa rồi, chồng không làm cơm cũng chẳng đi sửa xe, lại chờ mình sửa xe xong rồi về nhà mới làm cơm.” Tôi nói với cái giả ngã kia: “Ta về nhà rồi sẽ đi làm cơm.”

Sau khi sửa xe xong tôi về nhà chuẩn bị làm cơm, vừa vào nhà thấy chồng đã bật điều hòa và ngủ, lại một ý niệm (giả ngã) xuất hiện: “Nhìn xem, mình thì nóng, đầu vã hết cả mồ hôi mà còn phải vội vội đi làm cơm, còn người ta thì mở điều hòa ngủ thật thoải mái.” Lúc này, tôi hơi động tâm, thiếu chút nữa là lại thuận theo giả ngã, nhưng rồi tôi hỏi giả ngã: “Ngươi vì sao lại động tâm?”

Lúc này Pháp của Sư phụ hiện lên trong đầu tôi:

“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công. Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui.” (Cảnh giới – Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi nói: “Thì ra ngươi là tâm tật đố, ta sẽ không nghe theo ngươi, ta nhất định phải nghe theo Sư phụ.” Tâm tôi đã cân bằng trở lại và vui vẻ đi làm cơm.

Một câu nói của chồng đã giúp tôi quy chính

Hàng ngày, tôi và chồng (cũng là đồng tu) dậy lúc 3 giờ sáng để luyện công, chúng tôi thường luyện bài công pháp thứ năm trước, luyện đúng theo nhạc luyện công của Sư phụ trong một giờ, sau đó mới luyện động công, luyện xong năm bài công pháp rồi phát chính niệm lúc 6 giờ. Khi chia sẻ với đồng tu, đồng tu cũng chỉ ra cho chúng tôi: “Sao anh chị lại luyện tĩnh công trước vậy! Thường là bắt đầu luyện từ bài công pháp thứ nhất một mạch cho đến hết cả năm bài.” Tôi vội tìm lý do nói: luyện tĩnh công trước vì khi đó vẫn sớm, hoàn cảnh đặc biệt tĩnh, luyện động công xong là trời sáng rồi, tôi còn nói Sư phụ đã giảng là luyện bài nào cũng được.

Hơn nữa, khi luyện động công đến bài công pháp thứ hai ôm bão luân, tôi 10 lần luyện thì có đến 7~8 lần là muốn đi nhà vệ sinh, chồng tôi cũng đã nhiều lần chỉ ra cho tôi nhưng tôi vẫn biện giải. Có một hôm, luyện đến bài công pháp thứ hai thì tôi lại muốn đi vệ sinh, lần này chồng tôi nghiêm khắc nói một câu: “Em lại định đi làm gì? Sao em lại cứ tùy tiện như thế?” Tôi không nói gì, rồi vẫn đi vệ sinh.

Lúc ấy, tôi bắt đầu suy xét về bản thân, đó chẳng phải là tôi không phù hợp với Pháp rồi chăng, sao cứ đến khi ôm bão luân là lại đi vệ sinh. Sau khi từ nhà vệ sinh ra, tôi tiếp tục luyện công, luyện công xong chúng tôi phát chính niệm lúc 6 giờ, sau đó chồng tôi nghiêm túc nói với tôi: “Em không biết em đang làm cái gì ư, em tùy tiện như thế, em như vậy là không kính Sư! Không kính Pháp!” Nghe những lời này tâm tôi chấn động, tôi lập tức bừng tỉnh: “Trời ơi! Đó thực sự đúng là bất kính với Sư phụ, bất kính với Pháp rồi!” Nhạc luyện công của Sư phụ vang lên là có khẩu lệnh của Sư phụ, tôi sao có thể đem từ bi và sự vất vả của Sư phụ làm ra chuyện như vậy, lúc đó tôi nhanh chóng hướng nội tìm xem cái tâm nào đã dẫn đến trạng thái không đúng đắn trong thời gian dài như vậy, tôi đã không hướng nội tìm lại còn dùng lý của người thường mà giảo biện, lần hướng nội này thực sự khiến tôi phải giật mình. Thì ra tôi luyện tĩnh công trước là vì sợ ôm bão luân, đang thực hiện động tác bão luân mà lại chạy vào nhà vệ sinh là vì sợ mệt. Đó đều là do cái tâm lười biếng và tâm sợ chịu khổ mà ra. Vậy là tôi quyết tâm quy chính lại trạng thái không phù hợp với Pháp này, đồng thời cầu xin Sư phụ gia trì cho đệ tử!

Ngày hôm sau, chúng tôi đã bắt đầu luyện từ bài công pháp thứ nhất đến bài công pháp thứ năm, trong khi luyện công tôi cũng không đi vệ sinh nữa, mọi thứ đã khôi phục lại bình thường. Hết thảy đều là nhờ Sư phụ từ bi đã tỉ mỉ an bài và gia trì cho đệ tử! Sư phụ đã mượn lời của chồng tôi để giúp tôi đề cao lên.

(Phụ trách biên tập: Lý Minh)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/13/469221.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/7/214210.html

Đăng ngày 20-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share