Bài viết của đệ tử Đại Pháp tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-11-2023] Dì tôi năm nay đã 83 tuổi, là hiệu trưởng trường tiểu học đã nghỉ hưu. Tôi đã làm quản gia cho dì ấy được 14 năm. Trong khoảng thời gian này, tuy thỉnh thoảng có phát sinh một số va chạm nhỏ nhưng tôi luôn chiểu theo lời dạy của Sư phụ hướng nội tìm, nghĩ cho người khác, đối xử tốt với người khác, dù phải chịu thiệt nhiều đến mấy hay phải chịu khổ đến đâu, tôi luôn vui vẻ nghiêm khắc yêu cầu chính mình, vậy nên tôi và dì cũng như cả gia đình dì đều rất hòa hợp. Qua đó, mọi người cũng cảm nhận được người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp có đạo đức cao thượng, ngay thẳng, tạo được niềm tin với người khác và từ đó minh bạch được rằng Pháp Luân Đại Pháp là chính Pháp.

Thường thì chủ nhà sẽ cung cấp bữa trưa cho quản gia, nhưng để giảm bớt gánh nặng cho nhà dì, trưa nào tôi cũng tự mang theo bánh rán. Cho dù đôi lúc tôi cũng muốn mang bánh bao nhưng lại nghĩ đến việc dì có thể sẽ ăn cơm, tôi không thể vì món bánh bao của mình mà lãng phí tiền điện của nhà dì được. Cứ như vậy, trong hơn 10 năm qua, tôi cứ kiên trì tự mang bánh rán và rau xào từ nhà đi để tiết kiệm chút chi phí cho dì. Khi sử dụng điều hòa, tôi đều cũng dựa theo nhu cầu của dì để điều chỉnh nhiệt độ và thời gian bật. Đối với các thiết bị sử dụng năng lượng và đồ dùng trong nhà tôi đều cân nhắc và cẩn thận khi sử dụng như ở nhà của mình vậy. Việc vệ sinh trong nhà không cần dì phải nhắc, hàng ngày tôi đều lau dọn một lượt sàn, tường, cửa và đồ đạc trong nhà vệ sinh, phòng bếp, phòng khách và phòng ngủ. Tôi đảm bảo không khí trong nhà hàng ngày luôn trong lành, sạch sẽ và sáng sủa khiến dì và cả nhà đều vui vẻ và còn liên tục tấm tắc khen tôi: “Trước đây, chúng em đã thuê mấy người rồi nhưng không ai được như chị, chị rất có trách nhiệm mà lại không so đo. Chị thực sự khác hẳn với mọi người.“ Hai con trai và con dâu của dì đều là cán bộ, trong tâm họ đều minh bạch là vì sao nhưng không nói ra.

Ngày 22 tháng Chạp năm 2021, dì nói hôm sau cho tôi nghỉ nửa ngày, 1 giờ trưa tôi mới cần đến để chuẩn bị bữa cơm cúng ông Công ông Táo cho cả nhà gồm bảy miệng ăn, làm sủi cảo và nấu khoảng sáu món ăn. Tôi nghĩ buổi chiều mới đến làm cơm thì e rằng thời gian rất gấp nên tôi quyết định sáng hôm sau vẫn đến và bắt đầu chuẩn bị bữa trưa và bữa tối. Tôi vừa bước vào cửa, dì rất không vui nói: “Dì đã bảo con chiều hãy đến, vậy mà giờ con đã đến rồi. Chẳng phải dì đã cho con nghỉ một buổi sao? Thế chẳng phải lời dì nói chẳng là gì ư?” Dì tôi, một bà lão đã ngoài 80 tuổi, cứ vòng qua vòng lại, bước tới bước lui càm ràm những lời đó, bất kể tôi có giải thích thế nào dì vẫn cứ nói mình không phải là người như vậy. Tuy thấy dì không có ác ý gì nhưng trong tâm tôi vẫn cảm thấy rất ủy khuất, ở trong bếp vừa làm việc vừa khóc, rồi thầm nghĩ: tiền lương đã thấp nhất rồi, vậy mà từ trước đến nay mình cũng chưa bao giờ chê ít; nấu nướng, dọn dẹp, đủ thứ việc mình đều cố làm tốt mà chưa từng kêu mệt; 1 giờ chiều mới đến mà một mình phải làm cơm cho bảy người ăn, lại còn phải làm sủi cao nữa thì sao có thể xoay sở kịp. Mình đến sớm một chút cũng không phải cho rằng dì ấy giả tâm giả nghĩa, vậy mà dì lại cứ càm ràm mãi vậy chứ? Tâm tôi cảm thấy không thoải mái, buổi trưa hai người chúng tôi ăn cơm mà tôi không nói một lời nào. Ăn xong tôi bắt đầu chuẩn bị bữa tối, một lúc sau, sau khi xong xuôi mọi việc, tôi lặng lẽ chào một tiếng rồi mau chóng về nhà chuẩn bị bữa cơm cho nhà mình.

Ăn xong, trong tâm tôi vẫn cứ thấy lấn cấn khó chịu, dọn dẹp bát đũa bát xong, tôi thẫn thờ ngồi trên giường, cảm giác ủy khuất kìm nèn trong tâm dường như nhất thời rất khó buông xuống. Lúc này, Pháp của Sư phụ đột nhiên hiển hiện trong tâm trí tôi:

“Tu luyện nhân
Tự trảo quá
Các chủng nhân tâm khứ đích đa
Đại quan tiểu quan biệt tưởng lạc
Đối đích thị tha
Thác đích thị ngã
Tranh thậm ma” (Thùy thị thùy phi – Hồng Ngâm III)

Tạm dịch:

“Người tu luyện
Tự tìm lỗi
Các loại nhân tâm phải bỏ nhiều
Quan ải lớn nhỏ chớ rớt lại
Cái đúng là họ
Cái sai là mình
Còn tranh gì nữa” (Ai đúng ai sai – Hồng Ngâm III)

Pháp của Sư phụ mang theo năng lượng cường đại khiến tinh thần tôi lập tức phấn chấn trở lại, tâm trí đang từ chỗ hướng ngoại nhìn lập tức chuyển sang hướng nội tìm. Dì tôi nói “ngày nghỉ” (phiên âm Hán Việt của từ này là “không giả”), chữ “không” này chẳng phải tương ứng với ‘không thật’ sao? Còn chữ “giả” kia chẳng phải tương ứng với “không chân” sao? Đó chẳng phải là vì tôi chưa làm được chân tu, thực tu nên Sư phụ mới mượn lời của dì để điểm hóa cho tôi ư? Sư phụ đã nhiều lần dạy chúng ta rằng bất kể làm việc gì thì trước tiên đều cần phải nghĩ cho người khác trước, đứng ở góc độ của người khác mà suy xét vấn đề. Trong việc này, tôi có lỗi khi không nói trước với dì lý do tôi vẫn sẽ đến vào buổi sáng, để dì hiểu rõ vấn đề rồi mới đến. Hơn nữa, rất có khả năng dì tôi muốn nhân cơ hội này để thể hiện sự cảm ơn, hài lòng và cảm thông đối với công việc của tôi, vốn dĩ dì tôi có ý tốt, nhưng hành động của tôi lại khiến dì ấy nhất thời không hiểu và đã càm ràm không ngớt.

Ngày hôm sau đến nhà dì, vừa bước vào cửa, tôi đã nhanh chóng nhận lỗi, nói: “Dì ơi, con xin lỗi, là lỗi của con” … Không để tôi giải thích, dì mau chóng ngắt lời tôi, nói: “Con à, đó đâu phải lỗi của con, là dì đã sai, dì không nghĩ ra rằng buổi chiều mình con phải chuẩn bị cơm cho bảy người, lại còn làm cả sủi cảo nữa. Dì già rồi nên hồ đồ đó, con đừng trách dì nhé!” Nói xong, cả dì và tôi đều rơi nước mắt.

Tôi nói: “Dì à, dì biết mẹ con đã 88 tuổi rồi. Có thể dì cũng cảm nhận được con phục vụ dì cũng tận tâm tận lực như chăm sóc mẹ của con vậy. Đó là vì Sư phụ của Đại Pháp đã dạy các đệ tử rằng đối với ai cũng cần đối xử cho tốt, đối với ai cũng cần thiện, như vậy mới là đệ tử chân tu của Ngài!” Dì tôi nói: “Con à, dì thấy con đọc cuốn sách đó hàng ngày nên cũng nghĩ đó chắc chắn phải là một cuốn sách hay. Đó hẳn phải là chính đạo! Con có thể cho dì một cuốn để dì đọc được không?“ Tôi đương nhiên là hoàn toàn tán đồng.

(Phụ trách biên tập: Lâm Hiểu)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/5/467724.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/5/214184.html

Đăng ngày 17-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share